UNICEF: Trên 2 triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa do xung đột tại Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 24/8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ( UNICEF) cho biết trên 2 triệu trẻ em đã buộc phải rời bỏ nhà cửa trong 4 tháng xảy ra xung đột ở Sudan và khoảng 14 triệu trẻ em đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Nhiều em đang phải đối mặt với các mối đe dọa và trải qua nỗi kinh hoàng mỗi ngày.
Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn ở làng Tamaniyet, Sudan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo UNICEF, ngoài các điểm nóng xung đột như khu vực Darfur và thủ đô Khartoum, giao tranh ác liệt đã lan sang các khu vực đông dân cư khác của Sudan, bao gồm cả ở bang South Kordofan và bang West Kordofan, khiến việc tiếp cận các dịch vụ cứu trợ của những người có nhu cầu khẩn cấp bị hạn chế. Cơ quan này dự đoán 20,3 triệu người Sudan sẽ không được đảm bảo an ninh lương thực vào tháng tới, trong đó trẻ em chiếm ít nhất một nửa. Điều này có nghĩa là hơn 10 triệu trẻ em có khả năng sẽ bị giảm số lượng hoặc chất lượng thực phẩm cần thiết hằng ngày.
Video đang HOT
Cũng theo UNICEF, hơn 9,4 triệu trẻ em ở nước này không được tiếp cận với nước uống an toàn và 3,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh tiêu chảy và dịch tả. Trong khi đó, tại các khu vực Khartoum, Darfur và Kordofan, có chưa đến 1/3 cơ sở y tế hoạt động hết công suất. Ngoài ra, tình trạng mất an ninh và người dân di tản cũng ngăn cản bệnh nhân và nhân viên y tế đến bệnh viện và các cơ sở y tế.
UNICEF cho biết đã cung cấp các dịch vụ về y tế, dinh dưỡng, nước, vệ sinh, giáo dục và dịch vụ bảo vệ cho hơn 4 triệu trẻ em, bà mẹ và gia đình trên khắp Sudan.
Tuy nhiên, trong 3 tháng tới, tổ chức này cần gấp 400 triệu USD để duy trì và mở rộng các hoạt động ứng phó với khủng hoảng nhằm hỗ trợ những trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
LHQ: Trên 2,6 triệu người Sudan rời bỏ nhà cửa do xung đột
Ngày 29/6, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết kể từ khi giao tranh nổ ra ở Sudan hồi giữa tháng 4 đến nay tại nước nay đã có trên 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó hơn 560.000 người trở thành người tị nạn quốc tế.
Người dân sơ tán tránh xung đột tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 22/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo OCHA, hơn 2,1 triệu người Sudan đã phải sơ tán trong nước kể từ ngày 15/4, trong đó 1,4 triệu người đã rời khỏi thủ đô Khartoum. Hơn 560.000 người đã vượt biên giới sang các nước láng giềng, chủ yếu là Ai Cập, CH Chad và Nam Sudan. Các tổ chức nhân đạo đã tiếp cận được hơn 2,8 triệu người trên toàn lãnh thổ Sudan và đã cung cấp cho họ thực phẩm, dinh dưỡng, nước, chăm sóc sức khỏe và bảo hộ. Tuy nhiên các tổ chức này cho biết họ gặp trở ngại do tình trạng mất an ninh và việc tiếp cận người dân Sudan bị hạn chế, bao gồm tình trạng thiếu thị thực dành cho nhân viên của các tổ chức quốc tế.
OCHA nêu rõ: "Các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở hoat động và nhà kho nhân đạo tiếp tục cản trở khả năng chuyển hàng viện trợ một cách an toàn. Chúng tôi đang phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc tiếp cận người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng do xung đột ở Khartoum, khu vực Darfur và vùng Kordofan".
Cũng theo OCHA, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng chính trị ở Sudan, 13 nhân viên hoạt động nhân đạo đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ngoài ra, một số nhân viên đang mất tích. Văn phòng này cho biết thêm họ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ từ thành phố cảng Port Sudan và đi qua các khu vực có xung đột. Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 này, 480 xe tải chở khoảng 19.700 tấn hàng viện trợ đã tới các bang Al-Jazirah, Khartoum, Gedaref, Kassala, Sennar, Northern State, River Nile và Blue Nile.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho hay đã hỗ trợ khẩn cấp lương thực và dinh dưỡng cho hơn 1,2 triệu người tại 14 trong số 18 bang của Sudan, trong đó có một số khu vực khó tiếp cận ở Darfur. Tại khu vực thủ đô Khartoum, cơ quan này đã hỗ trợ lương thực cho khoảng 50.000 người bị mắc kẹt do xung đột và có kế hoạch hỗ trợ 500.000 người khi tình hình an ninh cho phép.
Liên quan đến hỗ trợ nhân đạo tại Sudan, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ghi nhận hơn 200.000 người đã sang nước láng giềng CH Chad lánh nạn, bao gồm cả người Sudan và những người Chad trước đây đã trốn chạy sang Sudan.
Hiện UNHCR và Chính phủ CH Chad đã di dời người dân khỏi khu vực giáp biên giới với Sudan có nguy cơ xảy ra lũ lụt và hứng chịu những rủi ro về an ninh.
Ai Cập, Qatar hỗ trợ nhân đạo cho người dân Sudan Ngày 2/6, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã nhất trí khởi động một sáng kiến chung nhằm cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Sudan. Vết đạn trên bức tường tòa nhà sau các cuộc pháo kích vào một khu chợ ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 1/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN...