Ukraine lừa quân Nga bằng chiến thuật Đức quốc xã từng sử dụng trong Thế chiến II
Khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công Kursk vào tháng 8, không chỉ có người Nga bị phen ngạc nhiên.
Một số chiến thuật của Ukraine trong cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga giống với phương pháp của Đức quốc xã trong trận Bulge (Ảnh: AFP)
Một số chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công quy mô lớn không còn khả thi trong chiến tranh hiện đại. Mọi nỗ lực tập trung lực lượng để xâm nhập sẽ nhanh chóng bị phát hiện bởi máy bay không người lái, máy bay do thám hoặc vệ tinh, điều này cho phép bên phòng thủ tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
“Sự phổ biến của các hệ thống bay không người lái trong cuộc chiến Ukraine-Nga đã tạo ra một chiến trường minh bạch, được đánh dấu bằng sự giám sát gần như liên tục, khiến việc thực hiện hoạt động bất ngờ khó đạt được”, blog của Bộ Chỉ huy Học thuyết và Huấn luyện Quân đội Hoa Kỳ (TRADOC), cho hay.
Nhưng bất chấp hàng loạt máy bay không người lái của Nga đang theo dõi các động thái của mình, Ukraine vẫn cố gắng tập trung các lữ đoàn tốt nhất của mình cho một cuộc tấn công khiến Điện Kremlin bất ngờ và chiếm giữ 500 dặm vuông vào giai đoạn cao điểm của cuộc tấn công.
Ukraine đã làm điều đó như thế nào? Câu trả lời: Bằng cách áp dụng chiến thuật cũ mà Đức quốc xã đã sử dụng trong cuộc tấn công bất ngờ tại Trận Bulge vào tháng 12/1944.
Đầu tiên trong chiến thuật là sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách xác định những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga. Bằng cách tập trung lực lượng để tấn công ở miền Đông Ukraine, lực lượng của Nga ở phần còn lại của chiến tuyến dài 600 dặm đã mỏng đi, bao gồm cả khu vực Kursk.
TRADOC lưu ý rằng thông tin tình báo nguồn mở “cho thấy có tới 75% lực lượng mặt đất, đơn vị không quân và bộ binh hải quân của Nga được triển khai trong hoặc gần miền Đông Ukraine”. Và bởi máy bay không người lái và các hệ thống ISR khác – tình báo, giám sát và trinh sát – của Nga tập trung ở các khu vực mà họ đang tấn công, nên phạm vi phủ sóng ở Kursk sẽ ít hơn.
Video đang HOT
Tương tự, vào cuối năm 1944 – ngay cả khi Đức quốc xã đang quay cuồng với những thất bại nặng nề ở Normandy và trước đà tiến của Nga ở Mặt trận phía Đông – Hitler và các cố vấn hàng đầu của ông ta đã xác định vùng Ardennes của Bỉ là một điểm yếu ở trung tâm chiến tuyến của quân Đồng minh.
Trong khi các lực lượng của Mỹ và Anh tập trung ở phía Bắc và Nam cho cuộc tấn công cuối cùng vào Đức, quân Đồng minh coi địa hình đồi núi, cây cối rậm rạp của Ardennes là một khu vực yên tĩnh, an toàn để phòng thủ chỉ với một số sư đoàn đã suy kiệt hoặc thiếu kinh nghiệm. Những khu rừng rậm rạp có thể dùng làm nơi ẩn náu cho bộ binh Đức và lực lượng thiết giáp khi họ tiến quân.
Trước cuộc tấn công vào tháng 8, bộ chỉ huy cấp cao Ukraine cũng cẩn thận giữ kín thông tin về chiến dịch với càng ít người càng tốt.
Hình ảnh trong Trận Bulge thời Thế chiến II(Ảnh: Wiki)
“Sau khi thông tin tình báo được thu thập và phân tích, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi, đã chỉ đạo kế hoạch với chỉ một số sĩ quan cấp cao tham dự”, TRADOC cho biết. “Các phiên lập kế hoạch có thể được tiến hành trực tiếp để ngăn chặn nguy cơ các tác nhân mạng hoặc tình báo tín hiệu của Nga phát hiện ra kế hoạch. Các cuộc phỏng vấn báo chí với binh sĩ Ukraine cho thấy lực lượng tấn công đã không được thông báo, mà chỉ được biết chỉ vài giờ trước khi hành động”.
