10 bộ phim dài hơi nhất lịch sử điện ảnh
Sự sáng tạo và kiên nhẫn của các nhà làm phim đã tạo nên những tác phẩm trường kỳ như “James Bond”, “Harry Potter”, “Star Wars”, có khi kéo dài gần bằng một đời người.
10. Indiana Jones
Indiana Jones gắn liền với tên tuổi Harrison Ford
Năm bắt đầu: 1981
Số phần: 4
Nhầm lẫn phổ biến nhất mà mọi người hay mắc phải khi nói đến series phim về vị giáo sư khảo cổ học điển trai chính là phần mang tên Indiana Jones and the Temple of Doom. Mặc dù được công chiếu sau tập đầu tiên – Raiders of the Lost Ark, nhưng trên thực tế, bối cảnh của Temple of Doom diễn ra trước đó 1 năm. Ngày nay, người ta gọi đó là prequel – phần trước.
Sau 3 phần thành công và bỏ bẵng đi 19 năm, George Lucas và Steven Spielberg quyết định làm sống lại những cuộc phiêu lưu của giáo sư Jones bằng phần 4, có tên Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull, bất chấp phần 3 của phim đã là Indinana Jones and the Last Crusade (Indiana Jones và cuộc viễn chinh cuối cùng).
Không những thế, phần 5 cũng đang được các nhà làm phim lên kế hoạch.
9. Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao)
Star Wars
Năm bắt đầu: 1977
Số phần: 6
George Lucas bắt đầu Star Wars bằng một tập kịch bản dày tới 200 trang.
Sử dụng 1/3 kịch bản cho tập đầu tiên, vị đạo diễn nổi tiếng này đã lập “kỳ tích” khi Star Wars trở thành bộ phim ăn khách nhất năm 1977 và đạt tới 6 giải Oscar. Với thành công ngoài mong đợi, George Lucas tiếp tục làm 2 tập phim với phần kịch bản còn lại.
Tương tự như Indiana Jones, cũng phải 20 năm sau, George Lucas mới làm tiếp 3 tập phim, lần lượt ra mắt trong các năm – 1999, 2002 và 2005.
8. Batman (Người dơi)
The Dark Knight với Christian Bale – vai Batman và Heath Ledger – vai Joker
Năm bắt đầu: 1989
Số phần: 7
Năm 1989, Tim Burton đem đến cho khán giả phần đầu tiên của Batman. Là một bộ phim hài châm biếm, Batman có có sự tham gia của 2 ngôi sao kỳ cựu Michael Keaton – vai Dark Knight và Jack Nicholson – vai Joker.
Sau một tập phim nữa, Tim Burton và Michael Keaton rút lui khỏi dự án, để cho đạo diễn Joel Schumacher và Val Kilmer thay thế. Phần này bị đánh giá là dở nhưng vẫn còn chưa tệ bằng phần tiếp theo của Schumacher có tên Batman & Robin.
8 năm đen tối, Batman chỉ thực sự lấy lại hào quang khi bộ phim được trao cho nhà làm phim độc lập Christopher Nolan, bắt đầu với Batman begins. Phần tiếp sau đó, The Dark Knight đã tạo nên một cơn sốt trên khắp toàn cầu, vì cả sức hấp dẫn của bản thân bộ phim lẫn câu chuyện bên lề của nó (Heath Ledger – người thủ vai Joker – qua đời trước khi bộ phim ra mắt).
Video đang HOT
Hiện tại, phần tiếp theo của Batman có tên The Dark Knight Rises đang được thực hiện. Mùa hè vừa qua, Warner Bros và Legendary Pictures đã hé lộ những hình ảnh đầu tiên và khẳng định đây sẽ là phần cuối do Nolan đảm nhiệm. The Dark Knight Rises dự kiến ra mắt vào năm sau.
7. Planet of the Apes (Hành tinh khỉ)
Năm bắt đầu: 1968
Số phần: 7
Phần đầu tiên của Planet of the Apes được đánh giá là có một trong những cái kết kịch tính nhất từ trước đến nay của điện ảnh. Đó là câu chuyện của những phi hành gia – người nổi trội nhất do Charlton Heston thủ vai – hạ cánh xuống một hành tinh, mà ở đó, khỉ là loài thống trị còn con người là nô lệ.
