1 tỷ người bệnh bị lãng quên
Khoảng 1 tỷ người trên khắp hành tinh đang phải hằng ngày hằng giờ chống chọi với các căn bệnh nhiệt đới gây nguy hại cho sức khỏe song không được chú ý và chăm sóc đúng mức bởi tuyệt đại đa số trong số này đều là những người nghèo ở những quốc gia nghèo.
Nhiều người dân ở các nước nghèo mắc phải các căn bệnh nhiệt đới quái ác
Nói đến các bệnh nhiệt đới là ai cũng nghĩ ngay tới những căn bệnh từng gây ra cái chết cho rất nhiều người ở các nước đang phát triển như sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh dại… Song đó mới chỉ là một phần trong 21 bệnh nhiệt đới đang ngày đêm hủy hoại sức khỏe cũng như gây thêm biết bao tốn kém cho người nghèo ở nước nghèo nhưng chưa được quan tâm thích đáng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, khoảng 1 tỷ người nghèo nhất thế giới đang chịu đựng các bệnh mà tổ chức này gọi là “Bệnh nhiệt đới bị lãng quên” như sốt xuất huyết, bệnh dại, giun chỉ, bệnh phong… Những người này sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn hẻo lánh và những khu ổ chuột trong đô thị.
Đến nay, WHO phát hiện 17 căn bệnh và nhóm bệnh trong tổng số 21 “Bệnh nhiệt đới bị lãng quên” đang hoành hành tại 149 quốc gia, chủ yếu là các nước nghèo đang phát triển. Theo Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, những căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên đang gây ra sự đau đớn âm thầm cho bệnh nhân và thường xuyên gây thương vong.
Video đang HOT
WHO cũng cho rằng, trẻ em gái và phụ nữ dễ bị kỳ thị nếu mắc những căn bệnh nhiệt đới, dẫn tới nguy cơ khó kết hôn, khó kiếm sống, bị bỏ mặc… Chính vì thế, theo tổ chức này, cần cải thiện việc chẩn đoán bệnh, cải thiện điều kiện vệ sinh, kiểm soát dịch bệnh từ côn trùng, động vật lây sang con người, đặc biệt nỗ lực nhanh chóng thanh toán dịch bệnh, chứ không chờ đất nước phát triển rồi mới hành động.
Điều đáng nói là mặc dù chi phí điều trị chỉ có 0,5 USD/ người nhưng do những người mắc bệnh là người nghèo ở nước nghèo nên không có điều kiện ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Do vậy, trung tuần tháng 10 này, WHO đã công bố các chiến lược chống các bệnh nhiệt đới lây nhiễm hành hạ số nạn nhân chiếm hơn 1/3 trong số 2,7 tỷ người nghèo trên thế giới có thu nhập dưới 2 USD/ngày.
Ngày 26-10, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry cho biết, 8 nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới đã thỏa thuận thành lập một cơ quan mang tên WIPO Re:Search dưới sự quản lý của LHQ để giúp chống lại các căn bệnh mà LHQ cho là đã bị lãng quên như sốt xuất huyết, bệnh phong, bệnh dại, rắn cắn… Theo đó, cơ sở dữ liệu hợp tác bao gồm các dữ liệu từ các bằng phát minh sáng chế dược phẩm, các hóa chất và các kết quả nghiên cứu nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu sử dụng thông qua giấy phép sử dụng miễn bản quyền để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống lại 21 loại bệnh nhiệt đới.
Trong khi đó, chiến lược của WHO tập trung vào những loại bệnh nhiệt đới làm sức khỏe con người suy sụp trong thời gian dài và được coi là những căn bệnh gắn liền với cuộc sống nghèo đói. Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết, chiến lược mới nếu được thực hiện rộng rãi sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật cho người nghèo, phá vỡ chu kỳ lây nhiễm, ổn định cuộc sống và mở ra cơ hội để người bệnh nghèo thoát khỏi nghèo đói.
Theo ANTD
Nô lệ thời hiện đại
Một số ngôi làng ở Ấn Độ phổ biến tập tục con gái đến tuổi dậy thì bị cha mẹ gửi vào các nhà thổ. Trước đây nó là một nghĩa vụ mang tính tôn giáo nhưng giờ là do ma lực của đồng tiền. Nhưng những gì mà nhiều tổ chức từ thiện ở Ấn Độ đang làm đã chứng tỏ rằng số phận các em gái sẽ thay đổi, hủ tục sẽ lùi xa nếu có sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng.
Diễn viên nổi tiếng Anil Kapoor nghe chuyện đời của người phụ nữ
đã từng bị gia đình bán làm gái mại dâm từ khi còn nhỏ
Nghèo đói trói hủ tục
Ấn Độ theo truyền thống vẫn là xã hội gia trưởng, và người phụ nữ nhiều khi vẫn không được đối xử bình đẳng. Nhưng tại ngôi làng gần Bharatpur ở bang Rajasthan miền Tây Ấn Độ này, các gia đình lại hân hoan mừng con gái ra đời. Lý do đằng sau đó là một mảng tối khác. Đây là nơi có một tập tục phổ biến: Các thiếu nữ bị bán cho các nhà thổ một khi bước vào tuổi dậy thì. Người dân địa phương đánh dấu nghi thức này bằng một buổi lễ trưởng thành gọi là Nathni Utarna - nghĩa là một cô gái đã sẵn sàng quan hệ với khách hàng đầu tiên. Plan India, một tổ chức từ thiện chuyên đấu tranh với các hủ tục cho biết, những nghi lễ này từng khá phổ biến nhưng giờ đây khó tìm được gia đình nào thừa nhận điều này.
