Vì sao ngành game Nhật Bản không bị tụt hậu?
Dù ngành công nghệ Nhật Bản đã bị Hàn Quốc và Trung Quốc vượt mặt, ngành game xứ sở hoa anh đào vẫn có chỗ đứng nhất định.
Năm 1983, bong bóng video game phát nổ khiến cả ngành công nghiệp game chao đảo. Khi đó, người Mỹ đã chứng kiến sự sụp đổ của Atari còn Nhật Bản với Nintendo hay Sony đã vươn mình trở thành những đế chế có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Từ đây, thời kỳ hoàng kim của ngành game Nhật Bản đã được mở ra, và kéo dài mãi cho tới tận những năm 2000. Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 nổ ra, ngành game Nhật Bản tiếp tục đứng vững trước sự chuyển dịch của thị trường game từ offline sang online, từ console sang mobile, mà tất cả đều có nguyên do của nó.
Một phong cách rất Nhật Bản
Sự quy tắc và kỷ luật của người Nhật đã giúp ích rất nhiều cho ngành game . Nhờ đó, các sản phẩm game đầu ra luôn được đảm bảo chất lượng Nhật Bản, giống như các mặt hàng đồ điện tử điện lạnh xuất xứ đất nước mặt trời mọc.
Văn hóa làm việc của người Nhật chính là dòng chảy xuyên suốt tạo ra những sản phẩm game liền mạch, đúng thời hạn. Thật vậy, một studio như Ubisoft Montreal ở Canada có tới trên 3.500 người làm việc trên các dự án bom tấn như Assassin’s Creed, Far Cry, hay Watch Dogs. Với Level-5 hay FromSoftware của Nhật, con số này chỉ là vỏn vẹn 300 người mà vẫn cho ra đời những game trứ danh như Professor Layton hay Souls series.
Nhật Bản có nhiều sản phẩm mang màu sắc riêng không giống bất cứ game nào trên thế giới
Và để cạnh tranh về mặt số lượng với hằng hà sa số game Trung Quốc , người Nhật chọn cách kiên trì làm ra những sản phẩm ít nhưng chất lượng. Nhật Bản thậm chí rất biết tận dụng chiến lược remake, reboot hay remastered, tức ám chỉ việc làm mới một tựa game đã cũ. Nhờ đó, game Nhật Bản luôn hấp dẫn, tươi mới với đủ mọi lứa tuổi.
Chủ tịch Level-5 ông Akihiro Hino từng thừa nhận: “Tôi nghĩ điều đóng góp vào phần thay đổi mà ai cũng thấy, đó là thay vì cạnh tranh với các game AAA trên sân khấu lớn, chúng tôi đã chuyển trọng tâm vào việc tạo ra cái gì đó đặc trưng Nhật Bản. Tôi nghĩ đó là điều chạm đến trái tim game thủ”.
Giám đốc dự án Atsushi Hashimoto ở Tokyo RPG Factory (một studio con của Square Enix) cũng đồng tình với quan điểm này, ông cho biết: “Cách các nhà phát triển Nhật Bản tạo ra game về cơ bản không khác quá khứ là mấy. Nếu có thay đổi, tôi nghĩ là do chúng tôi đã nắm được thị hiếu khách hàng phương Tây. Về mặt cốt lõi, chúng tôi vẫn làm game với ý tưởng như nhau”.
Kết quả của sự chuyển dịch này là ngành game Nhật Bản đã chứng kiến sự trở lại trong nửa cuối thập niên 2010. Thống kê của Newzoo hay Sensor Tower cho thấy Nhật hiện nằm trong Top 3 thị trường tạo ra doanh thu lớn nhất thế giới , sau Mỹ và Trung Quốc.
