Tỷ đô âm thầm chảy dưới băng giá BĐS
Hàng loạt các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS được thực hiện trong năm 2013 khiến thị trường này ngày càng trở nên hấp dẫn. Dự báo, xu hướng này tiếp tục sôi động trong thời gian tới khi có sự nhập cuộc của nhiều đối tác ngoại.
M&A bất động sản tăng nhiệt
Theo khảo sát, xu hướng M&A bất động sản năm 2013 tỷ lệ giao dịch thành công cao do giá giảm sâu và người mua cũng quyết tâm mua. Dòng sản phẩm chính của hoạt động M&A bất động sản năm 2013 là các hạng mục căn hộ, các dự án bình dân có giá dưới 17 triệu đồng/m2 và tiến độ sắp hoàn thành.
Trong khi, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội mua lại các khu văn phòng cho thuê, khu trung tâm thương mại thì nhà đầu tư trong nước lại chủ yếu mua các dự án nhà ở. Ngoài những giao dịch mua đứt dự án, thị trường xuất hiện xu hướng liên kết, hợp tác giữa công ty trong nước với nước ngoài, hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Trong đó, nhà đầu tư mới sẽ nắm cổ phần chi phối.
Vingroup lãi 4.000 tỉ nhờ bán Vincom Center A.(Ảnh: Vingroup)
Thương vụ ấn tượng nhất 2013 là dự án Vincom Centre A được Vingroup chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD). Thông tin này đã được Vingroup chính thức công bố vào đầu tháng 6 vừa qua. Tổng giá trị của thương vụ này xấp xỉ gần 10.000 tỷ đồng, đây được xem như thương vụ lớn nhất từ trước đến nay. Theo Vingroup, việc chuyển nhượng thành công dự án này đã đem về cho Tập đoàn khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 4.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, VinGroup cũng đã thiết lập một thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược với Warburg Pincus. Theo đó, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Warburg Pincus đã chi 200 triệu USD để mua 20% cổ phần Vincom Retail. Đây là khoản đầu tư ban đầu lớn nhất của một công ty cổ phần tư nhân đầu tư cho một công ty Việt Nam.
Đầu quý II vừa qua, thị trường cũng xôn xao với thông tin Gemadept bán tòa nhà văn phòng Gemadept Tower (số 6 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM) cho một đối tác tới từ Hàn Quốc với giá 940 tỷ đồng (45 triệu USD). Trước đó, hồi đầu năm, đối tác nước ngoài của dự án Park City là Perdana Park City (thuộc Tập đoàn Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia) cũng công bố sở hữu toàn bộ 100% dự án này.
Mới đây nhất là vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã chính thức ký hợp đồng về việc nhận chuyển nhượng 99% phần vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (Alaska Land) – chủ đầu tư dự án Alaska Garden City (Từ Liêm, Hà Nội), tương đương gần 300 tỷ đồng.
Một số đơn vị phát triển bất động sản trong nước có thế mạnh phát triển các sản phẩm căn hộ bình dân cũng đang đẩy mạnh thâu tóm. Điển hình, tại Hà Nội là những thương vụ thâu tóm của đại gia Lê Thanh Thản, ông chủ của những dự án chung cư giá rẻ như Xa La, Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ và hiện nay là VP5 Linh Đàm,… Tại TP.HC, Hoàng Quân và Đất Xanh cũng đã chuyển mô hình mua lại các dự án căn hộ, đất nền giá rẻ.
Ngoài những thương vụ mua bán được công bố thông tin, thị trường BĐS còn hàng loạt giao dịch đã diễn ra nhưng “trong vòng bí mật”.
Video đang HOT
Đón sóng ngoại binh
Nếu năm 2012 xu hướng các nhà đầu tư nội lấn át nhà đầu tư ngoại trong thu gom các dự án bất động sản, thì năm 2013 được đánh giá yếu tố ngoại sẽ chi phối chủ yếu hoạt động mua lại trên thị trường bất động sản.
Trong nửa đầu năm 2013, các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm phần lớn hoạt động M&A tại TP.HCM. Có thể kể đến một số thương vụ nổi bật như: Lotte Hotels & Resorts mua lại 70% Khách sạn Legend (quận 1, TP.HCM) từ Quỹ Cơ hội Việt Nam của VinaCapital trong một thỏa thuận trị giá 62,5 triệu USD.
