Uyên Linh ngang ngửa với Mỹ Tâm tại phòng trà
Tại phòng trà We, kỷ lục về vé lại thuộc về Uyên Linh chứ không phải là các danh ca nổi tiếng hay các ca sĩ có bề nổi khác. Điều đó vừa hợp lý lại vừa nghịch lý khi đặt trong bối cảnh diễn ra và giá vé của chương trình.
Thực tế, không phải ca sĩ nổi tiếng, tầm diva thì khán giả sẽ đông và ngược lại. Nhất là ở phòng trà, nơi mà các chiêu trò, công nghệ không có đất dụng võ.
Ca sĩ nổi tiếng vẫn ế
Với chủ trương đa dạng hóa chương trình, phòng trà We là nơi xuất hiện nhiều chương trình mang phong cách khác nhau. Bên cạnh các đêm nhạc của danh ca, của diva như: Khánh Hà, Mỹ Linh, Thanh Lam, Mỹ Tâm… nơi này cũng tổ chức nhiều chương trình của ca sĩ trẻ như Hồ Trung Dũng, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Lều Phương Anh… Và đáng ngạc nhiên là kỷ lục bán chạy vé tại phòng trà này lại thuộc về đêm nhạc của Uyên Linh: 315 vé bán sạch trước đêm diễn. Thậm chí, nhiều fan của cô còn chấp nhận đứng xem chương trình vì khán phòng không còn chỗ để kê thêm ghế. Tại phòng trà này, số lượng vé bán đêm Uyên Linh được sánh bằng với đêm nhạc của Mỹ Tâm. Riêng với các đêm của danh ca, lượng vé chỉ ở mức tương đối, trừ trường hợp đêm Tuấn Ngọc – Khánh Hà gần đây vé được mua trước hết sạch trước khi chương trình diễn ra.
Mỹ Tâm từng làm mưa làm gió tại các phòng trà ở TP HCM.
Để thu hút khán giả trung thành, mỗi phòng trà đều chủ trương định hình một phong cách nhất định, mang dấu ấn riêng cho mình: phòng trà Tiếng Xưa là nơi của dòng nhạc trữ tình xưa, ca sĩ cũ phòng trà Không Tên, Da Vàng chuyên mời các ca sĩ trẻ phòng trà We là những đêm nhạc mang dấu ấn cá nhân MTV chuyên về những đêm nhạc sôi động, ca sĩ trẻ và có cả tấu hài… Tuy nhiên, không quá khó để thấy rằng phòng trà hiện đang khá chật vật để tồn tại, mà vướng mắc rất lớn là không thể giải được sự nghịch lý về khán giả. Thực tế, việc chương trình không đến 20 vé là trường hợp vẫn thường xảy ra, nhất là hiện tại sân chơi ca nhạc ít nhiều bị lấn át bởi Euro, và điều đó đã từng xảy ra tại chương trình của danh ca, ca sĩ gạo cội nổi tiếng chứ không phải là ca sĩ trẻ, chưa tên tuổi.
Video đang HOT
Vẫn loay hoay tìm khán giả
Trong bối cảnh không hiểu thị hiếu khán giả, nhiều phòng trà phải linh hoạt thay đổi, đến mức loay hoay, nếu không muốn nói là bị “rối”. Phòng trà Tiếng Xưa từng đổi khẩu vị khi tổ chức những đêm nhạc của Tuấn Hưng, và rồi cả… cải lương, nhưng thực tế, chỉ những đêm nhạc của Vũ Khanh, Ý Lan, Thanh Tuyền, Phương Dung… nơi này mới kín chỗ. Phòng trà We cũng từng thử nghiệm nhạc kịch với sự tham gia của nhiều ca sĩ hot như Văn Mai Hương, Hồ Trung Dũng, Đoan Trang… nhưng chỉ sau một vài đêm, chương trình nhạc kịch Việt hóa được đầu tư không nhỏ mà giá phụ thu lại không cao này cũng đành tạm dừng.
