10 bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất trong năm 2019
Trong năm qua, khán giả điện ảnh từng bị chia rẽ bởi nhiều tác phẩm lớn như “ Joker”, “Captain Marvel”, “ Once Upon a Time in Hollywood”, “ Ad Astra”…
Glass: Là phần tiếp theo của cả Unbreakable (2000) lẫn Split (2017), nhưng Glass của đạo diễn M. Night Shyamalan không đạt đến kỳ vọng của giới phê bình. Đặc biệt, hồi cuối bộ phim bị đánh giá là thiếu kịch tính và chưa đem tới cảm giác thỏa mãn. Bất chấp điều đó, bộ ba phim của nhà làm phim Ấn Độ vẫn có một lượng fan trung thành. Trên mạng xã hội, có không ít ý kiến bảo vệ Glass và cho rằng tác phẩm sẽ chứng tỏ được sức sống qua thời gian.
Alita: Battle Angel: Dự án tâm huyết của nhà sản xuất James Cameron không hẳn gây lỗ, nhưng cũng chưa đến mức đạt lãi lớn để Disney / Fox có thể làm tiếp phần 2. Trước giờ phim ra rạp, phim gây tranh cãi về đôi mắt to tròn của Alita. Không thể phủ nhận Alita: Battle Angel có phần kỹ xảo hình ảnh tuyệt vời. Nhưng cốt truyện tẻ nhạt, đặc biệt là câu chuyện tình yêu giữa Alita và Hugo (Keean Johnson), khiến không ít người cảm thấy ngao ngán.
Captain Marvel: Câu chuyện về nữ hùng do Brie Larson thể hiện thêm một lần nữa giúp Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) vượt qua cột mốc 1 tỷ USD, cũng như được giới phê bình ca ngợi. Song, Captain Marvel thực tế phải hứng chịu không ít chỉ trích từ công chúng. Trước giờ phim ra mắt, Brie Larson có nhiều phát ngôn nhạy cảm nhắm đến phái mạnh. Sau đó, phần diễn xuất của cô trong phim bị nhiều người cho là tẻ nhạt, đơ cứng. Trên thực tế, kịch bản của Captain Marvel cũng không có quá nhiều đột phá, và các anti-fan của Marvel càng được dịp chỉ trích bom tấn.
Godzilla: King of the Monsters: Fan ruột của thương hiệu Godzilla từng phàn nàn về chuyện thời lượng quái vật xuất hiện trên màn ảnh hồi 2014 là quá ít. Đến Godzilla: King of the Monsters, Godzilla cùng các siêu quái vật khác đem tới những trận chiến long trời lở đất. Nhưng với khán giả đại chúng, chỉ các pha hành động thôi là chưa đủ. Kịch bản phim thuộc dạng “đầu voi, đuôi chuột”, và con người liên tục đưa ra các quyết định khó hiểu. Hậu quả là doanh thu Godzilla: King of the Monsters còn chưa chạm mốc 400 triệu USD và khiến vũ trụ quái vật MonsterVerse lâm nguy.
Aladdin: Phiên bản người đóng Aladdin năm nay từng vấp phải nhiều chỉ trích từ trước giờ ra rạp. Tạo hình xanh lè của Thần Đèn do Will Smith thể hiện khiến nhiều người hoài nghi, và nhân vật phản diện thì đẹp trai hơn người hùng Aladdin nhiều lần. Song, chính tể tướng Jafar của Marwan Kenzari rốt cuộc trở thành điểm yếu, còn Will Smith là điểm sáng lớn nhất của bộ phim. Tuy nhiên, Disney có lẽ chẳng cần quan tâm đến hàng loạt tranh cãi trước đó, bởi Aladdin rốt cuộc vẫn thu hơn 1 tỷ USD.
Once Upon a Time in Hollywood: Báo chí quốc tế ca ngợi tác phẩm thứ 9 của đạo diễn Quentin Tarantino hết lời, nhưng đây thực tế vẫn là bộ phim khó xem với số đông. Luồng dư luận chỉ trích cho rằng vai trò của Sharon Tate (Margot Robbie) trong phim quá mờ nhạt, còn cốt truyện phim bị mỏng, lan man. Chưa kể, việc xây dựng hình ảnh Lý Tiểu Long ngạo mạn trên trường quay khiến bộ phim bị gia đình tài tử quá cố chỉ trích. Và hậu quả là Once Upon a Time in Hollywood bị rút lịch chiếu tại Trung Quốc vào phút chót.