Những bộ não quái dị
Không giống sự rập khuôn ở bất cứ ngành nghề nào, ngành game Nhật Bản có rất nhiều thiên tài, những bộ não quái dị với những sản phẩm không giống ai mà chỉ điểm qua một vài cái tên tiêu biểu như Shigeru Miyamoto (cha đẻ Mario) hay Hideo Kojima (cha đẻ Metal Gear) cũng là thiếu sót rất lớn.
Đó còn là những thiên tài ở thời đại này với những video game cực khó đến từ FromSoftware cho đến các game mobile doanh thu tỷ đô của Mixi và GungHo. Thậm chí có những thể loại đã được đóng đinh, cộp mác Nhật Bản như JRPG, viết tắt của Japanese role-playing game (ám chỉ thể loại game nhập vai chiến đấu theo lượt phong cách Nhật Bản).
Những bộ não thiên tài Nhật Bản cũng rất biết thay đổi cho hợp thời cuộc. Thay vì những đoạn hội thoại dài dòng lê thê, tính năng phức tạp, menu loằng ngoằng, các game Nhật Bản thời nay dần đơn giản hóa, hành động nhiều hơn để phù hợp thị hiếu nước ngoài. Kết quả chứng kiến ngành game Nhật vươn mình trở lại mạnh mẽ với những series hàng chục triệu bản như Pokemon, Kingdom Hearts , Monster Hunter hay Resident Evil…
Nhật vẫn đóng góp trung bình 26,2% vào tổng doanh thu toàn thị trường game mobile ở thời đại chuyển mình của video game (nguồn: SensorTower)
Dưới xu thế MOBA và battle royale đang lên, Nhật Bản vẫn đang kiên trì với một lối đi riêng và đây chính là nền móng để người Nhật giữ một vị thế không thể lung lay trong ngành công nghiệp game toàn cầu, như tác giả của hai cuốn sách best-selling về ngành game, Blake J. Harris đã từng nhận xét:
“Không có sự đóng góp của Nhật Bản, chúng ta sẽ không có một ngành công nghiệp video game, hoặc ít nhất là không giống cái mà chúng ta có ngày hôm nay. Từ phần cứng tới phần mềm, từ tay cầm đến văn hóa chơi game, không nước nào có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với máy chơi game gia đình như Nhật Bản”.
15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ - Giai thoại có một không hai của lịch sử ngành game Việt
Ai cũng biết về Võ Lâm Truyền Kỳ nhưng mấy ai được nghe kể về hành trình game cập bến Việt Nam đã có bao gian nan vất vả cùng những câu chuyện hết sức thú vị.
Câu chuyện đưa Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam bắt đầu vào khoảng giữa tháng 9/2004, khi CEO Lê Hồng Minh của VNG gửi chiếc email đầu tiên sang công ty KingSoft & Object Software để hỏi mua tựa game online này. Quá trình thương thảo kéo dài và phải đến hơn 1 tháng sau, KingSoft mới đồng ý bán bản quyền game Kiếm Hiệp Tình Duyên (tên gốc tiếng Trung của Võ Lâm Truyền Kỳ) cho VinaGame (bây giờ là VNG). Và cũng phải đến 1-2 tuần sau đó, "họ (KingSoft - PV) mới bắt đầu gửi cho tài liệu giới thiệu sản phẩm, trong đó có một tấm hình screenshot đầu tiên của game", ông Lê Hồng Minh chia sẻ.
CEO Lê Hồng Minh (phải) trong chuyến đi Trung Quốc năm 2004.
Thời ấy, giá mua Võ Lâm Truyền Kỳ là không hề rẻ khi tổng số tiền mua game lên tới 160.000 USD trong khi vốn của VNG lúc đó cũng chỉ vào khoảng 70.000 USD. Rất may, VNG đã "kì kèo" khoản tiền đầu tiên phải trải cho KingSoft xuống còn 50.000 USD, số còn lại - theo như lời CEO Lê Hồng Minh lúc bấy giờ - thì "sẽ... tính tiếp".
