Vụ Huyền Như: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Phía ngân hàng ACB cho rằng: “Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý. Đây là dấu hiệu của tội tham ô tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?”
Trong vụ án Huyền Như, Ngân hàng ACB bị chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Trước tòa, vị đại diện ACB đã có một bài trình bày quan điểm khá dài nhằm “mổ xẻ” những tình tiết liên quan trong vụ án.
Vietinbank không biết?
Với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như đã bị đề nghị tuyên phạt mức án kịch khung là tù chung thân. Tuy nhiên, phần trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng mới là điều gây tranh cãi nhất suốt những ngày xét xử vừa qua.
Trong phần phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố kết luận Vietinbank không phải bồi thường. Luật sư của Vietinbank hoàn toàn đồng tình với VKS, khẳng định Vietinbank vô can trong vụ án.
Bởi lẽ, ngay từ khi bắt đầu nảy sinh động cơ chiếm đoạt tài sản, đối tượng Huyền Như nhắm tới là tài sản của các đơn vị, cá nhân. Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank để huy động tiền.
Các đơn vị cá nhân (trong đó có ACB) biết việc Huyền Như lấy danh nghĩa Vietinbank huy động tiền với mức lãi suất vượt trần là trái quy định nhưng vì hám lợi vẫn ký hợp đồng ủy thác gửi tiền. Khách hàng gửi tiền nhưng không đến trụ sở ngân hàng giao dịch…Đây là điều kiện rất thuận lợi để Như chiếm đoạt tài sản.
“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như – kẻ gây ra vụ án nhiều tranh cãi.
Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia, không liên quan nên không thể nói Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trước đó, trả lời trên một tờ báo, Chủ tịch HĐQT Vietinbank khẳng định tiền của các đơn vị, cá nhân gửi chưa vào đến tài khoản của Vietinbank nên Vietinbank vô can trong vụ án.
Tại tòa, ông Lê Thanh Hải – đại diện theo ủy quyền của Tổng giám đốc ACB cho rằng những quan điểm trên là không có cơ sở, đi ngược hoàn toàn với sự thật khách quan trong vụ án.
Chứng minh cho điều này, ông Hải đưa ra những bằng chứng và “mổ xẻ” những bất nhất trong chính phần trả lời của phía Vietinbank.
Ông khẳng định hợp đồng ACB gửi tiền cho Vietinbank do ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) ký kết, đóng dấu thật của Vietinbank, tiền được chuyển vào tài khoản tại Vietinbank, Vietinbank có hạch toán thành tài sản của mình. Vậy tại sao Vietinbank có thể nói Huyền Như giả danh Vietinbank để huy động tiền cho cá nhân?
Video đang HOT
Tương tự, về ý kiến cho rằng quá trình Huyền Như huy động tiền, Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia, tiền chưa vào đến tài khoản Vietinbank, đại diện ACB thẳng thừng bác bỏ.
Chứng minh điều này, ông Hải cho biết nếu không biết, không liên quan, tiền khách hàng gửi chưa vào tài khoản Vietinbank vậy tại sao Vietinbank lại gửi giấy xác nhận số dư tài khoản cho ông Phạm Công Hoàng (1 trong 19 nhân viên ACB đứng lên gửi tiền)?
Theo vị đại diện, hiện ACB vẫn còn lưu giữ giấy xác nhận nợ của Vietinbank giửi cho ông Hoàng. Giấy xác nhận số dư tài khoản trên là bằng chứng (bên cạnh các sao kê chi tiết tài khoản mà ACB đã cung cấp) bác bỏ luận điểm của Vietinbank khi cho rằng tiền gửi của các khách hàng trong vụ án Huyền Như chưa được chuyển vào tài khoản tại Vietinbank…
Bỏ lọt tội phạm?
Trong phần trình bày, đại diện ACB còn cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Ông Hải cho biết tại trang 12 kết luận điều tra nêu lãnh đạo Vietinbank có được Như báo cáo việc chi lãi suất vượt trần 0,5%. Vậy Vietinbank có chủ trương chi lãi suất vượt trần không, ai là người chịu trách nhiệm chưa được làm rõ.
Bên cạnh đó, để xác định tội danh của Huyền Như, trước tiên phải xác định ai là người chịu trách nhiệm quản lý tiền? Ông Hải cũng trả lời luôn đó là Vietinbank vì thực tế ACB chuyển tiền đến tài khoản của Vietinbank chứ không phải tới một tài khoản nào của Huyền Như.
Sau khi tiền chuyển vào Vietinbank, với tư cách quyền trưởng phòng, Như đã giả chữ ký của khách hàng để chiếm đoạt.
Bị cáo Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý. Đây là dấu hiệu của tội tham ô tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người đại diện ACB cũng cho rằng nếu xác định Vietinbank không bị thiệt hại trong vụ án thì việc truy tố 7 cán bộ, nhân viên Vietinbank về tội “vi phạm quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng” là không có cơ sở.
Ngày 20/1 tới, VKS sẽ đối đáp lại quan điểm của các luật sư và những bên liên quan trong vụ “đại án” gây nhiều tranh cãi này.
Theo VNN
Xử "đại án" Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: có dấu hiệu "tham ô tài sản"
Chiều nay (6.1), phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần đọc bản cáo trạng truy tốHuyền Như cùng 22 bị cáo. Cáo trạng dài 72 trang, khiến thời gian cả buổi chiều nay là phần đọc cáo trạng của 2 vị đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa, được ủy quyền của VKSND Tối cao.
Trong khi vào buổi sáng nay (6.1), các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, đề nghị HĐXX triệu tập nhiều "quan chức" của Vietinbank và cựu quan chức ACB. Tuy nhiên, HĐXX bác yêu cầu hoãn phiên tòa và cho rằng cần thiết sẽ triệu tập các "quan chức" ngân hàng.
Theo nguồn tin của Báo Lao Động, một văn bản kiến nghị của luật sư Đinh Văn Quế - nguyên thẩm phán, Chánh tòa hình sự TAND Tối cao - đã gửi đến TAND TPHCM, VKSND cũng như HĐXX vụ "đại án" Huyền Như.
Trong văn bản kiến nghị, luật sư Đinh Văn Quế cho biết: "Về tội danh đối với Huyền Như, trong vụ án này, các đơn vị, cá nhân bị Huyền Như làm giả giấy tờ để họ chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ định của Như. Sau đó, Như chiếm đoạt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố là chính xác.
Tuy nhiên, đối với các khoản tiền của khách hàng gửi tại Vietinbank từ một hợp đồng hợp pháp, trong đó có khoản tiền hơn 718 tỉ đồng của ACB.
Sau đó Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền từ Vietinbank thì hành vi của Huyền Như không là hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mà hành vi này có dấu hiệu của tội "tham ô tài sản".
Trong bản kiến nghị gửi đến tòa, luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng: "Khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng nói chung và Vietinbank nói riêng. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng khoản tiền này và có nghĩa vụ trả lãi cho khách hàng theo thỏa thuận với khách hàng.
Vietinbank là doanh nghiệp Nhà nước. Huyền Như được bổ nhiệm làm Quyền GĐ Phòng giao dịch thuộc Vietinbank. Huyền Như có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ.
Do có chức vụ, quyền hạn như trên, Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của Vietinbank.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội "tham ô tài sản".
Tham ô chính là "trộm cắp, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm... chiếm đoạt tài sản" của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý".
Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao-Đinh Văn Quế nhận định: "Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội "tham ô tài sản", chứ không phải là hành vi phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản".
Luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng: Theo kết luận điều tra số 12 ngày 3.12.2012 và các bản kết luận điều tra bổ sung số 3, ngày 26.4.2013 (lần 1) và số 8 ngày 26.8.2013 (lần 2) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ACB là "đơn vị bị hại".
Cáo trạng số 16/KSĐT-VKSTC-V1 ngày 16.10.2013 của VKSND Tối cao không có chỗ nào viết: "ACB là người bị hại hoặc là đơn vị bị hại", nhưng tại mục số 9 (trang 11) bản cáo trạng ghi:
" Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của ACB" và bản phụ lục 1 kèm theo bản cáo trạng, cột thứ 4 có ghi "Số tiền Như trả lại cho các bị hại". Với cách hành văn này thì có thể hiểu bản cáo trạng cũng xác định "ACB là bị hại".
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định người tham gia tố tụng là "đơn vị bị hại" hay "bị hại", mà chỉ có "người bị hại". Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra (khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự).
Người bị hại phải là con người cụ thể chứ không phải là cơ quan, tổ chức; bởi lẽ, nếu người bị hại từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "từ chối khai báo" theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.
Nếu cơ quan, tổ chức là người bị hại, mà từ chối khai báo thì làm sao mà truy cứu trách nhiệm hình sự được ! Pháp luật nước ta không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức.
Đây là tiêu chí rất quan trọng để phân biệt người bị hại với nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Trong vụ án hình sự, các cơ quan, tổ chức, nếu tham gia tố tụng thì không thể là người bị hại. Họ chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Như vậy, ACB không phải là người bị hại trong vụ hình sự nói chung và trong vụ án này nói riêng.
Vậy ACB có tham gia tố tụng trong vụ án này hay không, nếu tham gia thì với tư cách gì, cần làm rõ một số vấn đề sau: Huyền Như bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong đó có hơn 718 tỉ đồng. Nguồn gốc số tiền này là của ACB, nhưng đã ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi vào Vietinbank, theo một hợp đồng tiền gửi.
Theo pháp luật dân sự cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sau khi số tiền này gửi vào tài khoản của Vietinbank tuy chủ sở hữu vẫn là ACB, nhưng quyền quản lý (chiếm hữu và sử dụng) thuộc Vietinbank chứ không thuộc ACB nữa.
Vietinbank phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro về số tiền hơn 718 tỉ đồng. Nếu số tiền này bị người khác chiếm đoạt thì Vietinbank mới là đơn vị bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và tham gia tố tụng với tư cách là "nguyên đơn dân sự".
"Tại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 04/VKSTC-V1 ngày 23.2.2013 của VKSND Tối cao cũng đã khẳng định 'Việc ký hợp đồng nhận tiền gửi của khách hàng, trách nhiệm quản lý đối với số tiền này thuộc về Vietinbank'.
Khẳng định này là chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với quy định của luật dân sự và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu Vietinbank để người khác chiếm đoạt hoặc bị thất thoát số tiền này thì Vietinbank phải bồi thường cho khách hàng", luật sư Đinh Văn Quế nhận định trong văn bản kiến nghị gửi đến tòa.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra ngày mai (7.1) với phần xét hỏi.
Theo Lao động
Bắt nguyên trưởng Phòng Quản lý đất đai Sở TN&MT Bình Thuận Trưa 27/12, Công an tỉnh Bình Thuận đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng ông Lê Duy Khiêm - nguyên trưởng Phòng Quản lý đất đai của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận. Ông Khiêm bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Khám xét văn phòng làm việc của ông Khiêm, cơ...