Tôi đi làm tiếp viên cà phê ‘lú’ – Kỳ 3: Kỹ nghệ moi tiền
Dân chơi vẫn thường đồn nhau “đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày” quả không ngoa.
Không có ý miệt thị ai, nhưng để kiếm được đồng tiền trong chốn hỗn tạp này, các tiếp viên dạn dày kinh nghiệm ai cũng thủ sẵn cho mình những câu chuyện thương cảm “kinh điển” nằm lòng. Và cũng tùy dạng khách mà tiếp viên chọn cho mình cách tiếp cận hợp lý, hợp tình nhất…
Quản lý thường bắt tiếp viên ngồi xếp hàng trước quán để hút khách
Cà phê “một kèm một”
Tôi đã thực sự trở thành một tiếp viên cà phê “lú” “có nghề”.
Nên sau khi nghỉ việc ở Uni…, tôi dễ dàng xin được vào hầu hết các quán cà phê “lú” khác. Lần này, tôi vào làm ở quán T.D. , quận Gò Vấp. T.D. có vẻ bình dân hơn và không đòi hỏi tiếp viên phải ăn mặc sang trọng như ở Uni…, mặc “ sao cũng được, miễn hở là được”. Chủ quán tiết giảm tối đa chi phí bằng cách tuyển tiếp viên kèm pha chế, tạp vụ lẫn… giữ xe. Mỗi tiếp viên ở đây đều phải tự mình pha chế nước uống cho khách và rảnh rỗi thì rửa ly, đầu và cuối ca làm phải quét dọn quán, lau bàn ghế, .v.v. Ca đêm bắt đầu từ 3 giờ đến 11 giờ tối, lương hơn 3 triệu, có chỗ nghỉ lại qua đêm cho tiếp viên. Tôi xin được ngủ lại quán để tiện hơn trong việc thu thập thông tin. T.D. là kiểu quán “một kèm một” – dạng cà phê “lú” phổ biến nhất. “Một kèm một” là tiếng lóng dân chơi dùng để gọi những quán cà phê, quán nhậu cho “sờ vào hiện vật”. Nghĩa là mỗi bàn sẽ có 1 hoặc 2 tiếp viên ngồi tiếp chuyện cùng khách, và dưới ánh đèn mờ mịt được thắp lên một cách cố tình, thì vô vàn chuyện gió mây, mây gió cứ thế mặc sức diễn ra.
Chủ quán kiêm quản lý tên N. cũng chỉ đòi tôi giấy chứng minh photocopy. Và với cái tên giả V.A. tôi lại đường đường chính chính trở thành tiếp viên cà phê “lú” nơi đây. Vì được ngồi với khách nên giày gót nhọn không phải là vấn đề quá nan giải với tôi nữa, trang phục cũng sẵn có, tôi nhập vai khá “ngon lành”. Để hút khách, N. buộc tiếp viên phải ra trước quán ngồi xếp thành hàng. Đây cũng là một đặc điểm để nhận diện cà phê “lú”. Cũng như các quán khác, T.D. khéo léo bày biện những góc rất riêng tư dành cho những khách thích “tâm sự kiểu kiệm lời”. T.D. có khá đông tiếp viên, đủ để rải đều hầu hết các bàn trong quán. Là “ma mới” nên N. chỉ dẫn tôi khá nhiệt tình. N. bảo: “Mỗi khi có khách đến, em cứ tới mời nước người ta rồi ngồi nói chuyện với khách, kiếm được nhiều hay ít cũng là do mình có khôn khéo hay không. Như mấy đứa ở đây, tiền boa cả chục triệu một tháng là chuyện thường tình”.