Sau đó, Planet of the Apes có 4 tập khác lần lượt ra đời và 1 bản làm lại tập đầu tiên của Tim Burton trình làng năm 2001. Bộ phim Rise of the Planet of the Apes (Cuộc nổi dậy của loài khỉ) đang “khuấy đảo” các rạp chiếu hè năm nay, với diễn xuất của James Franco, là tác phẩm khởi động lại series phim hấp dẫn này.
6. Harry Potter
Bộ ba phù thủy nổi tiếng của Harry Potter
Năm bắt đầu: 2001
Số phần: 8
Ngay từ chiều 14/7, hàng ngàn người trên khắp nước Mỹ đã xếp hàng dài để chờ tới suất chiếu Harry Potter and the Deathly Hallows 7 phần 2 lúc nửa đêm. Tập phim này được chờ đợi bởi nó như lời chia tay của các fan Harry Potter với một người bạn thơ ấu, gắn bó.
Năm 2000, Daniel Radcliffe, Emma Watson, Rupert Grint – những cô bé, cậu bé vô danh – được chọn thể hiện bộ ba phù thủy trong tập đầu tiên của Harry Potter. 11 năm sau, với 8 tập phim, họ đã trở thành những diễn viên nổi tiếng và triệu phú trẻ nhất thế giới.
Còn Harry Potter, với 6 tỷ USD doanh thu phòng vé, đây cũng là series phim ăn khách nhất từ trước tới nay.
5. Halloween
Năm bắt đầu: 1978
Số phần: 10
Halloween của John Carpenter có thể coi là bộ phim khai sinh ra dòng phim slasher (thể loại phim kinh dị mà kẻ giết người hàng loạt thường bị tâm thần) hồi thập niên 1980.
Michael Myers – kẻ giết người không thể ngăn cản với những bước đi chậm chạp và chưa bao giờ cất tiếng nói của Halloween – là nguyên mẫu giúp tạo nên một Jason Voorhees nổi tiếng khác trong serie phim Friday the 13th (Thứ 6 ngày 13).
10 tập của Halloween có 2 bản được làm lại dưới bàn tay của rocker dòng heavy-metal, Rob Zombie.
4. Star Trek
Năm bắt đầu: 1979
Số phần: 11
Phải mất 13 năm từ khi tập phim truyền hình Star Trek đầu tiên phát sóng, phiên bản điện ảnh của nó mới chính thức ra đời. Kể từ đó, đã có 9 phần tiếp theo.
Có một “luật bất thành văn” tồn tại giữa các fan của Star Trek là những tập phim lẻ thường dở, và những tập phim chẵn thì hấp dẫn, hay ít ra là đỡ tệ hơn. Tuy nhiên, quy tắc này vẫn có ngoại lệ. Chẳng hạn như tác phẩm khởi động lại năm 2009 của J.J. Abrams – tập 11 của series phim – có thể coi là một trong những tập phim hay nhất của Star Trek.
Star Trek vẫn chưa dừng lại. Tập tiếp theo của bộ phim này dự kiến sẽ ra mắt vào năm sau.
3. The Pink Panther (Điệp vụ Báo hồng)
Năm bắt đầu: 1964
Số phần: 11
Pink Panther đã bao nhiêu “tuổi”, có lẽ cũng chẳng ai còn đếm nữa. Bộ phim hài nổi tiếng này là câu chuyện về một thám tử vụng về người Pháp – Jacques Clouseau. Đã ra đời tới 11 phần nhưng phim phát hành không đều. Có khi, khoảng cách giữa 2 tập phim lên tới 13 năm.
Peter Sellers đảm nhận vai Clouseau trong 5 tập phim trước khi ông qua đời năm 1980. Sẽ là 6 tập nếu người hâm mộ tính cả Trail of the Pink Panther (1982). Trong tập này, các nhà làm phim đã lồng một số cảnh của Sellers từ những tập phim trước.
