10 bộ phim xuất sắc nhất của Củng Lợi
“Cao lương đỏ”, “Cúc Đậu”, “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Hồi ức của một geisha”… là những tác phẩm “người đàn bà đẹp” Trung Quốc đã tạo được nhiều ấn tượng với người xem.
Cao lương đỏ (Red Sorghum)
Năm 1987 đánh dấu lần đầu tiên hợp tác của cặp đôi xuất sắc làng điện ảnh Hoa ngữ: Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi với bộ phim Cao lương đỏ, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn. Đây là bước đi đầu tiên vững chắc của Củng Lợi, bởi thành công vang dội của bộ phim đã nhanh chóng đưa tên tuổi của cô lên hàng ngôi sao.
Trong bộ phim đầu tay của đạo diễn tài hoa họ Trương, Củng Lợi vào vai một người phụ nữ trẻ đẹp mang khát vọng tình yêu mãnh liệt và mỗi khoảnh khắc hạnh phúc của cô đều gắn với hình ảnh cây cao lương. Vẻ đẹp đậm chất Á Đông cộng với diễn xuất xuất thần của Củng Lợi đã cống hiến cho khán giả một nhân vật “bà tôi” đầy ấn tượng, gây xúc động mạnh và đánh dấu sự xuất hiện một minh tinh màn bạc mang tầm cỡ quốc tế của điện ảnh Trung Quốc.
Cúc Đậu (Ju Dou)
Tài năng đạo diễn của Trương Nghệ Mưu kết hợp với diễn xuất tuyệt vời của Củng Lợi đã làm nên một tác phẩm Cúc Đậu thật sự xuất sắc. Bộ phim là bi kịch của những người muốn được tự do luyến ái trong xã hội phong kiến để rồi chỉ tìm thấy sự chối bỏ của xã hội và dòng tộc.
Chuyện phim lấy bối cảnh làng quê Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 20, kể về cuộc đời của nhân vật chính Cúc Đậu. Cô bị ép gả cho chủ xưởng nhuộm Dương Kim San độc ác, tàn bạo, mắc bệnh vô sinh nhưng lại ép vợ có con với mình. Trong khi phải chịu quá nhiều áp bức, Cúc Đậu nảy sinh mối tình vụng trộm với cháu ruột nhưng thực chất chỉ là người làm công của lão Dương là Dương Thiên Thanh. Kết quả mối tình này là một cậu con trai. Ttất cả những tấn bi kịch như chỉ mới chỉ bắt đầu từ đây.
Đèn lồng đỏ treo cao (Raise the red lantern)
Đèn lồng đỏ treo cao luôn được biết đến như một trong những sự hợp tác thành công nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và nữ diễn viên Củng Lợi. Bộ phim tiếp tục đưa tên tuổi của đôi tình nhân một thời này vang xa, đồng thời góp phần mở ra góc nhìn mới về điện ảnh Trung Hoa.
Tình dục và quyền lực, giành giật và kìm nén, là những chủ đề đan xen vào nhau trong phim. Bối cảnh quanh quẩn ở trong tòa đại viện của một lão gia giàu có vào những năm 1920, kể câu chuyện về thói ăn miếng trả miếng của các bà vợ sống trong cảnh cá chậu chim lồng. Họ giở đủ mọi thủ đoạn để giành ưu tiên lọt vào tầm chiếu cố của lão gia.
Thu Cúc đi kiện (The Story of Qiu-Ju)
Trong bộ phim Thu Cúc đi kiện, Củng Lợi đã hy sinh vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành để hóa thân xuất sắc thành một người phụ nữ thôn quê nhếch nhác với cái bụng “chửa vượt mặt”. Tuy nhiên, chính điều này đã giúp diễn xuất của cô được đánh giá xuất sắc và Thu Cúc cũng trở thành một trong những vai diễn để đời của “người đàn bà đẹp” Trung Hoa.