IT: Chapter Two: Nếu như IT (2017) từng thu 700 triệu USD, thì IT: Chapter Two chỉ còn mang về 468,9 triệu USD. Thời lượng 169 phút của phần hậu truyện là thách thức không nhỏ đối với khán giả đại chúng. Phim liên tục đem tới các trường đoạn kinh dị, nhưng cùng với đó còn là những phân đoạn dài dòng. Chưa kể, cách xử lý ma hề Pennywise ở cuối phim để lại cảm giác hụt hẫng. Việc IT: Chapter Two không còn được số đông dư luận ủng hộ đã dẫn tới việc phim giảm doanh thu so phần đầu.
Ad Astra: Bộ phim mới nhất của Brad Pitt không dễ xem. Ban đầu, báo chí ca ngợi Ad Astra là tác phẩm đậm chất nhân sinh với câu chuyện bên ngoài vũ trụ. Nhưng không nhiều khán giả đại chúng chia sẻ quan điểm đó. Phim bị một bộ phận đánh giá là tẻ nhạt, khó hiểu quá mức. Hậu quả là Ad Astra không thu hút được nhiều người tới rạp và chỉ mang về chưa đầy 130 triệu USD, so với kinh phí sản xuất lên tới 100 triệu USD.
Joker: Joker của Warner Bros. đã tiến đến cột mốc doanh thu 1 tỷ USD toàn cầu đầy kỳ diệu. Song, chặng đường đến vinh quang của bộ phim không đơn giản. Sau giải thưởng Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 2019, tác phẩm liên tục gây tranh cãi bởi phần nội dung bị cho là cổ xúy bạo lực, có thể gây kích động công chúng. Câu chuyện đặc biệt nóng tại Mỹ khi các vụ xả súng vẫn thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, dù Joaquin Phoenix thể hiện vai Joker đầy tài tình, một bộ phận fan ruột truyện tranh DC cho rằng nhân vật trong phim đã đi quá xa so với nguyên tác.
Terminator: Dark Fate: Phần Kẻ hủy diệt mới nhất dễ gây lỗ hơn 100 triệu USD và khiến thương hiệu thêm một lần nữa đi vào ngõ cụt. Phần đông báo chí ủng hộ Dark Fate, nhưng công chúng tỏ ra thờ ơ trước bộ phim. Tác ph ẩm thực tế không đem tới quá nhiều điều mới mẻ cho thương hiệu 30 năm tuổi, và một bộ phận khán giả phàn nàn rằng kịch bản phim thực tế là sự lặp lại của cả 5 tập phim cũ.
Theo zing
bộ phim được khán giả yêu thích, giới phê bình chê bai trong năm 2019
Bài viết này tập trung vào 7 bộ phim nhận được sự đón nhận của khán giả - yếu tố giúp phim ăn nên làm ra ở mảng doanh thu phòng vé, nhưng lại bị giới phê bình chê bai vì nhiều lý do khác nhau.
Khi một bộ phim ra mắt, có thể nó được khán giả lẫn giới phê bình yêu thích, hoặc cùng ghét bỏ. Tuy nhiên, mỗi năm đều có nhiều bộ phim gây ra sự chia rẽ giữa khán giả và giới phê bình. Chính vì vậy, bài viết này tập trung vào 7 bộ phim nhận được sự đón nhận của khán giả - yếu tố giúp phim ăn nên làm ra ở mảng doanh thu phòng vé, nhưng lại bị giới phê bình chê bai vì nhiều lý do khác nhau.
1. The Art of Racing in the Rain (Cuộc Đời Phi Thường Của Chú Chó Enzo)
The Art of Racing in the Rain được kể dưới góc nhìn của chú chó Enzo khi sống cùng chủ là tay đua thể thức một Danny (Milo Ventimiglia) và vợ Eve (Amanda Seyfried). Qua đó, khán giả có thể cảm nhận được cảm xúc của thú cưng khi chứng kiến chủ có con gái, bệnh nặng và qua đời, một nội dung thường thấy cho các phim truyện trên màn ảnh nhỏ. Theo Rotten Tomatoes, phim nhận được 43% từ giới phê bình và 96% từ khán giả.
Giới phê bình cho rằng bộ phim này " đa cảm và giả tạo", cũng như cố chi phối cảm xúc. Những người khác nói thêm rằng các tình tiết khiến khán giả rơi nước mắt lại dễ đoán và phim không ngần ngại dùng những tình tiết xáo mòn để đạt được mục tiêu này. Tuy toàn bộ đánh giá dành cho The Art of Racing in the Rain không hoàn toàn tệ nhưng chúng ta có thể thấy rõ khoảng cách giữa giới phê bình và khán giả.
Bộ phim mở màn vượt mong đợi trong những ngày cuối tuần, phù hợp với phần đông khán giả, khi họ cho rằng phim đủ tính giải trí và ấm lòng. Rõ ràng người xem hài lòng với số tiền mà họ bỏ ra, chính vì thế mà không khó hiểu khi công thức làm những bộ phim như thế vẫn đánh đúng tâm lý của họ, để khán giả bật khóc giữa rạp và rồi chóng quên nó.