Alan Arkin, Roger Moore và Steve Martin lần lượt khoác lên mình bộ ria mép và chiếc áo choàng đặc trưng của Clouseau, nhưng có thể nói, chưa ai xuất sắc như Sellers!
2. James Bond
James Bond của Daniel Craig
Năm bắt đầu: 1962
Số phần: 22
Gần 40 năm, chàng điệp viên đã qua 6 “đời” diễn viên nhưng vẫn luôn giữ được vẻ bảnh bao, lịch lãm và nét đào hoa. Được chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Ian Fleming, tập đầu tiên về Bond – Dr. No – ra đời năm 1962 với nam diễn viên chính là Sean Connery.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, những chuyến chu du của Bond ngày càng được “tô điểm” bằng những trận cháy nổ mãn nhãn hơn, khung cảnh đẹp hơn, nhưng nhiệm vụ của chàng điệp viên này vẫn luôn như thế: chống lại kẻ ác, cứu thế giới và nồng cháy bên những cô nàng “siêu gợi cảm”.
1. Godzilla
Năm bắt đầu: 1954
Số phần: 29
Ra đời năm 1954, Godzilla là bộ phim kéo dài nhất trong lịch sử điện ảnh. Trong gần 60 năm tồn tại, chú thằn lằn bị nhiễm phóng xạ chiến đấu chống lại tất cả, từ đội quân mạnh nhất thế giới, King Kong cho tới những chú bướm đêm khổng lồ.
Điều giúp cho Godzilla tồn tại lâu như thế, có lẽ không hẳn vì tính hài hước hay những màn phá hủy kinh hoàng, mà bởi chính ý tưởng loài người luôn phải đối mặt với những thứ kỳ lạ, hoang đường – một ý tưởng giúp thỏa mãn ham muốn được chứng tỏ cũng như trí tưởng tượng của số đông người trên thế giới.
Theo Bưu Điện Việt Nam
"Sự nổi dậy của loài khỉ" bùng nổ những bất ngờ
Bộ phim thật sự có nhiều điểm thú vị, sâu xa hơn bề ngoài ai ai cũng thấy!
Sau khoảng thời gian khai thác triệt để xu thế sequel (phần kế tiếp) và remake (làm lại), Hollywood tiến đến giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng reboot: Từ Batman Begins, The Incredible Hulk, Superman; rồi sắp tới là Conan the Barbarian, The Amazing Spider-man, Man of Steel. Thời gian qua, khán giả ngập lụt trong mớ phim phiên bản mới được xây dựng lại từ đầu.
Thất bại của đạo diễn Tim Burton trong lần remake phiên bản gốc Planet of the Apes hồi năm 2001 càng khiến người xem không mấy tin tưởng vào sự thành công của dự án reboot này. Thế nhưng, sau khi được trình chiếu, Rise of the Planet of the Apes đã thay đổi nhận thức vội vàng trên. Bộ phim có kết cấu chặt chẽ, câu chuyện nhiều cảm xúc, tính cách và tâm lý nhân vật được phát triển đủ sâu và đặc biệt là phần kỹ xảo hết sức tuyệt vời.
Sau nhiều năm nghiên cứu tại công ty dược Gen Sys, khoa học gia Will Rodman (James Franco) sắp đạt được thành công trong việc nghiên cứu một loại Virus có khả năng hồi phục tế bào não bị tổn thương. Ngoài trách nhiệm với công việc tại công ty, anh cũng muốn chữa khỏi căn bệnh Alzheimer quái ác cho cha.
Thế nhưng, khi nghiên cứu sắp đi tới đích, mọi chuyện đổ bể đáng tiếc. Mắt Sáng - con tinh tinh là vật thí nghiệm cho loại virus mới, bỗng dưng nổi loạn và bị bắn chết. Phương thuốc ALZ-112 bị ngừng vô thời hạn. Trong khi đang hoang mang với tương lai của dự án, Will phát hiện ra, Mắt Sáng đã kịp để lại một "tiểu tinh tinh". Anh mang "chú nhóc" về nuôi và đặt tên là Caesar (Andy Serkis). Càng lớn, Caesar càng tỏ rõ sự thông minh vượt trội so với đồng loại, thậm chí là cả với con người. Will Rodman không thể ngờ rằng, Caesar sẽ trở thành phát kiến vĩ đại thay đổi cả nhân loại.
