1 người phụ nữ mua hết 196 chỗ đậu xe trong hầm với giá 35 tỷ, vài năm sau, hàng chục chủ nhà kéo đến tận cửa tranh cãi: “Chị không có quyền làm vậy”
Tranh cãi xung quanh vấn đề sở hữu chỗ đậu xe của khu chung cư này đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.
Cơ hội kinh doanh từ một khu chung cư
Một vài năm trước đây, trong khi tìm mua nhà, bà Đường (Trung Quốc) đã để ý một khu chung cư mới được xây dựng. Ưng ý vì hoàn cảnh sống, bà Đường đã nhanh chóng chốt tiền mua. Trong quá trình chuẩn bị các thủ tục và điều kiện sống xung quanh nơi ở mới, bà đã tình cờ phát hiện một cơ hội kinh doanh hiếm có.
Lúc đó, hạ tầng giao thông quanh khu chung cư này vẫn còn sơ khai, người dân dễ dàng đỗ xe miễn phí trên đường. Điều này khiến hầu hết các cư dân không muốn chi tiền mua một chỗ đậu xe trong hầm chủ đầu tư, dù giá chỉ từ 50.000 đến 60.000 NDT – thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Ban đầu, mọi người đều dễ dàng đỗ xe miễn phí ngoài đường nên không ai muốn mua vị trí dưới hầm chung cư.
Tuy nhiên, bà Đường có tầm nhìn khác. Bà dự đoán trong tương lai gần, khi các cơ sở hạ tầng hoàn thiện và cư dân đổ về đông đúc, việc đỗ xe sẽ trở thành vấn đề lớn khi chỉ có 500 chỗ đậu xe trong khu chung cư. Bà nhận ra đây là cơ hội kinh doanh không thể bỏ lỡ nên nhanh chóng thỏa thuận với chủ đầu tư để mua lại những chỗ đậu xe còn trống.
Để gia tăng tốc độ thu hồi vốn, chủ đầu tư đã đồng ý. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, 196 chỗ đậu xe còn lại đã được bán cho bà Đường với giá khoảng 1 triệu NDT (tương đương 35 tỷ VNĐ).
Giá tăng gấp đôi nhưng gặp phải phản ứng dữ dội
Dự đoán của bà Đường nhanh chóng trở thành hiện thực. Khu vực quanh chung cư phát triển mạnh mẽ, người dân cũng chuyển đến sinh sống ngày càng nhiều. Mức độ trị an được gia tăng, các tuyến đường bị cấm đỗ xe tùy tiện khiến việc tìm chỗ đậu trở nên khó khăn. Cư dân buộc phải nghĩ đến việc mua chỗ đậu xe trong hầm chung cư.
Tuy nhiên, khi quay lại nơi mình sinh sống, nhiều người phát hiện phần lớn các chỗ trống đã được bà Đường mua và gắn khóa địa điểm. Tình trạng thiếu chỗ đậu xe càng trầm trọng hơn khi bà Đường rao bán số chỗ này với giá 10.000 NDT – gấp đôi giá gốc.
Video đang HOT
Các chỗ đậu xe trống đã được mua và gắn khóa.
Ban đầu, cư dân đề nghị được thuê chỗ với giá 500 NDT/tháng nhưng bà Đường từ chối, khẳng định chỉ bán chứ không cho thuê. Một số cư dân cố tình tìm chỗ đỗ xe bên ngoài, nhưng những chỗ đỗ xe gần nhà luôn có chi phí cao hơn nhiều, chỗ ở xa hơn và giá rẻ hơn lại bất tiện cho việc di chuyển.
Nhiều người hết cách đành quay lại đàm phán với bà Đường, mong muốn mua lại chỗ đậu xe với giá gốc, nhưng bà kiên quyết giữ giá 10.000 NDT vì cho rằng đây là mức giá thị trường hiện tại.
Sự bức xúc của cư dân dâng cao. Nhiều người tố bà Đường “trục lợi trên khó khăn của người khác,” thậm chí xúc phạm bà nặng nề. Một nhóm cư dân tụ tập lại với nhau để cùng tạo sức ép, yêu cầu bà phải bán lại chỗ đậu xe với giá gốc. Họ cũng nói ban quản lý khu chung cư “ngầm bắt tay” với bà Đường để bán toàn bộ chỗ đậu xe cho một người, gây thiệt hại cho các cư dân khác.
Nhiều người dân sinh sống tại đây thể hiện thái độ bức xúc và không đồng tình.
Tuy nhiên, ban quản lý khẳng định rằng trước khi bán, họ đã công khai thông báo để cư dân có cơ hội mua chỗ đậu xe, nhưng không ai quan tâm vào thời điểm đó. Việc bán lại cho bà Đường sau đó cũng được diễn ra hoàn toàn hợp pháp và minh bạch.
Về phần mình, bà Đường thẳng thắn phản hồi: “Khi giá rẻ thì không ai mua, giờ giá tăng lại muốn tôi bán giá cũ. Tôi kinh doanh hợp pháp, có quyền bán với giá thị trường. Mua hay không là quyền của các anh chị.”
Thực hư đúng hay sai?
Sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông và mạng xã hội, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Liệu chủ đầu tư có được bán nhiều chỗ đậu xe cho một người?
Theo tờ NetEase 163 dẫn Điều 276 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, các chỗ đậu xe trong chung cư trước hết phải đáp ứng nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, nếu đã thông báo công khai và cư dân không mua, chủ đầu tư có quyền bán cho cá nhân khác. Thương vụ bán 196 chỗ đậu xe cho bà Đường được xác nhận là hợp pháp, vì đã tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý.
Vậy cá nhân bà Đường có quyền tăng giá bán hay không? Tờ này cũng cho biết, theo Điều 240 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, bà Đường sở hữu toàn quyền sử dụng, kinh doanh, và chuyển nhượng các chỗ đậu xe thuộc tài sản cá nhân của mình. Việc định giá bán phụ thuộc vào cung cầu thị trường. Nếu giá bà đưa ra nằm trong mức hợp lý và không vi phạm quy định về giá cả, đây là quyền kinh doanh hợp pháp của bà.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, khi chỗ để xe bị hạn chế, việc mua bán với số lượng lớn của một chủ sở hữu nào đó đã làm tổn hại đến quyền và lợi ích của các chủ sở hữu khác. Do đó, các chủ sở hữu khác có thể khởi kiện ra tòa và cho rằng giao dịch này vô hiệu.
Đến nay, kết quả cuối cùng vẫn chưa được đưa ra nhưng câu chuyện này khiến mọi người nhận ra rằng, khi lựa chọn nơi an cư, cư dân cần cân nhắc về tính lâu dài khi quyết định có nên đầu tư vào hạ tầng thiết yếu như chỗ đậu xe hay không. Đồng thời, các chủ đầu tư và ban quản lý cần minh bạch trong việc bán các tài sản chung, đồng thời ưu tiên đáp ứng nhu cầu của cư dân. Người kinh doanh như bà Đường cũng nên cân nhắc yếu tố cộng đồng để tránh xung đột không đáng có.
Tình huống xôn xao nhất lúc này: Học sinh quên khăn quàng, giáo viên áp dụng hình phạt gây tranh cãi
Hội phụ huynh chia làm 2 luồng ý kiến, không ai chịu ai.
Một bà mẹ mới đây bày tỏ sự "ấm ức" khi con đi học quên mang khăn quàng đỏ, bị cô giáo phạt mua 10 cái khăn "dự phòng". "Nếu ví dụ 1 năm 10 bạn mua 100 cái thì sao nhỉ? Mặc dù 10 khăn đỏ không đáng bao nhiêu tiền, nhưng nghĩ cũng buồn cười", chị nêu ý kiến trong một nhóm phụ huynh có hàng trăm ngàn thành viên.
Câu chuyện thu hút sự chú ý, với nhiều bình luận trái chiều.
Hình ảnh được phụ huynh đính kèm.
Hợp lý hay không hợp lý?
Nhiều người đồng tình với bà mẹ nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, đây là hình thức phạt hợp lý, "một lần cho nhớ". Lớp mấy chục học sinh, nếu ngày nào giáo viên cũng nhắc nhở nhưng bản thân học sinh không tự giác, phụ huynh không quan sát con thì rất mất thời gian, ảnh hưởng đến thi đua của lớp.
Quy định của lớp đưa ra để giúp cho các con 1 lần nhớ mãi, sau này phải để ý và chuẩn bị đồ dùng học tập cũng như đồng phục tốt hơn. Đây là cách cô rèn tính cẩn thận cho con, trường hợp con quên 1 lần mà cô phạt 100 ngàn đồng để dành làm việc riêng thì phụ huynh mới nên có ý kiến.
"Quy định tập thể đã đề ra, không thực hiện đúng thì cứ thế mà chịu phạt. Không đồng ý với quy định thì phụ huynh phải có phản hồi ngay từ đầu, chứ chờ đến khi con quên bị phạt rồi mới đem ta soi xét thì buồn cười lắm. Từ đầu phụ huynh đã có trao đổi gì về cái hình phạt đó không hay còn không thèm để ý", một phụ huynh nêu ý kiến.
Một vài người ủng hộ cô giáo cho rằng, con mình cũng từng nhận những hình phạt tương tự: "Con nhà mình hồi trước còn bị phạt đeo 10 cái khăn đỏ, mỗi ngày bớt một cái, nhìn nó như khoác con cáo 9 đuôi trên cổ ấy, mà nó biểu hiện rất hào hứng nên cô giáo chán luôn"; "Giống kiểu con mình bị phạt trực nhật vì nói chuyện nhiều, nó còn khoe con sắp làm chuyên gia quét lớp. Cô cũng bó tay"...
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh nhận định, cách phạt này ít có tác dụng răn đe với học sinh bởi người quên mang khăn quàng là các em nhưng người chịu phạt lại là bố mẹ.
"Mình không hề thích những hình phạt đánh vào kinh tế như thế này. Này là phạt phụ huynh chứ phạt gì học sinh", một phụ huynh đưa ý kiến. Đồng thời, người này cũng gợi ý, thay vì phạt mua khăn quàng, cứ lần quên, giáo viên có thể cho con chép phạt mấy trang giấy, lần 2 thì gấp đôi số trang lần 1. Trẻ con sợ phải ngồi chép phạt. Nếu cứ quên là mua 10 khăn quàng thì trẻ có thể hình thành suy nghĩ đã có bố mẹ nộp phạt, cùng lắm bị mắng nên càng không có ý thức tự giác.
Chưa kể, với nhà có điều kiện kinh tế mua 10, 20 khăn quàng không có vấn đề, nhưng với gia đình khó khăn thì vài chục, một trăm ngàn cũng là chuyện không nhỏ.
"Phạt như thế này không có ý nghĩa gì cả. Nếu có người nào nhớ ở đây thì là bố mẹ nhớ (là người bỏ tiền ra mua). Hoặc tệ hơn nữa là bố mẹ quay ra chì chiết con, và khả năng cao là vẫn sẽ quên tiếp vì tuổi này khả năng tập trung chưa cao. Nếu có gì trẻ nhớ mãi thì là nhớ lời chì chiết của cha mẹ hay thầy cô chứ nó sẽ chẳng nhớ bài học nào ở đây cả.
Thay vào đó người lớn ngồi xuống cùng với con tìm cách để con nhớ đeo, con tự nghĩ ra cách nào phù hợp với con nhất, nếu cần bố mẹ giúp thì sẽ giúp. Ví dụ dán giấy nhắc nhở, mua 2 cái dự phòng để ở trong cặp 1 cái, hoặc tan học thì buộc khăn đỏ thành hình cái nơ trên cặp tránh bỏ quên ở nhà...
Và xác định luôn là kiểu gì con cũng quên tiếp thêm vài lần, quên lại ngồi xuống cùng nhau tìm và thử cách khác. Sai thì làm lại, thử lại, cùng nhau tìm giải pháp. Đó mới là giáo dục. Nuôi dưỡng những đứa trẻ biết tôn trọng luật lệ vì lợi ích chung, giúp đỡ nếu chúng gặp khó khăn, khiến chúng không ngại bắt đầu lại chứ phải là tạo nên những con người chỉ làm đúng vì sợ bị trừng phạt", một người nêu ý kiến.
Hiện câu chuyện vẫn đang được bàn luận rôm rả. Còn bạn, bạn nghĩ sao về hình phạt này?
Người phụ nữ U50 sưu tầm 400 con thú bông, tiết lộ lý do có sở thích đặc biệt Mỗi tháng một lần, chị Sa dọn dẹp sạch sẽ kệ gỗ, nơi đặt bộ sưu tập thú bông của mình. Những con lấm bụi, chị mang phủi, giặt và phơi cho thơm tho rồi lại bày lên kệ. Ước mơ tuổi thơ Vốn yêu thích những món đồ chơi, 15 năm trước, chị Nguyễn Thị Sa (44 tuổi, Hà Nội) cùng em...