Để che giấu sự chuẩn bị của mình, Ukraine cũng sử dụng thông tin sai lệch, chẳng hạn như tung tin rằng quân đội Ukraine sẽ không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công trước mùa Xuân năm 2025. Ngay cả quân đội Ukraine cũng vô tình trở thành nạn nhân của thông tin giả này.
“Quân đội Ukraine thông báo Lữ đoàn cơ giới số 61 sẽ di chuyển đến Vovchansk, một thành phố ở khu vực phía Bắc của chiến trường miền Đông Ukraine”, TRADOC cho biết. “Ngay cả sau khi sư đoàn 61 được thông báo rằng họ sẽ tiến vào Nga, các sĩ quan cấp cao trong đơn vị vẫn cho rằng đó là một trò lừa bịp”.
Tương tự, thông tin về cuộc tấn công Ardennes – có mật danh là Chiến dịch Canh phòng sông Rhine (Wacht am Rhein) – chỉ được giới hạn trong một nhóm nhỏ các sĩ quan đã thề độc sẽ giữ bí mật. Các chuyên gia mật mã của quân Đồng minh đã phá được mã vô tuyến cấp cao của Đức (chương trình “Ultra”), nhưng quân Đức đã sử dụng chế độ im lặng vô tuyến và các mệnh lệnh được chuyển đi bằng hình thức chuyển phát nhanh và điện thoại.
Ngay cả cái tên “Canh phòng sông Rhine” cũng nhằm mục đích thuyết phục tình báo Đồng minh rằng đó là một kế hoạch phòng thủ nhằm ngăn chặn việc quân Đồng minh vượt sông Rhine vào Đức, chứ không phải tấn công.
Ukraine đã chuẩn bị cho cuộc tấn công của mình bằng cách “làm mù” ISR của Nga bằng các cuộc tấn công vào các sân bay của Nga, cũng như sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt các máy bay không người lái của Nga. Để trì hoãn phản ứng của Nga, Ukraine đã sử dụng tên lửa, máy bay không người lái và mìn nhằm vào các căn cứ không quân và trung tâm chỉ huy và kiểm soát, cũng như ngăn chặn quân tiếp viện của Nga.
Điều này cũng giống như cuộc tấn công cuối cùng của Đức quốc xã. Quân Đức lúc bấy giờ đã sắp xếp thời gian cho chiến dịch Ardennes trùng với thời tiết xấu kéo dài, khiến các máy bay trinh sát của Đồng minh phải dừng hoạt động. Vào buổi sáng ngập sương mù ngày 16/12/1944, một trận pháo kích lớn của Đức đã làm gián đoạn liên lạc của Mỹ, trong khi lính biệt kích Đức – mặc quân phục Mỹ – xâm nhập vào phòng tuyến của Mỹ để gieo rắc sự hỗn loạn và hoảng loạn.
Câu hỏi dành cho Ukraine là liệu chiến dịch của họ ở Kursk có tốt hơn Trận Bulge hay không. Thay vì đột phá làm thay đổi cục diện Thế chiến II, cuộc tấn công của Đức quốc xã cuối cùng lại sa lầy vì địa hình xấu, thiếu nhiên liệu và sự kháng cự quyết liệt của Mỹ.
Trong khi chiếm giữ được một số lãnh thổ của Nga và gây mất tinh thần ở Moscow, cuộc tấn công của Ukraine đã không thể chuyển hướng lực lượng Nga khỏi miền Đông Ukraine, và các cuộc phản công của Nga đang dần đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, Ukraine đã chỉ ra rằng các cuộc tấn công bất ngờ có thể xảy ra ngay cả trong thời đại máy bay không người lái.
“Việc Ukraine xâm nhập vào khu vực Kursk chứng tỏ rằng hoạt động bất ngờ vẫn có thể xảy ra trong cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách tránh và làm suy giảm ISR – một bài học có thể được áp dụng rộng rãi cho các hoạt động chiến đấu quy mô lớn trong tương lai ở các chiến trường khác”, TRADOC kết luận.
