Vụ Việt Á: Nữ chuyên viên có quan hệ “khủng” làm điều mà Phan Quốc Việt không làm được
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Thanh Thủy, một chuyên viên nhà xuất bản, đã tác động để mời bị can Nguyễn Thanh Long, khi đó là thứ trưởng Bộ Y tế, đến dự buổi trao tặng kit test của Việt Á mà Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á, không làm được
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao truy tố 38 bị can liên quan đến vụ Việt Á.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, và Nguyễn Bạch Thùy Linh, sở hữu Công ty Giang San, về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Bị can Nguyễn Bạch Thùy Linh (trái) và Nguyễn Thị Thanh Thủy. Ảnh: Bộ Công an.
Theo kết luận điều tra, lợi dụng mối quan hệ cá nhân, vào tháng 3-2020, Nguyễn Thị Thanh Thủy cùng Nguyễn Thị Bạch Linh đã chủ động gặp, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, thông qua Công ty Giang San là đại lý cấp 1, độc quyền xuất khẩu kit test COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất. Qua đó, Công ty Việt Á chiết khấu cho Thủy 40% giá trị kit test xuất khẩu. Đổi lại, Thủy có trách nhiệm thúc đẩy, giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit test, để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu CE và Giấy chứng nhận lưu hành tự do CFS, phục vụ xuất khẩu test xét nghiệm.
Đến ngày 4-12-2020, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt đã chấp nhận điều kiện do Thủy đưa ra. Phan Quốc Việt thừa nhận đã chi 40% cho Thủy bởi vì bị can này có “mối quan hệ cá nhân, có thể can thiệp và tác động để giúp Công ty Việt Á”, trong khi các đối tác khác chỉ được chiết khấu với mức 20-25% giá trị hợp đồng.
Vào tháng 3-2020, Thủy và Linh biết một công ty có vốn đầu tư nước ngoài muốn ủng hộ Chính phủ Việt Nam bằng cách tặng một lượng hàng chống COVID trị giá 1 triệu USD. Do vậy, 2 nữ bị can đã tác động lên doanh nghiệp này mua kit test của Công ty Việt Á để tặng.
Công ty này đã đồng ý, nhưng yêu cầu phải có thư cảm ơn từ Chính phủ hoặc người đại diện của Chính phủ tham gia trong lễ trao tặng để tăng uy tín của công ty trên thị trường Việt Nam.
Sau khi Thủy, Linh trao đổi, Phan Quốc Việt biết không thể thực hiện điều này, nên thống nhất sẽ chi 40% giá trị hợp đồng nêu trên để Thủy can thiệp, tác động đến lãnh đạo các bộ, ngành để đáp ứng điều kiện của công ty nêu trên. Sau khi mua số lượng kit test trị giá 1 triệu USD từ Việt Á, công ty nêu trên đã tổ chức trao tặng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Buổi trao tặng diễn ra ngày 7-4-2020, với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.
Hai ngày sau, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới trao cho Linh hơn 8 tỉ đồng tiền mặt để thực hiện chiết khấu từ hợp đồng. Trong số này, Nguyễn Thị Thanh Thủy được chia 2 tỉ đồng. Vào tháng 9-2022, sau khi vụ án được khởi tố, Thủy đã trả lại số tiền này cho Linh.
Làm việc với cơ quan điều tra, Thủy khai đã gọi điện mời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và nhắn tin mời một Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc tham gia buổi trao tặng kit test của Việt Á bởi công ty có vốn đầu tư nước ngoài nêu trên. Để đảm bảo ông Nguyễn Thanh Long tham gia, Thủy còn gọi điện cho thư ký và vợ của ông cựu bộ trưởng Bộ Y tế, để “nhắc” ông này tham dự đúng ngày.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Thanh Long cho biết Thủy có “mối quan hệ rộng với những người có chức vụ, quyền hạn”. Do đó khi được yêu cầu, ông đã đồng ý tham dự buổi trao tặng để “ghi lại hình ảnh” như mong muốn của Thủy và công ty.
Đáng chú ý, ngoài vụ án này, Nguyễn Thị Thanh Thủy còn bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cáo buộc, bị can Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo Dục Việt Nam, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục. Bị can Thái cũng cùng bị can Thanh Thủy cùng các đồng phạm khác đã thông đồng với Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Sau khi trúng thầu, bị can Nguyễn Đức Thái, Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ Ngọc.
Nguyên Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự vụ Việt Á
Dù là người ký các quyết định cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á và có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nhưng không có vụ lợi, ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, được miễn trách nhiệm hình sự.
Ông Nguyễn Trường Sơn bị kỷ luật năm 2022 do có vi phạm liên quan Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1.4, không bị xử lý hình sự trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.
Ký quyết định cho Công ty Việt Á độc quyền kit xét nghiệm
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an mới ban hành, thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, bị can Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã dùng nhiều thủ đoạn để đấu thầu, đưa hối lộ, gửi quà cảm ơn để chiếm đoạt thành quả nghiên cứu của Nhà nước để sản xuất, lưu hành kit test Covid-19 và nâng giá kit xét nghiệm, thu lời bất chính số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.
Ông Phan Quốc Việt. ẢNH VIỆT Á
Kết luận điều tra thể hiện, trong vụ án, ông Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách điều hành, chỉ đạo đơn vị đầu mối cấp số đăng ký sinh phẩm chẩn đoán của bộ, nhưng Bộ Y tế lại phân công ông Nguyễn Trường Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chẩn đoán.
Quá trình Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành của Công ty Việt Á, ông Sơn được nhờ hỗ trợ, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, như không cần họp hội đồng nghiệm thu, không cần biên bản nghiệm thu giai đoạn 1, nhưng ông Sơn không đồng ý.
Chiều 4.3.2020, do bị can Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình (Bộ Y tế), đề xuất, ông Sơn đã ký quyết định cấp số lưu hành tạm thời cho test xét nghiệm của Công ty Việt Á. Sau đó, ông Sơn tiếp tục ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á, dựa trên tờ trình của Vụ Trang thiết bị và công trình.
Nguyên Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự vụ Việt Á
Được miễn trách nhiệm hình sự vì không vụ lợi
Khai với cơ quan điều tra, ông Sơn thừa nhận Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành, nhưng vẫn ký cấp số đăng ký tạm thời vì mong muốn kịp thời có kit xét nghiệm để phòng, chống dịch và do nhận thức pháp luật hạn chế.
Về việc ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Công ty Việt Á, ông Sơn cho rằng, do hội đồng tư vấn đề xuất và Vụ Trang thiết bị và công trình báo cáo đủ điều kiện. Dù biết một số điều kiện để cấp số lưu hành chính thức chưa được đảm bảo nhưng do tình hình dịch phức tạp, khẩn cấp và Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên ông vẫn ký.
Ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. ẢNH GIA HÂN
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định không được hưởng lợi từ Phan Quốc Việt hoặc Công ty Việt Á và không có động cơ cá nhân khi ký các quyết định liên quan doanh nghiệp này.
Theo C03, hành vi của ông Sơn đã giúp Công ty Việt Á sử dụng số đăng ký lưu hành chính thức để sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép và gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, C03 cho rằng, việc ông Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành không phải nhiệm vụ thường xuyên, không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Do vậy, C03 căn cứ điểm c khoản 2 điều 29 bộ luật Hình sự và điểm b khoản 3 điều 5 Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.
Ngoài ông Sơn, C03 còn xác định ông Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương, sau đó dẫn đến việc Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm.
Tuy nhiên, C03 xác định ông Cường không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho ông Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Theo kết luận điều tra, sai phạm trong việc kiểm tra giá trách nhiệm chính thuộc về bị can Nguyễn Thanh Long, với vai trò bộ trưởng, trực tiếp phụ trách Vụ Kế hoạch và tài chính (Bộ Y tế). Việc không có kết quả kiểm tra giá hiệp thương là chủ đích của ông Long và lãnh đạo Vụ Kế hoạch và tài chính, do đó, C03 không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cường.
Vì sao cơ quan điều tra chọn CDC Hải Dương làm điểm đột phá vụ Việt Á Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, chính là đối tượng cơ quan điều tra chọn làm điểm đột phá trong chuyên án này, bởi hành vi chuyển tiền chiết khấu của Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á cho Phạm Duy Tuyến trong 5 gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19 trị giá hơn...