6h30, quán lên đèn, thứ đèn laze chớp tắt theo điệu nhạc xập xình không đủ để soi rõ mặt người, những góc tối đầy rẫy gọi mời, khiêu khích. Khách bắt đầu dập dìu vào quán, tôi không dám tiếp khách ở góc khuất, chỉ chọn những bàn ở vị trí trung tâm và có vẻ “công khai” một chút. Những tiếp viên cũ thì bạo dạn hơn, họ ngồi với khách trong những vùng tối tăm, trò chuyện đùa giỡn, động chạm và kể cả hôn nhau… Những điểm này đòi hỏi tiếp viên phải “chịu chơi”, vì một khi khách đã chọn vị trí khuất nghĩa là khách đã có “ý đồ” …
Video đang HOT
Đêm xuống với tiếp viên cà phê “lú” là những lời cợt nhả, nụ cười lả lơi, va chạm xác thịt và đồng tiền rơi vãi. Cuối ca, không ai bảo ai, họ lẳng lặng xếp mớ tiền boa, tẩy trang và nằm ken đầy trên căn gác xép chủ quán ngăn cho tiếp viên nghỉ lại. Những ai có kèo “bay đêm”, vẫn thoải mái mà bay… Còn những người ở lại vẫn thường thủ thỉ về những mối tình thời xưa cũ, kể về những lần gặp phải vài vị khách thanh tao, như là những điểm sáng le lói trong thứ màn đêm mà họ chọn lấy để phủ lên trên cuộc đời mình. Hương tóc vẫn nồng nàn, giấc ngủ vẫn bình yên, nhưng ngày mới mở mắt ra là những nỗi lo toan phải đối diện với dạng người nào trong hàng loạt khách đến, khách đi; còn phải lo toan không biết bao giờ thì mình chìm vào những chuyến “bay đêm” như những người con gái bị miệt thị là “gái ăn sương” thứ thiệt… Họ yếu đuối đến mức không thể dứt ra được khỏi nơi mà chính họ cũng cho là tăm tối, để rồi mỗi đêm cứ quẩn quanh trong mâu thuẫn của chính mình… Dẫu thế nào, tôi luôn có cảm giác những cô gái mà tôi gặp ở chốn cà phê “lú” này vẫn đáng thương hơn là đáng giận.
Chia tiền boa
Công phu chiều khách
Thời gian rảnh, tôi thường ngồi lân la tụm năm tụm bảy nghe các cô kể chuyện đời, “chuyện nghề”… Kể ra mới biết, để moi tiền được khách cũng tốn không ít công phu. Đầu tiên là “coi mặt” khách, những cậu trai choai choai, ăn mặc trông có vẻ hơi quê lại là dạng dễ moi tiền nhất, vì ưa thể hiện và cũng rất sỉ diện. Các cậu trai này đến uống nhanh, boa sộp và đi cũng nhanh. Dạng khách phải coi chừng là những gã trung niên, thường gạ gẫm “bay đêm” rất sống sượng, ngồi lâu và tay chân hiếm khi nào ở yên một vị trí. Chiều khách đã đành, tiếp viên còn phải biết nói chuyện và mở đầu câu chuyện. Nếu biết cách tiếp chuyện sẽ tránh được hoàn cảnh cả khách và tiếp viên chỉ ngồi nhìn nhau, rất dễ không có tiền boa, mà cũng hạn chế được những va chạm khác khi gặp phải kiểu khách thích “tâm sự bằng tay”. Những câu chuyện “kinh điển” về hoàn cảnh gia đình éo le vẫn được những tiếp viên ở đây rất chuộng. Tôi bắt gặp đâu đó cảnh cô gái nghèo phải hy sinh danh dự bản thân để lo cho bệnh tình cha mẹ già yếu, cảnh những cô sinh viên phải bỏ học giữa chừng vì học phí quá cao, rồi thì câu chuyện về cái điện thoại hư, về căn bệnh trầm kha… mới hết hôm qua,… Trâm, cô tiếp viên thuộc dàn nói chuyện ngọt ngào đến mức “kiến trong hang cũng phải bò ra” cười ngất, nói: “Một tuần tao hư điện thoại chắc cũng mười mấy lần, mà cha nào bước ra khỏi quán cũng gửi lại tao “chút tiền sửa điện thoại”…
Nhưng đó chỉ là sơ lược, chứ khách một khi đã bước vào cà phê “lú” thì rất khó để “trông mặt mà bắt hình dong”. Những tiếp viên dày dạn nhất cũng có khi gặp phải dạng khách “khó nuốt” vô cùng. Hương, tiếp viên lớn tuổi nhất trong quán bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng chửi thề. Bởi đêm qua, Hương bị khách boa tiền bằng cách nhét vào ngực. Gã khách boa xong cứ rề rà không chịu rút tay ra, Hương tức quá phải quát lên và nhéo vào hông gã mới thoát khỏi. Hương gằn từng tiếng: “Đồ biến thái, nhưng mà nó giàu”, nói rồi cười, nụ cười lạt nhách, nghe đắng cả người đối diện.
