Vẫn còn 13 người mất tích do sạt lở đất ở Trà Leng
Đã một tháng trôi qua, vụ sạt lở đất kinh hoàng ở xã Trà Leng , huyện Nam Trà My , tỉnh Quảng Nam vẫn còn 13 người mất tích .
Vụ sạt lở xảy ra chiều 28/10 tại nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng , huyện Nam Trà My , tỉnh Quảng Nam khiến 55 người gặp nạn, 11 căn nhà bị vùi lấp. Sau khi xảy ra vụ sạt lở, lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm người mất tích ; đồng thời đưa các nạn nhân bị thương đi cứu chữa. Lực lượng chức năng đã cứu được 33 người, tìm thấy 9 thi thể nạn nhân, hiện vẫn còn 13 người mất tích .
Điểm sạt lở làng ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng , huyện Nam Trà My.
Ngày 28/11, tròn một tháng kể từ ngày xảy ra vụ sạt lở ở Trà Leng , lực lượng chức năng cùng người dân huyện Nam Trà My vẫn tiếp tục tìm kiếm 13 người còn mất tích . Công việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số gặp muôn vàn khó khăn bởi khu vực sạt lở có địa hình phức tạp; dọc bờ sông Leng, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 được tìm kiếm rất kỹ nhiều lần nhưng không tìm thấy dấu vết các nạn nhân.
Khu vực hiện trường điểm sạt lở đã được tìm kiếm rất kỹ.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù việc tìm kiếm 13 người mất tích ở Trà Leng gặp nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn nỗ lực cử lực lượng tổ chức tìm kiếm.
Một số xe múc tìm kiếm người mất tích ở điểm sạt lở Trà Leng.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai. Hôm qua, chúng tôi tiếp tục đào tìm kiếm những điểm nghi vấn nhưng không có kết quả. Hôm nay, lực lượng đi dọc lại hai bên sông. Chúng tôi huy động lực lượng dân quân, công an, bà con, người thân, không sử dụng lực lượng chính quy nữa. Hiện có khoảng 30 quân, 2 máy đào, 2 máy bơm nước. Bây giờ khó khăn nhất là không biết vị trí còn lực lượng và phương tiện đã sẵn sàng hết”- ông Trần Văn Mẫn nói./.
Gian nan tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Rào Trăng 3
Đến hôm nay (24/11) các lực lượng vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình với quyết tâm tìm thấy những nạn nhân còn mất tích tại công trình thủy điện Rào Trăng 3.
Cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 đã kéo dài hơn tháng rưỡi qua vẫn chưa kết thúc. Đến hôm nay (24/11) các lực lượng vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình với quyết tâm tìm thấy những nạn nhân còn mất tích. Dù khó khăn, vất vả, xen lẫn hiểm nguy nhưng cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân ngành giao thông nỗ lực bám trụ ngày đêm, mong tìm thấy người mất tích để đưa họ về với gia đình, người thân.
Các lực lượng tham gia tìm kiếm.
Trở lại hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 mùa này, khá khó khăn, vất vả. Con đường 71 từ xã Phong Xuân đến thủy điện Rào Trăng 3 chừng hơn 40 km, trên đường hàng chục điểm sạt lở đất, cứ sau mỗi trận mưa lớn, đất đá lại sạt lở tiếp. Mỗi lần hành quân vào tìm kiếm các nạn nhân, lực lượng chức năng phải cử xe múc, xe ủi dọn đường mới vào được hiện trường.
Lực lượng của ngành giao thông dọn dẹp những bùn đất sạt lở án ngữ giữa đường, tiếp đó bộ đội công binh nổ mìn phá đá mở đường. Hành quân giữa thời bình nhưng đường vào phía thượng nguồn sông Rào Trăng không dễ dàng...
Khu vực tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Rào Trăng 3.
Thượng úy Nguyễn Bá Tuấn, lực lượng công binh của Quân khu 4, có mặt ngay những ngày đầu tìm kiếm ở Rào Trăng 3 cho biết, công tác tìm kiếm những nạn nhân mất tích ở đây vô cùng khó khăn. Những ngày đầu, đường 71 sạt lở hàng chục điểm, nhiều tảng đá lớn bằng mái nhà nằm chắn ngang đường, lực lượng công binh phải nổ mìn phá đá, thông đường lên Rào Trăng 3.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là khoan nổ đá mở đường vào Rào Trăng 3, sau đó cùng lực lượng của tỉnh đội và các lực lượng khác tìm kiếm, nắn dòng cũng như cảnh báo sạt lở đường cho các lực lượng bảo đảm an toàn, tìm thấy thi thể thì chúng tôi cũng vào đưa thi thể lên, cùng với các lực lượng làm liên tục từ ngày ấy đến giờ" - Thượng úy Nguyễn Bá Tuấn chia sẻ.
