Việt hóa game – chiêu xây dựng thương hiệu
Các NPH chọn cách lồng ghép yếu tố Việt vào trò chơi để thu hút sự chú ý.
Từ xưa đến nay, hầu hết game online nào nếu mang yếu tố Việt – dù là do người Việt tự phát triển hay game nước ngoài nhưng được bổ sung các nội dung Việt – đều nhận được sự quan tâm của các game thủ. Thực tế, công sức và tiền bạc mà doanh nghiệp đã bỏ ra để tự đầu tư phát triển một sản phẩm game là vô cùng lớn. Chẳng hạn nhưThuận Thiên Kiếm đã mất đến 2 năm để thực hiện và tiêu tốn của VNG đến 25 tỷ đồng, còn 7554 đã “đốt” của Emobi Games 17 tỷ đồng trong 3 năm.
7554 là một sản phẩm game thuần Việt được đầu tư lớn nhưng lại thất bại về doanh thu.
Video đang HOT
Không phải nhà phát hành nào cũng có điều kiện được như VNG, Emobi Games hay VTC Game để có thể mở ra những studio và tự sản xuất ra những sản phẩm mang yếu tố Việt có tầm vóc lớn. Đặt trong bối cảnh các sản phẩm game ngoại được đưa về Việt Nam nhiều như nấm mọc sau mưa, game thủ ngày càng “chăm test”, “lười khám phá” và “thiếu chung thủy” với game, việc dồn lực để đem đến một sản phẩm thuần Việt tốn kém mà hiệu quả doanh thu không cao không được xem là lựa chọn khôn ngoan với đa số nhà phát hành. Song xét về khía cạnh thương hiệu, những dự án game mang “chất” Việt đã góp phần nâng tầm thương hiệu của bản thân sản phẩm và chính “cha đẻ” của nó.
Trước tình hình này, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp game – vốn mong muốn gây dựng thương hiệu sản phẩm và bản thân công ty mình bằng cách bổ sung yếu tố Việt – là làm sao để thực hiện điều này mà tiêu tốn ít chi phí. Rốt cuộc, một số doanh nghiệp đã nghĩ ra một hướng đi an toàn và thông minh hơn, đó là thỏa thuận với đối tác để đưa những hình ảnh Việt vào game.
Sản phẩm game mở đầu của hướng đi đó phải kể đến là Ngũ Hổ Tướng. Vốn là một webgame chiến thuật khá “hot” cả về lối chơi lẫn đồ họa, song giữa một rừng sản phẩm cùng thể loại như hiện nay, trò chơi này vẫn phải nỗ lực không ngừng để đánh bóng tên tuổi. Với việc tung ra bản cập nhật Nam Quốc Sơn Hà – dự án đưa hình ảnh đất nước Việt Nam vào game với sự xuất hiện của những vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản.. FPT Online đã khá thành công trong việc thổi luồng sinh khí mới cho Ngũ Hổ Tướng. Cụ thể, ngay sau thời khắc cập nhật, người người đã thi nhau thử sức để mong “cầu được đồng minh với nước Nam, cùng cụ Trần Hưng Đạo chiến đấu”.
Hình tượng Trần Hưng Đạo trong Ngũ Hổ Tướng đã nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng.
Một trò chơi khác từng gây tiếng vang trong việc lồng ghép yếu tố Việt gần đây là Bác Ba Phi của Sunsoft. Sản phẩm này được hãng phát hành nhập về từ Trung Quốc, được xây dựng dựa trên nền tảng và những ưu điểm củaPlants vs Zombies kết hợp tính năng kết nối cộng đồng từ các sản phẩm game online. Song song đó, hãng cũng đã phát triển một câu chuyện mới, trong đó vận dụng những hình ảnh đậm nét văn hóa của đất nước VN. Toàn bộ trò chơi là sự đan xen giữa hình tượng Bác Ba Phi, cây sen và cuộc chiến với người rơm.
Dù bị “ném đá” khá nhiều do có nhiều nội dung trùng lặp với Plant Vs. Zombies, song Bác Ba Phivẫn thành công đáng kể trong việc tạo ra tiếng vang trên thị trường nhờ có yếu tố Việt.
Gần đây nhất, Anh Hùng Tam Quốc cũng đã tiết lộ hình ảnh một nữ tướng mặc trang phục Việt, với những chi tiết giống bà Triệu trong sử Việt “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông”. Đây là bước đi đầu tiên của Soha Game trong việc “Việt hóa” sản phẩm game được nhập ngoại của mình.
Hình ảnh Bà Triệu trong Anh Hùng Tam Quốc.
Đứng về quan điểm của doanh nghiệp kinh doanh game, việc lồng ghép các yếu tố Việt vào sản phẩm có thể xem là một bước đi tích cực. Song theo nhận xét của nhiều game thủ, việc đưa tướng Việt trong các game chiến thuật có chủ đề Trung Quốc nghe có vẻ không logic và hơi “sến” vì khó dung hòa cốt truyện. Song, không ít người vẫn tỏ ra đánh giá tích cực nỗ lực này của nhà phát hành.
“Người Việt dù còn khá sính ngoại và hay chê bai hàng Việt, nhưng thật ra trong sâu thẳm trái tim họ, lịch sử Việt vẫn là một phần thiêng liêng và đáng tự hào”, một game thủ tâm sự.
Theo Game Thủ