1 vụ án 12 năm chưa xử xong
Ba lần cấp sơ thẩm tuyên vô tội đều bị kháng nghị; hai cấp tòa nhiều lần trả hồ sơ điều tra lại nhưng những vấn đề quan trọng vẫn chưa được làm rõ…
Mới đây, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” ra xét xử phúc thẩm lần 3. Do nhiều nhân chứng có đơn xin vắng mặt, HĐXX đã hoãn phiên tòa.
Liên tục hoãn, trả hồ sơ
Theo cáo trạng lần 1 (ngày 5-3-2006) của VKSND tỉnh Bình Phước, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 23-9-2002, Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1977, ngụ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) điều khiển xe máy lưu thông trên Quốc lộ 14. Khi đến khu vực ấp Cầu II, xã Đồng Tiến thì đụng anh Tạ Quang Nghiệp (SN 1976) đang đi bộ sát lề đường phải cùng chiều. Anh Nghiệp ngã xuống đường, bị xe máy kéo đi khoảng 10 m. Xe của Nghĩa còn đụng tiếp xe máy do anh Bùi Tiến Lại (SN 1979) đang dắt bộ phía trước làm xe và anh Lại ngã nhưng không bị thương. Sau tai nạn, anh Nghiệp tử vong, Nghĩa bị chấn thương sọ não.
Video đang HOT
Hoàng Trọng Nghĩa sau phiên tòa phúc thẩm lần 3 bị hoãn.
Ngày 20-4-2006, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng hoãn phiên tòa. Những lần sau, tòa liên tục mở rồi hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung với những lý do: Kết quả khám nghiệm và lời khai các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Chưa làm rõ anh Nghiệp bị thương tại vùng chẩm là do tác động vào vật gì? Biên bản khám nghiệm hiện trường không có xe máy của anh Lại là vi phạm nghiêm trọng tố tụng…
Ngày 7-6-2007, VKSND tỉnh Bình Phước chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Đồng Phú vì lúc này TAND huyện được tăng thẩm quyền xét xử. Từ ngày 5-9-2007, TAND huyện Đồng Phú nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến ngày 15-1-2008, VKSND tỉnh gửi văn bản cho VKSND và TAND huyện Đồng Phú khẳng định VKSND tỉnh không thể điều tra bổ sung các nội dung mà TAND huyện yêu cầu. Ngày 27 và 28-3-2008, TAND huyện Đồng Phú xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên Hoàng Trọng Nghĩa không phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Ba lần tuyên vô tội, bị hủy án
Ngày 17-7-2008, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm lần 1 của TAND huyện Đồng Phú vì vi phạm nghiêm trọng tố tụng: “Phiên tòa diễn ra lúc 8 giờ ngày 27-3-2008, kết thúc lúc 14 giờ 30 phút ngày 28-3-2008 nhưng biên bản nghị án ghi lúc 13 giờ ngày 27-3-2008, tức HĐXX đã nghị án trước khi kết thúc thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa”.
Ngày 5-11-2008, TAND huyện Đồng Phú xét xử sơ thẩm lần 2, VKSND huyện đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề mâu thuẫn tại phần tranh luận trước đó. Ngày 14-5-2009, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú ban hành kết luận điều tra bổ sung, khẳng định: “Xe của bị cáo Nghĩa chạy đụng vào anh Nghiệp rồi theo quán tính, xe chạy lên phía trước đâm tiếp vào xe của anh Lại là có cơ sở. Cáo trạng nhận định Nghĩa đâm xe vào anh Nghiệp đang đi bộ, kéo anh Nghiệp đi 10 m rồi đâm tiếp vào xe anh Lại là không có cơ sở”. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên quyết định truy tố. Ngày 9-11-2009, TAND huyện Đồng Phú mở lại phiên tòa sơ thẩm, tiếp tục… trả hồ sơ. Đến ngày 16-8-2010, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Nghĩa không phạm tội. Bản án này bị tòa phúc thẩm tiếp tục tuyên hủy.
Phiên tòa sơ thẩm lần 3 ngày 31-12-2013, TAND huyện Đồng Phú lại tuyên bị cáo Nghĩa không phạm tội. VKSND cùng cấp kháng nghị, đề nghị xét xử theo hướng có tội. Theo quyết định kháng nghị, việc đánh giá chứng cứ của tòa phiến diện, không tôn trọng sự thật khách quan; bản án chỉ tập trung phân tích mâu thuẫn của biên bản khám nghiệm hiện trường năm 2002 với bản ảnh dựng lại hiện trường năm 2009 mà không đánh giá toàn diện các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án…
Ông Hoàng Văn Nhiều (SN 1960, cha của bị cáo Nghĩa) cho biết sau tai nạn giao thông, Nghĩa phải chữa trị chấn thương sọ não và điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần trung ương II (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Năm 2010, vợ của Nghĩa nộp đơn xin ly hôn rồi đưa con về nhà ngoại ở.
“Nghĩa bị tâm thần sau tai nạn đó nhưng chỉ ngớ ngẩn chứ không quấy phá hàng xóm. Tôi chỉ mong tòa xét xử công minh, đừng vì bảo thủ, duy ý chí mà kéo dài vụ án, kéo dài nỗi đau cho gia đình nạn nhân lẫn gia đình chúng tôi…” – ông Nhiều tâm sự.
Nên tuyên vô tội Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), người bào chữa miễn phí cho bị cáo Nghĩa, khẳng định phiên sơ thẩm lần 3 tuyên bị cáo Nghĩa không phạm tội là đúng. Bởi lẽ, tại phiên xử này, đại diện VKSND huyện Đồng Phú dẫn lời khai của nhiều nhân chứng nhưng những lời khai này mâu thuẫn nhau và tất cả đều khai không trực tiếp nhìn thấy Nghĩa đụng anh Nghiệp. “Có 1 vụ tai nạn giao thông xảy ra nhưng ai đụng vào ai? Nguyên nhân dẫn đến tai nạn? Điểm đụng?… Dù tòa các cấp nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra, VKSND vẫn không thể làm rõ nhiều vấn đề. VKSND huyện Đồng Phú kháng nghị xử lại theo hướng có tội mà không chứng minh được hành vi phạm tội của bị cáo thì cần tuyên vô tội” – luật sư Tuyến nói.
Theo Tân Tiến (Người Lao Động)