‘1-3 năm là đủ biến bác sĩ tâm sáng tới chỗ nhận phong bì’
Theo khảo sát vừa công bố của Tổ chức Hướng tới Minh bạch, chỉ sau 1-3 năm (khoảng thời gian thử thách và quyết định vào biên chế) là có thể biến một cán bộ y tế trong sáng tới chỗ nhận phong bì không ngại ngùng, thậm chí mong được nhận. Ở khoa sản hoặc ngoại thì chỉ cần 1 năm.
Đây là một trong những kết quả của nghiên cứu định tính mới nhất mà Tổ chức Hướng tới Minh bạch – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng vừa công bố sáng nay tại Hà Nội.
Nghiên cứu phỏng vấn 17 cán bộ quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức, 119 cán bộ y tế và bệnh nhân; đồng thời thảo luận nhóm (9 cuộc). Theo các chuyên gia, dù số lượng người tham gia nghiên cứu không nhiều, nhưng bằng phương pháp phóng vấn sâu và thảo luận nhóm, đã đi sâu tìm hiểu và khai thác được nhiều khía cạnh cũng như gốc rễ vấn đề.
Nghiên cứu được tiến hành tại 4 tỉnh là Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk và Cần Thơ từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2011.
Kết quả cho thấy, “chi phí không chính thức” trong dịch vụ y tế bắt đầu phổ biến từ năm 2000 và ngày càng gia tăng, với hình thức chủ yếu là đưa tiền trực tiếp và để tiền trong phong bì. Các hình thức khác có thể là biếu quà bằng hiện vật và tặng “cơ hội” cho nhân viên y tế.
Hình thức tặng “cơ hội” cho bác sĩ mới xuất hiện mấy năm gần đây và chỉ có ở các thành phố lớn, như giới thiệu suất mua nhà giá gốc, xin học cho con vào trường danh tiếng, mua hàng nước ngoài…
“Cô bạn tôi, khi phải vào viện, đã tìm cách tiếp cận với một bác sĩ có vị trí cao và chỉ sau vài câu trò chuyện gợi mở về các “cơ hội” có thể dành cho bác sĩ hay người nhà họ, cô đã khiến chính bác sĩ phải hỏi xin số điện thoại của mình và chỉ sau hai cuộc gọi thì hai người thân thiết như người nhà. Sau đó, mỗi lần cô ấy hay người thân, bạn bè… phải vào viện khám, chữa thì dù nửa đêm gọi, vị bác sĩ kia cũng sẵn sàng tới ngay”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng – thành viên nhóm nghiên cứu, lấy dẫn chứng.
Bà Hà cho biết, có sự chênh lệch lớn về giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, giữa thành thị và nông thôn, dao động từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng, ngoại lệ có giá trị lên tới vài chục triệu đồng.
Quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng phong bì. Hình ảnh có tính chất minh họa tại bệnh viện K. Ảnh: Minh Thùy.
Về động cơ “lót tay” cho bác sĩ, trong khi hầu hết nhân viên y tế cho rằng các khoản này là do người bệnh tự nguyện đưa thì chỉ có một số ít bệnh nhân nói họ làm điều này xuất phát từ tấm lòng.
Khoảng một nửa số bệnh nhân được phỏng vấn cho biết họ đưa tiền hay quà vì thấy “mọi người đều làm như vậy” và 1/3 số người bệnh nói đôi khi nhân viên y tế đòi hỏi phong bì theo cách thức rất tinh vi.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy có nhiều lý do để bệnh nhân đưa, và nhân viên y tế nhận các khoản chi phí không chính thức. Với bệnh nhân, đưa phong bì là cách giúp họ được quan tâm và điều trị hoặc được điều trị với chất lượng tốt hơn, hoặc đơn giản là để khỏi cảm thấy xấu hổ. Còn nhân viên y tế nhận tiền hoặc phong bì thường là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, để mở rộng quan hệ xã hội hoặc đơn giản là để không làm bệnh nhân thất vọng.
Những người được phỏng vấn – cả nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng các khoản chi phí không chính thức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới dịch vụ y tế ở Việt Nam, làm xói mòn niềm tin và sự tôn trọng của bệnh nhân đối với hệ thống y tế, đồng thời có thể gây mâu thuẫn trong nội bộ khoa phòng của các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, theo các nhân viên y tế, không có sự khác biệt trong chất lượng điều trị cho bệnh nhân, dù họ có hay không đưa phong bì. Tuy nhiên, các bác sĩ và điều dưỡng được phỏng vấn cũng cho rằng phong bì có thể giúp bệnh nhân được “tư vấn nhẹ nhàng” như tư vấn lâu hơn, thái độ giao tiếp tốt hơn, quan tâm hơn sau phẫu thuật.
