Vợ tỷ phú tật nguyền khao khát có con
Tôi chỉ ước mình có một đứa con. Rồi sẽ có ngày tôi rời khỏi cuộc đời này, tôi chưa từng yêu và được yêu nên tôi muốn ít nhất mình cũng được hưởng hạnh phúc của việc làm mẹ. Tôi sẵn sàng trả tiền cho người nào đáp ứng được những yêu câu mà tôi đưa ra…
Tôi đã nghĩ hàng trăm lần về việc mình sẽ có một đứa con. Một đứa con ruột thịt và máu mủ. Tôi sẽ không còn cô đơn và tôi sẽ có mục đích để sống. Nhưng ước mong của tôi, liệu có thể trở thành sự thật, liệu tôi có thể làm mẹ một lần trong đời trước khi trở thành khói bụi nhân gian…
Tôi là con gái lớn trong một gia đình nghèo. Nhà tôi có một căn hộ nhỏ trong một xóm nhỏ tận cùng của thành phố. Dưới tôi là một em gái kém tôi 3 tuổi. Mẹ tôi hàng ngày dậy từ 2 giờ sáng đạp xe đến chợ đầu mối lấy rau đi bán rong. Ngày nào cũng vậy, trời nóng hay lạnh, mưa phùn hay gió bấc, mẹ đều đặn làm công việc này vì đó là nguồn thu duy nhất của gia đình tôi. Ba tôi là thợ xây. Ông đi cả ngày, khi trở về nhà luôn khật khưỡng với chai rượu cầm trên tay và chửi bới những câu không đầu cuối. Tôi nghe mẹ nói, ba tôi vốn là kĩ sư giỏi, vì tin bạn mà mất nghề lại phải chịu theo một khoản nợ lớn. Ông buồn nên đâm ra rượu chè rồi mãi chẳng thể thoát khỏi chất men cay lú lẫn.
Khi tôi bắt đầu biết nhận thức, tôi đã thấy ba mình như vậy. Trong nhà, chỉ có mình em tôi được đi học vì mẹ không đủ sức lo tiền để cả hai chị em tôi đều được đến trường. Hàng ngày, tôi đi rửa bát thuê cho một quán ăn nhỏ ở trong chợ rồi cuối ngày, tôi cố gắng nán lại chợ để dọn rác mong kiếm thêm được chút tiền để mua sách tham khảo cho em gái nhỏ. Em tôi là đứa rất thông minh và sáng dạ. Nó học rất giỏi, năm nào cũng nhận được bằng khen và tiền thưởng từ các giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố. Tôi không được đến trường nhưng tôi vẫn được học. Em gái hàng ngày bỏ ra 2 tiếng để dạy tôi tập đọc, tập viết. Khi đã đọc thông viết thạo, tôi bắt đầu học toán và các môn học khác. Em gái nói, nếu tôi được đi học, tôi sẽ học rất giỏi. Mỗi lần nghe em nói như vậy, tôi đều rất vui. Tôi ao ước được đi học nhưng tôi không ghen tị với em gái. Tôi dồn mọi ao ước của mình vào em gái, mong em sẽ học cho cả phần của tôi.
Em tôi càng học lên cao, tiền càng cần thêm nhiều. Tuy vậy, tiền bán rau và tiền đi làm thuê của tôi vẫn đủ để lo cho cuộc sống của cả nhà. Nhưng ba tôi lại dính vào bài bạc. Số tiền ông vay để nướng vào việc đỏ đen không nhiều nhưng khi cộng với tiền lãi thì nó trở thành một món nợ khổng lồ đối với gia đình tôi. Bọn đầu gấu đến nhà tôi đập phá mỗi ngày. Ba tôi bị đánh. Em tôi bị dọa nạt. Cả gia đình tôi sống khốn khó trong nỗi lo sơ vô hình bủa vây. Một ngày, ba về nhà nói tôi sẽ phải lấy chồng. Ba nói, nếu tôi thương ba mẹ, thương em gái thì tôi phải làm theo những gì ba sắp đặt. Những câu chuyện kiểu như bố mẹ gán con đi làm dâu để trả nợ trước giờ tôi vẫn ngây ngô nghĩ rằng chỉ là chuyện xảy ra trên phim ảnh, tôi luôn tin rằng chẳng bố mẹ nào đang tâm mang hạnh phúc của con giao cho đồng tiền để đổi lấy hạnh phúc của mình cho đến khi chuyện đó xảy ra với tôi.