Chuyện phim kể về nhân vật chính Thu Cúc quyết tâm đi kiện đến cùng vì chồng bị đá vào “của quý” trong một lần tranh cãi với vị trưởng làng. Cô coi đây là hành động hách dịch ỷ có quyền thế nên cô chờ một lời xin lỗi. Dù đang có mang, cô cũng đi đến thị trấn để thưa chuyện với những người có chức quyền. Không thoả mãn với cách giải quyết của họ, một sự dàn xếp tài chính chứ không phải một lời xin lỗi, cô mang sự việc đến tận thành phố, lên tỉnh, cuối cùng đến tận thủ đô.
Bá vương biệt cơ (Farewell my concubine)
Bá vương biệt cơ đã giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1993 và từng được bình chọn là phim Trung Quốc được yêu thích nhất mọi thời đại. Bộ phim thành công vang dội của đạo diễn trứ danh Trần Khải Ca có sự diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên chính là Củng Lợi và cố nam diễn viên nổi tiếng Trương Quốc Vinh.
Chuyện phim trải dài suốt hơn 50 năm lịch sử Trung Quốc, từ những năm đầu Dân Quốc cho đến những năm cuối của Đại cách mạng Văn hóa, nơi số phận con người bị xô đẩy, chà đạp qua những vinh quang, đắng cay tăm tối mà gần 2 thập kỷ qua đã lấy đi bao giọt nước mắt thương cảm của người xem. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài cho số phận éo le của những người nghệ sĩ tài hoa. Trong những thước phim này có hai nàng Ngu Cơ bạc mệnh, lựa chọn cái chết để giữ trọn tình yêu của đời mình.
Đường Bá Hổ và Diễm Thu Hương (Flirting scholar)
Nhân vật Thu Hương là một trong những vai diễn có sự khác biệt so với những nhân vật trước đó của Củng Lợi. Trong bộ phim sản xuất năm 1993 của đạo diễn Lý Trực Trì, nữ diễn viên xinh đẹp đóng cặp ăn ý với nam diễn viên hài lừng danh Châu Tinh Trì (vào vai Đường Bá Hổ).
Video đang HOT
Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu của tài tử Đường Bá Hổ nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa và nàng Thu Hương xinh đẹp, thông minh. Ngoài tài năng thơ họa kiệt xuất, Đường Bá Hổ còn là một anh chàng đào hoa, sống buồn chán với tám bà vợ. Cho đến một ngày kia, anh tìm được tình yêu đích thực là Thu Hương và quyết tâm chinh phục nàng.
Phải sống (To live)
Tiểu thuyết To live của nhà văn Yu Hua đã được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu chuyển hóa thành bộ phim cùng tên và được tôn vinh ở Liên hoan phim Cannes năm 1994. Bộ phim có sự diễn xuất tài tình của hai diễn viên Củng Lợi và Cát Ưu.
Chuyện phim kể về Fugui, chàng trai trẻ giàu có và ngạo mạn, thường qua đêm với những trò đỏ đen và đã mất không ít tiền. Tất cả bắt đầu khi mà Fugui, ông bố trẻ của gia đình và là người chồng hạnh phúc với cô vợ Jiazhen (Củng Lợi), vướng vào trò cờ bạc đến nỗi đánh mất tất cả gia sản tiền bạc. Khi Fugui nhận thức được sai lầm đã quá muộn, hoàn cảnh của anh trở nên không thể cứu vãn nổi, người bố qua đời, còn người vợ khi đó đang mang thai đứa con thứ hai, quyết định rời bỏ anh và mang theo đứa con gái đầu. Anh chỉ còn lại một mình, cô đơn, không xu dính túi và lang thang rách rưới trên phố.
Bô phim 2046 sản xuất năm 2004 của đạo diễn kỳ tài Vương Gia Vệ hội tụ nhiều ngôi sao hàng đầu điện ảnh Hoa ngữ như: Lương Triều Vỹ, Củng Lợi, Chương Tử Di, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh… Tuy vậy, diễn xuất của Củng Lợi không bị nhạt nhòa mà còn tạo được dấu ấn đắt giá nhất trong bộ phim.