Khi đường 71 vào Rào Trăng 3 đã thông, lực lượng cứu hộ lại gặp lượng đất đá sạt lở quá lớn. Ước tính lượng đất đá sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 lên tới 2 triệu m3. Đất đá phân làm 3 tầng mỗi tầng dày từ 3m đến 4m.
Ông Phan Ngọc Thọ (bên phải), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế động viên lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Rào Trăng 3
Thượng tá Trần Văn Lâu, đội Tìm kiếm cứu nạn, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã 1 tháng rưỡi qua, tính từ ngày đầu tìm kiếm, anh em luôn túc trực ở đây phối hợp cùng các lực lượng khác. Việc triển khai tìm kiếm những nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 phải trải qua nhiều công đoạn. Khi tiếp cận được hiện trường, thời gian rất ngắn, mọi người phải cố gắng nhanh để ghi nhận các địa hình, địa vật, rồi quay chụp flycam ghi lại hiện trường.
Thượng tá Trần Văn Lâu kể: "Lúc mới tiếp cận, thời điểm đó nước lớn, bùn đất đặc quánh, anh em lội bộ trong bùn, ngập trên đầu gối. Việc triển khai này gặp rất nhiều khó khăn ở chỗ do thời tiết. Bởi vì nắn dòng thì phải tạo được dòng mới, nhưng mà tạo được dòng rồi thì nó mưa, nó lại sạt lở và lấp vùi nên công tác để ngăn được dòng thì cực kì khó khăn. Khi mưa thì nước nó lớn,ngăn từng nào thì đất đã lại sạt lở. Tuy nhiên, các lực lượng đã huy động tất cả các nguồn lực để ngăn được dòng. Chúng tôi đã làm công tác tìm kiếm ở lòng sông".
Thời tiết ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mùa này mưa nhiều hơn nắng. Mỗi khi có trận mưa lớn kéo dài là sạt lở xảy ra. Lực lượng tìm kiếm phải tranh thủ từng ngày, từng giờ. Mỗi ngày của các anh là thức dậy ăn sáng lúc 4 giờ sáng, rồi tranh thủ di chuyển từ Rào Trăng 4 vào Rào Trăng 3. Buổi trưa, tranh thủ ăn nhanh trên các mỏm đá. Đêm đến, lực lượng phải rút về lại khu vực thủy điện Rào Trăng 4 để nghỉ ngơi.
Các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích tại lòng sông Rào Trăng.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, 10 cán bộ, huấn luyện viên, cùng 3 chó nghiệp vụ đã vào hiện trường hơn 1 tháng nay, tích cực tìm kiếm trong điều kiện rất khó khăn.
"Chúng tôi đã sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm hết tất cả các vị trí nghi vấn cũng như các vị trí sạt lở để xác định xem có còn nạn nhân nào hay không, kết hợp với các anh tích cực sử dụng máy múc đào bới hết tất khu vực hiện trường với khối lượng hàng ngàn m3 đất đá sạt lở xuống lòng sông Rào Trăng. Đến hôm nay chúng tôi tiếp tục sử dụng 2 chó nghiệp vụ cùng với đội tìm kiếm để cho chó nghiệp vụ giúp các anh tìm kiếm" - Thượng tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.
Tranh thủ lúc trời tạnh ráo, Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn huy động tổng lực về lực lượng cũng như phương tiện, trang thiết bị... tổ chức tìm kiếm 11 công nhân còn mất tích tại lòng sông thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các đơn vị đã nỗ lực, quyết tâm nhất để tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở lòng sông Rào Trăng. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 6 thi thể, hiện còn 11 công nhân chưa tìm thấy.
Theo ông Nguyễn Văn Phương: "Chúng tôi cũng mong mỏi, các thân nhân của những người mất tích cũng chia sẻ cùng với các lực lượng chức năng. Chúng tôi đã làm hết sức có thể, tranh thủ từng thời đoạn rất ngắn của thời tiết để triển khai. Với nỗ lực đó hiện nay tất cả những khu vực mà khối lượng đất đá ở trên bờ đã triển khai hết rồi mà không có. Thế là phải đến bước tìm kiếm ở lòng sông lòng suối. Chúng tôi cũng thấy một giai đoạn cực kỳ khó khăn"./."
Quảng Nam lại xảy ra sạt lở núi, 1 người mất tích, 3 người bị thương Đất đá từ trên núi bất ngờ trút xuống Quốc lộ 40B và vùi lấp nhiều xe máy khiến 1 người mất tích, 3 người bị thương. Chiều 11/11, trả lời PV VTC News , ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xác nhận, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ sạt lở núi...