1 người chết, 9 người nguy kịch vì nấm: Chưa từng nghĩ có nấm độc!
Cả 9 nạn nhân đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc nấm, đều khẳng định họ chưa từng nghĩ trong nấm có độc. Hiện các bệnh nhân đang được áp dụng phương pháp điều trị tốt nhất nhưng vẫn chưa có tiên lượng tốt.
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nấm đến vậy. Điều đáng nói, cả 10 nạn nhân này (1 cháu đã tử vong) đều cùng trú huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Khi thông tin 5 người nguy kịch vì ăn nấm được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều người đã đã biết và cảnh giác phòng tránh. Tuy nhiên, 5 người bị ngộ độc sau này do không được tiếp cận được thông tin nên vẫn vô tư đi hái nấm rừng về ăn.
Các bệnh nhân đang được điều trị tích cực
Anh Lê Sinh Tú, người nhà của nạn nhân Lý Thị Thùy (14 tuổi) cho hay, từ lâu bà con vẫn duy trì thói quen ăn các loại nấm dại rừng. Sau mùa mưa, măng và nấm được coi là hai loại thực phẩm chính. Được biết, trong lúc vào rừng hái nấm, chị Thơm có phát hiện một khóm nấm tán trắng mọc dại ở gốc cây. Số nấm này rất tươi tốt, non một cách lạ thường sau mưa. Biết đây là loại nấm lạ nhưng chị Thơm vẫn hái về để ăn vì chị thấy nó giống hệt những cây nấm chị vẫn thường ăn, chỉ có phần gốc phình to hơn. Trong tâm thức chị Thơm cũng như người dân địa phương, chưa bao giờ họ nghĩ trong nấm có độc.
Mới nhập viện sáng 13/3 trong tình trạng đau bụng dữ dội và tiêu chảy liên tục, anh Đặng Hữu Thuận (35 tuổi) đến nay đã hoàn toàn tỉnh táo nhưng cứ uống thuốc vào lại nôn ra. Ông Thuận kể: “Sáng hôm đó, tôi bảo con trai vào rừng kiếm măng đem bán. Đến trưa, cháu cầm về một túi nấm trắng muốt, tươi tốt, dài và rất non. Thấy nấm ngon nên tôi đã xào lên làm thức ăn, mời cả người em vợ sang ăn cùng”.
Sau khi ăn không hề biểu hiện gì, cả nhà anh Thuận lại ra nương làm việc. Đến 16 giờ chiều thì cảm thấy khó chịu, buồn nôn và tiêu chảy nặng. 4 người đều có biểu hiện giống nhau nhưng không ai nghĩ là ngộ độc nấm. Đến đêm, khi tất cả đã lả đi, các cán bộ y tế có mặt giải thích, cả nhà mới ngỡ ngàng trước thông tin nấm độc.
Anh Đặng Hữu Thuận mặc dù tỉnh táo nhưng theo nhận định là trường hợp ngộ độc nặng nhất.
Anh Thuận nói anh đã ăn rất nhiều loại nấm nhưng chưa bao giờ nhìn thấy loại nấm lạ này. Anh cũng chưa từng nghe ai nói ăn nấm bị ngộ độc. Bà con ở đây khi vào rừng hái măng, gặp nấm đều hái về cải thiện bữa ăn.
Video đang HOT
Theo lời kể của cháu Đặng Phú Quý, người trực tiếp vào rừng hái nấm, trên đường đi hái măng, cháu có qua một khe suối. Hai bên bờ suối là hai dải nấm tươi rói, mới mọc lên sau mấy ngày mưa. Biết là nấm lạ nhưng Quý không ngần ngại hái một túi đầy về nhà cho bố mẹ.
Nhắc đến những trường hợp bị ngộ độc nấm thương tâm trước đó vài ngày, gia đình 5 nạn nhân này cho biết họ không hề hay tin, chỉ đến khi xuống bệnh viện cấp cứu, ở cùng phòng với nhau mới biết là đồng hương và đồng cảnh ngộ.
“Mặc dù chỉ cách nhau hơn chục cây số nhưng hàng ngày chúng tôi chỉ biết cặm cụi làm nương rẫy, đến tối lại vào nhà. Chuyện 5 người ở xã bên bị ngộ độc nấm trước đó vài ngày không ai biết. Vì trong thôn không có điện, bà con không được xem ti vi bao giờ. Nếu được tiếp cận báo thường xuyên thì có lẽ đã tránh được rủi ro”, anh Triệu Văn Lương, người thân của gia đình 5 nạn nhân vừa nhập viện chiều 13/3 chia sẻ.