Chuyện phim bắt đầu từ nhân vật Chu Mộ Vân (Lương Triều Vỹ) từ Singapore trở lại Hong Kong sau khi chia tay Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc đóng). Tô Lệ Trân là người yêu của Chu Mộ Vân trong Tâm trạng khi yêu – bộ phim được coi là phần 1 của 2046. Hình ảnh Tô Lệ Trân trong phim chỉ xuất hiện thoảng qua trong ký ức của Chu. Tại Hong Kong, Chu lần lượt gặp gỡ tình cờ với Chương Tử Di vàCủng Lợi trong căn phòng 2046 và câu chuyện tình yêu tay ba diễn ra đầy hấp dẫn, thú vị, xen lẫn sự ám ảnh, day dứt. Trong phim, tương lai và quá khứ cứ thay thế nhau lần lượt như thoi đưa khiến bộ phim mang không khí thần bí.
Hồi ức của một geisha ( Memoirs of a geisha)
Hồi ức của một geisha là bộ phim hoành tráng đầu tiên của Hollywood có dàn diễn viên chủ đạo người châu Á. Bộ phim là dấu chân đầu tiên của các mỹ nhân Hoa ngữ, đặc biệt là Củng Lợi và Chương Tử Di trên “mảnh đất màu mỡ” Hollywood.
Chuyện phim kể về cuộc đời của nàng geisha Nitta Sayuri (Chương Tử Diđóng). Từ khi còn nhỏ, Nitta cùng chị gái Satsu đã bị bán vào các okiya. Sau đó người chị trốn thoát, còn Nitta kẹt lại. Nitta đã phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt với rất nhiều bộ môn như vũ đạo, đàn hát, kể chuyện, pha trà… để trở thành một geisha thực sự. Tuy nhiên, cô luôn bị hành hạ và làm nhục bởi nữ hoàng geisha của những năm 1930 là Hatsumomo (Củng Lợi đóng).
Sát nhân thịt người ( Hannibal rising)
Củng Lợi có thêm bước khẳng định mình khi tham gia bộ phim thuộc thể loại kinh dị năm 2007 của Hollywood, Sát nhân thịt người. Điều đặc biệt nữa là ở độ tuổi ngoài ngũ tuần, “người đàn bà đẹp” Trung Hoa vẫn đóng cặp thật ngọt ngào với nam diễn viên Gaspard Ulliel khi đó mới chỉ 22 tuổi.
Nội dung phim kể về nguồn gốc của Hannibal Lecter, kẻ sát nhân từng làm cả thế giới phải khiếp sợ qua bộ phim Sự im lặng của bầy cừu. Từ khi Hannibal còn là một đứa trẻ, chứng kiến sự tan vỡ của gia đình cho tới ngày trở thành bác sĩ tài giỏi, anh quay về trả thù những kẻ đã sát hại gia đình, đồng thời tự biến mình thành tên sát nhân hàng loạt.
Theo Đẹp
10 bộ phim xuất sắc của điện ảnh Hoa ngữ
"Anh hùng", "Vô gian đạo, "Ngọa hổ tàng long" đều nằm trong danh sách danh giá này.
10. Anh hùng (Hero - 2002)
Anh hùng với dàn sao "hoành tráng" - Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di, Chung Tử Đơn, Trương Mạn Ngọc, Trần Đạo Minh
Anh hùng được cho là bộ phim mở đường cho điện ảnh Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới. Được thực hiện theo quy trình sản xuất phim của Hollywood và đầu tư lên tới 30 triệu USD, đây là bộ phim đắt giá nhất của Trung Quốc vào thời điểm đó.
Bộ phim đã làm sống lại nền điện ảnh của Trung Quốc, kéo khán giả đến rạp chiếu và thu về hơn 30 triệu USD tiền vé nội địa. Đây cũng là bộ phim đầu tiên có được doanh thu "khủng" trong nhiều thập kỷ qua.
