10 bộ phim hay để thưởng thức trong dịp Tết nguyên đán
Có lẽ không nhiều người muốn chọn một bộ phim quá nặng nề để tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới. Zing.vn chọn ra mười bộ phim để thưởng thức trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay.
Raiders of the Lost Ark (1981): Trong thập niên 1980, Steven Spielberg cùng George Lucas cùng nhau sáng tạo ra một trong những nhân vật hành động nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh: nhà khảo cổ học Indiana Jones. Theo chân tài tử Harrison Ford, người xem được dấn thân vào những chuyến phiêu lưu đầy lý thú và hài hước, đến với những cổ vật hay kho báu chứa đựng quyền năng bí ẩn. Sau Raiders of the Lost Ark, Indiana Jones của Ford còn xuất hiện trong ba tập phim nữa là Temple of Doom, The Last Crusade và Kingdom of the Crystal Skull.
My Neighbor Totoro (1988): Ra đời cách đây gần ba thập kỷ, My Neighbor Totoro là bộ phim hoạt hình biểu tượng của Studio Ghibli. Chuyện phim bắt đầu khi Satsuki và Mei chuyển tới một căn nhà cũ để có thể được ở gần hơn chỗ bệnh viện nơi mẹ hai cô bé đang điều trị. Tại đây, hai chị em gặp gỡ và làm quen nhiều sinh vật kỳ lạ nhưng hết sức dễ thương, trong đó có “hàng xóm Totoro”. Mang nội dung trong sáng và ý nghĩa, My Neighbor Totoro là tác phẩm mà cả nhà có thể cùng nhau thưởng thức trong ngày đầu năm mới.
Terminator 2: Judgment Day (1991): Ra đời trong đầu thập niên 1990, Judgment Day luônđược coi là đỉnh cao của loạt phim hành động Kẻ hủy diệt. Bộ phim của đạo diễn James Cameron đem đến nhiều pha hành động hoành tráng với tài tử Arnold Schwarzenegger, nhân vật “người máy chất lỏng” T-1000 đáng sợ với những kỹ xảo điện ảnh tới nay vẫn chưa lỗi thời, và câu thoại nổi tiếng “I’ll be back” (Tôi sẽ trở lại). Mùa hè năm nay, khán giả sẽ được thưởng thức phần năm của Teminator mang tên Genisys.
The Truman Show (1998): 1,7 tỷ người đã chứng kiến khoảnh khắc Truman Burbank chào đời và 220 quốc gia dõi theo bước đi đầu tiên trong đời của anh. Chàng trai Truman là một ngôi sao thực sự, chỉ có điều anh hoàn toàn không hề biết điều này! Cả cuộc đời của nhân vật chính vốn là một chương trình truyền hình thực tế được xây dựng công phu bên trong phim trường trong suốt gần ba thập kỷ. Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra khi Truman khám phá ra sự thật đó? Bên cạnh chuyện châm biếm sâu cay các chương trình truyền hình thực tế, The Truman Show còn như một lời nhắc nhở người xem đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ bên trong mình.
Video đang HOT
Amélie (2001): Bộ phim hài hước của điện ảnh Pháp là một tác phẩm “gối đầu giường” đối với nhiều thế hệ khán giả nữ. Amélie xoay quanh nhân vật chính cùng tên do Audrey Tautou thủ vai, một cô bồi bàn nhút nhát, ngây thơ. Cô gái muốn thay đổi cuộc sống của những người xung quanh mình sao cho tốt đẹp hơn, và cũng nhờ đó mà khám phá ra tình yêu đích thực của đời mình. Xem Amélie, khán giả được thưởng thức lối diễn xuất quyến rũ của Audrey Tautou, cách kể chuyện độc đáo của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet, cũng như được du ngoạn tới Paris qua màn ảnh nhỏ.
The Prestige (2006): Đến từ đạo diễn Christopher Nolan là câu chuyện bí ẩn và kịch tính về hai ảo thuật gia thù địch. Lấy bối cảnh London thế kỷ XIX, Robert Angier và Alfred Borden vốn là những cộng sự ăn ý, cho tới khi vợ của Angier là McCullough gặp phải tai nạn trên sân khấu và bỏ mạng. Angier cho rằng chuyện này đến từ lỗi của Borden và hai người trở nên thù địch kể từ đó, liên tục phá hoại những buổi diễn của nhau. Mang đúng phong cách Nolan nên The Prestige gây ra rất nhiều tranh luận suốt gần một thập kỷ qua về những gì thực sự đã diễn ra cũng như cái kết của toàn bộ câu chuyện.
