Xử lý mạnh tay các băng nhóm xã hội đen
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành, các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen có biểu hiện manh động, gây mất trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.
Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến thảo luận, góp ý về việc xử lý các băng nhóm xã hội đen.
Công an TPHCM bắt một đối tượng liên quan đến vụ đánh nhau chết người ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Bổ sung chế tài, tăng nặng hình phạt
Nguyên nhân tình trạng các băng nhóm tội phạm hoành hành là do cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quyết liệt đồng bộ, nhất là chưa có chế tài đặc biệt xử lý đến nơi đến chốn các tội phạm có tổ chức, chuyên thực hiện hành vi đe dọa, khủng bố, xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác nhằm mục đích bảo kê, trấn lột tài sản của họ. Họ thường chỉ bị xử lý với các tội rất nhẹ (như gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, hoặc cố ý gây thương tích…), không thể hiện đúng bản chất, mục đích của hành vi phạm tội. Trong khi các chế tài, hình phạt không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung, các băng nhóm xã hội đen ngày càng hoành hành, mức độ ngày càng công khai, manh động hơn.
Video đang HOT
Do vậy, biện pháp quan trọng nhất để giải quyết tình trạng này là phải sớm bổ sung các chế tài, hình phạt tăng nặng hơn so với hiện nay. Không thể đánh đồng, xét xử tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen như các đối tượng phạm tội hình sự thông thường được. Đặc biệt, nên chú trọng đến nhân thân của người phạm tội để đưa ra các mức hình phạt phù hợp, thỏa đáng. Trường hợp các đối tượng hoạt động theo kiểu băng nhóm chuyên nghiệp, mức phạt phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các đối tượng phạm tội thông thường. Để thực hiện điều này khá đơn giản, đó là căn cứ vào tình tiết như tái phạm, phạm tội nhiều lần, phạm tội với nhiều người thì phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe, đúng bản chất của hành vi của tội phạm.
Ngoài ra, cần cho phép lực lượng chức năng được phép nổ súng tiêu diệt các đối tượng này, nếu xác định họ có hành vi manh động. Như vậy, mới đủ sức răn đe, xử lý triệt để các đối tượng này, bảo vệ tính mạng của người thực thi pháp luật.
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG ( Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
Xử nghiêm hành vi bao che, tiếp tay
Hầu hết vụ các băng nhóm giang hồ ra tay hành hung, truy sát là do tranh giành địa bàn làm ăn, bảo kê nhà hàng, quán bar, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… Thậm chí có những vụ manh động, bao vây, uy hiếp, đe dọa trực tiếp cả những người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, thực thi pháp luật, khiến xã hội vô cùng bức xúc, bất an.
Theo số liệu của Công an TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có 128 băng nhóm giang hồ bị triệt phá, 306 đối tượng bị bắt giữ. Trong các năm trước cũng có hàng trăm băng nhóm giang hồ hoạt động vi phạm pháp luật bị bắt giữ, với hàng trăm đối tượng. Trên thực tế vẫn còn nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động, đó là những “tảng băng chìm” chưa bị trấn áp triệt phá. Còn nhớ, trong một lần trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đã chia sẻ rằng bản thân ông cũng nghi ngờ nếu không có những mối quan hệ chằng chịt với ai đó có chức vụ, họ không dám manh động như vậy. Cần làm rõ ai đã chống lưng khiến giang hồ ngày càng lộng hành. Thảo luận ở hội trường ngày 5-11 vừa rồi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo lắng về tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng, xảy ra ở nhiều nơi và đặt vấn đề có sự tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm xã hội đen hoạt động.
Để xã hội an ninh, an toàn thì không thể chấp nhận cảnh băng nhóm giang hồ manh động, lộng hành, vi phạm pháp luật và coi trời bằng vung. Cần có biện pháp kiên quyết, công khai và xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay của những người có thẩm quyền để cho băng nhóm giang hồ ngang nhiên vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, thường xuyên tuần tra, triển khai các phương án hoạt động nghiệp vụ và có biện pháp mạnh tay, trấn áp các hoạt động tội phạm giang hồ, ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật qua tin báo của người dân, hành vi manh nha thực hiện tội phạm, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như đảm bảo cho cuộc sống của người dân.
NGUYỄN ĐƯỚC ( quận 5, TPHCM)
Theo sggp.org.vn
Không để hình thành băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"
Các lực lượng - chủ công là lực lượng cảnh sát hình sự - phải đấu tranh kiên quyết, triệt để với các loại tội phạm, không để hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, theo kiểu "xã hội đen".
Tập trung đấu tranh triệt xóa các loại tội phạm như: giết người do nguyên nhân xã hội, liên quan đến trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, sử dụng công nghệ cao, xâm hại tình dục trẻ em, "tín dụng đen"; các đường dây, tụ điểm tệ nạn xã hội gây bức xúc trong quần chúng nhân dân..." - đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị.
Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm Đề án 2 "Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia" và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2017 - 2020; triển khai thực hiện kế hoạch cấp huyện. Sau đó, tình hình tội phạm có tổ chức trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 không có đột biến, không phát sinh thêm băng, nhóm mới. Lực lượng chức năng đã triệt xóa 2 nhóm đơn giản, giảm số lượng thành viên tham gia các nhóm. Hoạt động băng, nhóm hiện hành đang có chiều hướng co cụm lại, hạn chế công khai, nhưng lại trá hình dưới hình thức kinh doanh cầm đồ, cho vay trả góp để chuyển sang cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhằm cưỡng đoạt tài sản hoặc tổ chức đánh bạc gắn với hoạt động "tín dụng đen", cá độ, đánh bạc... Để đối phó với sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an, các đối tượng cầm đầu trong băng, nhóm thường đứng phía sau chỉ đạo hoạt động của đàn em, hạn chế tham gia trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Hai băng, nhóm tổ chức đánh nhau bị đưa ra xét xử
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, công an các đơn vị, địa phương phát hiện, lên danh sách, lập hồ sơ quản lý 8 băng, nhóm tội phạm đơn giản (93 đối tượng). Hiện nay, số băng, nhóm tội phạm có biểu hiện nghi vấn hoạt động hiện hành trên địa bàn tỉnh đang quản lý là 6 nhóm tội phạm đơn giản (60 đối tượng). Ngoài ra, chưa phát hiện có băng, nhóm tội phạm nguy hiểm; tội phạm nghi vấn có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; tội phạm xuyên quốc gia và các vụ án nghi do băng, nhóm tội phạm gây ra. Bên cạnh đó, các lực lượng khác như: Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp Công an xã, phường, thị trấn tổ chức gần 200 cuộc tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho gần 27.000 lượt người tham dự; chủ động tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, phát hiện điều tra khám phá 82 vụ, liên quan 116 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (khởi tố 73 vụ, 97 bị can), trong đó đã phát hiện, điều tra khám phá 12 vụ, 29 đối tượng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy mang tính chất có tổ chức đơn giản và 1 vụ, 5 đối tượng mang tính chất xuyên quốc gia.
Lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức gần 700 cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và diễn biến, hoạt động của các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia cho hơn 44.000 lượt người tham gia, đồng thời phát hơn 4.500 phiếu tố giác tội phạm... Qua đó, nhận được nhiều nguồn tin có giá trị từ quần chúng nhân dân, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia qua biên giới, qua đó bắt khởi tố 5 vụ, liên quan 8 đối tượng vận chuyển 150kg cần sa khô; hỗ trợ các lực lượng chức năng bắt giữ 5 đối tượng vận chuyển ma túy (có dấu hiệu xuyên quốc gia), thu giữ 27,6kg ma túy các loại, 6.500 viên ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có liên quan cũng phối hợp mở rộng quan hệ hợp tác các tỉnh biên giới thuộc Campuchia và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài trên cơ sở thực hiện các quan hệ hợp tác truyền thống, các Hiệp định tương trợ tư pháp và Điều ước quốc tế... Từ đó, từng bước kiềm chế, làm giảm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, không để tội phạm có tổ chức hoạt động phức tạp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
"Để tiếp tục kiềm chế và kéo giảm tội phạm trong thời gian tới, các lực lượng phải nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, quản lý chặt cán bộ nhằm phòng ngừa sai phạm; tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện tốt công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm, điều tra, đấu tranh triệt xóa các tổ chức, băng, nhóm tội phạm hình sự hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, tội phạm có yếu tố nước ngoài..." - đại tá Nguyễn Tấn Phước nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG
Theo baoangiang
Trị "thẳng tay" băng nhóm giang hồ làm loạn! Cộng đồng và bạn đọc Báo Người Lao Động rất bức xúc và đề nghị cơ quan chắc năng phải trị "thẳng tay", tăng nặng hình phạt đối với các băng nhóm giang hồ lộng hành. Bạn đọc Thanh Nhàn viết: Cách đây chưa lâu, một băng nhóm xã hội đen đã ra tay công khai trong vụ xô xát ở Biên Hòa....