1 tỉnh kiến nghị lấn biển, làm đường ven biển để “mở đường” ra thế giới
Theo đánh giá của Thủ tướng, làm con đường này mất khoảng vài nghìn tỷ nhưng lúc hoàn thành sẽ mang lại hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Nhiều thành tựu đáng chú ý của Thái Bình
Trong buổi làm việc này, báo cáo của tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng trong năm 2021, tỉnh Thái Bình vẫn ghi nhận sự ổn định cơ bản và tăng trưởng khá trong kinh tế.
Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 tăng 6,68% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố), quý I/2022 tăng 7,44% (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 37,8% (chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5% (riêng tháng 4 tăng 17,8%) so với cùng kỳ.
Một góc Thái Bình. Ảnh: Đài phát thanh và Truyền hình Thái Bình.
Môi trường đầu tư được cải thiện, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn. Năm 2021 đã thu hút được 89 dự án với tổng số vốn 20.041 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020, đặc biệt đã thu hút được 7 dự án FDI với tổng số vốn gần 540 triệu USD, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI (lớn hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016-2020).
Video đang HOT
4 tháng đầu năm 2022, có 33 dự án đầu tư được chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng số vốn tăng thêm 13.822,8 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 22.020 tỷ, trong đó thu nội địa đạt 10.534,3 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.580,3 tỷ đồng tăng 65,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 3.325,8 tỷ đồng bằng 39,3% dự toán tăng 63,9% và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.060 tỷ đồng đạt 66,3% dự toán, tăng 176,5% so với cùng kỳ.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 35% kế hoạch thuộc tốp đầu và cao hơn bình quân chung của cả nước (18,48%).
Vẫn còn những thách thức
Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng nhưng chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý do hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Tỉnh chưa có định hướng rõ nét về phát triển kinh tế biển.
Tỉnh chưa phát hiện được đúng mức tiềm năng dân cư và con người, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động lành nghề còn hạn chế.
Ngành nông nghiệp chuyển biến chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống, điều kiện phát triển nông nghiệp. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết chưa nhiều. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.
Kiến nghị đột phá của tỉnh
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9% trở lên và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 10% trở lên, Thái Bình đã đưa ra nhiều biện pháp như phát triển nhanh khu kinh tế Thái Bình thành động lực, đột phá; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên kết vùng như tuyến đường bộ ven biển, cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cơ cấu lại ngành công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh…
Tỉnh nêu một số kiến nghị liên quan tới việc xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; phương án lấn biển để mở rộng quỹ đất; chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp; thành lập một số khu công nghiệp mới trong Khu kinh tế Thái Bình; bổ sung quy hoạch phát triển điện gió, điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII; một số chính sách với người có công trên địa bàn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc. Ảnh VGP.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Qua nhiều thế hệ, Thái Bình đã vượt qua chính mình, tuy nhiên, tỉnh chưa có phát triển đột phá rõ nét. Tỉnh phải vượt qua chính mình hơn nữa, với khát vọng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa.
Tỉnh có đủ điều kiện để phát triển hơn nữa với con người thông minh, cần cù, anh dũng, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng vẻ vang của “quê lúa, đất nghề, chị Hai năm tấn… Nguồn lực lớn nhất là con người thì Thái Bình có, phải khai thác, phát huy hiệu quả hơn”.
Đồng thời, Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp là trụ cột, Thái Bình cần phải tập trung mọi nguồn lực cho tuyến đường ven biển có vai trò rất quan trọng. Tinh thần là làm càng sớm càng tốt để góp phần kết nối liên vùng, mở cửa ra biên giới, kết nối quốc tế, tạo đường ra thuận tiện cho hàng hóa và con người, thúc đẩy Khu kinh tế Thái Bình, tạo không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển mới, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư.