Little Miss Sunshine (2006): Nhà Hoover là một gia đình kỳ lạ. Họ bao gồm hai vợ chồng Sheryl và Richard thất bại trong công việc; người em vợ tên Frank vừa có ý định tự sát do bị bạn trai đồng tính khước từ; cậu con trai Dwayne thề im lặng sau khi “giác ngộ” tư tưởng của Nietzsche; người ông Edwin luôn có phần bỗ bã. Nhưng quan trọng nhất là bé Olive với ước mơ trở thành Hoa hậu nhí ánh dương. Chuyến hành trình đưa Olive đến với cuộc thi sắc đẹp cũng là lúc từng thành viên của gia đình gạt đi những bất đồng, chấp nhận khiếm khuyết của nhau để cùng nhau giúp Olive đăng quang.
Toy Story 3 (2010): Câu chuyện đồ chơi là một trong những loạt phim hiếm hoi phá vỡ định kiến “phần sau dở hơn phần trước”. Trong đó, phần ba thường được đánh giá cao nhất, bắt đầu từ chuyện nhóm nhân vật đồ chơi bị chuyển nhầm tới một nhà trẻ ngay trước khi cậu chủ Andy chuẩn bị gia nhập trường đại học. Song, chàng cao bồi Woody và những người bạn cho rằng họ chưa hề bị bỏ rơi và quyết định tìm đường trở về nhà. Toy Story 3 là một tác phẩm gây cảm xúc cho cả trẻ em lẫn người lớn, bởi ai cũng có lúc phải trưởng thành và phải quyết định xem mình sẽ làm gì với đống đồ chơi gắn liền với tuổi thơ.
Begin Again (2014): Đến từ tác giả của Once, đạo diễn John Carney, là chuyến hành trình âm nhạc đầy cảm xúc của nhà sản xuất hết thời Dan Mulligan và nhạc sĩ kiêm ca sĩ Gretta James. Cả hai đều có đổ vỡ với cuộc sống riêng, người là vì công việc, kẻ thì vì tình yêu, nhưng mau chóng tìm thấy sự đồng điệu trong âm nhạc. Begin Again có sự tham gia diễn xuất của Keira Knightley, Mark Ruffalo và Adam Levine. Phim giành được đề cử Oscar 2015 tại hạng mục Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc với Lost Stars và sẽ được trình chiếu trên sóng VTV3 trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Whiplash (2014): Sau một cuộc gặp gỡ tình cờ, tay trống Andrew Neiman lọt vào mắt xanh của thầy giáo “hắc ám” Terence Fletcher và được lựa vào ban nhạc jazz danh giá nhất tại Nhạc viện Shaffer, New York. Tưởng như mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp, mối quan hệ giữa hai thầy trò liên tục xảy ra xung đột, chủ yếu bởi cách dạy dỗ hà khắc của thầy Fletcher. Whiplash đặt ra cho người xem nhiều câu hỏi sau khi khép lại, cả về ý chí bên trong mỗi con người cũng như cái giá phải trả cho sự vĩ đại trong nghệ thuật. Phim giành được 5 đề cử Oscar năm nay, trong đó có hạng mụcPhim truyện xuất sắc.
Theo Zing
8 tác phẩm tranh giải 'Phim hay nhất' tại Oscar 2015
Khác với những năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ chỉ chọn tám thay vì chín tác phẩm cho hạng mục "Phim truyện xuất sắc" tại Oscar 2015.
Boyhood: Giành giải Phim truyện xuất sắc tại BAFTA và Quả cầu vàng, tác phẩm điện ảnh mất 12 năm thực hiện của đạo diễn Richard Linklater hiện là ứng viên số một cho hạng mục quan trọng nhất tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 87. Bộ phim là những lát cắt hết sức chân thực về quá trình trưởng thành của cậu bé Mason Evans Jr. bên cạnh hai cha mẹ đã ly hôn. Boyhood có tổng cộng sáu đề cử tại Oscar 2015, trong đó có Phim truyện, Đạo diễn, Nam diễn viên phụ, Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Phim dự kiến chính thức ra mắt khán giả Việt tại rạp từ ngày 6/3.
Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance): Đối thủ chính của Boyhood tại Oscar 2015 là Birdman, một tác phẩm được coi như lời tôn vinh dành cho nghiệp diễn xuất. Nhân vật chính của phim là Riggan Thomson (Michael Keaton), một diễn viên phim siêu anh hùng nay đã hết thời và cố gắng giành lại vinh quang từ sân khấu kịch nghệ.Birdman dù thất bại ở BAFTA và Quả cầu vàng nhưng lại được vinh danh tại nhiều giải thưởng của các hiệp hội phim ảnh nước Mỹ, từ sản xuất, đạo diễn cho đến diễn viên. Phim là một trong hai tác phẩm có nhiều đề cử nhất tại Oscar 2015 khi tranh tài ở tổng cộng chín hạng mục.
