- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Xung đột Nhật – Trung cận kề sau đánh võ miệng

On 31/10/2013 @ 10:29 PM In Thế giới

Bắc Kinh và Tokyo lâm vào cuộc khẩu chiến với những lời tố cáo nhau "ngạo mạn, khiêu khích" và lời đe dọa "không dung thứ".

Khẩu chiến nảy lửa

Hàng loạt tuyên bố rắn của cả Tokyo và Bắc Kinh, cùng biển tranh chấp lại một lần nữa dậy sóng.

Mới đây nhất ngày 29/10 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera khẳng định chắc nịch: "Tôi cho rằng việc Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku đặt "vùng xám" trong tình trạng khẩn cấp.".

Vài ngày trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc gay gắt cho rằng dự luật "bắn hạ máy bay không người lái nước ngoài xâm phạm không phận Nhật" mà Tokyo vừa mới thông qua là mở đường cho một "hành động chiến tranh".

Cuộc khẩu chiến được đẩy lên mức độ căng thẳng mới khi quan chức 2 bên liên tục đưa ra những phát ngôn cho thấy sự kiên quyết, không khoan nhượng.

Ngày 27/10, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định nước ông "quyết tâm... không dung thứ cho việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng" ở châu Á.

Xung đột Nhật - Trung cận kề sau đánh võ miệng - Hình 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu hôm 27/10 trước các binh sĩ lực lượng phòng vệ nước ông.

Lời phát biểu của nhà lãnh đạo trước các binh sĩ lực lượng phòng vệ Nhật được xem như một lời cảnh báo nhắm thẳng tới Bắc Kinh.

Chỉ ngay sau đó một ngày, hôm 28/10 Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng buộc tội ông Abe "liên tục có những nhận xét mang tính khiêu khích" và "rất ngạo mạn".

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh khẳng định thêm: "Những bình luận khiêu khích của các lãnh đạo Nhật Bản liên quan đến Trung Quốc cho thấy phương pháp lừa dối của những chính trị gia này và sự ngạo mạn, lương tâm tội lỗi của họ".

Căng thẳng leo thang được xem là bắt nguồn từ tuyên bố "bắn hạ máy bay" của Bắc Kinh từ chính phủ Nhật Bản nếu bị xâm phạm không phận.

Bắc Kinh gay gắt cho rằng, hành động này nếu xảy ra sẽ là mồi lửa kích động chiến tranh, Bắc Kinh sẽ có "hành động đáp trả".

Mike Green, chuyên gia châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định nguy cơ đối đầu bất thường tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu ngư hiện nay "là cao hơn bao giờ hết".

Liên tục áp sát

Hãng Kyodo của Nhật Bản ngày 29/10 đưa tin, hai tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã đi qua một khu vực tiếp giáp vùng lãnh hải của Nhật Bản giữa đảo Yonbaguni và đảo Iriomote thuộc tỉnh Okinawa.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong khi đi qua khu vực trên từ lúc 5h đến 9h sáng theo hải trình từ Thái Bình Dương tới biển Hoa Đông, hai tàu Trung Quốc đã có lúc hướng tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Hôm 24/10, các tàu này cũng bị phát hiện lượn lờ xung quanh khu vực ngoài khơi của Okinawa.

Thêm vào đó, ngày 28/10 mới đây, bốn tàu tuần duyên của Bắc Kinh lại tiến vào vùng biển xung quanh Sensaku/Điếu Ngư.

Xung đột Nhật - Trung cận kề sau đánh võ miệng - Hình 2

Một tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Đây được liệt kê là lần thứ 68 Bắc Kinh xâm phạm đến khu vực tranh chấp kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku vào tháng 9/2012.

Chưa kể hồi đầu tháng 10, tàu Trung Quốc lại một lần xâm phạm vào khu vực này.

Xung đột cận kề

Ông Lưu Kiến Dũng, chuyên gia về Nhật Bản thuộc đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, nhận định: "Nhật chỉ đang chuẩn bị một cuộc chiến tâm lý và dư luận", bởi lẽ theo ông Lưu, căn cứ vào Hiến pháp nước này, hành động bắn rơi máy bay của Trung Quốc (nếu có) được xem là " vi phạm" một khi Tokyo không phải là bên bị tấn công.

Ông Lưu cũng cho biết thêm, hiện không có quy định quốc tế nào về việc đối phó với máy bay không người lái trong vùng lãnh thổ tranh chấp.

Thêm vào đó, có một thực tế rằng Nhật Bản không thừa nhận tồn tại tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà khăng khăng tuyên bố chủ quyền tuyệt đối.

Về tuyên bố bắn hạ máy bay của nhà lãnh đạo Shinzo Abe, bà Chikako Ueki, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Waseda cho rằng, đó chỉ là lời "dọa suông".

Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài bình luận đưa ra quan điểm: Một cuộc chiến cục bộ rất có thể sẽ diễn ra một khi máy bay của Bắc Kinh bị bắn rơi bởi những mối hiềm khích trong sâu thẳm giữa hai nước.

Các nhà nhận định cho rằng Nhật Bản thực sự lo ngại bởi nếu các máy bay Trung Quốc, thậm chí cả Mỹ cũng phải dè chừng với tình huống mà ông Abe đã phê duyệt một khi các hành động xâm phạm không chấm dứt.

Trong bối cảnh cuộc tập trận được coi như lớn nhất lịch sử của Hải quân Trung Quốc đang diễn ra tại khu vực tây Thái Bình Dương, sức mạnh quân sự của quốc gia châu Á vẫn đang là một ẩn số.

Chính vì điều này, nhiều nhận định cho hay một khi xung đột xảy ra, với sự hậu thuẫn phía sau của Mỹ, chính phủ của ông Abe vẫn cần sự cẩn trọng nhất định.

Theo Báo Đất Việt


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/xung-dot-nhat-trung-can-ke-sau-danh-vo-mieng-20131031i1016976/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.