09/11/2004 - một ngày đáng nhớ - là thời khắc VNG chính thức ký vào bản hợp đồng mua Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam từ KingSoft. Bản hợp đồng được ký kết tại Trung Quốc, trực tiếp giữa CEO Lê Hồng Minh của VNG và CEO KingSoft. Đây cũng được xem là bản hợp đồng quan trọng nhất trong lịch sử VNG.
CEO KingSoft (trái) và CEO Lê Hồng Minh (phải) ký hợp đồng Võ Lâm Truyền Kỳ vào tháng 11/2004.
Đến tháng 2/2005, sau nhiều lựa chọn như Võ Lâm Huyết Sử, Võ Lâm Ngũ Bá, Kiếm Hiệp Truyện... thì Võ Lâm Truyền Kỳ chính là cái tên cuối cùng, cũng có thể xem là cái tên hay nhất được VNG lựa chọn cho tựa game online này.
Cái tên chính thức Võ Lâm Truyền Kỳ được VNG lựa chọn vào tháng 2/2005
Tháng 3/2005, đội ngũ GM của VNG chính thức "xông đất" Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản tiếng Trung tại Việt Nam với sự hỗ trợ cài đặt & hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật Kingsoft. Những ngày đầu bập bõm mày mò nội dung game (bằng tiếng Trung) khiến đội ngũ GM không khỏi cảm thấy khó khăn, nhưng cũng hết sức phấn khích bởi đây cũng là lần đầu tiên họ biết tới cảm giá đánh nhím, bắt heo, trò chuyện cùng Dã Tẩu... Những hoạt động này về sau trở thành kinh điển mỗi khi người ta nhắc đến Võ Lâm Truyền Kỳ.
Ngày 12/04, VNG mở cửa đăng ký Closed Beta cho Võ Lâm Truyền Kỳ. Ngay lập tức, có đến 34.000 tài khoản được tạo đăng ký tham gia thử nghiệm, website bị sập do quá tải ngay thời điểm mở cửa. Sau 48h, có đến 120.000 tài khoản được đăng ký - điều này cho thấy sức hút khủng khiếp của Võ Lâm Truyền Kỳ là cực kỳ mãnh liệt ngay trước khi tựa game này được phát hành.
Ngày ra mắt, Võ Lâm Truyền Kỳ đã tạo nên cơn sốt chưa từng có, hàng chục ngàn game thủ cùng nhau hành hiệp trượng nghĩa trong thế giới võ lâm rộng lớn. Những Thành Đô, Đại Lý, Tương Dương... đã trở thành địa danh nổi tiếng đến nỗi không phải game thủ của Võ Lâm Truyền Kỳ cũng biết tới. Với nhiều người, kí ức đánh heo, đả nhím luyện cấp để gia nhập môn phái là quãng thời gian không thể nào quên. Những mối quan hệ bền vững, sâu sắc cũng hình thành từ những tháng ngày cùng nhau hành hiệp.
Cơn sốt Võ Lâm Truyền Kỳ bùng nổ tại Việt Nam ngay sau khi ra mắt
Tuy nhiên, đây là lúc khó khăn bắt đầu dồn dập đến với VNG, khi mà công ty không có tiền để... mua server. Còn nhớ, CCU (số người chơi online cùng thời điểm) đã tăng vọt lên đến 30.000, kéo theo đó là các hệ lụy lag, nghẽn server ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi. CEO Lê Hồng Minh cùng những người vận hành trò chơi khi ấy lại tiếp tục "vò đầu bứt tóc", lên phương án để mở rộng môi trường cho game thủ thỏa chí trải nghiệm. Cuối cùng thì rất may, server đã được mua, game thủ lại tiếp tục ùn ùn đổ vào Võ Lâm Truyền Kỳ. Ấy là những ngày vui của tháng 7/2005.
Đến đầu tháng 8/2005, VNG bắt đầu đăng tin chuyển Võ Lâm Truyền Kỳ sang hình thức thu phí giờ chơi. Điều này tạo nên một cơn sóng không nhỏ trong cộng đồng game thủ, mà phần lớn là lên tiếng phản đối, nhiều người thậm chí còn gọi điện cả tới NPH, kêu gọi bỏ không chơi game nữa. Dẫu vậy, sau khi đưa ra mức giá khá mềm là với 20.000 VNĐ/1 tuần, 60.000 VNĐ/1 tháng, làn sóng phản đối từ phía game thủ Việt bắt đầu dịu đi. Mức giá đưa ra trên thực tế khá phù hợp và vừa túi tiền với đại đa số game thủ lúc bấy giờ, vừa hạn chế được tình trạng tạo quá nhiều acc clone của dân cày, gây ảnh hưởng tới các game thủ bình thường trong server.
Sau khi chuyển sang hình thức thu phí, Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn thu hút đông đảo game thủ tham gia
Sau khi kênh nạp thẻ chính thức được ra mắt vào ngày 5/8, ngay trong ngày đầu đã giúp NPH thu về khoảng 800 triệu VND, tạo động lực cho các nhân viên VNG tiếp tục phát triển dự án Võ Lâm Truyền Kỳ trong tương lai.
Thiên Hạ Đệ Nhất Bang - Giải đấu bang hội lâu đời nhất làng game Việt vẫn luôn thu hút đông đảo người tham gia.
Gian nan là thế nhưng rồi quả ngọt cũng đến với VNG. Võ Lâm Truyền Kỳ đã có đến 15 năm thịnh hành ở thị trường game Việt dù qua bao thăng trầm về cả công nghệ lẫn thị hiếu người dùng. Võ Lâm Truyền Kỳ ban đầu là một trò chơi trực tuyến bình thường nhưng từng bước đã làm nên bao chiến tích ở ngành game Việt. Hình thành hàng loạt các khái niệm trong game online, định hình văn hóa chơi game, đi đầu trong công tác kết nối cộng đồng,... Và trên hết, Võ Lâm Truyền Kỳ đã đặt nền móng để VNG có thành công như ngày hôm nay.
15 năm đi qua, VNG và Võ Lâm Truyền Kỳ đã luôn nỗ lực, chuyển động, làm mới mình để đi cũng thời đại. Tựa game vẫn luôn xứng đáng là "anh cả" trong ngành, vẫn được gọi tên đầu tiên khi người ta nhắc về game online, vẫn mãi là một tượng đài bất diệt trong lòng cộng đồng. Và những người đi cùng năm tháng với Võ Lâm Truyền Kỳ có quyền tự hào vì đã có cả một thanh xuân thật rực rỡ với tựa game huyền thoại này.
Hành trình Võ Lâm Truyền Kỳ đồng hành cùng game thủ Việt đã và đang được tiếp nối bởi những tựa game "anh em" như Võ Lâm Truyền Kỳ II, Võ Lâm Truyền Kỳ - Công Thành Chiến, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile. Ngày 20.12.2020, cộng đồng game thủ dòng game Võ Lâm Truyền Kỳ - Kiếm Hiệp Tình Duyên sẽ một lần nữa được "tề tựu" cùng nhau tại Đại Hội Võ Lâm, cùng "ôn cố tri tân" - nhìn lại những hồi ức đẹp và đón chờ những điều bất ngờ từ Ban điều hành dòng game này. Chương trình sẽ được livestream tại Fanpage/Youtube của các game.
Trứng Phục sinh trong game: khi trò đùa trở thành bản sắc của sự sáng tạo Vì sao thông tin về trứng Phục sinh của các game 8-bit đời xưa rất ít và rất hiếm? Khác với trứng Phục sinh thường được sử dụng làm quà tặng vào dịp lễ Phục sinh của các tôn giáo, trứng Phục sinh trong game có thể là một đoạn code ẩn, một câu triết lý, một tấm ảnh gia đình, tên người...