Vụ phần mềm in “đường lưỡi bò”: Có gì đâu mà ầm ĩ (!)
Đây là khẳng định của Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường – School@net, ông Bùi Việt Hà, với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 24-12
Phóng viên: Ông giải thích thế nào về phần mềm Earth Explorer có in “đường lưỡi bò” – một vấn đề vô cùng nhạy cảm vì đụng chạm đến chủ quyền quốc gia?
- Ông Bùi Việt Hà: Biết quá chứ! Tôi còn đau hơn anh gấp nhiều lần. Như tôi đã giải thích trên Facebook cá nhân, câu chuyện này liên quan đến nhóm viết sách giáo khoa (SGK) tin học cấp THCS. Tôi là một trong các tác giả của sách này chứ không liên quan đến School@net. Trong chương trình khung tin học có một chủ đề là “Sử dụng phần mềm máy tính để ứng dụng học các môn khác”. Một chủ đề chung như vậy nên chúng tôi phải lựa chọn các phần mềm để cho học sinh làm quen.
Vậy sao lại để sót lỗi như vậy, phải chăng do không có cơ quan nào kiểm soát?
- Ngày xưa có ai để ý đâu vì lúc đó chúng tôi mày mò tìm phần mềm để giúp học sinh cách tìm bản đồ, là chương trình dạy tin học, không phải dạy môn địa lý. Năm 2006, chúng tôi thấy trên internet có phần mềm này hay hay thì lấy xuống để giúp các cháu cách xem bản đồ (phóng to, thu nhỏ).
Thời điểm đó, các phần mềm giáo dục của Việt Nam hầu như không có nên nhóm tác giả đã quyết định chọn một số phần mềm của nước ngoài, trong đó có phần mềm này vì lúc đó các trường chưa có internet nên không thể chọn Google Earth. Các phần mềm chọn đều phải là miễn phí hoặc bản dùng thử do chúng ta không thể mua bản quyền vì không có tiền.
Đến năm 2007, phần mềm này chính thức được đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012 thì phát hiện có đường kẻ vàng mô tả “đường lưỡi bò”. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo Bộ GD-ĐT để sửa đổi nhưng bộ cứ họp hành mãi nên năm 2013 mới tiến hành sửa để in mới vào năm 2014.
Nhưng sản phẩm này của Công ty Motherplanet, trụ sở chính ở Thượng Hải – Trung Quốc, thì càng không thể tùy tiện sử dụng vì đây không phải lần đầu các nhà cung cấp nước này sử dụng “đường lưỡi bò”!
- Chúng tôi có để ý đâu. Đến ngày 23-12, khi xem kỹ lại mới phát hiện dòng chữ rất nhỏ nêu tên nhà cung cấp có trụ sở chính ở Thượng Hải mà không hề nói thuộc Trung Quốc hay Mỹ.
Vậy là có sự buông lỏng khâu kiểm duyệt sản phẩm giáo dục, thưa ông?
Video đang HOT
- Thực tế là có nhưng nói thật, không ai để ý đâu. Dù trách nhiệm kiểm duyệt thuộc về Bộ GD-ĐT và chúng tôi tham gia chuyên môn. Báo chí cứ nâng quan điểm vấn đề này lên quá mức mà có nhiều vấn đề khủng khiếp khác thì không nhắc đến. Khắp nơi tràn ngập hàng Trung Quốc. Đây đúng là sai lầm nhưng đã được sửa và là vấn đề nhỏ.
Thưa ông, đụng đến chủ quyền quốc gia thì sao lại là vấn đề nhỏ được?
- Đây không phải là vấn đề lớn vì SGK không viết câu nào “đường lưỡi bò” cả mà chỉ có chức năng nhỏ là vạch vàng trên phần mềm. Rất đáng tiếc nhưng xin giải thích rõ Việt Nam chúng ta không có các phần mềm học địa lý nghiêm chỉnh. Nếu ngay bây giờ dùng các bản đồ của Google thì cũng khó tránh được những “lỗi” như thế này. Vấn đề là các giáo viên phải chủ động khi hướng dẫn sử dụng phần mềm, internet cho học sinh tham khảo.