Video đang HOT
Tôi lấy chồng khi vừa tròn 20 tuổi. Ba nói, chồng tôi là con trai nhà giàu, vô cùng giàu. Trước khi đám cưới được tổ chức, tôi được gặp ba mẹ chồng và tôi phải kí vào một bản giao kèo. Trong đó nói rằng, tôi phải cam đoan sẽ không bao giờ li hôn, không phản bội thì gia đình đó mới đồng ý thanh toán nợ nần cho ba tôi. Thêm vào đó, bản giao kèo cũng nói rằng, nếu chồng tôi mất trước, toàn bộ tài sản của gia đình chồng sẽ được dùng để làm từ thiện và tôi sẽ không được một đồng, một xu nào trong khối tài sản đó. Tôi đồng ý.
Tôi không cần tiền của họ. Tôi chỉ thắc mắc rằng tại sao một gia đình giàu có như họ lại chọn tôi làm con dâu? Ba mẹ chồng không nói gì. Họ cũng không đồng ý với yêu cầu cho tôi được gặp mặt chồng trước ngày cưới. Ngay cả khi đám cưới được tổ chức cũng chỉ có mình tôi tham dự. Thật nực cười cho một đám cưới chỉ có cô dâu, mang nét mặt buồn thảm đi nhận rượu mừng của khách mời. Mẹ và em gái tôi khóc nhiều. Đến bây giờ khi nhớ lại, tôi nghĩ đó là do hai người đã biết trước chồng tôi là ai và chồng tôi như thế nào. Việt, chồng tôi là một người tật nguyền và bị thiểu năng về trí tuệ. Anh đã 30 tuổi nhưng nhận thức chỉ bằng đứa trẻ lên 3. Vì được chăm sóc cẩn thận nên nhìn anh sạch sẽ và sáng sủa nhưng chân anh bị tật, anh không đi lại được mà cả ngày chỉ ngồi một chỗ để vẽ và nghe tiếng nói từ tivi.
Tôi để ý thấy anh không bao giờ xem tivi, anh chỉ nghe tiếng và những điều ấy tự nhập vào trí nhớ của anh. Có những khi anh ngồi nói một mình những câu dài y chang như trong tivi. Tôi không chắc anh có hiểu hay không, nhưng tôi nghĩ, đó là điều đặc biệt của anh bởi người bình thường chưa chắc đã có thể ghi nhớ được giỏi như anh. Tất nhiên, khi biết chồng mình là một người như vậy, tôi đã bị sốc. Tôi còn quá trẻ, tôi chưa từng được yêu một lần nào vậy mà tôi đã phải trói đời mình vào một cuộc hôn nhân không cách nào để có thể có được hạnh phúc.
Thực chất, tôi không phải là một người vợ mà chỉ là một người giúp việc cao cấp được “cưới” về để lo chăm sóc cho Việt. Tôi tự nhủ, tôi còn muốn gì hơn nữa và cũng có thể, biết đâu, được làm vợ Việt lại là may mắn của tôi. Điều khiến tôi được an ủi nhất là bố mẹ chồng rất thương tôi. Ban đầu, tôi tưởng việc của mình trong ngôi nhà này chỉ là ngày ngày ở cạnh Việt, trông chừng và chăm sóc anh nhưng hóa ra, bố mẹ Việt coi tôi là con dâu của họ thật. Mẹ chồng dạy tôi nấu ăn, dạy tôi cắt tỉa hoa trong vườn. Bố chồng tìm thầy về dạy tôi học. Ba chồng nói: “Ba nghe em gái con kể con ham học mà không được đến trường. Giờ cứ học lại từ từ. Ba sẽ lo cho con”. Tôi thấy mình sống khá tốt.
Việt ở chung phòng với tôi nhưng chúng tôi ngủ mỗi người một giường. Việt gọi tôi là chị. Thi thoảng, anh nói rất nhiều nhưng đều là những điều tôi không hiểu. Tôi chăm sóc anh cẩn thận bởi ân tình của gia đình anh đối với gia đình tôi và còn bởi tình yêu của ba mẹ anh dành cho tôi. Tôi cũng kiên trì dạy anh học. Ai cũng nghĩ đó là việc vô ích bởi nhận thức của Việt rất kém. Nhưng 3 tháng sau, khi Việt viết được tròn trịa dòng chữ: “Con yêu ba mẹ nhất nhà” thì ba mẹ chồng ôm tôi mà khóc, họ liên tục nói cảm ơn tôi. Nhưng tôi cũng chỉ dạy được Việt từng ấy chữ bởi sau đó, anh tỏ thái độ không muốn học nữa, liên tục la hét khi tôi cố cầm tay anh để tô theo nét chữ. Mẹ chồng nói: “Bấy nhiêu là đủ rồi con ơi. Mẹ cũng không mong gì hơn”.
