1 doanh nghiệp tặng 7 ô tô cho tỉnh Quảng Nam
Công ty cổ phần Trường Hải đã tặng 7 ô tô cho tỉnh Quảng Nam. Những chiếc xe này đã chuyển thành xe công vụ đưa đón các lãnh đạo địa phương.
Trao đổi với VietNamNet chiều nay, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Trường Hải bắt đầu tặng xe cho tỉnh từ năm 2009.
Cụ thể năm 2009, công ty Trường Hải (đóng tại huyện Núi Thành) tặng 1 ô tô hiệu Kia Opirus cho UBND tỉnh. Chiếc xe này sau đó được đăng ký biển 92E-7679 phục vụ đưa đón Chủ tịch tỉnh Quảng Nam.
Cùng thời điểm, công ty này tặng một chiếc cùng loại cho Tỉnh ủy, BKS 92E-7129 phục vụ đưa đón Bí thư Tỉnh ủy.
Đây là 2 xe nhập khẩu nguyên chiếc, giá của 2 chiếc xe này chưa được xác nhận.
Chiếc Kia Opirus doanh nghiệp tặng UBND tỉnh Quảng Nam
Theo ông Quang, Trường Hải là công ty sản xuất và lắp ráp ô tô đóng trên địa bàn với thương hiệu chính là Kia. Trong 15 năm phát triển, công ty này luôn đồng hành cùng nhiều sự kiện và hoạt động xã hội của tỉnh.
Video đang HOT
“Năm 2009, anh Dương (ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT công ty CP ô tô Trường Hải PV) đề xuất tặng xe cho lãnh đạo tỉnh. Mấy anh cũng trăn trở lắm, ngại chuyện doanh nghiệp tặng xe.
Nhưng anh Dương có nói lãnh đạo tỉnh, đặc biệt Bí thư Chủ tịch mà không đi xe của Trường Hải sản xuất trên đất Quảng Nam thì ai dám đi. Sau đó lãnh đạo tỉnh có nhận 2 chiếc Kia Opirus. Đến nay, xe đã qua nhiều đời Bí thư, Chủ tịch và vẫn đang được sử dụng”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, Trường Hải sau đó tiếp tục tặng xe cho Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn, và huyện Núi Thành.
Mới đây, tháng 7/2016, công ty tiếp tục tặng UBND tỉnh và Tỉnh ủy một chiếc Kia Sorento.
Được biết, Kia Carens và Kia Sorento do Trường Hải lắp ráp, sản xuất ở Quảng Nam. Kia Carens giá bán ngoài thị trường khoảng 500 triệu đồng; còn Kia Sorento hơn 1 tỷ đồng đồng/chiếc.
Tổng cộng, doanh nghiệp này đã tặng các cơ quan đoàn thể Quảng Nam 7 ô tô. Ông Nguyễn Hồng Quang cho biết, tất cả các xe tặng đều thuộc dòng Kia và đã xác lập sở hữu nhà nước.
“Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo và báo chí nêu trường hợp doanh nghiệp tặng xe ở các địa phương, tỉnh đã giao Sở Tài chính rà soát. Sắp tới căn cứ vào số liệu của Sở, tỉnh sẽ có báo cáo chung về việc này”, ông Quang cho biết thêm.
(Theo Vietnamnet)
"Làn sóng" chính quyền trả xe tặng cho doanh nghiệp
Chỉ trong cuối ngày hôm qua (3/4), lần lượt: UBND tỉnh Cà Mau và sau đó là Thành uỷ Đà Nẵng đã có động thái trả lại xe ô tô của các doanh nghiệp tặng. Những việc này được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến rõ ràng về vấn đề trên tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ. Nhưng liệu việc này sẽ thành tiền lệ: Từ nay, các bộ, ngành, các địa phương sẽ không nhận quà tặng đắt tiền từ doanh nghiệp?
Chiếc xe của Thành uỷ Đà Nẵng từ quà tặng của doanh nghiệp sẽ được hoàn trả trong ngày hôm nay (4/3)
Không phải cho đến thời điểm này mới có việc trả lại xe ô tô đắt tiền do doanh nghiệp tặng. Tháng 8/2016, UBND tỉnh Ninh Bình mặc dù đã nhận xe, chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu nhà nước (xe công) với 3 chiếc xe giá trị trên 6,2 tỷ đồng do một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh này tặng, đã rút lại đề nghị trên và trả lại xe cho doanh nghiệp đó.
