Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến ở trung tâm công nghệ sôi động nhất Trung Quốc
Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến ở Thâm Quyến đã làm dấy lên những lo ngại mới về thị trường lao động của Trung Quốc mà các khu vực kinh tế lớn nhất của quốc gia này đang phải đối mặt.
Nhiều người trẻ tham dự hội chợ việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Thâm Quyến – thành phố lớn phía nam Trung Quốc, nổi tiếng với nền kinh tế tư nhân và công nghệ sôi động – đã chứng kiến mức thất nghiệp tăng 40% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu mới công bố từ các cơ quan cấp thành phố phụ trách nguồn nhân lực và an sinh xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố này cũng đã tăng 15% so với ba tháng cuối năm 2023.
Con số này tương đương với mức giảm 40.221 việc làm trong tổng lực lượng lao động 12 triệu người của Thâm Quyến.
Nguồn tin cho hay số lượng người thất nghiệp theo quý mới không bao gồm những người đã đăng ký thất nghiệp trước đó và nhiều vụ sa thải không được ghi chép hoặc không được báo cáo. Số liệu chính thức về những người thất nghiệp chỉ đánh giá một phần nhỏ trong tổng số người thất nghiệp.
Thất nghiệp đã trở thành một vấn đề trầm trọng làm lu mờ triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trước sự phục hồi kinh tế không đồng đều. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát trên toàn quốc là 5% vào tháng 5, tương đương với tháng trước và giảm 0,2 điểm phần trăm so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, giới chuyên gia ở Thâm Quyến cho rằng gia tăng tình trạng thất nghiệp chỉ là “sự cố tạm thời” trong căng thẳng việc làm của thành phố này.
Bà Wang Mei, nhà nghiên cứu chính sách công cấp cao tại Viện Phát triển Trung Quốc, nhận định: “Thị trường việc làm của Thâm Quyến rất cởi mở và năng động. Thành phố này là điểm thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học và những người tìm việc. Khi quá nhiều người đổ xô đến thành phố này, tỷ lệ thất nghiệp đã bị đẩy lên cao”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, bà Wang thừa nhận rằng phải mất thời gian để tìm được một công việc như ý và thường có sự không phù hợp giữa yêu cầu công việc và kỹ năng của người tìm việc.
Ngoài ra, bà cho rằng tại trung tâm công nghệ của Trung Quốc, các công việc có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi công nghệ so với các thành phố khác trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ra đời và phát triển mạnh mẽ. Quá trình chuyển đổi sang phát triển do công nghệ thúc đẩy cũng khiến một số công việc biến mất trước khi các cơ hội mới xuất hiện.
Người lao động tập trung đông đúc tại hội chợ việc làm gần đây ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Các nhà phân tích khác chỉ ra rằng bối cảnh việc làm ở Thâm Quyến đang thay đổi.
Theo ông Peng Peng, Chủ tịch điều hành tại Hội Cải cách Quảng Đông, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Quảng Châu, do quá trình số hóa và sự dịch chuyển của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, lĩnh vực dịch vụ của thành phố, bao gồm cả bán lẻ, đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc duy trì việc làm.
Ngành dịch vụ của thành phố, bao gồm cả bán lẻ, trước đây là ngành sử dụng nhiều lao động nhất, với tổng lực lượng lao động là 7 triệu người vào năm 2022. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất có 4,6 triệu việc làm trong năm đó.
Nhưng mức tăng trưởng doanh số bán lẻ ảm đạm, chỉ tăng 1% trong năm tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, là dấu hiệu cho thấy những khó khăn mà ngành dịch vụ và việc làm của Thâm Quyến đang phải đối mặt.
Ông Peng cảnh báo rằng tình hình thất nghiệp thực tế tại Thâm Quyến và trên khắp cả nước cần được chính quyền quan tâm và hành động nhiều hơn. “Có một số lượng đáng kể người thất nghiệp”, ông Peng cho biết.
Có những lo ngại rằng bức tranh thất nghiệp của Trung Quốc vẫn còn chưa rõ ràng, vì chỉ có những người thất nghiệp được ghi nhận hoặc khảo sát chính thức mới được thống kê.
Bắc Kinh đang hy vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, giúp thu hút số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học kỷ lục. Trung Quốc có khoảng 11 triệu người gia nhập thị trường việc làm ngày càng đông đúc, với nhiều người đang bị đình trệ công việc và phải làm việc bán thời gian.
“Chính phủ nên thúc đẩy một môi trường kinh doanh lý tưởng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài”, ông Peng nói.
Giáo sư Wang tại Viện Phát triển Trung Quốc cũng kêu gọi giới chức đưa ra các chính sách phục hồi doanh nghiệp để giải phóng tiềm năng tạo việc làm.
