Việt Nam chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Cộng đồng Pháp ngữ
Tối 9/9, bên lề Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi 2019 đã diễn ra toạ đàm bàn tròn “Hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ và vai trò của Việt Nam”.
Quang cảnh toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Toạ đàm được đồng tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), với sự góp mặt của ông Đinh Toàn Thắng – Vụ trưởng Vụ châu Âu – Bộ Ngoại giao, Đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh OIF; ông Đồng Thế Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp ngữ Kinh tế và Số, OIF; cùng các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện đến từ các quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi là thành viên của OIF, đến Hà Nội tham dự Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi 2019 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Ngoài ra, toạ đàm còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và CLB các Lãnh đạo Ngân hàng và Tổ chức tín dụng châu Phi cùng một số đối tác kinh tế Pháp ngữ khác.
Toạ đàm là nơi các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ, cùng nhau trao đổi và bàn luận về việc thực hiện Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ, về việc phát triển mô hình hợp tác ba bên nhằm đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển và đưa ra các khuyến nghị để xây dựng sự tham gia và đóng góp tốt hơn của các nước thành viên, bao gồm cả Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược.
Ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ châu Âu – Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc toạ đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Phát biểu khai mạc, ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ châu Âu – Bộ Ngoại giao cho biết, Cộng đồng Pháp ngữ bao gồm 88 thành viên, gồm cả các chính phủ là thành viên chính thức và các quan sát viên, tổng dân số lên đến 500 triệu người, tạo nên một khu vực kinh tế có triển vọng phát triển mạnh mẽ.
Video đang HOT
Nhận thức rõ về nhu cầu và những cơ hội trong việc tăng cường hợp tác kinh tế trong cộng đồng Pháp ngữ, từ năm 1997, trong khuôn khổi Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7, Việt Nam đã đưa ra ý tưởng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Việc tăng cường hợp tác kinh tế đã trở thành một vấn đề ngày càng được các thành viên của OIF quan tâm nhiều hơn. Chính vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 tại Dakar (Senegal), OIF đã quyết định triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ thông qua mô hình hợp tác ba bên.
Theo ông Đinh Toàn Thắng, Việt Nam và tất cả các thành viên đều coi OIF là một diễn đàn quan trọng, giúp tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại cho tăng trưởng bền vững và bao trùm. Đây cũng là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của OIF.
Tại tọa đàm bàn tròn, ông Đinh Toàn Thắng đã trình bày tham luận với chủ đề: “Tình hình triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ của Việt Nam: chủ trương, thực hiện và mong đợi của Việt Nam”.
Ông Đồng Thế Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp ngữ Kinh tế và Số, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Cũng tại sự kiện, các đại biểu đã phát biểu tham luận nhằm tăng cường sự hợp tác thực hiện Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ. Ông Đồng Thế Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp ngữ Kinh tế và Số thuộc OIF đã có bài phát biểu với chủ đề: “Giới thiệu Chiến lược kinh tế Pháp ngữ và kết quả triển khai Chiến lược giai đoạn 2015-2018; những ưu tiên của Pháp ngữ thời gian tới”.
Bà Nguyễn Thị Chi, Trưởng phòng quan hệ quốc tế VCCI trình bày tham luận về “Vai trò của khu vực tư nhân trong việc triển khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ”. Bà Aissata Koné Sidibé, Chủ tịch CLB các Lãnh đạo Ngân hàng và Tổ chức tín dụng châu Phi có bài tham luận với chủ đề: “Vấn đề tiếp cận nguồn lực tài chính trong hợp tác kinh tế Pháp ngữ”.
Buổi toạ đàm đã diễn ra trong không khí sôi nổi, nhiều vấn đề quan trọng được các đại biểu cùng trao đổi, bàn luận để tìm ra những biện pháp thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ.
Theo TG&VN
Hội nghị gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019
Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019" lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm tăng cường kết nối các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với các đại sứ, đại biện, đại diện các nước Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Ngày 9/9, tại Hà Nội, lần đầu tiên Hội nghị "Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019" được Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam.
Hội nghị cũng nhằm tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao khu vực với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Hội nghị đã thu hút sự quan tâm, tham dự đông đảo của hơn 500 đại biểu gồm 44 Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và khu vực lớn (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Tổ chức Lương thực Thế giới, Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp, Câu lạc bộ chủ các Ngân hàng châu Phi ...); lãnh đạo nhiều bộ, ngành và 21 địa phương của Việt Nam, cùng nhiều doanh nghiệp, ngân hàng hai bên hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông, thủy sản, viễn thông, tài chính...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự tham dự của các Đại sứ quán, các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp hai bên, qua đó thể hiện sự quan tâm, nhu cầu ngày càng cao trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện và đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên đi vào chiều sâu hiệu quả, thực chất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, đối với Việt Nam, quan hệ với quốc gia Trung Đông-châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tiến trình hợp tác ngày càng được củng cố, phát triển, quan hệ chính trị ngoại giao không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu; tiềm năng, nhu cầu hợp tác giữa hai bên còn rất lớn và đa dạng.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị cần đề ra các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống, chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị; đổi mới tư duy, phương thức hợp tác để thích ứng với sự phát triển và đòi hỏi của tình hình mới; huy động sự tham gia không chỉ của nhà nước mà cả khu vực tư nhân, doanh nghiệp, người dân, đối tác phát triển ngoài khu vực; rà soát, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương (Liên hợp quốc, Không liên kết, G77...).
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn các nước Trung Đông-châu Phi đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho việc giải quyết những vấn đề toàn cầu vì hòa bình, an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông-châu Phi.
Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã cùng các đại biểu tham quan khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị.
Tại Phiên họp về chính trị-ngoại giao, Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi đã được cập nhật thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, những định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các đại biểu truy xuất nguồn gốc một số nông sản của Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Các đại biểu hai bên cũng đã trao đổi thông tin, quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như những biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai bên.
Tại phiên tọa đàm "Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Đông-châu Phi," các Đại sứ cùng đại diện cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp các bên hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, tài chính-ngân hàng đã thảo luận, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn cả về chủ quan và khách quan trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với khu vực.
Các bên cùng chia sẻ nhận định về tiềm năng hợp tác to lớn về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, viễn thông... giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi, đề xuất, thống nhất nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, chia sẻ thông tin về thị trường, tháo gỡ vướng mắc cho các kênh thanh toán thương mại thông qua việc đẩy mạnh thiết lập quan hệ hợp tác liên ngân hàng, mở các ngân hàng đại lý tại nước đối tác.
Nhân dịp Hội nghị, đã diễn ra hàng chục cuộc tiếp xúc song phương giữa các Đại sứ, đại biện các nước Trung Đông-châu Phi và các tổ chức khu vực với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các ngành và các địa phương Việt Nam, nhằm trao đổi biện pháp tháo gỡ các khó khăn trong giao thương hiện nay, cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
Bên lề Hội nghị, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng Khu vực châu Á-Thái Bình dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức tọa đàm bàn tròn về "Hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ và vai trò của Việt Nam" nhằm tạo diễn đàn cho các Đại sứ các nước thành viên OIF, các tác nhân kinh tế Pháp ngữ trao đổi về các biện pháp thúc đẩy kết nối, hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ./.
Theo TTXVN/Vietnam
Ấn Độ thách thức Trung Quốc ở biển Đông Ấn Độ đang thách thức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên biển Đông bằng việc tăng cường hợp tác với các cường quốc trong khu vực, trong đó có Nga Trong khuôn khổ của biên bản ghi nhớ được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế phương ông hồi tuần rồi ở TP Vladivostok - Nga, New Delhi và Moscow đã nhất...