Không chỉ thành công ở Trung Quốc, Anh hùng còn được thế giới đón nhận. Ngay trong tuần đầu tiên công chiếu ở Mỹ, Anh hùng ngay lập tức có được vị trí số 1 về doanh thu. Tính ở thị trường nước ngoài, bộ phimthu về hơn 120 triệu USD.
Anh hùng cũng được coi là bộ phim tiên phong cho những bộ phim toàn sao và đầu tư khủng ở Trung Quốc sau này. Tuy nhiên, bộ phim này không được đánh giá cao về mặt nội dung.
9. Đại thoại tây du (A Chinese Odyssey Duology - 1994)
Đây là bộ phim của đạo diễn Lưu Trấn Vĩ với sự tham gia "vua hài" Châu Tinh Trì, Mạc Văn Úy và Ngô Mạnh Đạt.
Lưu Trấn Vĩ và Châu Tinh Trì đã sử dụng 4 thầy trò Đường Tăng trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký để tạo nên câu chuyện cho Đại thoại tây du. Phim có sự kết hợp của các yếu tố như tình cảm, kungfu và du hành thời gian.
Ra mắt năm 1995, Đại thoại tây du thất bại thảm hại. Không chỉ bị chê tơi bời, doanh thu của phim cũng quá thấp so với kỳ vọng. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, Đại thoại tây du bất ngờ trở thành chủ đề "hot" của giới trẻ. Một số người thậm chí còn gọi đây là "tác phẩm kinh điển của thời hậu hiện đại". Vào thời điểm đó, Đại thoại tây du được nhắc đến nhiều hơn bất kỳ bộ phim nào và thậm chí rất nhiều câu thoại của phim trở thành tuyên ngôn của giới trẻ Trung Quốc.
Xem lại Đại thoại tây du vào lúc này, người ta có thể chê kỹ xảo thô sơ, nhưng khó thể phủ nhận tính hài hước và những khoảnh khắc vô cùng xúc động của phim.
8. Vô gian đạo (Infernal Affairs - 2002)
Bộ phim sản xuất năm 2002 của cặp đôi đạo diễn Mạch Triệu Huy và Lưu Vĩ Cường được đánh giá là bước đột phá cho dòng phim cảnh sát của Hong Kong. Cũng như Anh hùng, Vô gian đạo, tác phẩm điện ảnh này khơi lại tình yêu của khán giả và kéo họ đến với các rạp chiếu đang phủ bụi.
Vô gian đạo được ca ngợi ở nhiều điểm, đầu tiên là một cốt truyện hay, gay cấn với những nhân vật hấp dẫn, bất ngờ ở cả hai tuyến: tội phạm và cảnh sát. Hai diễn viên chính Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa đã hoàn thành xuất sắc vai diễn. Đặc biệt là Lưu Đức Hoa, chưa bao giờ người hâm mộ được thấy thiên vương Hong Kong tỏa sáng đến như thế. Nhạc phim cũng được liệt vào danh sách kinh điển.
Vô gian đạo còn ảnh hưởng tới cả Hollywood. Năm 2007, đạo diễn Martin Scorsese đã làm lại bộ phim này với cái tên The Departed. Phim đã đem về 2 giải Oscar quan trọng là Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
7. Ngọa hổ tàng long (Crouching tiger, Hidden Dragon - 2000)
Bộ phim sản xuất năm 2000 của đạo diễn Lý An đã nhận được những phản ứng trái chiều ở Mỹ và Trung Quốc. Nếu ở thị trường Bắc Mỹ, Ngọa hổ tàng long thu về hơn 130 triệu USD tiền vé từ và đưa cái tên Chương Tử Di gia nhập hàng sao quốc tế, thì ở Trung Quốc, phim lại nhận được sự thờ ơ của khán giả.