2. The Upside (Trợ Lý Hết Ý)
The Upside là bộ phim được remake từ The Intouchables của Pháp và ra mắt hồi năm 2011. Phim nhận được 41% từ giới phê bình và 82% từ khán giả trên Rotten Tomatoes. The Upside lại rất thành công về mặt thương mại khi nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khán giả dành bộ phim như: quyến rũ, vui nhộn, tích cực, ấm lòng và vân vân mây mây. Nhưng có một sự thật hiển nhiên là khán giả không biết đến sự tồn tại của bộ phim gốc, cũng như 2 bản remake khác để so sánh. Dường như họ hài lòng với màn tung hứng giữa Kevin Hart - thủ vai người vô gia cư, và Bryan Cranston - tỉ phú bị bại liệt.
Tuy nhiên, giới phê bình không cùng chí hướng với khán giả, khi chê bai The Upside thao túng, xáo mòn, tầm thường, thậm chí là thuyết giáo và không hơn gì ngoài việc " chiều lòng đám đông". Bộ phim gốc cũng vấp phải một số lời phàn nàn tương tự nhưng ở mức độ nhỏ hơn, khi nhìn lại, thì mấy lời khen chê của giới phê bình và khán giả cũng tương tự. Điều này nhấn mạnh rằng phần chủ đề được các nhà làm phim trước xử lý bài bản bản hơn, khiến phần phim của năm 2019 không có lý do gì để tồn tại, ngoài việc nó được thay đổi ngôn ngữ và con số doanh thu phòng vé.
3. Godzilla: King of the Monsters (Chúa Tể Godzilla)
Lại thêm một phim là phần tiếp theo trong danh sách này, Godzilla: King of the Monsters là hậu truyện của Godzilla hồi năm 2014 và là bộ phim thứ 35 nếu tính luôn các thương hiệu mang tên Kaiju này. Chính vì vậy, nếu người xem cảm thấy nó cũ kỹ thì cũng không có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên, người xem vẫn đến rạp và giúp bộ phim thu về con số doanh thu gấp đôi kinh phí sản xuất. Vẫn có vài lời chê bai nhưng nhìn chung, hầu hết khán giả đều cho rằng nó thú vị và đủ sức thuyết phục, khen phần kỹ xảo và những cảnh hành động.
Đó cũng là điểm mà các nhà phê bình đồng tình với khán giả, dù kỹ xảo ấn tượng là thế nhưng họ đã lạm dụng nó và bỏ qua những yếu tố cần thiết cho một nội dung hay. Hầu hết nhà phê bình đều cho rằng Godzilla: King of the Monsters đơn điệu, không cảm xúc và gần như không giải quyết được tầm quy mô của nó. Trên Rotten Tomatoes, phim nhận được 41% từ giới phê bình và 83% từ khán giả.
4. Angel Has Fallen (Nhà Trắng Thất Thủ: Kẻ Phản Bội)
Angel Has Fallen có sự xuất hiện của 2 gương mặt ấn tượng là Morgan Freeman và Gerard Butler, trên Rotten Tomatoes, phim nhận được 2 con số đối lập với 93% từ khán giả và 39% từ giới phê bình. Phim xoay quanh một đặc vụ do Butler thủ vai, bị buộc tội ám sát tổng thống do Freeman thể hiện. Xuyên suốt bộ phim, nhân vật chính tìm cách chứng minh sự trong sạch, trong khi chạy trốn khỏi bọn người xấu, những kẻ thật sự muốn hạ sát và thay thế tổng thống, đổ tội cho anh.
Dĩ nhiên các diễn biến của Angel Has Fallen cũng không quá khó đoán, khiến giới phê bình gọi đây là một phần phim đáng quên, thậm chí là xoàng xĩnh, chê bai các cảnh hành động, cũng như khâu biên tập, biên kịch và phần phát âm giọng Mỹ của Butler. Ngược lại, người xem lại hứng thú với phim hơn, khen rằng nó đáng thưởng thức, thu hút và tán dương những màn trình diễn.
5. Alita: Battle Angel (Alita: Thiên Thần Chiến Binh)
Trong danh sách này, Alita: Battle Angel hẳn là phim nhận được đánh giá cao nhất từ giới phê bình, theo Rotten Tomatoes, giới phê bình chấm phim được 61% và từ khán giả là 93%. Bộ phim khoa học viễn tưởng này không quá xuất sắc nhưng theo các cây bút, ít ra nó cũng mang tính giải trí. Dựa trên bộ manga Battle Angel của Yukito Kishiro, phim do Robert Rodriguez chỉ đạo, đồng viết kịch bản cùng James Cameron, xoay quanh cô bé cyborg Alita bị mất trí nhớ đang tìm cách lấy lại ký ức.
