Vua cá nước ngọt khổng lồ siêu quý hiếm tuyệt chủng ở Trung Quốc
Loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, dài tới 7 mét, được mệnh danh là vua cá nước ngọt, đã bị tuyên bố là tuyệt chủng tại Trung Quốc.
Cá tầm thìa – loài cá được mệnh danh là vua cá nước ngọt tại Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Cá tầm thìa Trung Quốc là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và cũng là loài cá bản địa của hệ thống sông Dương Tử, mới đây, đã bị tuyên bố tuyệt chủng tại nước này.
Cá tầm thìa hay còn được gọi là cá kiếm Trung Quốc, dài tới 7 mét và được cho là đã biến mất từ năm 2005 đến năm 2010, nhưng cho đến gần đây vẫn chưa được xác nhận là đã tuyệt chủng tại Trung Quốc.
Hồi cuối tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã chính thức công bố việc cá tầm thìa Trung Quốc đã tuyệt chủng, trong bài nghiên cứu được đăng trên tờ Science of the Total.
Ông Wei Qiwei – nhà khoa học từ Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc tại Vũ Hán, một trong những tác giả của bài viết, cho biết:
“Kết luận này dựa trên đánh giá của hội đồng chuyên gia, trong cuộc họp vào tháng 9 tại Thượng Hải, do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức”.
“Chúng tôi tôn trọng đánh giá của các chuyên gia từ IUCN, mặc dù chúng tôi chấp nhận kết luận này với một tâm trạng hết sức nặng nề”, ông Wei Qiwei trả lời phỏng vấn trên tờ Chutian Metropolis Daily, vào hôm thứ Sáu vừa rồi (3.1).
Cá tầm thìa tuyệt chủng do ô nhiễm nước và đánh bắt quá mức (ảnh: Chinadaily)
Video đang HOT
Cá tầm thìa khổng lồ, được mệnh danh là vua cá nước ngọt ở Trung Quốc. Loài này được nhìn thấy đang sống trong môi trường tự nhiên lần cuối cùng vào năm 2003.
Từ năm 1996, cá tầm thìa Trung Quốc đã nằm trong danh sách nguy cấp nghiêm trọng của IUCN, khi số lượng của chúng suy giảm nhanh chóng, do việc đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường ở sông Dương Tử.
Các chuyên gia của IUCN cho biết, không có bằng chứng hình ảnh nào về loài này được phát hiện kể từ năm 2009. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng của cá tầm thìa tại Trung Quốc đến nay mới được chính thức xác nhận.
Theo báo cáo nghiên cứu của IUCN, cá tầm thìa Trung Quốc có tên khoa học là Psephurus joyius, xuất hiện ở trái đất từ 34 – 75 triệu năm trước.
Cá tầm thìa nước ngọt khổng lồ chỉ có hai loài: Cá tầm thìa Mỹ phân bố ở lưu vực sông Mississippi (Mỹ) và cá tầm thìa Trung Quốc, sinh sống tại lưu vực sông Dương Tử (Trung Quốc) – đã tuyệt chủng.
Theo các nhà khoa học, cá tầm thìa Trung Quốc có khả năng đã bị tuyệt chủng về chức năng, tức là thiếu các cặp sinh sản đủ để tồn tại, từ năm 1993.
Đây là “đòn đau” mới nhất đối với hệ sinh thái sông Dương Tử hay còn gọi là sông Trường Giang, dài 6.300 km. Trước đó, hai loài cá khác tại sông Dương Tử, là cá heo không vây và cá cháy bắc, cũng đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2006 và 2015.
Hệ thống sông Dương Tử của Trung Quốc được biết tới là có hơn 4.000 loài thủy sinh. Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện, đánh bắt quá mức, giao thông đường thủy dày đặc và ô nhiễm nước nghiêm trọng, đã khiến nguồn cá và sự đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng.
Hồi đầu tuần này, ông Yu Zhen Khang, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cũng đã xác nhận trong bài phỏng vấn với tờ Tân Hoa Xã, rằng đang có sự suy giảm báo động quần thể các loài cá quý hiếm, tại Trung Quốc.
Trung Quốc vội vàng thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử, sau “cú sốc” cá tầm thìa (ảnh: SCMP)
Hiện Trung Quốc đã triển khai những hành động cứng rắn, để bảo vệ đời sống thủy sinh của sông Dương Tử. Nước này đã ra lệnh cấm đánh bắt cá thương mại trong 10 năm tại sông Dương Tử. Lệnh cấm này chính thức có hiệu lực từ thứ Tư (1.1).
“Các lệnh cấm đánh bắt được ban hành với hy vọng ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái của sông Dương Tử và bất kỳ sự suy giảm thêm nào về đa dạng sinh học.
Hiện Trung Quốc có 332 khu bảo tồn, chạy dọc theo sông Dương Tử. Các khu bảo tồn sẽ được tiếp tục mở rộng, tại dòng chính và các nhánh phụ của sông Dương Tử, bắt đầu từ ngày 1.1″, ông Yu cho biết.