Cho đến khi Uyên Linh xuất hiện. Uyên Linh đã lập kỷ lục bán chạy vé tại phòng trà We với 315 vé bán sạch trước đêm diễn.
Thực tế, giá vé các đêm nhạc tại phòng trà không hề cao, và giá này sẽ phụ thuộc vào tên tuổi ca sĩ. Theo đó, đêm của danh ca sẽ có giá phụ thu cao hơn với các ca sĩ trẻ. Tuy nhiên, giá vé, giá phụ thu được xem không phải là lý do chính cho tình trạng khó hiểu về khán giả đang diễn ra. Bên cạnh đó, sự thưởng thức âm nhạc của khán giả hiện nay cũng có rất nhiều điều đáng nói khác. “Thực tế là nhiều người đi xem ca nhạc không phải vì muốn thưởng thức âm nhạc đích thực, mà chỉ vì muốn làm sang mình”, ông Nguyễn Võ Việt Nam, chủ phòng trà We, nhận định. Theo ông, xét về tính nghệ thuật thuần túy thì nhiều chương trình tại sân khấu lớn hiện nay không bằng các đêm nhạc tại phòng trả, bởi, không gian tại phòng trà gần hơn, ca sĩ cũng không cần chiêu trò hỗ trợ. Trong khi đó, giá vé các đêm nhạc này đôi khi đến vài triệu, còn tại phòng trà thì tầm một triệu trở lại. Thế nhưng dù có thể bỏ vài triệu để đi xem một giọng ca có chiêu trò, nhiều người lại thờ ơ khi cũng chính danh ca đó hát tại phòng trà, “chỉ vì phải đi sân khấu lớn, giá tiền triệu thì mới sang, mới đem khoe được”, ông nói.
Khi mà khán giả còn mang đến những nghịch lý, phòng trà sẽ còn loay hoay, và sự sống của các không gian âm nhạc này chắc chắn vẫn chưa có tính ổn định, dù ít.
Theo Báo Đất Việt
Công chúng ào ào đi nghe nhạc... sến
Nếu như trước đây dòng nhạc bolero, gọi một cách dân dã là nhạc sến, được mặc định là nhạc dành cho cấp thấp, cho giới bình dân thì hiện tại, chưa bao giờ nhạc sến lại "có giá" đến như thế.
Trong thời buổi thị trường âm nhạc ảm đạm, gần như là thời điểm thoái trào của các liveshow thì các chương trình nhạc sến vẫn cứ diễn ra và vẫn cứ đông khách, dù giá vé cao ngất ngưởng.
Tiền triệu cho 1 vé nhạc sến
Chưa bao giờ người ta lại thấy nhạc sến xuất hiện trên sân khấu lớn nhiều đến thế. Liveshow Nhật ký đời tôi của Chế Linh vào tối 9/6 tại Hà Nội, hay liveshow trước đó vào cuối năm 2011 của ông hẳn là chương trình đáng mơ ước của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, khi khán phòng kín chỗ dù giá vé cao ngất ngưởng: thấp nhất 500.000đ, cao nhất 3.000.000đ. Chỉ sau liveshow Nhật ký đời tôi vài ngày là hàng loạt các đêm nhạc sến khác, diễn ra ở Hà Nội và TP HCM: liveshow Nhẫn cỏ cho em của nhạc sĩ Vinh Sử vào 16/6 tại Cung Văn hóa - Hữu nghị (Hà Nội) với giá vé cũng không kém: từ 500.000đ đến 2.500.000đ.
Ở liveshow Nhật ký đời tôi của Chế Linh vào tối 9/6 tại Hà Nội, hay liveshow trước đó vào cuối năm 2011 của ông, khán phòng kín chỗ dù giá vé cao ngất ngưởng: thấp nhất 500.000đ, cao nhất 3.000.000đ.