American Sniper: Dù bị Quả cầu vàng ngó lơ, bộ phim mới nhất của đạo diễn Clint Eastwood vẫn nhận được tới 6 đề cử Oscar, trong đó có Phim truyện xuất sắc. American Sniper cũng đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tài tử Bradley Cooper có đề cử về diễn xuất tại Oscar khi anh hóa thân thành xạ thủ Chris Kyle. Đây là nhân vật có thật, từng phục vụ cho quân đội Mỹ và tiêu diệt 255 quân địch tại nhiều chiến trường, trong đó có Iraq. American Sniper hiện đạt doanh thu hơn 360 triệu USD trên toàn cầu và là một trong những tác phẩm lấy đề tài chiến tranh hiện đại ăn khách nhất lịch sử.
The Grand Budapest Hotel: Bất ngờ vượt qua Birdman tại Quả cầu vàng là bộ phim mới của đạo diễn Wes Anderson. Cùng với chính Birdman, The Grand Budapest Hotel nhận được nhiều đề cử Oscar nhất năm nay khi cũng tranh tài ở chín hạng mục. Câu chuyện trong phim lồng ghép từ nhiều sự hồi tưởng, với tâm điểm là những sự kiện xảy ra ở khách sạn Grand Budapest quý tộc vào thập niên 1930 sau khi một khách quen tại đây qua đời. Phim vừa mới có năm chiến thắng tại BAFTA - giải thưởng tương đương với Oscar của xứ sở sương mù.
The Imitation Game: Được nhắc đến nhiều sau khi có màn ra mắt ấn tượng tại LHP Quốc tế Toronto 2014, nhưng The Imitation Game càng về cuối cuộc đua càng tỏ ra hụt hơi. Phim có năm đề cử Quả cầu vàng và chín đề cử BAFTA, nhưng rốt cuộc về tay trắng. Tại Oscar 2015, The Imitation Game tranh tài ở tám hạng mục, đáng chú ý có Phim truyện,Nam diễn viên chính, Nữ diễn viên phụ và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Bộ phim kể lại cuộc đời của nhà toán học đồng tính thiên tài Alan Turing, người có những đóng góp thầm lặng nhưng cực kỳ to lớn cho quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ II khi phá giải thành công mật mã Enigma của phát xít Đức.
The Theory of Everything: Dựa trên cuốn hồi ký Travelling to Ifinity: My Life with Stephen của bà Jane Wilde Hawking, bộ phim The Theory of Everything xoay quanh cuộc đời của khoa học gia thiên tài Stephen Hawking và đặc biệt tập trung vào đời sống tình cảm của ông với người vợ đầu tiên. Phim vừa giành giải Phim Anh xuất sắc của BAFTA, còn tài tử Eddie Redmayne thì liên tiếp được tôn vinh là Nam diễn viên chính xuất sắc tại nhiều giải thưởng khác nhau, giúp anh trở thành ứng viên số một cho hạng mục này tại Oscar lần thứ 87. The Theory of Everything có tổng cộng năm đề cử tại Oscar 2015 và dự kiến ra mắt khán giả Việt từ ngày 27/3.
Selma: Dù nhận được đề cử Phim truyện xuất sắc, bộ phim Selma cũng chỉ được tranh tài tại hai hạng mục của Oscar 2015. Cuộc đua còn lại có sự góp mặt của bộ phim là Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc, với Glory của John Legend và Common. Chính điều này khiến Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ vấp phải nhiều chỉ trích và bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc, nhất là khi bỏ qua David Oyelowo với vai mục sư Martin Luther King, Jr. cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Selma kể lại những sự kiện xoay quanh cuộc tuần hành lịch sử của người Mỹ gốc Phi nhằm đòi quyền bình đẳng trong năm 1965 do mục sư này lãnh đạo.
Whiplash: Từng được vinh danh tại LHP độc lập Sundance 2014, Whiplash là một trong những tác phẩm thú vị nhất tranh tài tại Oscar 2015. Bộ phim kể lại mối quan hệ phức tạp giữa cậu học sinh sở hữu niềm đam mê chơi trống nhạc jazz và người thầy "phát xít", sẵn sàng khủng bố học trò dưới mọi hình thức, đồng thời đặt ra câu hỏi về cái giá của sự vĩ đại trong nghệ thuật. Sắm vai người thầy giáo Terence Fletcher trong phim, J.K. Simmons gần như không có đối thủ tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc. Bộ phim Whiplash có tổng cộng 5 đề cử tại Oscar 2015.
Theo Zing
'Boyhood' thắng giải Phim hay nhất tại Oscar nước Anh Giải thưởng điện ảnh BAFTA của đảo quốc sương mù trao giải "Phim truyện xuất sắc" cho "Boyhood", đưa tác phẩm này trở lại vị thế dẫn đầu của cuộc đua Oscar 2015. Trong thời gian qua, Birdman liên tiếp được các nghiệp đoàn phim ảnh vinh danh, trong đó đáng chú ý có giải của Hiệp hội Diễn viên và Đạo diễn...