Rồi ba mẹ chồng tôi mất. Trước khi hấp hối, hai người đều xin tôi đừng bỏ Việt, xin tôi chăm sóc Việt. Bất ngờ nhất là mẹ chồng nói, bà cho phép tôi đi lấy chồng, chỉ cần tôi không bỏ Việt. Việt không có anh em. Tôi không biết họ hàng nhà anh. Từ khi lấy Việt, tôi chỉ biết có Việt và ba mẹ anh. Tôi không có ý định bỏ chồng. Ngoài việc ân tình của gia đình anh đối với nhà tôi quá lớn còn là bởi hơn 20 năm làm vợ Việt, tôi đã coi anh như người thân của mình.
Tôi chỉ ước mình có một đứa con. Rồi sẽ có ngày tôi rời khỏi cuộc đời này, tôi chưa từng yêu và được yêu nên tôi muốn ít nhất mình cũng được hưởng hạnh phúc của việc làm mẹ. Tôi sẵn sàng trả tiền cho người nào đáp ứng được những yêu câu mà tôi đưa ra và ngay khi tôi có thai, người đó sẽ mãi mãi biến mất khỏi cuộc đời tôi, không bao giờ quay trở lại làm phiền cuộc sống của tôi. Năm nay tôi đã 45 tuổi. Mẹ tôi nói tôi đã quá tuổi để làm mẹ. Đứa con tôi sinh ra có thể sẽ bị bệnh, sẽ không thông minh, sẽ có những vấn đề không tốt nhưng tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn có một đứa con và dù nó có thế nào đi chăng nữa, tôi sẽ vẫn yêu thương con. Vì đã cho tôi sống một kiếp con người thế nên xin hãy cho tôi một lần được hạnh phúc đúng như ước nguyện của tôi.
Theo VNE
Nhân lực ngành Y tế: Khủng hoảng thừa và yếu
Bộ Y tế vừa chính thức đề nghị Bộ GD-ĐT đưa ra khuyến cáo về tình trạng thừa nhân lực ngành y tế trình độ trung cấp. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận thực tế chất lượng đào tạo ngành y tế của không ít đơn vị hiện nay rất yếu, buộc phải rà soát lại...
Trường Trung cấp Y dược Hà Nội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT Hà Nội
Ảnh: PHÚ KHÁNH
Khủng hoảng thừa y sĩ, điều dưỡng
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường vừa chính thức đề nghị Bộ GD-ĐT khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành dược, điều dưỡng, y sĩ. "Các thí sinh cần có định hướng lại khi chọn ngành học và đồng thời cần có giải pháp hạn chế tuyển sinh đối với các ngành đang thừa nhân lực này" - Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh. Theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương, qua kỳ tuyển dụng, nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường khá nhiều với các ngành dược, điều dưỡng, y sĩ, trong khi khả năng tuyển dụng của các cơ sở y tế có hạn. Bộ Y tế cũng cho rằng, trong thời gian qua, có nhiều cơ sở tham gia đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp kể cả các trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bản các tỉnh, thành phố. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề.
Bộ Y tế cho biết, tháng 8-2013, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, điều này cũng dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết: "Đào tạo nhân lực y tế có tính đặc thù. Trong quá trình đào tạo yêu cầu rất cao việc gắn trường với cơ sở thực hành. Điều này ở các trường công lập vẫn được đảm bảo nhưng ở trường ngoài công lập rất đáng lo ngại". Theo ông Nguyễn Minh Lợi, trong thời gian qua có nhiều trường ngoài công lập đa ngành mở thêm ngành y với chất lượng không đảm bảo. Điều này thể hiện ở việc cơ sở thực hành quá xa, trong khi chính các bệnh viện không phải nơi nào cũng đủ điều kiện để trở thành điểm thực hành của sinh viên.
Gian dối trong thành lập trường
Nói về chất lượng đào tạo nhân lực ngành y, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, thực tế nhiều trường không đủ điều kiện đào tạo và chất lượng đào tạo nhân lực y tế rất kém, đặc biệt là các cơ sở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. "Tôi có nghe phản ánh, có trường còn mượn thiết bị y tế của doanh nghiệp về để qua mắt đoàn kiểm tra".
Chỉ ra kẽ hở trong việc không đảm bảo chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phân tích, theo quy định của Bộ GD-ĐT về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo được giao cho các Sở GD-ĐT, do đó, việc thẩm định mở ngành đào tạo nhân lực y tế không có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. Điều này sẽ khó đảm bảo chất lượng của các đơn vị đào tạo và thực tế khảo sát, có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực. Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Vinh Hương
Theo ANTD
Ngủ ngày dễ sụt giảm nhận thức Các nhà thần kinh học Pháp vừa cảnh báo, những người già, thường xuyên ngủ ngày có thể là dấu hiệu báo trước nguy cơ bị mất trí nhớ hoặc thúc đẩy tiến trình bị mất trí nhớ. Ảnh minh họa: internet Theo báo cáo của tạp chí Telegraph (Anh), để làm sáng tỏ mối liên quan trên, các nhà khoa học Pháp...