Ý phanh phui mạng lưới làm giả tranh Picasso, Banksy
Cảnh sát Ý đã vạch trần mạng lưới làm tranh giả rộng khắp châu Âu, chuyên làm nhái các tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng thế giới như Pablo Picasso, Andy Warhol hay Banksy.
Theo tờ The Guardian, lực lượng bảo vệ di sản văn hóa của hiến binh Ý và Văn phòng Công tố viên TP.Pisa (vùng Tuscany, Ý) đầu tuần này ra tuyên bố chung cho biết có 38 người tại Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ bị điều tra liên quan mạng lưới nói trên. Những người này bị nghi âm mưu tiêu thụ hàng đánh cắp, làm giả và buôn bán trái phép các tác phẩm nghệ thuật.
Cuộc điều tra được bắt đầu vào năm ngoái, khi cảnh sát Ý tịch thu 200 bức tranh giả từ bộ sưu tập của một doanh nhân tại Pisa, trong đó có bản sao một bức vẽ của họa sĩ Ý Amedeo Clemente Modigliani (1884 – 1920). Qua mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện 6 xưởng chuyên làm giả tranh, gồm 3 xưởng ở Ý và số còn lại ở các nơi khác tại châu Âu. Các nghi phạm chủ yếu làm giả tranh của Warhol và Banksy trước khi móc nối với các nhà đấu giá Ý. Nhóm tội phạm còn tổ chức 2 cuộc triển lãm và công bố catalogue tranh của Banksy tại 2 địa điểm nổi tiếng ở Mestre và Cortona (Ý). Banksy là tác giả ẩn danh được cho là có gốc gác tại Anh, nổi tiếng với các tác phẩm tranh tường về các chủ đề đương đại.
Những bức tranh và tác phẩm điêu khắc giả bị lực lượng chức năng Ý tịch thu. ẢNH: REUTERS
Tổng cộng hơn 2.100 bức tranh giả có giá thị trường ước tính khoảng 200 triệu euro (5.395 tỉ đồng) đã bị tịch thu. Bà Teresa Angela Camelio, Trưởng công tố viên TP.Pisa, cho biết chiến dịch lần này đã vạch trần hệ thống những kẻ làm tranh giả xuyên quốc gia, kết nối với các nhà đấu giá. Bà cho hay các chuyên gia về tranh Banksy đã hỗ trợ cuộc điều tra và gọi đây là chiến dịch bảo vệ lớn nhất đối với các tác phẩm của Banksy. Cũng theo bà Camelio, nếu cảnh sát không phát hiện mạng lưới nói trên, các bức tranh giả có thể được bán với giá gần bằng tác phẩm gốc của họa sĩ, dẫn đến thay đổi lớn trong thị trường đấu giá. Tổ chức đại diện và chịu trách nhiệm xác thực tác phẩm của Banksy chưa bình luận về chiến dịch trên.
Những tác giả khác có tác phẩm bị làm giả trong đường dây này là các họa sĩ sống trong thế kỷ 19 và 20 như Claude Monet, Vincent van Gogh, Salvador Dali và nhiều người khác. Ở một vụ khác, nhà chức trách TP.Venice (Ý) trong năm nay đã tịch thu một bức tranh giả của họa sĩ Modigliani khi nó chuẩn bị được bán với giá 300.000 euro. Năm 2017, cảnh sát đóng cửa một triển lãm của Modigliani tại Genoa (Ý) sau khi có chuyên gia xác định ít nhất 20 trong 21 bức vẽ được trưng bày tại đó là giả. Các tác phẩm của Banksy và Warhol cũng thường thu hút sự chú ý của tội phạm. Hồi tháng 9, hai người bị bắt và bị truy tố vì lấy trộm bức tranh Em bé với quả bong bóng nổi tiếng của Banksy tại một triển lãm ở London. Trong tháng này, 2 tác phẩm của Warhol được trưng bày tại nhà triển lãm ở Hà Lan bị đánh cắp.
Nhà Trắng sắp chuyển tiếp, ông Trump có nhiều động thái
Những cái tên đầu tiên trong nội các mới của Nhà Trắng đã lộ diện, và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump làm rõ không muốn bất kỳ sự trì hoãn nào trong quá trình bổ nhiệm.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm qua thông báo trên mạng xã hội Truth Social về nhân sự của nội các khi ông quay lại Nhà Trắng từ ngày 21.1.2025.
Chiến lược của ông Trump
Trên tài khoản mạng xã hội, ông Trump chính thức xác nhận chọn ông Tom Homan, từng giữ quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), làm quan chức cấp cao phụ trách vấn đề biên giới dưới thời chính quyền Trump 2.0. Với vai trò mới, ông Homan được giao trọng trách quản lý biên giới phía nam, phía bắc, vùng duyên hải và không phận Mỹ. Cùng ngày, Đài CNN dẫn 2 nguồn thạo tin tiết lộ nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefanik của bang New York được ông Trump đề nghị làm tân Đại sứ Mỹ tại LHQ.
Ông Trump sẽ đưa chiến lược gia về nhập cư lên cố vấn chính sách?
Trong khi vị trí Đại sứ Mỹ tại LHQ cần Thượng viện Mỹ thông qua, việc bổ nhiệm ông Homan làm quan chức cấp cao lại không cần đến khâu này và từ đó tránh được quy trình dự kiến kéo dài và khó khăn tại Thượng viện, theo trang Washington Examiner. Giới quan sát dự kiến ông Trump sẽ đẩy mạnh việc bổ nhiệm người thân tín vào các vị trí quan chức cấp cao trên vai trò cố vấn cho Nhà Trắng về các vấn đề cụ thể. Bằng cách đó, nghị trình làm việc của ông sẽ được xúc tiến nhanh chóng một khi việc chuyển giao quyền lực hoàn tất vào tháng 1.2025.
Ông Trump có kế hoạch nhanh chóng thành lập nội các mới. ẢNH: REUTERS
Tổng thống đắc cử Trump cũng nhấn mạnh rằng ông muốn thủ lĩnh đa số kế tiếp của đảng Cộng hòa tại Thượng viện phải đồng ý để ông bổ nhiệm các vị trí then chốt của nội các mới trong thời gian Thượng viện nghỉ làm việc. Đảng Cộng hòa dự kiến giữ ít nhất 52 trong số 100 ghế Thượng viện sau khi giành được 3 ghế ở Tây Virginia, Ohio và Montana trong cuộc bầu cử ngày 5.11.
Do lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell không tiếp tục giữ vị trí này trong nhiệm kỳ mới, hiện có 3 ứng viên chạy đua để thay thế. Các thượng nghị sĩ đang tranh ghế bao gồm ông Rick Scott (Florida), ông John Thune (Nam Dakota), ông John Cornyn (Texas), và tất cả đều đồng ý với ông Trump. Trong đó, ông Scott được tỉ phú Elon Musk công khai ủng hộ, Reuters đưa tin. Ở Hạ viện, đảng Cộng hòa đang tiến gần đến thế đa số khi đến hôm qua giành được 214 trong số 218 ghế cần đạt được, theo The Washington Post.
Điện Kremlin phủ nhận thông tin ông Putin điện đàm với ông Trump
Điện Kremlin lên tiếng
Trong một diễn biến khác, tờ The Washington Post ngày 10.11 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ ông Trump sau khi biết thông tin trúng cử đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn về viễn cảnh chấm dứt chiến sự Ukraine. Theo báo Mỹ, cuộc gọi được thực hiện hôm 7.11, và ông Trump cũng nhắc nhở nhà lãnh đạo Nga về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu. Reuters sau đó cũng đưa tin về cuộc điện đàm này.
Hôm qua, TASS dẫn lời Điện Kremlin lên tiếng bác bỏ thông tin về cuộc điện đàm, gọi đây là "sản phẩm thuần túy tưởng tượng" của báo chí Mỹ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết Tổng thống Putin hiện chưa có kế hoạch nói chuyện với Tổng thống đắc cử Trump.
Ông Trump hôm 10.11 cũng thực hiện cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, theo đó cả hai nhất trí cùng hợp tác để đưa châu Âu quay về "thời hòa bình", theo DW dẫn lời phát ngôn viên thủ tướng Đức Steffen Hebestreit. Trong cuộc gọi, ông Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong dài hạn.
Hôm qua, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời ông Trump đến Phòng Bầu dục vào ngày 13.11 và nhân cơ hội này sẽ nỗ lực thuyết phục tổng thống đắc cử không nên từ bỏ Ukraine. Trên Đài CBS News, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay Tổng thống Biden đã đảm bảo với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đẩy mạnh việc giải ngân khoảng 6 tỉ USD còn lại trong gói viện trợ tính đến hết năm nay cho chính quyền Kyiv.
Iran cũng đề nghị ông Trump khi quay lại Nhà Trắng hãy hành động để chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza.
Bitcoin bứt phá kỷ lục
Reuters đưa tin ngày 11.11, giá tiền điện tử Bitcoin liên tục bứt phá lên mốc kỷ lục và vượt ngưỡng 81.000 USD. Giá Bitcoin có lúc đạt đến 81.899 USD trong ngày 11.11 trước khi giảm xuống còn 81.572 USD vào thời điểm đóng cửa thị trường. Diễn biến trên thị trường tiền điện tử đã được tác động theo hướng tích cực sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống kế tiếp của Mỹ và lưỡng viện quốc hội xuất hiện những tân nghị sĩ ủng hộ tiền điện tử. Trong lúc tranh cử, ông Trump từng hứa hẹn sẽ biến Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của thế giới" và thành lập kho dự trữ quốc gia về loại tiền này.
Belarus trở thành quốc gia đối tác của BRICS Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Belarus thông báo nước này đã chính thức được công nhận là quốc gia đối tác của nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (BRICS). Quốc kỳ các nước thành viên BRICS. Ảnh: IRNA/TTXVN Theo bộ này, Ngoại trưởng Belarus Maxim Ryzhenkov đã trao cho Đại sứ...