Lý do Nga tập trung tấn công đánh chiếm thị trấn Pokrovsk ở Đông Ukraine
Mặc dù Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk ở Nga, Moskva vẫn kiên trì với mục tiêu chiếm Pokrovsk.
Dưới đây là lý do Pokrovsk trở thành tâm điểm trong chiến lược quân sự của Nga.
Đối với Moskva, việc chiếm Pokrovsk không chỉ đơn thuần là một mục tiêu quân sự. Ảnh: Sputnik
Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 20/9, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra với những diễn biến phức tạp và khó lường. Dù Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk nhằm thu hút lực lượng Nga, Moskva vẫn kiên định với mục tiêu đánh chiếm Pokrovsk, một thị trấn ở miền Đông Ukraine. Vậy tại sao Pokrovsk lại trở thành tâm điểm trong chiến lược quân sự của Nga?
Tầm quan trọng của Pokrovsk
Pokrovsk, trước cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022, là một thị trấn với khoảng 60.000 dân, giữ vai trò là căn cứ hậu cần và trung tâm vận tải chính cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Pokrovsk nằm gần nhiều tuyến đường bộ và đường sắt giao nhau, cho phép dễ dàng di chuyển quân, lương thực và đạn dược đến các khu vực khác trên tiền tuyến.
Trận chiến giành Pokrovsk bắt đầu vào giữa tháng 2 năm nay khi quân đội Ukraine rút khỏi Avdiivka. Kể từ đó, lực lượng Nga đã tiến sâu hơn 20 km theo hướng Pokrovsk, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Việc chiếm được Pokrovsk không chỉ giúp Nga tăng cường kiểm soát miền Đông Ukraine mà còn đe dọa các tuyến tiếp tế của Ukraine.
Đối với Moskva, việc chiếm Pokrovsk không chỉ đơn thuần là một mục tiêu quân sự. Thị trấn này nằm cách biên giới hành chính của vùng Donetsk chỉ khoảng 20 km, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Nga để hoàn tất việc kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk và tỉnh Luhansk. Kể từ khi xung đột bắt đầu vào năm 2014, Điện Kremlin đã nhắm đến việc mở rộng quyền kiểm soát trong khu vực này, và Pokrovsk có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đó.
Ngoài ra, sự thất thủ của Ukraine ở Pokrovsk sẽ mang lại một lợi thế lớn cho Nga, tạo ra áp lực lên các khu vực phía Nam và miền Trung Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc xung đột sẽ diễn ra gần hơn với các khu vực dân cư đông đúc và hậu phương sâu, điều mà Kiev cần phải tránh bằng mọi giá.
Bất chấp việc Ukraine đã điều thêm quân tới khu vực Pokrovsk vào đầu tháng 9 năm nay, lực lượng Nga vẫn chưa chuyển hướng sang Kursk. Ngược lại, họ tiếp tục tấn công từ hai hướng, chiếm được Novohrodivka và tiến về phía Ukrainsk. Nếu Ukraine mất Pokrovsk, việc tiếp tế cho các khu vực khác ở miền Đông sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi mà chiến trường đã quá tải.
Trong khi đó, các cuộc pháo kích liên tục đã làm cho Pokrovsk gần như bị phá hủy, với chỉ khoảng 17.000 người còn lại sinh sống. Tuy nhiên, sự tồn tại của thị trấn này vẫn mang lại giá trị chiến lược lớn cho cả Ukraine và Nga, bởi nó đóng vai trò là một thành trì của mặt trận phía Đông.
Tóm lại, với vị trí chiến lược và tầm quan trọng quân sự, Pokrovsk sẽ tiếp tục là điểm nóng trong chiến lược của cả hai bên. Dù Kiev đã nỗ lực để thu hút sự chú ý của Nga ra khỏi thị trấn này, Moskva vẫn giữ vững quyết tâm kiểm soát Pokrovsk, biến nó thành một trận địa không thể thiếu trong bước tiến ở miền Đông Ukraine.
Nga chỉ ra khả năng EU tham gia vào kế hoạch tấn công Kursk Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể đã tham gia kế hoạch tấn công của Ukraine vào tỉnh biên giới Kursk của Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS "Theo bình luận của Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh...