Xung đột ở Gaza đe doạ hoạt động xuất nhập khẩu năng lượng của Israel như thế nào?
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng của Israel và cả thị trường toàn cầu.
Giàn khoan khí đốt Tamar ở biển Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Israel. Ảnh: AFP
Theo đài Sputnik (Nga), cách đây vài thập kỷ, Israel từng là nước nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những phát hiện mới về các mỏ dầu ở khu vực giàu hydrocarbon này đã giúp quốc gia Do Thái có thể tự cung tự cấp năng lượng. Gần đây, Israel đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, điều này giúp Tel Aviv tăng cường quan hệ với các quốc gia Hồi giáo láng giềng trước cuộc xung đột ở Gaza.
Lịch sử khai thác các mỏ khí đốt của Israel
Tháng 9/1955, Israel đã phát hiện một mỏ dầu ở Heletz, gần Dải Gaza. Công việc thăm dò diễn ra từ năm 1947 và đến cuối năm 1957, nước này đã khoan tổng cộng 33 giếng dầu. Hoạt động khai thác các mỏ dầu này bắt đầu năm 1960, ước tính chứa khoảng 94,4 triệu thùng dầu thô.
Ngoài ra, Israel còn nằm trên mỏ dầu Meged – nằm gần thị trấn Kfar Saba và Rosh Ha’Ayin – được phát hiện lần đầu vào những năm 1980. Trữ lượng dầu của mỏ này lên tới khoảng 1.525 triệu thùng và hoạt động khai thác bắt đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, do nằm gần biên giới giữa Israel và Bờ Tây, mỏ dầu Meged vẫn đang bị tranh chấp về quyền sở hữu.
Năm 1967, tận dụng chiến thắng trong Chiến tranh Sáu ngày, Israel bắt đầu khai thác các mỏ dầu Sinai giành được từ Ai Cập vào thời điểm đó.
Trong 12 năm chiếm đóng Sinai, nhà nước Do Thái này đã phát hiện và phát triển mỏ dầu Alma. Hoạt động khai thác diễn ra từ mùa xuân năm 1978, đạt sản lượng trung bình 32.000 thùng/ngày (có lúc lên tới 40.000 thùng/ngày). Theo ước tính, việc tiếp tục phát triển mỏ này sẽ khiến Israel tự chủ năng lượng vào năm 1990. Tuy nhiên, Tel Aviv đã hy sinh kho báu dầu mỏ này để đạt thỏa thuận hòa bình với Ai Cập vào tháng 3/1979.
Trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày vào tháng 6/1967, Israel đã chiếm đóng Cao nguyên Golan từ Syria. Năm 2015, Tel Aviv đã phát hiện dầu tại vùng đất này. Tháng 10/2015, Afek Oil and Gas, công ty con của Genie Energy (Mỹ), công bố Cao nguyên Golan có khả năng chứa hàng tỷ thùng dầu. Trữ lượng này đủ để đáp ứng mức tiêu thụ 210.000 thùng/ngày của Israel trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác dầu tại vùng lãnh thổ Golan của Tel Aviv đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Một số nhà quan sát cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel vào năm 2019 phần lớn xuất phát từ phát hiện dầu mỏ năm 2015.
Mặc dù Israel chủ yếu vẫn nhập khẩu dầu – mua khoảng 220.000 thùng dầu/ngày từ các nguồn cung khác nhau – nhà nước Do Thái này lần đầu xuất khẩu dầu thô vào tháng 2/2023 từ mỏ ngoài khơi Karish. Lúc đó, Công ty Energean có trụ sở tại Anh thông báo Israel đã gia nhập câu lạc bộ “các nhà xuất khẩu”.
Video đang HOT
Theo S&P Global, quá trình khai thác mỏ Karish bắt đầu vào tháng 10/2022 với công suất sản xuất ban đầu là 6,5 tỷ m3/năm trong 4 – 6 tháng. Theo một số ước tính, trữ lượng có thể phục hồi của mỏ Karish lên tới 39,6 tỷ m3 khí đốt và 61 triệu thùng dầu.
Trong khi đó, các nguồn tin nói rằng Israel có thể có trữ lượng dầu đá phiến lớn, tập trung ở lưu vực Shefela (trữ lượng ước tính khoảng 34 tỷ tấn), nằm ở phía tây nam Jerusalem, cũng như ở phía bắc sa mạc Negev. Việc thăm dò địa chất ở lưu vực Shefela được thực hiện bởi Israel Energy Initiatives, công ty con của công ty Genie Energy.