Cháu Quý cho biết chưa từng nhìn thấy loại nấm đó nhưng vẫn hái về cho cha mẹ
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết, hai xã có nạn nhân bị ngộ độc nấm vừa qua (xã Liên Minh và xã Phú Thượng) đều là xã miền núi còn nhiều khó khăn. Bà con sinh sống hầu hết là người dân tộc Dao, chủ yếu canh tác trên nương rẫy. Địa hình miền núi phức tạp, mỗi nhà trên một quả đồi nên đường đi rất khó khăn, đường rừng vào thôn mùa mưa chỉ có thể đi bộ. Do nhiều thôn vẫn chưa có điện nên bà con không có cơ hội tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng nên trình độ nhận thức còn rất hạn chế. Công tác tuyên truyền đến với bà con còn gặp nhiều khó khăn.
“Ngay sau khi xảy ra sự việc, các ban ngành của huyện Võ Nhai đã thống nhất hỗ trợ bước đầu cho mỗi gia đình 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, vận động các ban ngành đoàn thể, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ cho những gia đình bị nạn. Đến nay số tiền quyên góp đã được 60 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền đó vẫn rất nhỏ đối với mỗi ca chữa bệnh hàng trăm triệu đồng”, ông Bắc chia sẻ.
Chiều 13/3, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Phạm Duệ, cho biết, nhóm nạn nhân mới nhập viện cũng được xác định bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Các triệu chứng đều giống như nhóm bệnh nhân trước là nôn mửa, tiêu chảy, các xét nghiệm cho thấy bắt đầu có sự phá hủy gan. Theo đúng chu trình ngộ độc nấm, biểu hiện ở giai đoạn đầu sẽ là tiêu chảy, nôn mửa dữ dội. Sau khi được điều trị điện giải, các bệnh nhân giảm nôn và khỏe lại như bình thường nhưng các tế bào gan bắt đầu bị phá hủy bởi độc chất và men gan tăng dần. Sau đó sẽ đến giai đoạn bộc lộ viêm gan nhiễm độc, hôn mê gan và tử vong.
PGS.TS Phạm Duệ cho biết các bệnh nhân đang được điều trị bằng những biện pháp tốt nhất Hiện nay, các bệnh nhân đang ở giai đoạn thứ hai, gọi là “cửa sổ yên tĩnh” trong thời gian rất ngắn, các bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. “Trước sự cấp thiết, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn qua điện thoại với các bác sĩ ở California, Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị ngộ độc. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tổ chức hai cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ để đưa ra những biện pháp và điều kiện phù hợp để chữa trị tốt nhất. Có thể nói, tất cả các biện pháp tốt nhất ở Việt Nam đang được áp dụng đối với tất cả các bệnh nhân”, PGS.TS Phạm Duệ cho biết.
Quốc Cường – Xuân Thái
Theo Dantri
Gia cảnh khốn cùng của 5 nạn nhân ngộ độc nấm
"Đến tiền triệu nhà còn chưa có thì lấy đâu ra số tiền hàng trăm triệu bây giờ? Hôm qua gặng mãi mới được một người thân thương tình cho mượn 1 triệu. Hết số tiền đó, tôi không biết xoay ở đâu nữa. Không đành cho hai mẹ con về nhà chờ chết...".
Như Dân trí đã thông tin, sau khi lên rừng hái nấm về ăn, 5 nạn nhân ở Võ Nhai - Thái Nguyên đã bị ngộ độc nặng. Hiện tình trạng các nạn nhân vẫn còn nguy kịch, đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Các bệnh nhân gồm ông Triệu Nho Phú (57 tuổi), bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi, vợ ông Phú); chị Lý Thị Thơm (35 tuổi), cháu Lý Minh Khôi (13 tuổi, con trai chị Thơm) và cháu Lý Thị Thùy (15 tuổi, cháu chị Thơm).
Tại bệnh viện, vẻ lo âu, thất thần thể hiện rõ trên khuôn mặt người nhà của các bệnh nhân. Nhiều người đã òa khóc nức nở mỗi khi nhắc đến khoản tiền viện phí hàng trăm triệu đồng đối với mỗi bệnh nhân, trong khi tính mạng của những người thân ngày càng nguy kịch.
5 nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn nấm vào ngày 8/3 vừa qua đều là người dân tộc Dao thuộc huyện miền núi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Họ chủ yếu lao động sản xuất, làm nông nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Sau khi biết tin con gái Lý Thị Thơm cùng cháu trai Lý Minh Khôi bị ngộ độc nặng, phải chuyển xuống Hà Nội để cấp cứu, bà Lê Thị Tâm lặng người đi, nước mắt tuôn rơi mà không nói được lời nào.
Anh Triệu Sinh Tú, một người nhà của bệnh nhân bị ngộ độc nấm đang lo lắng không biết kiếm đâu số tiền lớn để chạy chữa cho người nhà.