“Từ khía cạnh công bằng trong chăm sóc sức khỏe, chất lượng điều trị chắc chắn bị ảnh hưởng khi ưu tiên điều trị không được thực hiện căn cứ theo tình trạng bệnh tật mà bị tác động bởi tiền bạc”, tiến sĩ Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng bày tỏ.
Video đang HOT
Theo ông, điều này cho thấy Y tế là ngành dịch vụ có vô cùng nhiều quyền lực khi khiến người bệnh cảm thấy có lỗi nếu không biếu tiền người phục vụ mình. “Nhưng rõ ràng, một ngành dịch mà mà vừa thu tiền vừa thu lòng biết ơn là ngành không lành mạnh”, ông nói.
Từ đầu tháng 10/2011, công đoàn Y tế cũng phát động một phong trào thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế, trong đó có nội dung bác sĩ nói không với phong bì. Theo đó, 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung Ương, bệnh viện K và E đã ký cam kết thực hiện đầu tiên.
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm đi vào thực tế, theo ghi nhận của VnExpress.net, tình trạng đưa và nhận phong bì vẫn khá phổ biến tại hầu khắp các bệnh viện này.
Chờ tin người thân trước cửa phòng Hồi sức Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, ông Lâm (Hưng Yên) cho biết, sau khi con trai mổ chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông, ông đã “cảm ơn” bác sĩ bằng một phong bì 2 triệu đồng.
“Từ lúc cháu mổ xong và chuyển xuống phòng hồi sức thì lại tiếp tục phải “nhờ” các bác sĩ dưới này. Đã vào viện là xác định phải đưa thêm cho bác sĩ rồi, nhất là khi tính mạng con mình lại ngàn cân treo sợi tóc”, ông Lâm nói.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình trạng này cũng xảy ra tương tự.
“Đưa tiền trước là bác sĩ không nhận đâu, xong xuôi mọi việc thì họ không từ chối. Mổ thì 3 triệu, đẻ thường 1 triệu, người trước bảo người sau, cứ thế mà theo thôi”, một người đàn ông trẻ tuổi đứng đợi trước nhà G, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ kinh nghiệm đưa vợ đi đẻ. Anh cho biết, vợ anh sinh mổ, đã nhờ trước một bác sĩ quen và đưa phong bì đúng theo “luật bất thành văn” kể trên.
Cũng có những trường hợp, bản thân người bệnh cảm thấy áy náy nếu không “lót tay” cho bác sĩ. Có người thân sắp mổ tại Trung tâm phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức) anh Nguyễn Văn Hải quê Bắc Ninh cho biết, những người bệnh cùng phòng đều nói, các bác sĩ ở đây không nhận phong bì và bệnh của mẹ anh nhẹ nên không cần đưa, nhưng anh không yên tâm nếu “không có gì”.
“Theo lịch mai mẹ tôi mổ, tôi đang nghĩ cách nào để bác sĩ nhận tiền cho”, anh Hải thổ lộ.
Theo các chuyên gia, Y tế là ngành dịch vụ có vô cùng nhiều quyền lực khi khiến người bệnh cảm thấy có lỗi nếu không biếu tiền người phục vụ mình. Ảnh chỉ có tính chất minh họa: Minh Thùy.
Một cán bộ Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, hiện đang tiến hành tổng kết hiệu quả của phong trào này. Theo bà, chưa thể nói là phong trào này có giúp giảm hiện tượng “phong bì” trong bệnh viện hay không, nhưng đây là dịp để khơi dậy y đức cũng như đào tạo lại thái độ ứng xử của nhân viên y tế. Sau khi tổng kết, có thể Công đoàn y tế sẽ nhân rộng việc thực hiện phong trào này tới nhiều bệnh viện tại Hà Nội và các địa phương khác.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hướng tới Minh bạch và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng thì, các biện pháp đã áp dụng để kiểm soát chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế (như hạ bậc hạnh kiểm và xử phạt hành chính người vi phạm; tạo cơ chế mở cho bệnh nhân phản ánh và góp ý…) đa phần mang tính hình thức và không mấy hiệu quả.
Giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc BV Phụ sản Trung ương, Chủ tịch hội sản phụ khoa Việt Nam, thì các biện pháp xóa phong bì chỉ khả thi khi đưa mức thu dịch vụ y tế ngang bằng với các nước trên thế giới hoặc quay về thời bao cấp – còn nếu như hiện nay, theo kiểu bệnh viện công-cơ chế tư thì sẽ không thể khắc phục được.
Ngoài ra, theo ông, muốn làm được điều này, bệnh viện phải tự chủ, giám đốc bệnh viện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm quản lý, xử lý nhân viên của mình bằng kỷ luật nghiêm minh, sẵn sàng cho nghỉ việc ngay những cá nhân nhận phong bì hối lộ. Và có thể xây dựng một bệnh viện điểm hoàn toàn không có phong bì.