Israel như “hổ thêm cánh” nhờ các mỏ khí đốt tự nhiên
Mỏ khí đốt Leviathan ngoài khơi Israel ở Địa Trung Hải. Ảnh: AFP
Dù Israel khó có thể được coi là một quốc gia giàu dầu mỏ, song nước này vẫn có trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào. Từ năm 2005 đến 2012, Israel chủ yếu nhập khẩu khí đốt từ Ai Cập, nhưng nguồn cung này liên tục bị gián đoạn do các cuộc tấn công phá hoại và do sự kiện Mùa xuân Arab năm 2011. Trong bối cảnh đó, Israel đã gấp rút tìm kiếm nguồn cung trong nước.
Năm 1999, Israel đã phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên đầu tiên ở mỏ Noa, Địa Trung Hải. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giới chức cho biết trữ lượng này quá ít để sử dụng cho mục đích thương mại. Năm sau, mỏ Mari-B được phát hiện gần đó và bắt đầu cung cấp khí đốt cho các nhà máy điện của Israel kể từ năm 2004.
Năm 2009, công ty Noble Energy của Mỹ và các đối tác Israel đã bắt đầu thăm dò mỏ khí đốt ngoài khơi Tamar, nơi có trữ lượng khoảng 315 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Tháng 4/2013, Israel bắt đầu sản xuất nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Năm 2010, Israel phát hiện mỏ Leviathan, cách Tamar 47 km về phía tây nam. Ước tính mỏ Leviathan chứa 605 tỷ m3 khí đốt tự nhiên, chiếm gần 2/3 tổng lượng khí đốt được phát hiện ngoài khơi Israel cho đến nay. Mỏ mới được khai thác từ cuối năm 2019 và đến năm 2021 đã vượt Tamar, cung cấp trên 50% lượng khí đốt tự nhiên của Israel.
Sau đó, các mỏ Tanin và Karish lần lượt được phát hiện vào năm 2012 và 2013 tại lưu vực Levantine của Biển Địa Trung Hải. Tổng trữ lượng của các mỏ này ước tính khoảng 75 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Kể từ đó, hoạt động tìm kiếm các mỏ khí đốt mới diễn ra liên tục. Đến nay, Israel đã phát hiện 11 mỏ khí đốt.
Binh sĩ Israel trên tàu Hải quân Lahav trong chuyến thăm mỏ khí đốt Leviathan ngoài khơi của Israel ở Biển Địa Trung Hải, ngày 29/9/2020. Ảnh: AP
Theo báo cáo do công ty kế toán BDO Global gửi tới Hiệp hội Thương mại Khí đốt Tự nhiên Israel hồi tháng 6/2023, trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này đã tăng 40% từ 780 tỷ m3 năm 2012 lên 1.087 tỷ m3 vào cuối năm 2022 do các hoạt động khoan và thăm dò mở rộng.
Đến tháng 1/2017, Israel bắt đầu xuất khẩu nhiên liệu ra nước ngoài. Khách hàng đầu tiên của nước này là Jordan. Các công ty Arab Potash và Jordan Bromine của Jordan đã ký thỏa thuận với Israel vào năm 2014 để nhập khẩu khí đốt từ mỏ Tamar. Truyền thông Israel lưu ý thỏa thuận này được giữ bí mật vì nó không được người dân quốc gia Trung Đông ủng hộ, với gần một nửa là người gốc Palestine.
Ba năm sau, tháng 1/2020, Israel bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập – quốc gia đã ký hiệp ước hòa bình với Tel Aviv – từ mỏ Leviathan. Theo các học giả Israel, nguồn lợi khí đốt dồi dào của quốc gia này cũng tạo ra cơ hội xuất khẩu khí đốt cho nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những nước châu Âu và châu Á.
Vào giữa tháng 6/2022, EU, Israel đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Ai Cập để xuất khẩu LNG sang châu Âu. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu cắt nguồn cung năng lượng từ Nga sau khi Moskva tến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ảnh hưởng từ xung đột ở Gaza
Binh sĩ Israel cầm vũ khí ở thành phố Gaza. Ảnh: IDF/Sputnik
Cuộc chiến khốc liệt ở Gaza đã khiến Israel phải đình chỉ sản xuất tại mỏ Tamar. Mỏ này nằm trong tầm bắn tên lửa từ Dải Gaza suốt 5 tuần. Động thái này đã tác động tiêu cực đến doanh thu từ khí đốt của Tel Aviv.