Trong một bài viết vào tháng 7/2016 với tiêu đề "Bóng tối của Trịnh Xuân Thanh tại Halico", Dân trí cũng đã nêu chuyện ông Mai Văn Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico)-một đàn em của Trịnh Xuân Thanh đã chuyển một chiếc xe Mercedes E250 cho Bộ Công Thương "mượn". Sau khi báo nêu, Bộ Công Thương ngay trong ngày đã ra quyết định trả xe cho Halico.
Với các động thái trả xe của UBND tỉnh Cà Mau và Thành uỷ Đà Nẵng lần này cũng vậy, việc trả xe không phải ý muốn chủ động ngay từ đầu của chính quyền các tỉnh, thành phố trên mà sau khi có dư luận báo chí, ý kiến của nhiều chuyên gia luật, kinh tế và cuối cùng là ý kiến của người đứng đầu Chính phủ.
Cho nên, có thể nói, việc trả xe, tuy đáp ứng nguyện vọng của người dân mong muốn các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch trong việc nhận quà tặng của doanh nghiệp và cũng khá kịp thời (trừ Đà Nẵng) nhưng đáng tiếc là việc "gửi lại quà" đó phần nhiều là sự miễn cưỡng.
Trên thực tế, Nhà nước hiện nay đã có tới 3 văn bản pháp luật quy định về việc cho và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, của cán bộ, công chức như Nghị định 29/NĐ-CP của Chính phủ năm 2014, Quyết định số 64/QĐ/TTg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 32/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Các văn bản trên đều quy định khá rõ về những cách thức, trình tự cho, nhận quà tặng và cả từ chối quà tặng của các tổ chức, cá nhân với các tổ chức, đơn vị nhà nước mà trong một số trường hợp, các bộ, ngành, địa phương có thể vận dụng, thậm chí có trường hợp vận dụng không sai khi nhận quà tặng của các tổ chức, cá nhân là những chiếc xe đắt tiền.
Bộ Công Thương từng "mượn" xe của doanh nghiệp dù doanh nghiệp này đang thua lỗ, nhưng đã phải trả lại sau khi Dân trí nêu
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải không có kẽ hở trong việc cho, nhận, sử dụng quà tặng là xe ô tô đắt tiền với giá trị lên tới hàng tỷ đồng/chiếc khi những chiếc xe đó thực tế lại không được sử dụng vào việc đi phòng chống thiên tai, chữa cháy rừng ...(có những xe đắt tiền sử dụng không phù hợp vào các việc như vậy), hoặc có thể được sử dụng vào mục đích khác khi ở cấp cơ sở còn thiếu hệ thống giám sát việc sử dụng quà tặng.
Hơn nữa, có những trường hợp tặng quà có dấu hiệu có động cơ không minh bạch khi chính đơn vị là doanh nghiệp tặng xe cho chính quyền lại chính là các đơn vị thuộc diện mình phải quản lý và doanh nghiệp đó còn chưa chấp hành tốt các quy định nhà nước nhất là về chính sách thuế mà một số tờ báo đã nêu trong tuần: Lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh...Thì việc trả lại xe cho các doanh nghiệp này là điều không phải khuyến khích nữa mà là bắt buộc.
Mặc dù vậy, cũng không phải không có những trường hợp được phép tặng xe, nên tặng và nên nhận. Ví dụ có những doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, quy định nhà nước, kinh doanh có lợi nhuận lớn nhưng thực sự muốn đóng góp, tặng tiền, tặng những món quà để đóng góp sự phát triển của ngành, hay địa phương, ví dụ như tặng xe ô tô cứu hoả để chữa cháy rừng khi địa phương còn thiếu kinh phí mua xe, tặng xe để làm phương tiện chở bệnh nhân ở các bệnh viện...với tinh thần tự nguyện, thiện nguyện thì cũng đều nên cho và nên nhận.
Do đó, ở đây không phải là vấn đề tuyệt đối không nên nhận, không nên cho mà Nhà nước cần có các quy định, chính sách cụ thể hơn nữa để làm khiến việc cho, nhận quà tặng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Người dân và báo chí có thể giám sát dễ dàng thì việc cho, tặng từ doanh nghiệp hay bất cứ một đơn vị, cá nhân nào cho các tổ chức, cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước sẽ được thực hiện tốt, không có yếu tố vụ lợi và được sự ủng hộ, đồng tình của người dân.
(Theo Dân Trí)
Cấm địa phương nhận xe DN tặng: Củng cố niềm tin về Chính phủ liêm chính Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch; tạo lập sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, cần nghiêm cấm các cơ quan công quyền nhận quà tặng có giá trị của các DN, chủ thể do mình phụ trách, vào mục đích sử dụng cho cơ quan hoặc các cá nhân. ĐBQH - PGS. TS Hoàng Văn Cường ĐBQH...