Ước mơ bao năm của thầy trò ở Pà Khà đã thành hiện thực
Mùa xuân này, học trò ở Pà Khà (Mường Tè, Lai Châu ) sẽ có trường mới, lớp mới, không còn phải học trong những gian nhà nhỏ hẹp ghép tạm nữa.
Mùa xuân này, thầy cô giáo, học trò ở điểm trường mầm non Pà Khà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu ) có hạnh phúc mới, hạnh phúc mà bao nhiêu năm ước mơ nay đã thành hiện thực.
Các con sẽ có trường mới, lớp mới, không còn phải học trong những gian nhà nhỏ hẹp ghép tạm nữa.
Điểm trường mầm non Pà Khà có 79 học trò, chia làm 3 lớp do thầy Vàng Văn Vũ và 3 cô giáo trẻ phụ trách.
Gọi là điểm trường, nhưng thực tế những ai đi qua chẳng thể nghĩ đó là một ngôi trường mầm non bởi trường được xây dựng đã lâu, lụp xụp và xuống cấp.
Điểm trường là 2 căn nhà gỗ xiêu vẹo, nền đất, quay mặt vào nhau nhưng để đi được vào lớp phụ huynh phải cúi đầu xuống.
Điểm trường chẳng có nổi sân chơi bởi từ vách lớp học đến hàng rào chỉ rộng bằng manh chiếu nhỏ.
Trong 2 căn nhà lụp xụp ấy, các thầy cô cũng đã cố gắng trang trí đầy đủ những hoa văn, họa tiết, sắp xếp đồ để ít nhất người ta có thể nhận ra đó là trường mầm non.
Giờ nghỉ của các con, 40 đứa trẻ 1 phòng nằm sát nhau, chen chúc. Cuối năm, thời tiết cũng đã dịu mát nên những đứa trẻ vẫn có thể nằm cạnh nhau và ngủ ngon lành.
“Mùa nóng thì khổ lắm, bọn trẻ không ngủ ngon được”, thầy Vàng Văn Vũ chia sẻ.
Các thầy cô giáo ở điểm trường Pà Khà. Ảnh: L.C
Ở bản này, thầy Vũ vừa là giáo viên kiêm bảo mẫu, kiêm thầy thuốc, kiêm bảo vệ trường, kiêm nhiều thứ khác để chăm lo cho lớp mầm non ấy.
Con đường chính từ trung tâm xã Tà Tổng về cụm bản trung tâm Nậm Ngà gần 40km thì quá nửa là đường đất trơn trượt, dốc lên dốc xuống. Pà Khà thuộc cụm trung tâm Nậm Ngà. Ngày mưa, để đến được Nậm Ngà là cả một sự vất vả, cơ cực.
Thầy Đao Văn San là một trong những tay lái “cừ khôi” của trường Mầm non Tà Tổng làm người dẫn đường. Dù đã quen nhưng phải tải thêm một người, nên chúng tôi phải mất mấy giờ đánh đu trên những cung đường dốc đứng, hết ngã nhào vì bùn trơn lại chúi xuống ngầm sâu, lổn nhổn đá hộc bên dưới, mới tới được Pà Khà.
Đến nơi, thầy San vẫn nhận định: “Nay trời đẹp nên đi đỡ vất vả”. Với các thầy cô giáo ở đây, đó là “chuyện thường ngày ở… bản”.
Chẳng ai nghĩ đây từng là lớp học mầm non của gần 80 em nhỏ. Ảnh: L.C
Khi chúng tôi có mặt tại điểm Pà Khà cũng là lúc các thầy cô giáo cho trẻ ăn xong bữa trưa. Cả lớp ăn xong, các thầy cô giáo xếp các tấm ván gỗ mỏng xuống nền đất lạnh, trải chiếu, sắp xếp chỗ nằm cho 79 đứa trẻ, chia làm 2 lớp đắp chăn cho từng đứa.