Ở TP HCM, nhiều chương trình nhạc sến đường hoàng bước vào phòng trà - không gian ấm cúng sang trọng vốn từng được xem là lãnh địa của nhạc "sang", không phải là nơi của dòng nhạc bình dân trước đây. Đó là đêm Nỗi buồn hoa phượng của ca sĩ Thanh Tuyền vào 15 và 17/.6 tại phòng trà Tiếng Xưa đêm Vũ khúc by night tại sân khấu cầu Vồng vào 13/.6 và Về đâu mái tóc người thương tại phòng trà We vào 15/6 của ca sĩ Quang Lê đêm Dấu ấn cuộc đời của Mai Quốc Huy và Randy vào 23/.6 tại phòng trà Tiếng Xưa...
Để tham dự những đêm nhạc này, khán giả phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ: phụ thu của chương trình Quang Lê từ 800.000đ đến 1.500.000đ, còn Thanh Tuyền từ 600.000đ đến 1.000.000đ. Đây là những con số không hề thấp so với mặt bằng giá vé các chương trình hiện tại, nếu không muốn nói là cao hơn so với nhiều đêm nhạc khác. Tại các đêm nhạc này, các ca khúc sến như Xin gọi nhau là cố nhân, Huế đêm trăng, Đập vỡ cây đàn, Tương tư nàng ca sĩ, Nỗi buồn hoa phượng, Hàn Mặc Tử, Mai lỡ hai mình xa nhau... dĩ nhiên không thể thiếu.
Không chiêu, không trò vẫn có khán giả
Mỗi show diễn của ca sĩ Thanh Tuyền bao giờ cũng kín khán giả. Ảnh: Nguyên Trần
Không có gì để lý giải sức hút của nhạc sến ngoài sự gần gũi của giai điệu, của ca từ. Bất chấp việc không có chiêu trò, không được dàn dựng bắt mắt bằng công nghệ, cũng không có sự phụ trợ của vũ đạo... các đêm nhạc sến vẫn có sức hút kỳ lạ. Khi liveshow của nhiều ca sĩ, dù khá nổi tiếng, vẫn luôn là công cuộc "đốt tiền" với điệp khúc lỗ và lỗ, thì các đêm nhạc này lại hiện diện điều trái ngược. Không quá khó để tìm ra căn nguyên của điều đó, bởi sự giản đơn đến mức xa lạ với "công nghệ liveshow" của nhạc sến khiến chi phí đầu tư cho các đêm nhạc này được tiết giản hơn nhiều. Khán giả của nhạc sến cũng không hề bình dân như người ta vẫn cho là. "Trong đêm nhạc trước đây của Thanh Tuyền tại TP HCM, có nhiều khán giả từ Hà Nội, Đà Nẵng đã mua vé máy bay vào để kịp có mặt. Giá vé của ghế VIP cộng với tiền di chuyển đó đủ để xem vài liveshow hoành tráng khác", bà Xuân Hòa, chủ phòng trà Tiếng Xưa cho biết.
Chính vì sự lên ngôi của nhạc sến, nhiều giọng ca của dòng nhạc này đang được săn lùng. Một cuộc chiến ngầm để kéo ca sĩ về phía mình cũng diễn ra với các bầu sô, nhất là với các ca sĩ hải ngoại còn có chút gì mới mẻ với khán giả trong nước. Hiện một gương mặt của nhạc sến đang được các bầu sô nhắm đến ráo riết là Như Quỳnh. Tuy nhiên, vì ca sĩ này đang vướng hợp đồng với một trung tâm ca nhạc hải ngoại nên các bầu sô vẫn đang phải chờ đợi.
Theo Báo Đất Việt
Phòng trà giãy giụa trước mùa bóng đá Khi trái bóng của Euro lăn trên màn hình ti vi, cũng là lúc tụ điểm ca nhạc phải đối mặt với tình trạng ế ẩm nhất trong năm, nhất là khi Tp. HCM - thị trường giải trí sôi động nhất nước đang bước vào những ngày mưa dài. Không ít phòng trà đã chịu cảnh đóng cửa, nhường những ngày này...