Trên Facebook, ông nói “thậm chí cho học sinh hiểu rõ được thực chất về “đường lưỡi bò” cũng là một điều nên làm, không cần giấu học sinh làm gì” là một cách giáo dục?
- Nhân danh cá nhân, tôi cho rằng không nên giấu hoàn toàn học sinh mà khi các cháu hỏi, cần trả lời đó là sự phi pháp. Còn nếu nâng quan điểm là không nên, không nên làm ầm ĩ vấn đề.
Bộ GD-ĐT đã có trả lời gì về vấn đề này với ông?
- Tôi không nhận được ý kiến gì, còn được biết ngày 24-12, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu dừng sử dụng phần mềm này.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ:
Phát ngôn đáng lên án
Phát ngôn của giám đốc Bùi Việt Hà là không thể chấp nhận. Họ quên đi một điều hết sức quan trọng là máu xương của rất nhiều người đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Sự phân bua như vậy là phi ý thức và rất đáng lên án.
Theo NLĐ
Ứng dụng CNTT trong trường học: "Thực" chưa đi đôi với "cầu"
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy đang trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, với điều kiện thực tại về công tác trang bị cơ sở vật chất tại các nhà trường, đi kèm với công tác trang bị kiến thức CNTT của giáo viên vẫn còn khiêm tốn.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: làm sao để ứng dụng CNTT trong giảng dạy trở nên hiệu quả?
Nhu cầu của giáo viên...
Vừa qua, Mạng cộng đồng giáo viên Violet kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu thiết bị giảng dạy - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Công ty TNHH Intel Việt Nam thực hiện một khảo sát trực tuyến về nhu cầu và thói quen sử dụng CNTT trong giảng dạy của giáo viên VN. Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 7-10.2013, với đối tượng khảo sát là 10 nghìn giáo viên trên cả nước.
Kết quả, gần 100% giáo viên đã ứng dụng CNTT để phục vụ công việc giảng dạy. Cụ thể, 52/100 giáo viên được hỏi cho biết sử dụng các thiết bị CNTT để làm việc và giảng dạy. 50,1% giáo viên sử dụng các thiết bị CNTT trong quá trình làm việc, giảng dạy tại trường học và trên 81,4% sử dụng thiết bị CNTT tại nhà với lượng thời gian là hơn 5h/tuần.
Khảo sát cho thấy, giáo viên chủ yếu sử dụng máy tính xách tay và máy tính để bàn. Ngoài ra, có một bộ phận sử dụng thêm những thiết bị khá hiện đại như máy tính bảng, máy đọc sách,... Những giáo viên sử dụng những thiết bị CNTT hiện đại thường có độ tuổi từ 21 - 30, trong khi những giáo viên sử dụng máy tính để bàn thường ở độ tuổi từ 41 trở lên.
Các website hỗ trợ công việc giảng dạy ngày càng được phổ biến rộng rãi và được nhiều giáo viên biết tới, tin cậy. Intel cho hay violet.vn, tailieu.vn và YouTube là 3 trang website được giáo viên VN ưa chuộng nhất để sử dụng tìm kiếm tài liệu cho giảng dạy. Trong đó, violet.vn được bình chọn nhiều nhất với tỉ lệ chọn 89,3%, kế tiếp đến tailieu.vn với tỉ lệ 41,6% và YouTube là 22,5%. Bên cạnh đó, những website nước ngoài như scribd.com... cũng bắt đầu được giáo viên VN biết tới và tra cứu.
Cô Kim Loan - Giáo viên Trường THPT Trần Văn Hoài, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết rất thích áp dụng CNTT vào công việc giảng dạy của mình bởi nhờ CNTT mà bài giảng thêm phần sáng tạo, thu hút được học sinh và bản thân cũng nâng cao được trình độ và khả năng sử dụng công nghệ, đỡ lạc hậu so với thế hệ trẻ.
"Những slide trình chiếu giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian viết bài lên bảng, học sinh có thêm thời gian thực hành, kể cả những môn Văn, Sử hay Giáo dục công dân. Song đi kèm với đó là thử thách: Giờ đây, học sinh hoàn toàn có thể tìm hiểu mọi thứ trên mạng. Vì vậy, chúng tôi không thể lấy bài giảng có sẵn trên mạng sử dụng là được, mà phải tự soạn giáo án của riêng mình mới có thể "thu phục" được học sinh", cô Loan cho biết.
Còn cô Nguyễn Thị Hải Yến - giáo viên trường tiểu học Bà Triệu (Hà Nội) nỗ lực sử dụng những phần mềm hỗ trợ giảng dạy như Violet, Flash, Phần mềm photoshop... để soạn giáo án, giảng dạy của mình bởi theo cô, việc sử dụng các đồ dùng dạy học thô sơ, cũ kĩ, truyền thống là quá bất tiện, gây chật chội không đáng có cho lớp học.
"Trước đây, tôi khá vất vả, tốn nhiều thời gian mới làm được một vài đồ dùng học tập để minh họa bài dạy của mình. Giờ đây, chỉ cần vài cái click chuột, tôi có thể "tái hiện" các hình ảnh về những cuộc khởi nghĩa, những trận đánh hay các địa danh trên mọi miền đất nước một cách sống động cho học sinh của mình quan sát. Nhờ thế, tôi gặp thuận tiện hơn nhiều trong việc giảng dạy cho các em nắm bắt và hiểu được bài học", cô Yến cho hay.
...khác xa thực tế trường học
Phần đông giáo viên đều khẳng định những thiết bị CNTT mà họ đang có chủ yếu được mua từ tiền túi của họ mà ra. Các giáo viên này khẳng định những thiết bị CNTT mà họ có thể mua được hoặc thiết bị được nhà trường hỗ trợ hiện nay đều chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng trong giảng dạy. Trong số 10.000 giáo viên được hỏi về các thiết bị CNTT mà họ đang mong muốn mua, 36% nói muốn mua máy tính xách tay; 31% muốn mua máy tính bảng; 13% muốn mua điện thoại di động thông minh và các thiết bị khác như camera, máy chiếu, các phần mềm hỗ trợ giảng dạy...
Được biết, từ năm học 2008 - 2009, Bộ GDĐT đã phát động năm học ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, qua gần 4 năm thực hiện, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cơ sở vật chất dành cho ứng dụng CNTT vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong giảng dạy. Cũng theo khảo sát trên của Intel, chỉ có khoảng 41,1% trường học của 10 nghìn giáo viên trên cả nước được hỏi cho biết có hệ thống máy chủ; 25,3% trường có thư viện điện tử và phòng đọc cho giáo viên; 57,3% có hệ thống email nội bộ và 52,4% có trang website riêng.
Hầu hết các trường học có phòng máy hoặc đa chức năng có máy tính lên tới 73%. Trong đó, số lượng phòng máy hoặc đa chức năng có lượng máy tính từ 1 - 15 cái chiếm 24,2%; có từ 16 - 30 máy tính chiếm 48,5%; có từ 21 - 50 máy tính chiếm 18,3%. Lượng phòng máy tính hoặc đa chức năng trong trường học mà có trên 50 máy tính - tương đương số học sinh trung bình của một lớp học tại Việt Nam hiện nay - chỉ chiếm 2,1%. Bên cạnh đó, phòng máy tính hoặc đa chức năng này chỉ chủ yếu được sử dụng để giảng dạy môn Tin học (94,2%) và môn Ngoại ngữ (43,9%).
Cô Kim Loan cho biết: "Số lượng máy tính ở trường tôi hư hỏng đến 80%. Vì vậy, nhiều giáo viên giáo viên muốn thao giảng khi kiểm tra sư phạm, phải chạy và tìm kiếm những lớp còn máy tính sử dụng được để đổi lớp. Nếu đổi lớp không được đành dạy chay".
Nhiều giáo viên khác cũng cho biết các thiết bị CNTT được trang bị trong trường học mà họ đang giảng dạy thường xuyên rơi vào cảnh hỏng hóc, cấu hình không phù hợp.
Theo TS. Lê Kính Thắng (Trường ĐH Đồng Nai), để có thể tạo được môi trường sử dụng CNTT, các trường cần có mạng Internet băng thông rộng đủ mạnh và hệ thống phòng học thông minh đa phương tiện. Kinh phí cho các phương tiện này rất lớn, vì thế các trường thường chọn giải pháp đầu tư dần theo từng dự án hoặc từng năm, dẫn đến tình trạng các trang thiết bị không đồng bộ, vừa thiếu vừa yếu, khó phát huy hết hiệu quả, công suất và khó bảo trì.
Một khó khăn khác mà nhiều giáo viên ứng dụng CNTT thường vấp phải, đó là bản quyền của các phần mềm tiện ích. Th.S Tống Xuân Tám (Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho biết, giá bản quyền các phần mềm ứng dụng hiện đại khá cao, như phần mềm Articulate Studio ứng dụng để xây dựng bài học trực tuyến (E-learning) có hiệu quả rất cao nhưng giá lên đến 1200 USD nên không phải trường nào, bộ môn nào cũng có khả năng sở hữu. Vì thế, hiện nay hầu hết các GV chỉ dừng lại ở sử dụng phần mềm miễn phí hoặc dùng thử, do đó việc ứng dụng CNTT cũng phần nào bị hạn chế.
Trong khi đó, Th.S Lê Viết Chung, trường ĐHSP Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, nhiều giáo viên lạm dụng những tính năng công nghệ để sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, nặng về "biểu diễn hoành tráng", không biết phối hợp với các thiết bị khác làm cho giờ học trở nên thụ động, học sinh như được xem phim trong giờ học. Ngược lại, một số giáo viên khác lại tỏ ra e ngại hoặc xem nhẹ việc sử dụng CNTT vào dạy học.... Cả hai khuynh hướng này đều không phát huy được vai trò, vị trí cũng như tác dụng ưu điểm của CNTT trong dạy học.
Theo thầy Chung, nguyên nhân là do công tác trang bị kiến thức CNTT trong giảng dạy đối với giáo viên còn bị coi nhẹ. Cô Nguyễn Thị Làn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hưng, huyện Điện Biên thừa nhận: "Thực tiễn hiện nay, trình độ tin học của giáo viên còn thấp, số giáo viên sử dụng thành thạo CNTT chưa nhiều, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở khâu soạn giáo án".
Nhìn chung, cho đến nay "bức tranh" về ứng dụng CNTT trong các trường học VN tuy đã có những sắc màu riêng, nhưng vẫn còn rời rạc. Thiết nghĩ, cần có hẳn một chủ trương thống nhất và đồng bộ về đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên; đồng thời kết hợp với một nỗ lực quyết tâm để CNTT sớm trở thành thiết yếu trong công tác giảng dạy tại VN.
Theo Lao Động
Phương pháp giảng dạy Pascal hiện đại với robot Dự án nhằm mục đích hướng nghiệp ngành công nghệ thông tin, giúp học sinh THPT thoải mái tiếp thu kiến thức tin học. Phần mềm SRobot do trường SaigonTech, phân hiệu tại Việt Nam của Đại học Cộng đồng Houston, Texas, Mỹ phát triển. Chương trình được áp dụng vào môn lập trình Pascal trong giờ tin học, giúp các em học...