Trước đây, thầy Vũ và một thầy nữa phụ trách điểm trường Pà Khà, khi học sinh đông lên, các cô Lò Thị Thanh, Nùng Thị Sâm và cô Bóng Thị Danh được cử vào điểm trường để san sẻ với thầy Vũ.
Có thêm các cô giáo, thầy Vũ cũng bớt vất vả đi nhiều. Những cô giáo trẻ đến từ huyện Than Uyên (tỉnh Lào Cai) san sẻ bớt vất vả.
Chứng kiến những em bé người Mông, Hà Nhì mới 3 – 4 tuổi ở Pà Khà đã nói được tiếng phổ thông, đã hát được những bài hát như “Cả nhà thương nhau”, “Cháu yêu chú bộ đội”… mới thấy đó là cả một nỗ lực vượt bậc của các thầy cô giáo và cả ngành giáo dục vùng cao. Bởi một rào cản lớn nhất để các em bé vùng cao đi học và sau này học lên chính là ngôn ngữ.
Đi học càng muộn, rào cản ấy càng khó vượt qua. Một cô giáo nói: “Chỉ cần xong cấp học mầm non, các em biết hát được vài bài hát tiếng Việt, gọi tên các đồ vật bằng tiếng phổ thông là coi như thành công”.
Vì thế, những lớp mầm non trên rẻo cao heo hút này, trước hết là để các em làm quen với ngôn ngữ, tập cho em những ý thức văn minh nho nhỏ, để từ đó khi vào tiểu học các em sẽ tự tin hơn, không quá khó khăn như các thế hệ trước đó.
Tết này, các thầy cô và học trò của mình sẽ hạnh phúc lớn hơn gấp nhiều lần bởi điểm trường mầm non mới ở Pà Khà sắp được hoàn thiện.
Lớp học mới là căn nhà xây duy nhất tại bản, khang trang với 2 tầng và 4 phòng học cùng nhà ở cho giáo viên .
Những ngày cuối năm, cuối tuần, các thầy cô giáo sẽ tạm gác nỗi nhớ nhà để ở lại với điểm trường mới, tham gia lao động cùng bà con dân bản.
Học sinh ở Điểm trường mầm non Pà Khà mới sắp được hoàn thành. (Ảnh: L.C)
Niềm vui, niềm hạnh phúc ở điểm trường mầm non Pà Khà được lan tỏa đến cả người dân trong bản.
Chỉ ít ngày nữa thôi, con em của họ sẽ được học trong những lớp học khang trang chẳng kém gì miền xuôi.
Các thầy cô giáo sẽ không còn phải ở trong những căn phòng chật hẹp. Các con có sân chơi, có vườn hoa cây cảnh để chăm sóc và hoạt động ngoài trời . Những điều mà trước đây tưởng chừng chỉ có trong mơ ước.
Học sinh Pà Khà bên ngôi trường mới. (Ảnh: L.C)
Cô giáo Đỗ Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Tà Tổng cho biết: “Điểm trường Pà Khà là nơi giao thoa giữa cũ và mới. Nếu điểm trường cũ là những ngày các thầy đi tìm dân mở lớp, duy trì và phát triển đến hôm nay là cả một nỗ lực. Điểm trường mới được xây lên là hạnh phúc của nhà trường. Cũng từ sự đầu tư của các cấp lãnh đạo, nỗ lực của các thầy các cô cũng đã được ghi nhận xứng đáng”.
Những cơ cực rồi cũng sẽ qua, hạnh phúc mới sẽ tới Pà Khà.
Giá rét kỷ lục và hơi ấm mái trường vùng cao Mường Tè
Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè chủ động, tích cực chống rét cho học sinh trên địa bàn huyện.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh bao phủ khắp các tỉnh miền Bắc và một số nơi ở miền Trung.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh khu vực Mường Tè sẽ có những ngày sẽ rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp và có khả năng xảy ra băng giá.
Trao đổi với Tạo chí Giáo dục Việt Nam, ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, hiện Phòng đang tích cực chỉ đạo các trường, yêu cầu Hiệu trưởng các đơn vị trường trực thuộc tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè yêu cầu các trường căn cứ tình hình thời tiết tại địa bàn cơ sở và cơ sở vật chất trường lớp học, các đơn vị trường chủ động, linh hoạt bố trí lịch học phù hợp cũng như quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt.
Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chủ động kiểm tra, kịp thời tu sửa cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo cho việc dạy và học.
Cán bộ y tế nhà trường tăng cường thuốc và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh cho các em học sinh.
Học sinh trường mầm non Tà Tổng, một trong những xã cao và lạnh nhất của Mường Tè.
Các trường triển khai, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống rét đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt, học tập cho các em học sinh; thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và gia đình học sinh quan tâm giữ ấm cho con em bằng cách mặc quần áo ấm, đeo tất chân, tất tay, khăn quàng cổ,...
Các trường hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời, giờ học thể dục cần bố trí hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại.
Đối với học sinh bán trú Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè kiểm tra rà soát bổ sung chăn, áo ấm cho học sinh; chỗ ngủ đảm bảo kín và ấm áp.
Các trường Mầm non, Tiểu học phải có nước ấm để phục vụ, chăm sóc các cháu; cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý trong những ngày rét đậm, rét hại.
Nếu học sinh được nghỉ trong những ngày rét đậm, rét hại, các đơn vị phải có lãnh đạo trực, đảm bảo các hoạt động hành chính của nhà trường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học,...
Sau nghỉ rét (nếu có), căn cứ vào điều kiện cụ thể, các đơn vị bố trí việc dạy và học sao cho phù hợp; có kế hoạch dạy bù hợp lý, đảm bảo kế hoạch thời gian năm học; không được dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình.
Tích cực tuyên truyền, thực hiện tốt công tác xã hội hóa để học sinh có quần áo ấm, cơ sở vật chất đảm bảo cho học tập và sinh hoạt trong những ngày rét đậm, rét hại.
Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo: Các đơn vị có trách nhiệm tổng hợp thông tin thời gian cho học sinh nghỉ học và số liệu học sinh, tên trường nghỉ vì thời tiết rét đậm, rét hại (nếu có) và báo cáo nhanh bằng điện thoại hoặc thư điện tử về bộ phận chuyên môn Mầm non.
Một số hình ảnh chống rét tại các trường của huyện Mường Tè:
Các em học sinh trường Trung học cơ sở Ka Lăng ấm ám trong mùa đông lạnh.
Trường trung học cơ sở Ka Lăng sưởi ấm.
Học sinh trường Mầm non Tà Tổng trong cái rét 10 độ C.
Trường Mầm non biên cương Pa Ủ ấm ám giữa mùa đông giá rét
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 132 trường học trên địa bàn tại 7 huyện, thành phố gồm: huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên và thành phố Lai Châu bố trí cho học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại. Trong đó có 59 trường Mầm non, 40 trường Tiểu học, 32 trường Trung học cơ sở và 1 trường Trung học phổ thông.
Trước tình hình rét đậm, rét hại tiếp tục kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống rét; đảm bảo giữ ấm cho học sinh khi nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, các trường phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh mặc đủ ấm, giữ gìn sức khỏe trong mùa đông lạnh giá.
Thầy giáo cắm bản 25 năm không hề biết đến thưởng Tết Suốt 25 năm cắm bản, thầy giáo Lùng Văn Dũng chẳng bao giờ biết đến chuyện thưởng Tết. Thưởng Tết là điều gì đó xa xỉ Điểm trường U Pa Tết (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) nằm heo hút, biệt lập giữa trùng điệp núi rừng. Từ trung tâm huyện Mường Tè đến với bản U Pa Tết ngót nghét 100...