- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Ứng xử thế nào là hợp lý?

On 15/12/2012 @ 11:18 PM In Tin nổi bật

Trong thế giới đa cực, với các mối quan hệ đa phương như hiện nay, tranh chấp trên biển Đông phải bằng con đường hợp tác hòa bình, đa phương bằng học thuật...

Ứng xử thế nào là hợp lý? - Hình 1

Tàu Bruce C.Heezen của Mỹ cập cảng Đà Nẵng (năm 2009), hợp tác nghiên cứu hải dương học với Việt Nam.

Muốn thành công trong hợp tác thì phải nghiên cứu thấu đáo, trong đó, việc tìm ra nguyên nhân, mục đích dẫn đến tranh chấp trên biển Đông của các quốc gia là rất quan trọng. Các chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất như vậy tại hội thảo quốc gia về lịch sử và triển vọng hợp tác biển Đông, tổ chức 2 ngày 12 - 13.12 tại Đà Nẵng.

Xác lập quyền lực

Theo công bố nghiên cứu về "lợi ích địa chiến lược của các cường quốc ở biển Đông" của TS Lương Văn Kế - ĐH Quốc gia Hà Nội - phần lớn các cường quốc như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc đều có lợi ích quan trọng ở biển Đông, tuy nhiên, các tiêu chí, cấp độ về lợi ích có khác nhau. TS Kế đã chia 5 nhóm lợi ích cơ bản ở biển Đông là kinh tế, an ninh, lãnh thổ, tài nguyên và hệ giá trị. Trong đó, lợi ích chiến lược của Mỹ ở biển Đông được TS Kế xếp ở cấp độ trung bình. Đối với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, lợi ích biển Đông gần như nhau, nhưng tính ràng buộc vào biển Đông của Nhật Bản cao hơn, do đó vai trò Việt Nam, Philippines được Nhật coi trọng...

Riêng đối với Trung Quốc, lợi ích ở biển Đông là lợi ích cốt lõi (là sống còn). Lợi ích địa chiến lược của biển Đông đối với Trung Quốc có nhiều khác biệt lớn với các cường quốc khác, trong đó cần có góc nhìn lịch sử, văn hóa, tâm lý dân tộc, kinh tế, an ninh quốc phòng và chiến lược bá chủ tây Thái Bình Dương của họ...

Theo PGS - TS Trần Khánh (Viện Đông Nam Á), lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông không đơn thuần là vấn đề lãnh thổ, tài nguyên, an ninh hàng hải..., mà còn tranh giành ưu thế địa chính trị đối với các nước nhỏ. Nói cách khác là sự trỗi dậy của một cường quốc mới. Họ muốn thể hiện nước lớn, muốn xác lập quyền lực.

Ứng xử nào là hợp lý?

Đó là câu hỏi của nhiều học giả đưa ra phản biện tại hội thảo. Các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam nên "theo" ai?

TS Lương Văn Kế cho rằng, quyền lợi biển Đông đối với các nước nhỏ, Việt Nam là cốt lõi, là vấn đề sống còn vì là không gian sinh tồn. Tuy vậy, mỗi quốc gia phải có ứng xử riêng, hợp lý và bằng con đường hợp tác, đa phương, trên cơ sở học thuật.

Mỹ quan tâm đến biển Đông là quan tâm đến trật tự địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, những quan điểm của họ đưa ra không rõ ràng, thay đổi qua nhiều thời điểm, từng chính khách. Có thể nói có 3 xu hướng ứng xử của họ, một là sẽ chống lưng cho các nước nhỏ, yếu, đồng minh để đối phó với Trung Quốc trên biển Đông; hai là tạo ra diễn đàn đa phương mà Mỹ đóng vai trò trọng tài; ba là Mỹ chỉ làm trọng tài khi xảy ra xung đột, thậm chí lợi dụng để thỏa hiệp với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ.

Theo GS Đỗ Tiến Sâm - Viện trưởng Viện Trung Quốc học - hiện Việt Nam có quá nhiều đầu mối quản lý biển đảo, có đến 15 đầu mối, song lại không có "nhạc trưởng". Còn theo PGS-TS Nguyễn Tác An - Hội KHKT biển VN - cần phải có ngay "nhạc trưởng" để lo vấn đề biển Đông. Cần có ngay các ứng xử hợp lý, kịp thời bên cạnh những nghiên cứu, giải pháp hợp tác mang tính lâu dài.

Theo laodong


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/ung-xu-the-nao-la-hop-ly-20121215i617980/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.