Theo nhà khoa học Wei Qiwei, một nhóm nghiên cứu của Học viện khoa học nghề cá, đã lần cuối cùng phát hiện sự tồn tại của cá tầm thìa Trung Quốc, vào năm 2003.
Sau khi gắn thiết bị theo dõi vào con cá, họ thả nó trở lại sông Nam Khê – một nhánh của sông Dương Tử, ở tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng mất tín hiệu của con cá, sau khi nó bơi vào khu vực chảy xiết.
Ông Wei Qiwei kể lại, lần đầu tiên ông nhìn thấy một con cá tầm thìa Trung Quốc, đã chết, là vào năm 1984. Trong 9 năm sau đó, ông đã giải cứu được bốn con cá tầm thìa khổng lồ bị mắc bẫy, nhưng chỉ có một con sống sót và được thả về tự nhiên.
“Cá tầm thìa Trung Quốc rất lớn. Chúng rất khó tồn tại trong môi trường bị nuôi nhốt. Vì vậy, việc bảo tồn nhân tạo là không thể”, ông Wei Qiwei ngậm ngùi chia sẻ.
Theo danviet.vn
Cá kiếm sông Dương Tử được cho là đã tuyệt chủng
Một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới (con trưởng thành có thể dài tới 7 mét) được cho là đã tuyệt chủng do đánh bắt quá mức và sự xuất hiện của đập Tam Hiệp.
Theo South China Morning Post, các nhà khoa học Trung Quốc xác định cá kiếm sông Dương Tử (còn gọi là cá tầm thìa Trung Quốc) đã tuyệt chủng trong giai đoạn từ 2005-2010. Tuyên bố này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Science of the Total Environment tuần trước.
Ông Duy Kỳ Vĩ, một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết kết luận này dựa trên đánh giá của một hội đồng khoa học, dưới sự giám sát của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) ở Thượng Hải hồi tháng 9.
"Chúng tôi tôn trọng mô hình nghiên cứu và các chuyên gia của IUCN, mặc dù chúng tôi đón nhận kết quả này với một trái tim nặng trĩu", ông Duy, người đến từ Học viên Khoa học Thủy sản ở thành phố Vũ Hán, chia sẻ hôm 3/1.
Chưa có trường hợp phát hiện cá kiếm sông Dương Tử nào được ghi lại bằng hình ảnh kể từ năm 2003, và các nhà khoa học cho rằng chúng đã tuyệt chủng. Ảnh: South China Morning Post.
Lần cuối cùng nhìn thấy loài cá khổng lồ này - vốn được coi là vua của các loại cá nước ngọt ở Trung Quốc - đã là từ năm 2003. Loài vật đã nằm trong danh sách nguy cấp của IUCN từ năm 1996 khi số lượng của chúng suy giảm do đánh bắt quá mức và suy thoái môi trường tại sông Dương Tử - nơi chúng sinh sống.
Các chuyên gia của IUCN cho biết đã không có dữ liệu về hình ảnh của loài này kể từ năm 2009.
Cá kiếm sông Dương Tử, có tên khoa học là Psephurus gladius, là một trong hai loài cá tầm thìa duy nhất còn lại trên trái đất. Thời kỳ đỉnh cao của loài vật này là trong khoảng 34-75 triệu năm trước.
Theo nghiên cứu, loài này có thể đã tuyệt chủng về mặt kỹ thuật - tức là không còn đủ các cặp sinh sản tối thiểu để duy trì nòi giống - vào năm 1993.
Đây được cho là mất mát mới nhất của hệ sinh thái dài 6.300 km của sông Dương Tử. Hai loài vật đặc trưng khác của con sông là cá chép và cá heo sông Dương Tử đều được cho là đã tuyệt chủng về mặt kỹ thuật vào năm 2015 và 2006. Hai loài vật nổi bật khác là cá heo không vây và cá tầm sông Dương Tử đều đang nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp.
Hệ thống sông Dương Tử là nơi sinh sống của hơn 4.000 loài động vật. Nhưng ô nhiễm, quá tải giao thông đường thủy và đặc biệt là con đập Tam Hiệp khổng lồ đã khiến số lượng của hầu hết suy giảm.
Ông Dục Chấn Khang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn, cũng nói với Xinhua rằng có sự "suy giảm với tất cả các loài" động vật hiếm.
Bắc Kinh giờ đây đã đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ hệ sinh thái sông Dương Tử, với một lệnh cấm đánh bắt thủy sản trong vòng 10 năm được ban hành từ ngày 1/1/2020.
Mục đích của lệnh cấm này là để ngăn chặn sự suy giảm của hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên sông Dương Tử, ông Dục cho biết.
Theo news.zing.vn
Cận cảnh "thủy quái" khổng lồ sông Mekong cực hiếm Do bị đánh bắt quá nhiều, loài cá da trơn khổng lồ sông Mê Kông đã trở nên cực hiếm, rất khó gặp. (Nguồn Boredomtherapy) Cá da trơn khổng lồ sông Mê Kông là loài cá rất lớn thường được tìm thấy xung quanh lưu vực sông Mê Kông ở Đông Nam Á. (Nguồn Boredomtherapy) Mặc dù được người dân địa phương biết...