Thông thường, thiếu nữ tại đây bị cha hoặc anh trai mình đẩy vào ngành kinh doanh tình dục. Những người đàn ông cho rằng như thế không có gì là sai trái. Họ nói rằng đó là truyền thống đã được truyền qua nhiều thế hệ. Ban đầu, họ sẽ phục vụ những người đàn ông thuộc tầng lớp trên trong cộng đồng địa phương. Dần dần, con đường này dẫn đến tệ nạn mại dâm. Nhiều phụ nữ đã trở thành gái đèn đỏ ở các thành phố lớn của Ấn Độ.
Ngôi sao điện ảnh Ấn Độ Anil Kapoor, một nhân vật chính trong bộ phim đình đám "Triệu phú ổ chuột" mới đây đã cùng với đoàn làm phim của CNN về đấu tranh chống lại nô lệ thời hiện đại đã đến Bharatpur. Với tư cách là một người bảo trợ của Plan India và Đại sứ thiện chí, Anil Kapoor quay lại nơi đây sau 2 năm để chứng kiến sự thay đổi đang diễn ra ở đây.
Chuyện đời của hai người đàn bà
Câu chuyện với hai người phụ nữ hôm ấy khiến nam tài tử điện ảnh Anil Kapoor đôi lúc không biết phải xử trí ra sao, khóc hay giận dữ với một hệ thống vô nhân đạo như thế.
Meena đã được gửi đến Delhi khi mới 12 tuổi và sống trong khu phố đèn đỏ của Thủ đô trong 4 năm. Cô kiếm được gần 1.000-1.500 rupee (từ 13 đến 20 USD) do tiếp 10-12 khách mỗi ngày. Đó là một số tiền lớn với gia đình ở khu vực này, khi mà mức thu nhập trung bình mỗi ngày chỉ chưa đầy 1 USD. Khi cô làm việc trong nhà thổ, một nam thành viên trong gia đình cô ở cùng để đảm bảo tiền được gửi về nhà. Nén tiếng thở dài, Meena nhớ những ngày hạnh phúc khi cô về quê và trở về cuộc sống bình thường với sự giúp đỡ của Plan India. Trong mắt lấp lánh niềm vui, cô cho biết: "Tôi đã mua một con trâu với sự giúp đỡ của Plan India và Gram Niyojan Kendra (GNK), giờ tôi còn bán sữa và các sản phẩm sữa trong làng". Meena đã hứa với mình rằng con gái cô sẽ đến trường và không phải chịu số phận như mẹ của nó.
Trong làng hôm đó còn có Priya, một gái làng chơi ở Delhi và gửi tiền về nhà để nuôi gia đình. Chị gái cô đã phải bỏ nghề vì đã quá tuổi. Priya, trên 30 tuổi nói cô không có sự lựa chọn nào khác bởi còn có một gia đình lớn cần phải chăm lo. "Tôi đã lo cho đám cưới của hai người em trai, thậm chí đến nay vẫn phải chăm sóc gia đình em trai vì em trai mới mất. Nhưng chưa từng có ai trong gia đình thừa nhận sự hy sinh của tôi và chị gái trong bấy nhiêu năm".
Nhưng Priya cũng chắc chắn một điều, cuộc đời những cô gái trẻ sẽ thay đổi. Giờ con gái Priya, cô bé Puja chừng 13 tuổi, đi học đều và ước mơ có ngày trở thành diễn viên. Priya nói sẽ tiếp tục công việc mua vui cho đàn ông vì cô không muốn con mình bước đi đúng con đường này. "Chúng tôi không muốn con em mình làm việc đó. Nó không nên xảy ra cho bất cứ ai", Priya thừa nhận.
Chìa khóa thay đổi
Plan India và đối tác địa phương - Gram Niyojan Kendra đang khiến dân làng của Priya thay đổi quan niệm. Các tổ chức từ thiện gần đây đã mở 4 trường học tại khu vực này và học sinh đến lớp đầy đủ. "Thật khó để gái mại dâm bỏ "nghề" vì họ đã gắn với thu nhập này", Bhagyashri Dengle, giám đốc điều hành của Plan India thừa nhận. Vì vậy, nhóm tập trung vào ngăn ngừa trẻ em rơi vào cái bẫy tương tự. Trong đó, giáo dục là chìa khóa để thay đổi. Họ cũng tư vấn cho phụ nữ và khuyến khích họ cách kiếm sống chính đáng.
Một số đàn ông trong làng cũng cho biết, trong 4 năm qua với nỗ lực của Plan India và GNK, rất nhiều phụ nữ đã thoát được cuộc sống nơi nhà thổ và càng có nhiều gia đình không muốn đẩy con gái họ vào đó nữa. "Rất nhiều phụ nữ cam đoan rằng họ sẽ không ném con em họ vào thông lệ này. Đây là bước nhỏ nhưng đúng hướng. Thay đổi tư duy của dân làng là mấu chốt vấn đề. Giờ chính phụ nữ đứng lên chống lại tệ nạn mại dâm. Tôi hy vọng và lạc quan rằng chúng ta có thể chấm dứt hủ tục này", Anil Kapoor nói.
Theo ANTD
Lũ lớn đang tàn phá các vựa lúa của châu Á Lũ lớn đang tàn phá các vựa lúa của châu Á ở hạ nguồn sông Mê Kông. LHQ cảnh báo tình hình này sẽ đẩy giá lúa tăng mạnh, đặt thêm gánh nặng lên vai người nông dân vốn đã nằm trong số những người nghèo đói nhất ở khu vực. Một cậu bé dùng thau làm thuyền ở Campuchia. Khoảng 1,5 triệu...