Theo VNExpress
Vụ khách chết trên xe bị bỏ lại giữa đường: Lương tâm nhà xe và sự bức xúc của người bố
Thông tin học sinh sinh năm 1993 quê Nam Định mất trên đường về quê bị nhà xe đưa xác qua cửa sổ ngày 20/1 khiến dư luận rúng động. PV VietNamNet đã tìm đến nhà, gặp bố đẻ nạn nhân để xác minh, tìm hiểu thêm về vụ việc.
Chuyến đi định mệnh
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi tìm đến nhà nạn nhân. Chiều 29 Tết, ngôi nhà nhỏ của hành khách xấu số - em Bùi Văn Huấn (xóm 8 thôn Nam Điền, xã Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chìm ngập trong không khí tang tóc, ảm đạm.
Người ông ngoại của Huấn năm nay 80 tuổi ngồi thẫn thờ không nói lên lời. Mẹ Huấn từ hôm sự việc xảy ra ăn không nổi, gương mặt tiều tụy, buồn rũ rượi. Đau đớn thay, vào những ngày cuối cùng của năm, ngôi nhà tắt đi tiếng cười của cậu bé, thay vào đó là chiếc bàn thờ nhỏ...
Trên di ảnh, gương mặt Huấn trông thư sinh, khôi ngô hiền lành. Em đã vĩnh viễn ra đi mà chưa kịp đón Tết cùng gia đình.
Di ảnh Huấn trên bàn thờ mới dựng cho em
Bố đẻ của Huấn nén nước mắt kể lại chuyến đi định mệnh cướp mất sinh mạng người con trai ngày 20/1.Theo lời ông Hà, Huấn bị bệnh thận phải điều trị tại BV Bạch Mai từ hai, ba năm nay. Em thường xuyên phải lên bệnh viện khám và lấy thuốc định kì. Gia cảnh khó khăn nhưng bố mẹ Huấn vẫn dồn sức chữa chạy để con có sức khỏe, học hành đầy đủ.
"Em em đang học lớp 12, bình thường nó vẫn đạp xe đi về cách nhà 10 cây số, vẫn học hành, sinh hoạt bình thường" - anh trai Huấn cho biết.
Sự việc xảy đến quá đột ngột, bởi trước Tết mấy ngày, sức khỏe Huấn vẫn ổn định. Nhưng muốn con có cái Tết an lành, khỏe khoắn nên ông Hà quyết định đưa con lên bệnh viện khám và xin thuốc sớm.
"Có ai ngờ cho em đi khám để về được ăn Tết cho yên tâm lại ra nông nỗi ấy..." - người anh trai bùi ngùi nói.
Ông Hà nhớ lại chuyến đi định mệnh: Sáng ngày 20/1 hai bố con lên đến BV Bạch Mai nhưng không tìm gặp được bác sĩ, không vào khám và cũng không xin được thuốc.
Đến chiều khoảng 2h thì hai bố con đành bắt xe từ Giáp Bát về quê ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
"Cháu nhà tôi sau khi uống xong hộp sữa thì gục vào tay tôi nói cho con dựa một tí... Được một lúc thì cháu bỗng hét lên, miệng ngậm chặt lại. Tôi sợ cháu cắn vào lưỡi liền cho tay vào miệng cháu đẩy lưỡi vào. Cứ thế là cháu cắn nghiến lấy tay tôi đến bật máu. Một ông khách lớn tuổi đến xem rồi quay sang tôi nói: Con mày chết rồi!" khiến tôi bàng hoàng.
"Lúc ấy trên xe chật cứng, chỉ 24 chỗ nhưng phải có tới khoảng 40 người. Mỗi ghế bốn người nhưng phải đến 5, 6 người ngồi chen lấn, trước xe cũng có người ngồi. Thấy vậy, lái xe liền bảo hành khách đứng dậy cho cháu xuống nhưng lơ xe thì bảo "Thôi, xuống luôn cửa này" và một tay đỡ tuồn cháu qua cửa sổ, nhờ một hành khách giúp đưa xuống.
Tôi quá bối rối không biết làm gì hơn, ôm theo một cái chăn, túi đồ và chiếc áo mưa xuống theo con" - ông Hà nhớ lại.
Như vậy, cháu bé không phải được đưa qua cửa sau xe như một số báo đã đưa tin mà chính xác là bị lơ xe đưa qua cửa thoát hiểm sau xe.
Bà chủ xe chỉ trả lại cho ông Hà số tiền vé 200 nghìn, cùng số tiền hành khách trên xe quyên góp giúp đỡ rồi cho xe chạy thẳng.