Tuy nhiên, việc khán giả ở những nền văn hóa khác nhau phản ứng không đồng nhất trước một bộ phim không phải là điều khó hiểu. Với người Trung Quốc, việc thấy những diễn viên chính trong một bộ phim hành động có quá nhiều cảnh tình cảm vô nghĩa và bay qua bay lại như siêu nhân suốt thời lượng của phim không có gì hấp dẫn. Trong khi đó, với khán giả phương Tây, những rắc rối tình cảm lại là phần bổ sung hoàn hảo cho những cảnh chiến đấu trong phim.
Trên thực tế, các nhân vật trong phim dù xuất chúng nhưng vẫn rất đời thường, đủ để ai xem cũng có thể nhìn thấy bản thân mình trong đó. Bên cạnh đó, từ âm nhạc, phục trang cho đến quay phim của Ngọa hổ tàng long đều được đánh giá là xuất sắc. Những yếu tố này giúp bộ phim vượt trội hơn so với các tác phẩm đi trước.
6. A phi chính truyện (Days of being wild - 1990)
Bộ phim do chính Vương Gia Vệ viết kịch bản và đạo diễn này kể về câu chuyện tình của 6 người trẻ ở Hong Kong. Bên cạnh cái tên Vương Gia Vệ, phim còn có một dàn diễn viên "hoành tráng" gồm Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh, Trương Học Hữu và Lưu Đức Hoa.
A Phi chính truyện được coi là bộ phim mở đầu cho dòng phim nghệ thuật của Vương Gia Vệ. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên mà đạo diễn họ Vương hợp tác cùng nhà quay phim Christopher Doyle. Sau này, Vương Gia Vệ còn có thêm 7 bộ phim khác với nhà quay phim người Úc.
Sự xuất sắc của A Phi chính truyện được ghi nhận bằng hàng loạt giải thưởng lớn như Diễn viên chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại giải Kim Tượng năm 1991. Phim cũng đứng thứ 3 trong danh sách 100 bộ phim Trung Quốc xuất sắc nhất từ trước tới nay do các nhà phê bình phim Hong Kong bình chọn năm 2005.
5. Bi tình thành thị (A city of sadness - 1989)
Được "nhào nặn" dưới bàn tay của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, Bi tình thành thị là câu chuyện về một gia đình dưới thời Quốc dân đảng tiến hành "Khủng bố trắng". Đây là bộ phim đầu tiên đề cập đến sự kiện ngày 28/2/1947 - một dấu tích khó phai trong lịch sử Đài Loan khi có hàng ngàn người bị giết hại.
Đạo diễn Hầu đã rất giỏi khi vẽ ra bức tranh toàn cảnh của xã hội Đài Loan vào thời điểm đó thông qua bi kịch của một gia đình. Bi tình thành thị phản ánh sự xung đột giữa người bản xứ với người nhập cư, giữa những người dân địa phương với Quốc dân đảng.
Bi tình thành thị là bộ phim đầu tiên trong series phim về lịch sử của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, sau này là The Puppet Master (1993) và Good men, good women(1995). Phim đã giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice lần thứ 46 năm 1989 và là bộ phim tiếng Trung đầu tiên có được vinh dự này.
4. Nhất Nhất (Yi Yi: A One and a Two - 2000)
Bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ của đạo diễn Dương Đức Xương là câu chuyện kể một gia đình trung lưu ở Đài Loan với 3 thế hệ sống bên nhau. Nhất Nhất có tiết tấu chậm và dường như thiếu cao trào nhưng lại là bức tranh chân thực về cuộc sống hàng ngày của những con người nơi đây.
Với Nhất Nhất, đạo diễn Dương đã giành được giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes năm 2000. USA Today, New York Times, Newsweek và Hiệp hội Phê bình phim đồng loạt trao cho Nhất Nhất danh hiệu một trong những bộ phim hay nhất 2001. Năm 2002, tạp chí Sight and Sound của Hiệp hội điện ảnh Anh quốc còn bình chọn Nhất Nhất là một trong những bộ phim đáng xem nhất trong vòng 25 năm qua.
