Vì sao hàng không “cầm chừng”, đường sắt đường bộ ế chỏng ế chơ?
So với lịch bay mùa Đông năm 2019, tần suất khai thác nội địa hiện giảm hơn 200 chuyến bay/tuần, mạng quốc tế mới khôi phục được 20/28 đường bay.
Đường sắt, đường bộ cũng rất ít khách đi lại.
Vấn đề nói trên là một trong những nội dung đáng chú ý trong công tác triển khai, thực hiện việc mở lại hoàn toàn hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách nội địa và quốc tế bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Đại diện Vụ Vận tải – Bộ GTVT cho biết, các loại hình vận tải hành khách đã hoạt động trở lại từ ngày 13/10/2021 và tăng dần về tần suất hoạt động đáp ứng được nhu cần đi lại của hành khách, song vẫn có các biện pháp quản lý trong hoạt động vận tải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ đúng chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về vận tải hàng không, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không nội địa đã tăng đáng kể, một số thời điểm như dịp lễ Tết còn gây ách tắc cục bộ tại một số sân bay. Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ động quyết định tần suất khai thác trên các đường bay nội địa đảm bảo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Vận tải hành khách bằng đường hàng không vẫn chưa khôi phục được như kỳ vọng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Video đang HOT
Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay có 6 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Vasco khai thác 56 đường bay nội địa, với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều (tương đương 367 chuyến/chiều/ngày), giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều (tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày) so với lịch bay mùa Đông năm 2019.
Việc “hổng” số chuyến và tần suất khai thác được thể hiện rõ nhất trong hoạt động bay quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa Đông năm 2019 – thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ), bao gồm: Campuchia, Hongkong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philipine, Qatar, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Nga và Mỹ; còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.
“Tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày, trong khi tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày” – đại diện Vụ Vận tải dẫn chứng.
Đối với vận tải đường bộ, đường sắt, đến nay cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tuy nhiên do tâm lý phòng chống dịch nên lượng hành khách chưa hồi phục. “Một số tuyến vận tải đường bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi rất ít hành khách đi lại, dẫn đến một số tuyến các doanh nghiệp vận tải hành khách không thể tổ chức hoạt động bình thường” – đại diện Vụ Vận tải thông tin.
Được biết, dù ngành đường sắt liên tiếp giảm giá vé nhưng lượng khách đi tàu cũng không đạt được như kỳ vọng. Thậm chí, đơn vị vận tải đường sắt buộc phải cắt chuyến, dừng chạy một số đôi tàu do không có khách…
Hành khách đi tàu vẫn vắng vẻ do tâm lý ngại dịch bệnh (Ảnh: Mạnh Quân).
Đối với vận tải đường thủy nội địa, hàng hải, Bộ GTVT cho hay đã cơ bản trở lại bình thường, việc quyết định về tần suất hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa, bờ ra đảo do các địa phương chủ động thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đơn cử như hiện đã có 4 chuyến/ngày kết nối đảo Lý Sơn với Quảng Ngãi; Từ Rạch Giá ra Phú Quốc hoạt động bình thường với bình quân 16 chuyến/ngày, vận chuyển khoảng 3.600 hành khách/ngày…
Bộ GTVT cho biết, thời gian tới vận tải hàng không sẽ tiếp tục duy trì và tăng tần suất đối với các tuyến bay nội địa, từng bước khôi phục và tiếp tục mở lại hoạt động bình thường đối với các đường bay quốc tế. Đối với vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải sẽ tăng cường phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách sử dụng các loại hình vận tải này qua đó khôi phục trở lại hoạt động bình thường.
Quy hoạch vận tải đồng bộ, cân bằng
Thời gian gần đây, 4 quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã công bố rộng rãi.
Đây là những quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được hoàn thành, giúp định hướng để các loại hình vận tải phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối như hiện nay.
Trên tuyến Quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng, không khó bắt gặp hình ảnh hàng dài xe container nối đuối nhau chở hàng hóa đến và đi từ cảng biển. Nhiều tuyến đường bộ huyết mạch cũng nhanh chóng mãn tải dù mới được nâng cấp, mở rộng không lâu. Đây là minh chứng cho việc gánh nặng lưu thông đang dồn phần lớn vào hệ thống đường bộ.
Trong khi đó, những loại hình vận tải có khả năng chuyên chở khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường sắt lại chưa được đầu tư tương xứng. Một số cảng biển được xây dựng hiện đại, trở thành cửa ngõ thông thương quốc tế nhưng gặp ách tắc trên tuyến đường kết nối khiến chưa phát huy hết công suất, thời gian vận chuyển kéo dài. Để giải quyết những vấn đề này, cần đặt trong bài toán tổng thể với quy hoạch mang tầm nhìn dài hạn, đi trước một bước, phù hợp xu thế phát triển.
Với 4 quy hoạch đã được công bố và quy hoạch ngành hàng không đang trình Chính phủ xem xét, từng lĩnh vực vận tải đã xác định rõ vị trí của mình, khơi dậy thế mạnh và bảo đảm tính đồng bộ của vận tải đa phương thức.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng/ Ảnh minh họa/ TTXVN.
Trong đó, đối với vận tải hàng hóa, cảng biển được đặt ở vị trí trung tâm, các loại hình vận tải khác kết nối với cảng biển, đặc biệt là các cảng cửa ngõ quốc tế, vừa phục vụ vận chuyển trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu. Với vận tải hành khách, định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao hứa hẹn mang đến phương tiện chuyên chở mới, hiện đại, nhanh chóng, an toàn, giảm áp lực cho đường bộ và đa dạng hóa lựa chọn bên cạnh hàng không.
Mô hình phát triển hạ tầng giao thông cũng được thể hiện rõ trong các quy hoạch, giúp tối ưu hóa hệ thống hạ tầng cơ sở. Trong đó, các trục chính đi qua những đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm. Từ các trục này chia thành những đường nhánh, phủ kín khắp các vùng, miền trên cả nước.
Quy hoạch là khâu đầu tiên, giữ vị trí trọng yếu trong phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Sau khi có quy hoạch, câu hỏi quan trọng nhất là nguồn lực nào để hiện thực hóa, biến định hướng trở thành thực tế. Đầu tư cho giao thông vận tải đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, từ hạ tầng cơ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị đến chuẩn bị nhân lực khi vận hành, đưa vào sử dụng. Để đáp ứng nhu cầu vốn này, cần chú trọng đa dạng hóa nguồn lực.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, đáp ứng cho các công đoạn chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và đầu tư những hạng mục khó thu hồi vốn. Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa, nhất là đầu tư tư nhân, tận dụng cả vốn trong nước và quốc tế.
Đề cập đến công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Kinh nghiệm từ thực hiện các dự án đối tác công-tư (PPP) cho thấy, những dự án có phương án tài chính hiệu quả, tác động tốt về kinh tế-xã hội sẽ khả thi cao khi triển khai trên thực tế.
Cùng với việc chuẩn bị chu đáo từng khâu, từng bước một cách bài bản, quá trình thực hiện cần theo lộ trình hợp lý. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần tính toán đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, ưu tiên các công trình, dự án có khả năng lan tỏa, trở thành động lực phát triển cho cả vùng, khu vực. Từ đó, sẽ tạo điểm tựa để mở rộng hơn nữa mạng lưới giao thông vận tải của đất nước theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Hành khách tham gia vận tải không phải xét nghiệm Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành hướng dẫn tạm thời mới về tổ chức vận tải 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và gắn liền với phạm vi đán.h giá cấp độ...