Vượt khó vươn lên – chàng trai Thanh Hóa muốn trở thành một hướng dẫn viên quốc tế giỏi
Lớn lên trong một gia đình đông con, lại khó khăn về kinh tế, tất cả anh chị em tự bươn tự chải. Chàng trai đến từ Thanh Hóa – Nguyễn Chu Kim Thu nỗ lực để trở thành một hướng dẫn viên quốc tế ở tuổi 22.
Sinh ra trong gia đình làm nông, bố mẹ Thu sinh được 8 người con. Trong đó, Nguyễn Chu Kim Thu là con út. Hoàn cảnh gia đình không khá giả, đông con, nên bố mẹ Thu không thể tươm tất lo cho từng đứa một. Anh chị em Thu tự bươn chải, tự chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.
Nguyễn Chu Kim Thu là con út nên được anh chị ở trên cưu mang giúp đỡ rất nhiều. Tuy rất khó khăn nhưng anh chị em Thu vẫn cố gắng hết mình, mỗi người tự sinh tự lực, tự kiếm việc làm thêm và dành dụm đi học, nên 8 anh chị em ai nấy cũng đều có trình độ văn hóa, có ngành theo đúng mục tiêu của mỗi người và kiếm được công ăn việc làm đủ ổn định cho cuộc sống.
Nguyễn Chu Kim Thu tốt nghiệp cấp 3 năm 2017 và thi đậu trường Đại học Công nghiệp thực phẩm, ngành Quản trị dịch vụ Du lịch – Lữ hành. Sau đó một năm, vì mẹ Thu bị bệnh thận phải mổ. Gia đình Thu gặp khó khăn về kinh tế. Thu phải chuyển trường sang Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (SAIGONACT), tiếp tục theo học đúng chuyên ngành như ban đầu.
Với lòng quyết tâm muốn trở thành một hướng dẫn viên quốc tế giỏi trong tương lai. Nguyễn Chu Kim Thu quyết định sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch – Lữ hành trong năm 2021. Thu đi làm, kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình, tham gia nhiều chương trình thiện nguyện để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội . Theo lịch nhà trường dự kiến, Thu bắt đầu đi thực tập vào tháng 4 và đến tháng 7 Thu tốt nghiệp ra trường, Thu đi làm.
Trong thời gian học tại trường Thu cũng đã từng đi dẫn tour quốc tế Thái Lan và tour nội địa ở Cần Thơ và Đà Lạt. Bên cạnh đó Thu làm gia sư ôn thi Đại học cho các em lớp 12 để một phần trang trải cho cuộc sống của mình, và dạy thiện nguyện cho các em học sinh cấp II.
Nghĩ lại thời THPT, Thu cho biết mình học giỏi nhất là môn ngữ văn và Tiếng Anh. Thu cũng từng tham gia rất nhiều các cuộc thi. Trong những cuộc thi đó Thu đã đạt giải như cuộc thi: Rung chuông vàng Tôi yêu Việt Nam Thu đạt top 3 huyện Bù Đăng năm 2016. Cuộc thi Hùng Biện Tiếng Anh HuFi năm 2017, Thu đạt Giải khuyến khích. Hùng Biện Tiếng Anh Saigonact, Giải Phong Trào. Thu Tham gia cuộc thi Sinh viên thanh lịch đạt giải top 18 Sinh viên thanh lịch. Thu thi IELTS của Hội Đồng Anh đạt 5.5.
Về hoạt động xã hội . Thu tham gia 2 chương trình Thu đến thăm các em mồ côi Cô nhi viện Hoa Mai do Trường CĐ Văn Hóa nghệ Thuật và Du Lịch Sài Gòn tổ chức. Và thăm tặng quà, chúc tết các hộ gia đình dân tộc nghèo ở sóc Bù K’Lôn và sóc Bù Tơ 2 huyện Bù Đăng do Giáo xứ Thống Nhất – Buôn Mê Thuột tổ chức.
“Ai sinh ra cũng đều mong muốn có môt gia đình ấm áp để yêu thương, hoàn cảnh kinh tế khá giả. Nhìn đến các em nhỏ trong Cô nhi viện, mình cảm thấy thương các em hơn, ngay từ nhỏ các em không có cha mẹ trông nom, tự lo cho bản thân mình.
Nhưng bù lại bên các em, người có chức năng thay cho cha mẹ các em, có thể yêu thương các em, gần gũi với các em đó là những người bảo trợ trực tiếp chăm sóc các em. Mình nhìn lại hoàn cảnh của mình vẫn còn may mắn hơn các em, đó là mình có gia đình, có bố mẹ và anh chị yêu thương mình.
Trong tâm mình thật sự thôi thúc lòng quyết tâm của mình hơn nữa. Chính là mình cần phải thực hiện mục tiêu của mình là phải trở thành một hướng dẫn viên quốc tế, phải đi làm và kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ được những mảnh đời nhỏ bé như các em nhỏ”, Thu cho Biết.
Giáo viên phổ thông cốt cán đã sẵn sàng cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Xác định là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giáo viên đại trà chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên cốt cán của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được chọn cử tham gia bồi dưỡng mô đun 2 theo Chương trình ETEP tại Trường Đại học Vinh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tự giác, cầu thị.
Chịu khó, cầu thị
Mặc dù đợt bồi dưỡng mô đun 2 diễn ra đúng vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, bão lũ kéo theo mưa lớn khiến nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền trung bị ngập lụt sâu trên diện rộng nhưng các giáo viên cốt cán được cử đi học bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chương trình ETEP vẫn cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh để tham gia.
Có trường hợp cả 2 vợ chồng là những "tấm gương sáng" động viên nhau "vượt lũ" để hoàn thành nhiệm vụ được giao như thầy Hoàng Quốc Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng vợ là cô Nguyễn Thị Trà - giáo viên cùng trường. Hay như Thầy Hoàng Văn Báu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), thầy Trương Văn Tiến - giáo viên Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên cũng là những giáo viên đến từ vùng bị ngập lụt sâu.
Nhiều thầy cô giáo vượt lũ đến trường. Ảnh: H.N- K.L
Thầy Trương Văn Tiến chia sẻ: Tham gia bồi dưỡng mô đun 2 đúng dịp bão lũ, Cẩm Xuyên quê tôi là một trong những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh, có những nhà dân ngập sâu đến mái, có những trường học ngập nửa tầng. Nhưng giáo viên cốt cán chúng tôi vẫn quyết tâm đến lớp để hoàn thành chương trình bồi dưỡng đúng tiến độ. May mắn là chúng tôi được Trường Đại học Vinh hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa từ nơi ăn chốn nghỉ đến bố trí phương tiện đi lại khá thuận lợi.
Thầy Tiến cho biết thêm: "Bản thân mỗi giáo viên cốt cán đều ý thức được nhiệm vụ của mình trong việc tiếp thu các nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông mới để về hỗ trợ giáo viên đại trà nên đều chủ động, tích cực trong học tập. Học viên được chia nhóm, chia tổ và tất cả mọi người đều tích cực hoạt động, phát huy hết công suất để có sản phẩm trong mỗi buổi học để trình chiếu. Các nhóm khác tham gia góp ý kiến và giảng viên sẽ đánh giá, tổng hợp và chỉnh sửa để sản phẩm của học viên hoàn thiện hơn".
Một tiết học của môn Ngữ văn. Ảnh: K.L
Nhiều giảng viên của Trường Đại học Vinh trực tiếp đứng lớp đều có chung nhận xét: Đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán tham gia các lớp bồi dưỡng mô đun 2 có tinh thần cầu thị rất cao. Họ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, tương tác với các giảng viên và đồng nghiệp nhằm tiếp thu tốt nhất phương pháp dạy học, kỹ năng truyền đạt, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong Chương trình ETEP. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ do giảng viên giao, học viên là đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán còn học cách chuẩn bị kịch bản, kế hoạch để triển khai hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên đại trà tại trường và địa phương mình.
Cô Lê Thị Lan - giáo viên Trường THCS Nông Trường (Triệu Sơn, Thanh Hóa) bày tỏ: "Giáo viên cốt cán chúng tôi luôn cố gắng tiếp thu, lĩnh hội những nội dung mới, phương pháp mới trong Chương trình ETEP một cách tốt nhất để có thể hỗ trợ, truyền thụ lại cho giáo viên đại trà là đồng nghiệp ở địa phương; đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, nhất là trong cách thức tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm một cách linh hoạt, nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh".
Trình độ, năng lực đồng đều
Là người đã tham gia bồi dưỡng học viên ở cả mô đun 1 và mô đun 2, TS. Lê Thanh Nga -Giảng viên Viện Sư phạm Xã hội (Trường Đại học Vinh) chia sẻ: Nếu ở mô đun 1, học viên còn bỡ ngỡ vì tiếp cận với những vấn đề mới hoàn toàn, thậm chí nhiều người chưa nhận thức được đúng vấn đề, còn cho rằng đi tập huấn thay sách giáo khoa.
Do vậy, giảng viên chúng tôi phải chấn chỉnh, giải thích cho họ hiểu rõ: Bồi dưỡng về chương trình mới, chứ không phải thay đổi sách giáo khoa, bản chất vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng từ mô đun 2 trở đi, tôi thấy học viên làm việc trách nhiệm, tinh thần, thái độ học tập rất tốt. Đặc biệt họ vốn là những giáo viên cốt cán được lựa chọn trên nhiều tiêu chí, được trang bị kiến thức nền tốt nên khi bắt tay vào việc thì tiếp thu rất nhanh, nhận thức rõ vấn đề. Dĩ nhiên thỉnh thoảng vẫn có một số nhầm lẫn, ngộ nhận nhưng không đáng kể.
TS. Lê Thanh Nga- Giảng viên Viện Sư phạm xã hội -Trường Đại học Vinh ( áo trắng) hướng dẫn học viên thảo luận theo nhóm. Ảnh: K.L
Cũng theo TS. Lê Thanh Nga: "Điều đáng mừng là đội ngũ học viên là giáo viên cốt cán trình độ, năng lực khá đồng đều, không có sự chênh lệch quá nhiều, kể cả các thầy cô ở các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương xuống cũng tiếp thu rất tốt, không thua kém gì so các giáo viên ở thành phố và vùng đồng bằng".
Bám sát mục tiêu của các lớp bồi dưỡng theo các mô đun là: Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên phổ thông về Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), hỗ trợ giáo viên cốt cán triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà thực hiện tốt Chương trình này. Do vậy, việc đánh giá kết quả tập huấn của học viên cũng được thực hiện công khai, minh bạch thông qua hình thức làm việc nhóm, làm việc cá nhân và đánh giá trên hệ thống LMS...
PSG.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Giảng viên Viện Sư phạm Tự Nhiên -Trường Đại học Vinh ( người đeo kính) hướng dẫn học viên. Ảnh: KL
PSG.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Giảng viên Viện Sư phạm Tự Nhiên (Trường Đại học Vinh) cho biết: Sau khi qua mô đun 2, học viên nhận thấy rõ sự đổi mới, ưu điểm và sự khác biệt của chương trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực nên khi triển khai các hoạt động cho học viên, họ làm rất say sưa. Đương nhiên, trong một lớp sẽ có những "hạt nhân", có những người nổi trội hơn nhưng nhìn chung đội ngũ giáo viên cốt cán được chọn tham gia bồi dưỡng đều có kiến thức chuyên sâu, có năng lực nên khi giảng viên truyền đạt họ tiếp thu rất nhanh, nắm được phương pháp, hiểu được bản chất của vấn đề và có kỹ năng làm việc nhóm.
Trong quá trình tập huấn mô đun 2, giảng viên đã cố gắng thiết kế bài giảng để học viên đóng hai vai, tức là họ vừa được trải nghiệm phương pháp, kỹ thuật dạy học mới đồng thời họ lại là người sau này sẽ tổ chức lại cho học sinh của mình và hướng dẫn cho đồng nghiệp đại trà.
Học viên là giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng mô đun 2 có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Ảnh: K.L
"Việc đánh giá học viên sẽ có 2 loại, đánh giá quá trình và đánh giá định kỳ. Để đánh giá quá trình thì giảng viên phải theo dõi học viên để xem mức độ tiếp thu của các nhóm sẽ như thế nào, trong từng nhóm cũng sẽ có những mức độ khác nhau. Đầu tiên sẽ cho các nhóm tự đánh giá qua sản phẩm. Nếu như ở mức ngang nhau thì giáo viên sẽ đánh giá căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của nhóm để đánh giá" - PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Quản lý Chương trình ETEP (Trường đại học Vinh): Đối với việc đánh giá trên hệ thống LMS cũng gặp phải một số khó khăn do sự khác nhau giữa học viên thực tế tập huấn và học viên chỉ có trong danh sách dẫn đến hệ thống không cập nhật kịp thời thông tin học viên khiến giảng viên không thể đánh giá chính xác học viên thực học. Ngoài ra, trong quá trình học và cập nhật bài tập nộp lên hệ thống, có nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến lỗi hệ thống hoặc cập nhật thông tin của học viên bị lỗi (học môn này nhưng phân quyền vào môn khác) nên việc đánh giá của Giảng viên cũng chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, thời gian tập huấn ngắn không đủ để các nhóm hoạt động một cách chuyên sâu về phân tích và xây dựng kế hoạch bài học nên việc đánh giá cũng là một trở ngại. Một bất cập nữa là mặc dù đánh giá người học bằng công nghệ thông tin sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch nhưng cũng rất khó để kiểm soát kỹ năng của người học.
Giáo viên phổ thông cốt cán đã sẵn sàng cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh: K.L
Mặc dù vậy, theo TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (Trường Đại học Vinh): Đại đa số các giáo viên tham gia bồi dưỡng và các cán bộ quản lý chuyên môn đã thấy tự tin, an tâm khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các giáo viên phổ thông cốt cán cũng đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong việc hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho đồng nghiệp tại địa phương nhằm phục vụ tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trường THPT Mai Anh Tuấn (Thanh Hóa): 35 năm vững bước đi lên Tháng 8 năm 1985, từ một phân hiệu của Trường cấp 3 Nga Sơn (nay là Trường THPT Ba Đình) trường THPT Mai Anh Tuấn được thành lập. Đồng chí. Hàn Duy Điều UVBTV, trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nga Sơn chụp ảnh cùng BCH Đảng bộ nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025 Từ ngày đầu thành lập, trường chỉ có 7 lớp...