Alita: Battle Angel đã thu về $404 triệu từ phòng vé toàn cầu và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, họ cho rằng phim mãn nhãn, chuyển thể thành công, cảm động, phi thường và thậm chí là cực phẩm. Tuy nhiên, ý kiến của giới phê bình lại có phần lẫn lộn. Họ khen ngợi phần kỹ xảo, hình ảnh, cũng như màn diễn xuất của Rosa Salazar nhưng lại chê bai cốt truyện hời hợt và không vượt khỏi giới hạn bình thường, cũng như kịch bản vụng về. Không những thế, họ còn nhấn mạnh những nhân vật mờ nhạt hoặc chiếm quá nhiều thời lượng, xén bớt phần toả sáng của nhân vật chính.
6. Glass (Bộ Ba Quái Nhân)
Glass là bộ phim cuối cùng của trilogy Unbreakable với sự trở lại của dàn diễn viên chất lượng nhưng dường như M. Night Shyamalan biết cách chia rẽ khán giả và các nhà phê bình. Tổng doanh thu toàn cầu của phim đạt $246 triệu, gấp hơn 10 lần kinh phí thực hiện và điểm Rotten Tomatoes từ khán giả là 69%, nhưng giới phê bình lại ghẻ lạnh và chỉ cho 37%. Như bao trilogy khác, nó cũng hút khán giả từ phần đầu tiên rồi chiêu dụ họ xem tiếp các phần tiếp theo dựa trên ý tưởng tương tự, cùng những nhân vật quen thuộc đã kết nối được với khán giả. Điều này có thể giải thích được thành công ở doanh thu phòng vé một cách có chủ đích của phần hậu truyện.
Mặt khác, một bộ phim mà có thể lôi kéo khán giả ra rạp không có nghĩa là nó phải đảm bảo đủ chất lượng. Trong trường hợp này, người xem dường như thấy phim đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản, hầu hết các phản hồi đều cho rằng Glass thú vị, có chất riêng, đáng thưởng thức và kết thúc có hậu cho một trilogy. Bên cạnh đó, vẫn có người cho rằng nó hơi bối rối và được tung hô quá đà. Mặt khác, giới phê bình lại có ý kiến trái ngược. Tuy khen ngợi màn trình diễn của McAvoy, họ vẫn cho rằng bộ phim khá chán, đầy thất vọng, thậm chí là " sự hổ thẹn lớn nhất" trong sự nghiệp của đạo diễn. Điều này chứng tỏ rằng những bài chê bai không thật sự huỷ hoại cơ hội ăn nên làm ra của dòng phim siêu anh hùng ngoài phòng vé.
7. Lion King (Vua Sư Tử)
Nhắc đến một trong những phim được remake trong năm nay, không thể bỏ qua Lion King live action, được làm lại từ bộ phim hoạt hình kinh điển cùng tên hồi năm 1994. Tuy nhiên, phim lại không thay đổi nhiều như bản chuyển thể của Broadway, thậm chí là chẳng khác biệt gì so với bản gốc, tựu chung chỉ là hiện thực hoá những con sư tử ca hát, cho nó khác với đồ hoạ hoạt hình. Trên Rotten Tomatoes, phim nhận được 53% từ giới phê bình và 88% từ khán giả.
Quả nhiên, đây là một quyết định kỳ lạ nhưng vẫn không ngăn được người hâm mộ của bản hoạt hình đốt tiền cho các rạp chiếu để ôn lại tuổi thơ, cũng như giới thiệu đến thế hệ trẻ về một phim kinh điển của thế giới. Tuy nhiên, người xem tốt hơn hết là mở lại bản hoạt hình cho con em, thay vì dắt chúng ra rạp. Theo giới phê bình, Lion King giống như phim tài liệu về Thế giới Động vật với những con sư tử biết hát, nhưng lại chẳng bộc lộ được cảm xúc gì. Điều này khiến phim mất đi những cung bậc cảm xúc, yếu tố vốn làm nên thành công của phần hoạt hình. Sau tất cả thì khán giả cũng nhìn ra được những vấn đề này nhưng họ vẫn quyết định thưởng thức bộ phim vì tính hoài niệm và giá trị thẩm mỹ của nó.
Theo moveek
Loạt phim viễn tưởng đậm tính giải trí Trước "Ad Astra" - bộ phim khó xem với hành trình khám phá vũ trụ đầy cô độc của Brad Pitt, có nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng đậm tính giải trí, dễ xem hơn. Minority Report (2002): Bộ phim khoa học viễn tưởng kết hợp hành động của Steven Spielberg hội tụ đầy đủ những yếu tố cần có của tác...