Bà Tâm cho biết, ngày chị Thơm sinh được cháu Khôi cũng là lúc người chồng bỏ nhà ra đi, từ đó chưa một lần về thăm vợ con. Ba bà cháu tự trông coi, đùm bọc nhau mà sống. Biết tin hai mẹ con chị phải chuyển xuống Hà Nội cấp cứu mới giữ được tính mạng, bà cùng bà nội cháu Thùy đã dồn hết số tiền trong nhà, vay mượn thêm mới được 120.000 đồng để mang theo xuống Hà Nội. Nhưng khi nghe đến khoản tiền viện phí như sét đánh ngang tai, bà Tâm chết lặng.
"Đến tiền triệu nhà còn chưa có thì lấy đâu ra số tiền hàng trăm triệu bây giờ. Hôm qua gặng mãi mới được một người thân ở Bắc Ninh thương tình cho mượn 1 triệu. Nhưng ở giữa thủ đô, số tiền này quá ít ỏi. Nếu dùng hết số tiền đó, tôi không biết sẽ xoay ở đâu ra nữa. Không lẽ đành cho hai mẹ con nó về nhà chờ chết..." - Bà Tâm bật khóc.
Các bệnh nhân vụ ngộ độc nấm rừng hiện vẫn đang được tích cực theo dõi, điều trị
Anh Lý Sinh Tú, người anh họ của nạn nhân Thùy (14 tuổi) cho biết: "Cuộc sống của bé Thùy bất hạnh từ bé, cuộc hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ đã khiến em trở nên bơ vơ. Người bố sang Trung Quốc làm ăn không trở về nữa. Mẹ em cũng đã đi bước nữa, nhưng hiện không ai biết đang ở đâu. Nay cháu đang sống với bà nội đã hơn 70 tuổi. Do không ai nuôi ăn học nên em đã phải bỏ học từ năm lớp 8 rồi ở nhà đỡ đần, giúp bà làm việc".
Để xuống Hà Nội chăm em, chiếc xe máy cũ, tài sản có giá trị nhất của Tú đã phải mang đi cầm cố để lấy 3 triệu đồng lo tiền viện phí. Những tưởng như vậy là đủ, nhưng vừa rồi bệnh viện yêu cầu mỗi bệnh nhân đóng 3 triệu đồng viện phí. Tú chỉ dám nộp trước 2 triệu đồng cho cả ba bệnh nhân (hai mẹ con chị Thơm và cháu Thùy), còn một triệu anh dùng để dự phòng, lo liệu việc khác.
Hiện tại các bệnh nhân cùng người nhà đã bước đầu được hỗ trợ suất ăn miễn phí theo chế độ của bệnh viện. Tuy nhiên, gia cảnh của các bệnh nhân đều rất khó khăn, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng.
Còn ông Triệu Nho Phú và bà Vũ Thị Hồi sống với nhau trong một chiếc lán giữa rừng. Hai người con của họ đã lớn và đi xây dựng gia đình nhưng do ở xa, hoàn cảnh khó khăn nên cũng chẳng giúp đỡ được gì cho bố mẹ. Họa hoằn lắm cả năm mới về nhà thăm bố mẹ được một lần. Hôm 8/3, thấy người trong bản lên rừng và ghé qua nhờ nấu cơm, ông bà vui mừng lắm, nấu cơm sẵn để chờ. Không ngờ đó lại là bữa cơm "định mệnh", đẩy 5 số phận đến mức kiệt quệ, nguy hiểm.
Khi lực lượng dân quân cùng đoàn bác sĩ có mặt tại lán để đưa ông bà đi cấp cứu, cả đoàn xót thương vì hai vợ chồng cùng nói: "Chỉ muốn ở nhà thôi, chờ chết lúc nào thì chết" vì có đi cũng chẳng có tiền. Ngoài chiếc lán lụp xụp, ông bà không còn một đồ vật gì đáng giá.
Theo TS.BSCK II Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, việc điều trị cho những bệnh nhân bị ngộ độc rất tốn kém, ước tính mỗi ca chữa trị dao động trong khoảng từ 300 triệu đồng trở lên. Chi phí cho mỗi lần lọc máu khoảng 15 triệu đồng/ca, đó là mức tiền đối với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Trong khi từ ngày nhập viện, các bệnh nhân này đã phải tiến hành lọc máu liên tục, nếu không lọc máu sẽ khó có cơ hội cứu sống. Đến giờ chưa kết luận các bệnh nhân có qua cơn nguy kịch hay không, cần phải được theo dõi và điều trị tích cực.
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
"Ác mộng" cầu treo! Những cây cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân mỗi lần đi qua đều nơm nớp lo sợ. Không có kinh phí sửa chữa, người dân mỗi ngày vẫn phải đánh cược mạng sống của mình. Theo ghi nhận của PV Dân trí, hai cây cầu thuộc xã Tam Lư, nối từ bản Hậu sang bản Sại và cầu thuộc...