Ngoài ra, “nạn nhân” khác trong cuộc xung đột Palestine – Israel là dự án đường ống dẫn dầu của Tel Aviv với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara ra tín hiệu ủng hộ người Palestine.
Tháng trước, phát biểu tại cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng ông dự định cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh, khi thương vong dân sự ở Dải Gaza tăng vọt trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trả đũa Hamas. Sau tuyên bố của ổng Erdogan, Chính phủ Israel ra tín hiệu sẽ đánh giá lại quan hệ ngoại giao với Ankara.
Phát biểu với AP vào ngày 7/11, Bộ trưởng Năng lượng Cyprus George Papanastasiou cho rằng mâu thuẫn Israel – Thổ Nhĩ Kỳ về xung đột Gaza có thể thu hẹp lựa chọn buôn bán khí đốt của Tel Aviv trong việc xây dựng đường ống ngắn ngoài khơi được đề xuất tới Cyprus để xử lý và vận chuyển khí đốt ra thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, vào đầu tháng 11, Jordan đã triệu hồi đại sứ tại Israel với cáo buộc Tel Aviv gây ra “thảm họa nhân đạo chưa từng có”. Quốc gia Arab này cũng cho rằng sẽ không ký thỏa thuận cung cấp điện cho Israel để đổi lấy nước. Theo kế hoạch, thỏa thuận được phê chuẩn vào tháng trước.
Cho đến nay, 10 quốc gia trên khắp thế giới đã rút các nhà ngoại giao khỏi Israel vì chiến dịch tấn công trên bộ của nước này ở Dải Gaza.
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột này có thể tác động ngược đến khả năng nhập khẩu dầu thô của Israel vì 60% trong số đó đến từ hai quốc gia Hồi giáo chiếm đa số – gồm Kazakhstan và Azerbaijan, theo Bloomberg. Truyền thông nhấn mạnh Iran cũng đang kêu gọi các nước Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Tel Aviv.
Cho đến nay, Israel đã tìm cách khắc phục những hạn chế về năng lượng khi giá dầu chưa bị đẩy lên quá cao do cuộc khủng hoảng ở Gaza. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá năng lượng có thể bị đẩy vào “vùng nước chưa được khám phá” nếu cuộc chiến giữa người Palestine và Israel lan sang các khu vực lân cận.
Châu Âu muốn lập kế hoạch dài hạn cho chính sách mua chung khí đốt
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất thực hiện lâu dài kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về mua chung khí đốt nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Một trung tâm kiểm soát khí đốt tự nhiên ở Hajduszoboszlo, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin Reuters ngày 5/9 dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết đề xuất trên được đưa ra sau khi nhu cầu trên thực tế vượt quá con số ước tính trong cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên mà EU khởi động hôm 10/5 vừa qua. Các cuộc đấu thầu này thuộc chính sách mua chung khí đốt của EU. Chính sách này là một phần của các biện pháp mà EU thông qua năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra khi đó.
Tỷ lệ dự trữ khí đốt của EU tại các cơ sở lưu trữ tự nhiên đã đạt hơn 90% và thị trường tương đối hạ nhiệt. Mặc dù vậy, EU vẫn lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dưới Biển Baltic hồi năm ngoái.
Chính sách mua chung nói trên dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Vì vậy, EC đề xuất đưa chính sách này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải tổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU. Theo bản đề xuất mà hãng tin Reuters có được, các công ty châu Âu tham gia mua chung trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, nếu EU gặp phải khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, việc mua chung sẽ trở thành bắt buộc để tránh tình trạng cạnh tranh giữa các nước EU khi nguồn cung khan hiếm. Một quan chức cấp cao của EU cho biết việc mua chung khí đốt đang tiến triển tốt và ngày càng có nhiều công ty tham gia.
Các nhà đàm phán của các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ thảo luận đề xuất trên vào cuối tháng 9 này, đặt mục tiêu hoàn thành khung pháp lý vào cuối năm nay.
Việc mua chung chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu khí đốt khoảng 360 tỷ m3 của EU. Tuy nhiên, chính sách này giúp các nước thành viên có đủ dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông khi nhu cầu của châu Âu về khí đốt sưởi ấm lên đến đỉnh điểm.
EU đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga.
Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ của Nhật Bản với Trung Đông Trong chuyến công du bốn ngày tới 3 quốc gia Trung Đông, ngoài việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida còn cố gắng mở rộng quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong buổi lễ đón tiếp...