Khán giả có thể tròn mắt về kỹ xảo, nghẹt thở với các pha hành động trong phim nhưng phần kịch bản mới làm nên sức sống cho Rise of the Planet of the Apes. Câu chuyện được phát triển từ từ, không nhanh cũng không chậm, để rồi lên đến cao trào ở phần kết. Người xem cảm nhận bộ phim ở mức độ vừa đủ chứ không hề thấy thiếu hụt hay dài dòng ở bất cứ trường đoạn nào.
Đặc biệt, kịch bản của Rise of the Planet of the Apes giữ được sự cân bằng trong việc xây dựng song song hai tuyến nhân vật chính Will Rodman và Caesar. Trong khi Will tìm mọi cách chế tạo ra phương thuốc chữa trị cho cha, thì Caesar dần dần nhận thức được cuộc sống xung quanh. Cả hai đều có thời gian cần thiết để phát triển tâm lý và hoàn thiện sự biến đổi ở cuối phim.
Một điểm hết sức quan trọng và tạo nên nét riêng cho Rise of the Planet of the Apes là cái nhìn khách quan về cuộc cách mạng của loài tinh tinh. Phim không phán xét điều đó là đúng hay sai mà cố gắng dẫn dắt người xem hiểu hơn về quá trình nổi dậy. Điều này được thể hiện rõ nét nhất ở những cảnh nhà làm phim sử dụng góc quay thẳng đứng từ trên trời hướng xuống toàn bộ sự việc diễn ra (bird eye). Dù không có hiểu biết về chuyên môn, việc sử dụng góc máy trên nhiều đến đáng chú ý đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả, mang đến cho họ con mắt của một chứng nhân lịch sử không thiên vị.
Nếu như trước đây, trong phiên bản gốc Planet of the Apes (1968) của nam diễn viên Chalton Heston và bản làm lại của đạo diễn Tim Burton, các nhân vật khỉ đều do con người đóng thì trong Rise of the Planet of the Apes, chúng được tái tạo lại bằng công nghệ ghi chép chuyển động và cảm xúc của diễn viên (motion capture).
Ấn tượng về Smeagol / Gollum trong The Lord of the Rings hay các nhân vật người hành tinh trong Avatar cũng xuất hiện ở Caesar, nhưng ở mức độ cao hơn. Kỹ thuật này cho phép con người không cần phải chui vào những bộ trang phục lông lá rồi hóa trang sao cho giống khỉ nhất. Thay vào đó, mọi chuyển động, cụ thể ở đây là nam diễn viên Andy Serkis, được ghi chép lại rồi máy tính hóa trở thành Caesar. Kết quả cuối cùng mà bạn xem trên màn hình đã xóa nhòa đi ranh giới giữa tinh tinh thật và sản phẩm của kỹ xảo.
Nếu chấm cho phim có một "điểm trừ", có lẽ nó thuộc về cái kết mang đầy tính hình tượng và dụng ý nghệ thuật của người làm phim, một kết thúc mở đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, bạn chắc chắn sẽ bỏ qua nó nếu đứng lên và bước ra khỏi rạp khi dòng credit đầu tiên xuất hiện.
Rise of the Planet of the Apes là tác phẩm giải trí mà bạn không thể bỏ qua vào dịp cuối tuần này. Một bộ phim rất đáng thưởng thức.
Đạo diễn: Rupert Wyatt
Diễn viên: James Franco, Andy Serkis, Freida Pinto
Đánh giá:
Theo PLXH
'Sự nổi dậy của loài khỉ' và những trải nghiệm mới Không chỉ đột phá về kỹ xảo hình ảnh, "Hành tinh khỉ" phiên bản mới còn đem đến sự bất ngờ ở góc nhìn câu chuyện và sự tương tác giữa người xem và chú tinh tinh Caesar - nhân vật chính của phim. Ra mắt lần đầu năm 1968, bộ phim Planet of The Apes, được chuyển thể từ tác phẩm La...