Để kiếm được nhiều hơn, tiếp viên thường cố gắng tìm kiếm khách quen. Khách quen càng nhiều thì công việc cũng “dễ thở” hơn đôi chút. Nhưng đôi lúc, khách quen lại là ẩn họa tiềm tàng. Như sự việc xảy ra với Lam, cô đào đẹp nhất nhì quán. Lam có rất nhiều khách quen, quen đến mức… như kiểu cặp bồ. Trong đó có một người đàn ông trung niên hay chở sữa, chở bánh trái đến cho Lam. Một ngày nọ, khi Lam đang “tâm sự” với người tình trên lầu thì một người phụ nữ xăm xăm bước vào quán. Cả dàn tiếp viên đều thấy lạ, vì hầu như phụ nữ không bao giờ vào những quán như thế này. Sau khi quan sát một hồi, bà ta đi lên khu cà phê trên lầu. Một tiếp viên đi theo sau định bụng mời nước. Bỗng, tiếng ly vỡ đánh choang trên lầu. Tôi chạy lên đã thấy người phụ nữ lăm lăm cầm miểng ly dọa rạch nát mặt Lam. Hóa ra đó là vợ của vị “khách ruột” vẫn thường đến thăm Lam. Tôi móc điện thoại toan gọi cho công an thì bị chủ quán N. giật lấy. N. hét lên: “Em điên hay sao mà đòi báo công an”. Lam mặt cắt không còn hột máu, nép sát vào lan can. Người đàn ông không dám che chắn lấy Lan mà lại càng không dám đứng gần vợ, chỉ khép nép đứng sang một bên và hết lời van xin bà ta đừng có gây chuyện lớn. Người đàn bà không tiếc lời sỉ vả Lam, tay vẫn nắm chặt miếng miểng ly khiến chẳng ai dám can ngăn. N. gọi điện thoại cho ai đó, tức thì có hai người đàn ông lao lên, giằng lấy tay người đàn bà. N. đuổi tất cả tiếp viên xuống dưới trệt, khách kéo lên xem đông nghẹt. Phải một lúc rất lâu sau, người đàn bà và vị chồng trăng hoa mới ra về. Lam khóc suốt một ngày và hôm sau thì bỏ việc. Mỗi khi kể về Lam, Hương thường tặc lưỡi: “Cũng tội, nhà nó nghèo”. Lam cùng quê với Hương, bước vào con đường này cũng một tay Hương … dẫn dắt. Hương nói: “Tao dặn nó hoài, làm gì thì làm đừng có bán thân. Nó không nghe, cứ cặp với thằng này thằng nọ. Đàn ông đến chốn này, tụi nó mua vui thôi. Làm gì có thằng quái nào thực lòng với gái tiếp viên. Giờ không biết nó đi đâu rồi nữa…”.
Tiếp viên cà phê “lú”, hầu hết đều tỏ ra rất chán chường với hoàn cảnh thực tại. Mỗi khi xuống ca họ thường dùng những lời vô cùng khinh khi để miệt thị những vị khách của mình. Nhưng tiền boa thì không ai chê cả… Kể ra đâu có nghề nào như tiếp viên cà phê “lú”, một đêm có thể kiếm được năm ba trăm ngàn dễ như không. Thế nên, ma lực đồng tiền cứ hút lấy các cô gái trẻ, có người mới vô còn rụt rè e ngại, mấy ngày sau đã thành thạo gần hết những kỹ nghệ moi tiền …
Theo Công lý
Vợ Đặng Trần Hoài một mực bênh chồng
Trong khi hàng trăm người tại phiên tòa và hàng triệu người theo dõi qua báo đài ghê tởm với những hành vi của hắn thì người vợ trẻ vẫn tỏ vẻ rất thương cảm.
Vợ chồng Hoài tại phiên tòa phúc thẩm hôm 17/1.
Trong phiên xử phúc thẩm Đặng Trần Hoài, kẻ gây ra vụ án "hiếp và giết" trẻ em gây xôn xao dư luận người ta thấy một hình ảnh "chướng mắt": Trong khi hàng trăm người tại phiên tòa và hàng triệu người theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng ghê tởm với những hành vi của hắn thì người vợ trẻ vẫn tỏ vẻ rất thương cảm và quyến luyến. Không ít người thắc mắc: Phàm là con người thì không thể không ghê sợ những gì Đặng Trần Hoài đã gây ra, cho dù có là vợ chồng hay người thân vì đó là ranh giới không thể nhạt nhòa giữa thiện và ác. Mang theo nỗi băn khoăn đó, tôi quyết định quay trở lại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội để gặp người vợ trẻ của "sát thủ cuồng dâm". Ngoài ra, có một điều cũng khiến tôi thắc mà trong cả hai phiên xét xử chưa thấy nhắc đến: Liệu Đặng Trần Hoài có tiền sử của một bệnh nhân có những hành vi biến thái về tính dục.
Lý lẽ của người vợ một mực bênh kẻ triệu người ghê tởm
Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt đau đớn, cùng tiếng gào thét như cào cấu tâm can của Nguyễn Thị Trúc trong buổi chiều lạnh lẽo diễn ra phiên tòa phúc thẩm xét xử chồng chị - "sát thủ" Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) về những tội ác ghê rợn mà anh ta đã gây ra gần nửa năm về trước. Khi HĐXX yêu cầu tất cả khán phòng đứng dậy để tuyên án, thậm chí Trúc chẳng còn sức để đứng, hai chân chị run lên từng chập, phải dựa vào người thân mới cố gắng gượng được. Hôm nay ngồi trước mặt tôi, người mẹ trẻ chưa đầy 23 tuổi vẫn không một giây ngăn được nước mắt. Chị nói không ghê tởm và vẫn một mực cho rằng chồng mình bị bỏ độc nên mới có những hành động điên dại như vậy (?!).
Tôi tìm đến căn nhà riêng của vợ chồng Hoài vào đúng ngày thời tiết không thuận lòng người. Con ngõ hun hút và vắng lạnh không một bóng người qua lại vì mưa rét. Thi thoảng lắm mới thấy những tiếng xe đi lại chầm chậm trong ngõ hẹp, kéo theo những tiếng nước lép bép não nề, vọng lại từ những bức tường gạch đã cũ xỉn nhuốm màu rêu phong. Cảnh vật ảm đạm ấy càng khiến cho cuộc gặp gỡ giữa tôi và chị Nguyễn Thị Trúc (SN 1989, vợ của Đặng Trần Hoài) trở nên u uất và buồn bã. Cả buổi trò chuyện, chị Trúc khóc suốt, chẳng mấy khi đủ mạnh dạn để nhìn vào người đối diện.
Trong tiếng sụt sùi, chị Trúc dần trải lòng với tôi những điều chưa từng bày tỏ cùng ai về quãng thời gian ngắn ngủi làm vợ rồi làm mẹ trong căn nhà của những con người họ Đặng hiền hòa. "Chồng tôi cũng rất tốt. Chỉ đến khi xảy ra chuyện thì Hoài mới trở thành con người xấu xa trong mắt mọi người. Trước đây anh ấy luôn là người chồng, người cha biết chăm sóc và lo toan đến gia đình", chị Trúc vừa khe khẽ mở đầu câu chuyện vừa đưa tay đẩy nhè nhẹ chiếc võng nhỏ mắc giữa nhà. Trên võng, cậu con trai của chị và Hoài mới được hơn 6 tháng tuổi, trắng trẻo, bụ bẫm lim dim ngủ. Đứa trẻ sinh đó ra được 15 ngày thì cha nó gây nên tội "trời không dung đất không tha".
"Tôi lấy anh Hoài được hơn 1 tháng thì mang bầu. Ngày cháu ra đời, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Anh Hoài còn mừng đến phát khóc vì mẹ tròn con vuông. Vậy mà chỉ 15 ngày sau mọi thứ đã đảo lộn tất cả", nói đến đó chị Trúc nhìn con rồi ngẹn giọng. Dường như muốn tránh trực tiếp nói đến những chuyện kinh khủng mà chồng mình gây ra, chị Trúc lại hướng câu chuyện về đứa con. Chị cho biết, kể từ ngày xảy ra chuyện chị lại càng thương và chăm chút cho con hơn nhưng không hiểu sao đứa bé hay khóc, quấy. " Không biết cháu nó có cảm nhận được điều gì không nhưng kể từ sau phiên phúc thẩm, cháu càng hay khóc về đêm, nhiều hôm khóc ngằn ngặt cả mấy tiếng đồng hồ liền cho đến khi tím tái hết cả người".
Chị cho biết, ngoài chuyện không hiểu sao chồng gây nên tội ác tày trời như vậy thì chị vẫn còn một điều day dứt. Đó là việc chị chưa có cơ hội bù đắp những ngày được Hoài quan tâm, lo lắng. " Hai vợ chồng em được bố mẹ cho ra ở riêng từ sớm. Đúng lúc khó khăn nhất thì em mang bầu nên mọi việc từ lớn bé anh Hoài đều làm cả. Sáng nào anh ấy cũng phải dậy từ 3-4h sáng để đi đổ hàng cho các quán. Thương chồng, em chẳng dám đòi hỏi hay ăn uống gì cao sang, nhưng cứ làm được bao nhiêu tiền anh ấy lại mua đồ về cho hai mẹ con em ăn uống rồi còn mắng em vì tiết kiệm".
Đi tìm câu trả lời cuối cùng sau vụ thảm án
Người vợ tội nghiệp này cho biết, từ khi xẩy ra chuyện đến giờ và đặc biệt là sau phiên phúc thẩm, chị không thể nghĩ được gì khác. Mấy ngày gần đây, cứ chợp mắt là chị thấy hình ảnh chồng. Lúc là nụ cười khó hiểu khi đón nhận án tử hình ở phiên phúc thẩm, lúc lại là hình ảnh chồng vật vã khóc than ở phiên sơ thẩm, có lúc thì thấy mặt chồng bê bết máu, mặt mũi loang lổ chẳng thể nhận ra. Cũng có lúc, trong giấc mơ của người phụ nữ này hiện lên hình ảnh người chồng hiền lành, chăm sóc vợ và con trai từng ly từng tý. " Nhưng cứ mở mắt ra hình ảnh đẹp đẽ đó lại biến mất nhường chỗ cho thực tế khiến tôi chẳng thể chợp được mắt", chị Trúc thành thật kể.
Tội ác trời đất không dung thứ
Khoảng 9h30' ngày 29/7/2012, Đặng Trần Hoài đến xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm- Hà Nội) ăn cưới. Tan tiệc, rượu ngà ngà say, Hoài điều khiển xe máy đi về hướng thị xã Sơn Tây. Khoảng 15h30', khi đi ngang qua nhà anh Khuất Văn H. (30 tuổi, ở xã Cổ Đông, TX. Sơn Tây) thấy mở cổng, Hoài dựng xe đi bộ vào trong sân lấy trộm áo sơmi. Phát hiện hai bé gái đang ngồi chơi, hắn nảy sinh ý định xấu liền nắm tay đứa trẻ 8 tuổi kéo xuống bếp lấy dao, rồi túm tóc khống chế bắt đi lên trên nhà để giở trò đồi bại. Thấy bé gái 4 tuổi hoảng sợ, kêu khóc hắn đã ra tay giết chết. Gây án xong, Hoài tiếp tục làm bậy với nạn nhân 8 tuổi. Trong phiên phúc thẩm mới đây, mặc dù người nhà và luật sư cho rằng Đặng Trần Hoài có tiền sử tâm thần, hơn nữa có thể hắn đã uống loại chất lạ và trở nên cuồng loạn nhưng căn cứ vào nhân chứng vật chứng, HĐXX vẫn tuyên y án tử hình với hắn.
Cũng theo lời chị Trúc, bình thường Hoài không bao giờ đi đâu một mình mà không có vợ. Chị Trúc kể: "A nh ấy vốn là người rất yêu con, chăm con từng li từng tí. Cứ đi đổ hàng thì chớ, về nhà là lại lao vào ôm ấp, nựng nịu con. Anh ấy đặt tên cho con là Đặng Minh Thắng cũng là mong sau này lớn lên sẽ là người luôn sáng suốt, thắng lợi. Dù con mới sinh nhưng anh ấy đã đi mua một cái tông-đơ và bảo để sau này tự tay cắt tóc cho con chứ sợ đưa ra quán người ta làm không cẩn thận và cắt không đẹp". Mặc dù thừa nhận những gì Đặng Trần Hoài gây ra đã "hai năm rõ mười" qua hai phiên tòa xử nhưng điều mà người vợ trẻ này vẫn băn khoăn là tại sao một con người lại có thể thay đổi đột ngột đến mức không thể tưởng tượng nổi như vậy. "Bình thường chồng tôi rất hiền. Càng không thể là một người cuồng dâm điên loạn đến mức đi hiếp một bé gái. Dẫu thế nào, tôi vẫn tin rằng thứ rượu anh Hoài uống lúc ở đám cưới có chất gì đó khiến anh trở thành một con người điên loạn như vậy", chị Trúc khẳng định.
Sau nhiều lần đắn đo, tôi thẳng thắn đặt câu hỏi liên quan đến hành vi tình dục của Đặng Trần Hoài. Bình thường, đây là một câu chuyện tế nhị và không nên đưa ra công luận, tuy nhiên trong vụ việc này, theo quan điểm cá nhân tôi có thể gợi mở thêm về nguyên nhân sâu xa của tội ác kinh khủng này. Thiết nghĩ đó cũng là điều cần thiết để có thể ngăn chặn những vụ việc đau lòng khác. Sau phút suy nghĩ, chị Trúc khó khăn tiết lộ: "Anh ấy rất biết giữ cho vợ, ba tháng đầu khi em mang thai, một tháng chúng em chỉ quan hệ hai lần. Ba tháng sau thì anh ấy bảo phải giữ cho vợ không sợ ảnh hưởng đến con. Nhiều lần thương anh, sợ anh quá sức chịu đựng em đều chủ động nhưng anh từ chối, anh bảo phải giữ gìn cho vợ, sinh xong phải 4 tháng mới tính. Trước đây, anh ấy cũng rất điều độ và hiền lành trong chuyện chăn gối, chưa bao giờ có cách hành xử cuồng bạo hay đại loại như thế".
Mặc dù tòa đã tuyên mức án cho Đặng Trần Hoài xứng đáng với điều hắn gây ra, nhưng sau cuộc gặp với người vợ, có lẽ tôi đã tìm được câu trả lời cuối cùng trong vụ án này cho cá nhân mình. Tôi thầm nghĩ, những tình cảm của người vợ trẻ với gã sát thủ cuồng dâm là điều chẳng khó hiểu bởi họ cùng sống chung dưới một mái nhà nhưng nếu đứng vào vai của người thân hoặc thậm chí là một người dưng khi nhìn những gì mà Đặng Trần Hoài gây ra cho các nạn nhân, có thể người phụ nữ này sẽ nghĩ khác. Tại tòa đã chứng minh Đăng Trần Hoài không bị tâm thần và qua câu chuyện người vợ cũng có thể khẳng định hắn không có tiền sử bị bệnh về tình dục. Dù có "uống thứ gì trong rượu" thì hắn cũng phải chịu trách nhiệm về những hệ quả mà nó gây ra-một hệ quả khủng khiếp. Hy vọng người vợ trẻ của tên sát thủ này sớm tìm lại sự bình yên để nuôi con-một đứa trẻ vô tội nhưng đã phải chịu giông tố từ khi mới chào đời. Và tôi cũng mong đến một ngày người phụ nữ này sẽ hiểu chồng mình phải nhận sự trừng phạt thích đáng với những gì hắn đã gây ra bởi có những ranh giới mà một con người không thể bước qua. Và khi đã bước qua thì cũng có nghĩa là họ đã tự loại mình ra khỏi xã hội loài người.
Theo xahoi
Tiết lộ mới nhất về gã "sát thủ" giết đại gia chè Thái Nguyên "Khi biết tin Tùng yêu Kiều, gia đình tôi đã kịch liệt phản đối bởi Kiều là gái đã có một đời chồng, lại làm nhiều công việc phức tạp". Ông Vũ Dương Bình lúc còn sống Xung quanh vụ, Giám đốc DN chè nổi tiếng đất Thái Nguyên bị sát hại tại nhà nghỉ Mai Đan, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP....