- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Vụ “thách cắn của quý được 100 triệu”: Xử thế nào?

On 23/06/2013 @ 12:50 AM In Pháp luật

Chuyện thách đố "cắn của quý" tưởng như tào lao, nhưng khi vụ việc đã được đưa ra Toà thì không phải là chuyện đùa nữa...

Vụ thách cắn của quý được 100 triệu: Xử thế nào? - Hình 1

Ông H, nhân vật chính của câu chuyện

Chuyện thật như đùa

Ông H. năm nay gần 65 tuổi, trú tại huyện C, tỉnh T, được xem như là người "đại gia hai lúa" giàu có nhất vùng. Không chỉ giàu có, ông lại nằm trong thành phần là "quan chức xã", vừa có tiền, vừa có quyền. Mọi chuyện bắt đầu từ bữa rượu của một người hàng xóm, tham gia uống có ông H, chị L bán thịt heo, người yêu cũ của ông H và mấy người hàng xóm khác. Cao hứng, người yêu cũ còn lôi đặc điểm ít người biết của ông H ra nói để chứng minh sự thân mật ngày trước của mình.

Chị bán thịt heo nghe vậy chắc khó chịu, nên có nói vài câu không lọt tai, khiến ông H cáu. Cho rằng chị bán thịt heo đang hạ nhục mình, ông H thách: "Dám cắn cái đó của tao không? Dám cắn tao cho 100 triệu". Đang có men rượu, chị L chẳng chịu kém cạnh, liền hành xử theo kiểu "thích thì chiều". Chuyện tưởng đùa hoá thật khi ông H cho rằng chị L "xâm phạm thân thể" còn chị L thì đòi ông H phải thực hiện lời hứa. Cả hai cùng làm đơn gửi ra UBND xã tố cáo nhau đòi bồi thường tổn thất tinh thần và thân thể. Ngoài chuyện tố cáo hành vi hạ nhục người khác của ông H, chị bán thịt heo còn yêu cầu ông H phải trả 100 triệu đồng vì đó là số tiền mà ông H đã cam kết trước mặt nhiều người rằng sẽ trả nếu chị dám cắn... của ông.

Chính quyền lẫn công an xã đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Theo yêu cầu của cả hai bên, công an xã đành chuyển hồ sơ lên công an huyện. Phía công an huyện xác định, vết thương do chị bán thịt cắn ông H là không có gì nên không xử lý chị bán thịt. Còn về phần chị L, nếu chị muốn kiện đòi bồi thường danh dự, tiền bạc thì cứ sang Tòa án. Theo thông tin mới nhất, thì TAND huyện C đã thụ lý đơn của chị bán thịt heo, chị cũng đóng án phí hết 500 nghìn.

Giải quyết thế nào?

Vậy, vụ việc hy hữu này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không? Có ý kiến cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng ý kiến khác lại cho rằng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì thuộc quan hệ pháp luật dân sự nào?

Theo phân tích của một số luật gia, việc "thánh đố" của ông H có sự chứng kiến của nhiều người là một sự kiện pháp lý. Ông H ra điều kiện phải thực hiện, người thực hiện đầy đủ điều kiện của ông H đề ra sẽ được nhận 100 triệu đồng của ông H. Việc chị L đồng ý thực hiện điều kiện của ông H và trước khi chị L thực hiện hành vi thì ông H không phản đối nên đây là một giao dịch dân sự có điều kiện.

Theo Điều 121 BLDS thì giao dịch dân sự là "hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Về hợp đồng dân sự, Điều 388 BLDS quy định như sau: "Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Việc ông H thỏa thuận để chị L thực hiện hành vi để xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự đối với ông H và đối với chị L là đúng với quy định của Điều 388 BLDS nên sự thỏa thuận giữa ông H với chị L là một hợp đồng dân sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 401 BLDS thì hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp của ông H với chị L là trường hợp giao kết bằng lời nói và bằng hành vi cụ thể.

Việc ông H "thách đố" chính là hành vi hứa thưởng. Điều 590 BLDS quy định về hứa thưởng như sau:"1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. 2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội". Vấn đề là giao dịch dân sự giữa ông H với chị L có trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hay không?. Có ý kiến cho rằng hiện chưa có văn bản nào quy định hành vi trên là trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Chị L đã thực hiện đầy đủ điều kiện và yêu cầu của ông H nhưng ông H không thực hiện nghĩa vụ đối với lời hứa của mình trước mọi người là vi phạm hợp đồng. Cụ thể là ông H vi phạm nghĩa vụ trả tiền nên căn cứ vào quy định tại Điều 290, Điều 590 BLDS để buộc ông H thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù hành vi hành vi "hứa thưởng" của ông H là có thật, cũng chưa có quy định nào cấm, nhưng nội dung hứa thưởng và việc thực hiện lại không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Cụ thể, hành vi ông H thách đố rồi cởi quần để lộ "của quý" khi có mặt nhiều người, trong đó có cả phụ nữ là khó chấp nhận. Việc chị L thực hiện hành vi "cắn cái đó" trước mặt mọi người cũng không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Vì vậy, không có căn cứ để xem xét đơn khởi kiện của chị L.

Theo Xahoi


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/vu-thach-can-cua-quy-duoc-100-trieu-xu-the-nao-20130623i826290/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.