Trung Quốc đầu tư xây dựng siêu cảng ở Nam Mỹ khiến Washington lo ngại
Tại thị trấn thanh bình trên bờ biển Thái Bình Dương của quốc gia Nam Mỹ này, Trung Quốc đang xây dựng một siêu cảng có thể thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực giàu tài nguyên mà Washington từ lâu đã coi là sân sau của mình.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 12/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Đó là cảng trị giá 3,5 tỷ USD đang được xây dựng ở Chancay, Peru và được tài trợ bởi các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, cảng nước sâu Chancay quan trọng đối với Bắc Kinh đến mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến khánh thành vào cuối năm nay trong chuyến đi đầu tiên tới lục địa này kể từ sau đại dịch COVID-19.
Được sở hữu phần lớn bởi tập đoàn vận tải biển khổng lồ Trung Quốc, hay còn gọi là Cosco, cảng Chancay hứa hẹn sẽ tăng tốc thương mại giữa châu Á và Nam Mỹ, cuối cùng mang lại lợi ích cho những khách hàng ở xa như Brazil với thời gian đi tàu qua Thái Bình Dương ngắn hơn cho các chuyến hàng thương mại.
Khi các quốc gia trên thế giới bị tấn công bởi làn sóng hàng hóa giá rẻ mới do Trung Quốc sản xuất, cảng này có thể mở ra thị trường mới cho xe điện và các mặt hàng xuất khẩu khác của Bắc Kinh. Trung Quốc đã là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết Nam Mỹ.
Mỹ lo ngại rằng việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở nơi có thể trở thành trung tâm thương mại toàn cầu thực sự đầu tiên của Nam Mỹ sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của mình đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực, tăng cường ảnh hưởng đối với các nước láng giềng gần nhất của Mỹ và cuối cùng là triển khai quân ở gần đó.
Tướng Lục quân Laura Richardson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ, cho biết vào tháng trước tại một hội nghị an ninh của Đại học Quốc tế Florida: "Điều này sẽ tiếp tục giúp Trung Quốc dễ dàng khai thác tất cả các nguồn tài nguyên của khu vực, vì vậy đó là điều đáng lo ngại".
Các cựu quan chức Mỹ cho rằng dự án nêu bật "khoảng trống ngoại giao" mà Mỹ đã để lại ở châu Mỹ Latinh khi nước này tập trung nguồn lực ở nơi khác, gần đây nhất là ở Ukraine và Trung Đông.
Eric Farnsworth, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện lãnh đạo văn phòng của Hội đồng châu Mỹ ở Washington, D.C., cho biết: "Điều này làm thay đổi cuộc chơi. Nó thực sự tạo nền tảng cho Trung Quốc theo một cách mới quan trọng ở Nam Mỹ với tư cách là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu. Đây không chỉ là vấn đề thương mại mà còn là vấn đề chiến lược".
Nằm cách thủ đô Lima của Peru khoảng 80 km về phía Bắc, cảng trị giá 3,5 tỷ USD - được tài trợ bởi các khoản vay của ngân hàng Trung Quốc - sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu lớn nhờ độ sâu 18 m, mặc dù các cảng khác trong khu vực có khả năng xếp dỡ container lớn. Điều đó sẽ cho phép các công ty gửi hàng hóa trên những con tàu này di chuyển trực tiếp giữa Peru và Trung Quốc thay vì trên những con tàu nhỏ hơn trước tiên phải đến Mexico hoặc California.
Tập đoàn Cosco cho biết cảng Chancay hoàn toàn nhằm mục đích thúc đẩy thương mại. Gonzalo Rios, Phó Tổng Giám đốc Cosco tại Peru nói: "Đây là dự án thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển. Không có gì phải giấu ở đây cả".
Ngay sau khi cảng được đồng ý triển khai vào năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra những dự đoán về tương lai của Peru như một trung tâm thương mại giữa Trung Quốc và Nam Mỹ, với những gợi ý rằng nước này có thể giúp Bắc Kinh thực hiện các ưu tiên khác, chẳng hạn như liên kết cáp ngầm dưới biển. Một bài bình luận đăng trên tờ China Daily cho biết: "Peru có thể là điểm tựa cho một hành lang như vậy không chỉ vì vị trí địa lý mà còn vì mối quan hệ với Trung Quốc".
Peru đã gạt đi những lo ngại của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Peru Javier González-Olaechea nói rằng nếu Mỹ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Peru thì Washington nên tăng cường đầu tư, đồng thời nói thêm rằng "mọi người đều được chào đón" khi đầu tư vào Peru.
Ngoại trưởng González-Olaechea lưu ý trong một cuộc phỏng vấn: "Mỹ có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sáng kiến, nhưng không nhiều ở Mỹ Latinh. Họ giống như một người bạn rất quan trọng nhưng lại dành rất ít thời gian cho chúng tôi".
Trung Quốc: Trên 20 người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ Theo thông tin cập nhật, ngày 17/6, nhà chức trách Trung Quốc cho biết 9 người đã thiệt mạng và 17 người mất tích do lũ quét và lở đất vì mưa lớn tại hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Khu vực chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn tại thị trấn Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 16/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN...