1 người mang 2 tư cách tố tụng, được không?
Theo các chuyên gia, việc một người vừa làm đại diện theo ủy quyền vừa là luật sư bảo vệ cho người khác khi tham gia tố tụng là không hợp lý, gây khó cho chính người đó và cho việc giải quyết án của tòa…
Ngày 30-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hoãn phiên xử phúc thẩm vụ nguyên đơn JEC (quốc tịch Úc) tranh chấp tài sản với hai bị đơn là bà NPTA và ông NTC để xác định lại tư cách tham gia tố tụng của luật sư NHP (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Vừa làm đại diện, vừa là luật sư bảo vệ
Trước đó, tại phiên tòa đã phát sinh một tình huống pháp lý đáng chú ý: Luật sư P. vừa làm người đại diện theo ủy quyền cho hai bị đơn và một tổ chức có liên quan trong vụ án, vừa là luật sư bảo vệ cho họ, tức luật sư P. tham gia tố tụng với hai tư cách.
Ban đầu, khi biết chuyện, HĐXX khá băn khoăn vì BLTTDS và các văn bản hướng dẫn đều chưa quy định về chuyện này nên không biết khi một người đồng thời mang hai tư cách tố tụng thì sẽ tham gia phiên tòa như thế nào.
Đại diện phía bị đơn và luật sư (đều là luật sư P.) thì cho rằng BLTTDS không cấm chuyện này, mặt khác việc ông mang hai tư cách tố tụng không mâu thuẫn về quyền lợi giữa các thân chủ nên ông đề nghị HĐXX chấp nhận. Tuy nhiên, đại diện VKS đã không đồng ý và đề nghị HĐXX hoãn xử.
HĐXX sau đó đã phải hội ý và quyết định hoãn xử như đại diện VKS đề nghị. Theo HĐXX, về mặt nội dung, việc một người tham gia tố tụng với “hai vai” như luật sư P. sẽ không dễ dàng, không đảm bảo được quyền lợi của cả đương sự lẫn luật sư. Về mặt hình thức, lúc giữ vai đại diện thì luật sư P. phải đứng ở ghế đương sự, lúc giữ vai luật sư thì luật sư P. phải đến bàn luật sư để trình bày. Như vậy, chỉ có mỗi việc là vị trí đứng ngồi của luật sư P. cũng đã lộn xộn và lúc luật sư P. trình bày thì việc xác định ông đang ở “vai” nào cũng rối. Từ đó, HĐXX quyết định hoãn xử để các đương sự thực hiện việc ủy quyền lại hay mời luật sư khác thế vào cho phù hợp.
Video đang HOT
“Hai vai” là bất hợp lý?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư P. cho biết trước đây, khi vụ án ở cấp sơ thẩm, ông chỉ làm đại diện theo ủy quyền. Sau đó ông thấy ở vai trò này, tại phiên tòa ông chỉ được hỏi đáp theo câu hỏi của HĐXX, nếu thêm vai trò luật sư thì ông sẽ có dịp trình bày đầy đủ các luận cứ, nêu thêm các vấn đề, góc nhìn pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Trong vụ này, phía bị đơn là người trong nhà, giá trị tranh chấp số tiền cũng đặc biệt lớn, ông là luật sư am hiểu pháp luật nên mong muốn được hỗ trợ hết sức mình…
Luật sư P. cũng khẳng định pháp luật tố tụng dân sự không cấm ông giữ cùng lúc hai tư cách tố tụng là vừa làm đại diện theo ủy quyền vừa là luật sư bảo vệ. Luật Luật sư cũng không hạn chế điều này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không đồng tình với quan điểm trên.
Các luật sư Nguyễn Sa Linh, Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều có chung quan điểm là một người đã tham gia với tư cách đại diện theo ủy quyền cho đương sự thì không thể tham gia với tư cách luật sư của đương sự đó được nữa. Theo hai luật sư này, pháp luật quy định đương sự có quyền “tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Luật sư P. đã đại diện cho đương sự mà lại làm luật sư bảo vệ cho chính đương sự là nghịch lý, không khác nào “mình đi nhờ mình bảo vệ mình”. Cho nên dù luật không cấm cũng không ai làm vậy. Hơn nữa, theo BLTTDS, đại diện theo ủy quyền vẫn có quyền trình bày luận cứ, đưa ra chứng cứ để bảo vệ quan điểm của đương sự. Do đó việc luật sư P. cùng lúc đóng “hai vai” là không cần thiết.
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng nhận định một người mang “hai vai” trong một vụ án thì sẽ không khách quan, độc lập và trung thực. Người đại diện nói lên tâm tư, nguyện vọng của đương sự. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong trường hợp này lại nêu quan điểm cho chính lời mình đã nói ra, vậy sao có thể phân biệt rạch ròi vai trò bảo vệ? Trong khi pháp luật đâu có hạn chế đương sự có một hay nhiều đại diện cũng như có quyền mời nhiều luật sư bảo vệ cho mình.
Mặt khác, tòa sẽ gặp khó khăn khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho một người mang hai tư cách khi mà ở “vai” này thì họ có quyền này nhưng ở “vai” kia lại bị hạn chế. Đặc biệt, với các chủ thể tham gia tố tụng, không phải pháp luật không cấm thì được làm mà chỉ được làm những gì pháp luật đã quy định.
Làm luật sư được nghiên cứu hồ sơ Theo một số thẩm phán chuyên xử án dân sự, đã có những vụ trong quá trình giải quyết án, đương sự mời luật sư nhưng tới khi ra phiên tòa, luật sư đó sẽ từ bỏ vai trò luật sư mà trở thành người đại diện theo ủy quyền của đương sự. Bởi lẽ BLTTDS quy định đương sự “được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập”, còn luật sư bảo vệ cho đương sự được “nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Như vậy, trong giai đoạn trước khi tòa mở phiên xử, làm luật sư có lợi hơn vì luật sư có quyền được nghiên cứu hồ sơ, phạm vi sẽ rộng hơn người đại diện và có thể hiểu rằng luật sư sẽ được xem toàn bộ hồ sơ. Còn đã ra phiên tòa thì ở “vai” nào – người đại diện hay luật sư bảo vệ – cũng đều nêu được quan điểm pháp lý bảo vệ cho đương sự.
HOÀNG YẾN
Theo PLO
Đi chúc tết hóa thành cướp giật: Tòa tiếp tục hoãn xử
Chiều 22-8, TAND quận Bình Thạnh đã đưa vụ án Nguyễn Chí Hùng bị truy tố tội cướp giật tài sản ra xét xử sơ thẩm lần hai. Tòa đã quyết định hoãn xử do bị hại vừa mới phẫu thuật, chưa ổn định được sức khỏe và có đơn yêu cầu hoãn. Tòa chưa thông báo ngày mở lại phiên xử.
Theo cáo trạng, chiều 31-1-2014 (mùng 1 tết), trước nhà 208C Phan Văn Trị (phường 12, quận Bình Thạnh), bà Hồ Thị Thu Hằng cùng gia đình gửi xe tại công an phường rồi đi bộ đến nhà cha bà chúc tết.
Nguyễn Chí Hùng tại phiên tòa ngày 30-9-2014. Ảnh: PL
Bà Hằng cùng chồng đang đi trên vỉa hè, bất ngờ Hùng từ phía sau vượt lên bên phải bà, dùng tay trái thò vào cổ để giật dây chuyền thì bị con bà nắm đuôi xe kéo lại.
Theo phản xạ, bà nghiêng người dùng tay phải chụp vào dây chuyền để giữ lại. Dây chuyền không bị đứt, không bị giãn. Hùng bị kéo ngã xe, đánh lại con bà rồi định bỏ chạy nhưng bị bắt giữ. Hai nhân chứng là chồng và con của bà làm chứng sự việc như bà trình bày.
Chứng cứ buộc tội là lời khai của người bị hại, lời khai của các nhân chứng là chồng và con của bị hại và vết xước trên cổ của bà. Theo người bị hại thì vết xước là do Hùng gây nên.
Hùng bị bắt quả tang nhưng không có vật chứng, dây chuyền vẫn trên cổ bị hại. Dây chuyền không được đem giám định và đã được trả lại cho bị hại ngay sau đó. Còn Hùng thì kêu oan từ khi bị bắt đến nay.
Tháng 9-2014, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm lần đầu, đã kết án Hùng bốn năm sáu tháng tù về tội cướp giật tài sản. Bản án này đã bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại theo thủ tục chung vì chưa đủ cơ sở kết tội.
Theo tòa phúc thẩm, để làm rõ hành vi phạm tội, cần vẽ lại sơ đồ hiện trường để xác định chiều rộng của vỉa hè, khoảng cách giữa nạn nhân và nhà dân, khoảng cách từ đầu hẻm nơi Hùng quẹo ra đến vị trí mà nạn nhân khai là bị cướp giật. Cần thực nghiệm điều tra để xem hành vi mà Hùng bị cáo buộc có phù hợp thực tế hay không.
Làm rõ vì sao trước đây lời khai của cả gia đình nạn nhân về vị trí của từng người khi đi trên vỉa hè (trước, sau, trái, phải) không thống nhất. Trong khi Hùng khai rằng công an phường không hề đưa đi chỉ điểm nhà bạn nhưng trong hồ sơ lại có biên bản không xác định được địa điểm...
Do kết quả điều tra lại chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp phúc thẩm nên khi thụ lý giải quyết sơ thẩm lần hai, TAND quận Bình Thạnh đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, VKS không thực hiện việc đối chất do các nhân chứng và bị hại từ chối đối chất, nhận dạng...
VÕ HÀ
THeo PLO
VKS được áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại Khi xác minh giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp, VKS thấy bị can bị oan thì đề xuất người có thẩm quyền hủy bỏ tạm giam, đình chỉ điều tra vụ án hoặc tạm giam không đúng thì thay đổi bằng biện pháp khác... Ngày 4-8, VKSND Tối cao tổ chức hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân,...