Bơ vơ giữa nơi đất khách quê người, cách nhà hơn 90 cây số trong cảnh cùng quẫn tột độ, người cha quá hoảng loạn không biết làm gì hơn ngoài gọi điện về cho gia đình.
Ông Bùi Văn Hà phẫn nộ kể lại sự việc. Ngón tay ông vẫn đang băng bó do vết cắn của con trai.
Những người dân trong khu vực khi biết đến sự việc đã tới giúp đỡ, mua chiếu, căng bạt giúp cháu bé.Mãi đến hơn 21h, ông Hà mới nhờ con gái gọi được xe cấp cứu để đưa cháu Huấn về quê. Lúc hai cha con về đến nhà cũng vào khoảng 11 rưỡi đêm.
"May mắn lớn nhất của cha con tôi ngày hôm ấy là được người dân bên đường giúp đỡ tận tình. Trong lúc tôi quá bối rối không biết làm gì thì nhân dân đã lo giúp mọi chuyện, mua chiếu, dựng lều bạt che chắn giúp cháu" - ông Hà cảm động nói.
Hành động ấm lòng ấy của những người xa lạ phần nào giúp ông được nguôi ngoai. Qua báo VietNamNet, ông Hà xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bà con khu vực cầu Khuất - Thanh Liêm - Hà Nam, nơi bố con ông gặp nạn.
Lương tâm nhà xe bỏ đi đâu?
Khi kể lại sự việc, điều ông Bùi Văn Hà phẫn uất nhất là hành xử nhẫn tâm của nhà xe: "Con tôi mất, họ vứt con tôi chết lại giữa đường, vứt hai bố con tôi lại giữa trời mưa rét, cách nhà hơn 90 cây số. Hỏi lương tâm của nhà xe bỏ đi đâu?".
Theo lời ông, nhà xe C.T (thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định), cách nhà ông chỉ một con đê, xã trong, xã ngoài với nhau. Nhưng khi sự việc đau lòng trên xảy ra, trên xe có đến 4 người: Một tài xế, một chủ xe thu vé và 2 phụ nhưng tất cả đều nhẫn tâm bỏ mặc, không đếm xỉa gì đến sinh mệnh con người.
Người mẹ đau khổ trước cái chết của cậu con trai út
"Giá như lúc ấy họ gọi giúp tôi cái xe để tôi đưa cháu về nhà, thì gia đình tôi dù nông dân nghèo khó đến đâu tôi cũng chạy vạy đủ tiền trả cho họ được... Đằng này, họ chỉ muốn nhanh chóng đưa cháu bé xuống khỏi xe để chạy cho nhanh..." - ông Hà uất ức nói.Nén nước mắt ông cho biết thêm: "Từ hôm chúng tôi đưa cháu về, nhà xe chưa hỏi han được câu nào".
Ngày 21/1, khi trao đổi với VietNamNet, gia đình ông đã lo liệu xong hậu sự cho em Huấn. Tuy nhiên, ngay cả đến lúc này, người cha vẫn chưa biết đích xác điều gì dẫn đến cái chết tức tưởi của con trai. Mặc dù vậy, ông và gia đình không mảy may có ý đổ lỗi, đòi hỏi trách nhiệm cho ai khác.
Cũng vì quá đau buồn, không muốn làm sự việc rùm beng mà chỉ mong mau chóng đưa con về với gia đình nên khi cơ quan điều tra đến yêu cầu khám nghiệm pháp y, ông Hà đã từ chối, đồng ý làm cam kết không khám nghiệm, không khiếu kiện để xin cho con về ngay trong đêm.
Đôi mặt đỏ hoe, ông nói: "Tôi là nông dân cũng không biết vì lý do gì mà cháu bị như vậy. Trước khi đi Hà Nội cháu có bị cảm lạnh thường, sức khỏe vẫn tốt. Suốt đường đi cháu tỉnh táo, lúc lên xe còn uống được một hộp sữa... Sự việc xảy ra, con tôi chết là cháu thiệt phận. Dù đau đớn nhưng tôi cũng không dám nói là đổ lỗi cho ai, do xe chật chội nhồi nhét hay gì. Tôi chỉ trách nhà xe sao họ lại nhẫn tâm đến như thế...".
Theo VietNamNet
Vụ học sinh chết trên xe khách: Nhà xe có lương tâm? "Họ quá vô lương tâm khi để con tôi ở ngay dọc đường. Con tôi đã mất trên xe thì dù sao nhà xe cũng phải có trách nhiệm. Thực tế, lương tâm nhà xe không có", anh Bùi Văn Hà (bố của nạn nhân Bùi Văn Huấn) bức xúc chia sẻ. Như VTC News đã đưa tin, sau khi bỏ lại cháu...