3. Bá vương biệt cơ (Farewell My Concubine - 1993)
Bá vương biệt cơ của đạo diễn Trần Khải Ca vẫn được nhắc đến như một đỉnh cao của nền điện ảnh Trung Quốc. Đây là bộ phim duy nhất của Trung Quốc cho đến thời điểm này giành được Cành cọ vàng danh giá của Liên hoan phim Cannes.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết của Lý Bích Hoa, Bá vương biệt cơ có một dàn diễn viên đáng mơ ước với những cái tên như Trương Quốc Vinh, Củng Lợi, Cát Ưu. Phim là câu chuyện về cuộc đời sóng gió của 2 diễn viên Kinh Kịch trước những rối loạn của chính trường và xã hội Trung Quốc trong giai đoạn 1920 - 1970. Bá vương biệt cơ có nói tới cuộc cách mạng văn hóa (1966 - 1976) ở Trung Quốc. Đây cũng là sự kiện dẫn đến cái kết bi thảm của phim. Bên cạnh đó, phim còn nhắc tới chủ đề đồng tính - một chủ đề vẫn còn hiếm hoi với điện ảnh Hoa ngữ cho đến thời điểm này.
2. Tiểu thành chi xuân (Spring in a small town - 1948)
Bộ phim về chuyện tình tay ba này được xây dựng dựa trên vở kịch ngắn của Lý Thiên Tể, do Phí Mục đạo diễn và công ty Văn Hoa Thượng Hải sản xuất.
Không có một cốt truyện phức tạp nhưng Tiểu thành chi xuân lại hấp dẫn người xem ở cảm xúc của từng nhân vật. Đây cũng là bộ phim được coi là tiên phong trong việc vận dụng ngôn ngữ thơ vào điện ảnh.
Tiểu thành chi xuân được đánh giá cao ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Các nhà làm phim Trung Quốc đều nhất trí liệt bộ phim vào dạng kinh điển. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng khẳng định đây là bộ phim Trung Quốc mà ông yêu thích nhất.
Năm 2005, Hiệp hội giải thưởng điện ảnh Hong Kong tôn vinh Tiểu thành chi xuân là bộ phim Trung Quốc xuất sắc nhất. Năm 2012, tờ Winnipeg Free Presscủa Canada cũng xếpbộ phim ở vị trí số 1 trong danh sách 10 phim Trung Quốc hay nhất.
1. Sông xuân nước chảy hướng về đông (A spring river flows east - 1947)
Bộ phim dài hơn 3 tiếng và được chia làm 2 phần của đạo diễn Sái Sở Sinh và Trịnh Quân Lý là một trong những cột mốc đáng nhớ của điện ảnh Trung Quốc.
Phim là câu chuyện xúc động về một gia đình Thượng Hải trong thời chiến tranh Trung - Nhật (1930s - 1940s) và cuộc biến đổi của nhân vật chính từ một người chàng thanh niên trẻ trung đầy hoài bão, có triển vọng thành một viên chức xảo trá và lóa mắt vì tiền.
Ngay khi ra đời năm 1947, bộ phim đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng Thượng Hải. Phim được chiếu rạp hơn 3 tháng và có hơn 700.000 khán giả. Con số này tương đương với 15% dân số Thượng Hải lúc bấy giờ. Sông xuân nước chảy hướng về đông vẫn được coi là bộ phim thành công nhất của điện ảnh Hoa ngữ trước khi nhà nước Trung Quốc được thành lập năm 1949.
Theo Infonet
Khán giả 'mê mệt' nghe Lưu Diệc Phi hát live "Thần tiên tỉ tỉ" chứng minh giọng hát của mình cũng đẹp không kém ngoại hình một chút nào. Tại buổi họp báo công chiếu phim Đồng Tước đài, khi nam diễn viên Tô Hữu Bằng tiết lộ với khán giả rằng ca khúc mà nhân vật vua Hán Hiến Đế thể hiện trong phim do chính anh thể hiện, ngay lập tức...