“Làm con đường này chỉ mất khoảng vài nghìn tỷ đồng đầu tư, nhưng lúc hoàn thành sẽ mang lại hàng trăm nghìn tỷ đồng khi giá trị đất đai lên cao, các nhà đầu tư đưa nguồn vốn tới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, xác định những khu vực biển phải bảo tồn, những nơi có thể lấn biển, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển. Cùng với đó, Thủ tướng cũng bày tỏ ủng hộ việc bổ sung quy hoạch điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII.
Mở rộng 5 tuyến đường ven biển Bà Rịa Vũng Tàu hơn 6.500 tỉ đồng
HĐND tỉnh BR-VT đã ban hành năm nghị quyết về chủ trương nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến thuộc tuyến đường ven biển ngay trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) xác định một trong các khâu đột phá là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới...
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, năm đoạn tuyến thuộc tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu đã được tỉnh phê duyệt nghị quyết đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng mức hơn 6.500 tỉ đồng.
Trong đó tập trung tiến hành thủ tục đầu tư các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4, nâng tầm, mở rộng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt dự án đường giao thông nội tỉnh.
Dù có nhiều tiềm năng về phát triển về du lịch, tuy vậy, tính liên kết trong sự phát triển nội tỉnh của BR- VT chưa cao để có thể khai thác hết các tiềm năng. Đặc biệt tuyến giao thông kết nối giữa các địa phương, trong đó có tuyến tỉnh lộ ven biển Vũng Tàu - Bình Châu (ĐT994) đã được đầu tư xây dựng từ lâu nhưng chưa đồng bộ. Nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, ít làn xe, đi qua khu dân cư đông đúc nên thời gian di chuyển khá lâu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong tương lai...
Với thực tế và mục tiêu bức thiết như trên, tỉnh BR-VT đã đặt quyết tâm rất cao khi từ cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường ven biển.
Mục tiêu của dự án là giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường ven biển, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch, nâng cao đời sống của người dân sống trong khu vực tuyến đi qua, kết nối với quốc lộ (QL) 55 để kết nối đối ngoại với các tỉnh, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Dự án có chiều dài hơn 33 km (từ xã Lộc An, huyện Đất Đỏ đến QL55 thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), kinh phí là 1.421,9 tỉ đồng.
Tháng 4/2021, dự án đã được tỉnh BR-VT điều chỉnh quy hoạch tổng thể nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong dài hạn. Theo đó, tuyến đường được điều chỉnh từ hai làn xe thành quy mô sáu làn xe. Tổng chiều dài là 76,86 km, được chia thành nhiều đoạn tuyến.
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, HĐND tỉnh BR-VT cũng đã ban hành năm nghị quyết về chủ trương nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến thuộc tuyến đường ven biển ngay trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng.
Cụ thể, nâng cấp, mở rộng đoạn từ vòng xoay Nhà lớn Long Sơn (TP Vũng Tàu) đến QL51 và xây dựng đoạn mới từ QL51 đến cầu Cửa Lấp; xây mới cầu Cửa Lấp 2 đoạn nối TP Vũng Tàu với huyện Long Điền và nâng cấp đoạn từ ngã ba Lò Vôi (huyện Long Điền) đến Khu du lịch Thùy Dương (huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ); nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba Long Phù (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) đến cầu Sông Ray (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), đoạn nhánh kết nối với đường tỉnh lộ 44B và các cầu trên tuyến; nâng cấp, mở rộng đoạn từ cầu Sông Ray đến khu nghỉ dưỡng Trung Thủy (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc); nâng cấp, mở rộng đoạn từ khu nghỉ dưỡng Trung Thủy đến QL55 (giáp tỉnh Bình Thuận).
Bình Định: Khởi công tuyến đường ven biển, kết nối đông - tây tại TX.Hoài Nhơn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng tuyến đường kết nối đường ven biển trên địa bàn TX.Hoài Nhơn hoàn thành sẽ mở rộng không gian đô thị về phía biển, từng bước hoàn thiện quy hoạch đô thị thị xã. Sáng 25.4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành dự án tuyến đường ven biển (ĐT.639),...