Mapletree mua lại tòa nhà văn phòng CentrePoint (quận Phú Nhuận) trong một thương vụ trị giá 52-53 triệu USD. Trong một thương vụ khác cũng được báo cáo trên toàn thị trường, một công ty Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ mua lại cao ốc văn phòng tại quận 1, TP.HCM.
Trong khi, các nhà đầu tư Singapore chuộng dự án ở khu vực ngoại ô, Malaysia thì xây đô thị thì riêng nhà đầu tư Nhật Bản lại chọn khu vực trung tâm, những dự án có thể phát triển thành khu thương mại. Theo nhận định của Cushman&Wakefield (Việt Nam) các nhà đầu tư châu Á đang rất quan tâm đến tài sản thanh lý của Việt Nam, vì họ hiểu biết nhiều về thị trường như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore.
Một số nhà đầu tư trong nước cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhân cơ hội thị trường bất động sản trong nước đang giảm, tìm cách thôn tính những dự án của họ trong 2-3 năm tới.
Cơ hội lớn phía trước
Dự báo về thị trường M&A bất động sản vẫn có tiềm năng lớn. Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều lợi thế để mua lại những tài sản đang hoạt động, tọa lạc ở vị trí đắc địa. M&A bất động sản sẽ tiếp tục sôi động bởi sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại. Nhiều nhà đầu tư ngoại đang tiếp cận các chủ đầu tư để mua lại dự án với giá hời. Các nhà đầu tư sẽ quan tâm tới các dự án có địa điểm tốt, hồ sơ minh bạch, cấu trúc sở hữu hợp lý và giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số vướng mắc gây khó khăn cho hoạt động M&A, như: việc định giá của bên bán còn cao so với nhu cầu của bên mua; thủ tục pháp lý còn nhiêu khê, chưa thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là việc cấp phép đầu tư sau khi thương vụ M&A thành công.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình cải cách, vì vậy, thời gian tới sẽ càng minh bạch hơn, thị trường hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản. Thị trường càng khó khăn, cơ hội đầu tư càng nhiều. Những khó khăn, trở ngại cần được khai thông sớm để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực M&A đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong một báo cáo về thị trường M&A của Stoxplus nhận định về thị trường này 2 năm tới, cung cầu sẽ vẫn rất lớn, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rất lớn đến lĩnh vực bán lẻ, và quan ngại ở dự án nhà ở vì nguồn cung rất dồi dào.
Theo Duy Anh
Vietnamnet
Ai có tên trong 195 người Việt siêu giàu
Con số mới công bố về số lượng gần 200 người Việt siêu giàu cùng với khối tài sản lên tới 20 tỷ USD đã khiến nhiều người bất ngờ. Vậy ai là những người có túi tiền trên 30 triệu USD để được đứng trong danh sách này?.
Những người lộ diện trên sàn chứng khoán
Danh sách các thành viên "Câu lạc bộ siêu giàu" mới được một công ty tư vấn và một ngân nước ngoài công bố cho rằng, số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu (có từ 30 triệu USD trở lên) hiện đã lên tới 195 người, với tổng giá trị tài sản 20 tỷ USD, tăng khá nhiều so với 170 người và 19 tỷ USD một năm trước đó.
Trong khi số lượng người siêu giàu tại những nền kinh tế lớn mới nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Brazil đang sụt giảm, số người siêu giàu tại nước Đông Nam Á, nhất là tại Thái Lan và Việt Nam đang tăng khá mạnh.
Báo cáo không đưa ra danh sách và cách thức thu thập thông tin để đánh giá nhưng có thể các tổ chức nói trên thực hiện đánh giá của mình dựa trên các thông tin thu thập được trên TTCK, từ các ngân hàng và có thể từ chính báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Soi từ TTCK có thể thấy, với hơn 700 đơn vị niêm yết trên hai sàn chứng khoán, giới đầu tư biết đến hàng trăm cổ đông có tài sản quy từ cổ phiếu trị giá từ 2 triệu USD trở lên. Trong đó, nếu xét theo tiêu chí "siêu giàu" không dưới khoảng 20 người.
Đứng đầu trong danh sách này là ông Phạm Nhật Vượng, ông chủ tập đoàn Vingroup (VIC) - người có tài sản tính theo cổ phiếu VIC lên tới gần 18.000 tỷ đồng và theo xếp hạng của Forbes là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, vượt xa người đứng thứ 2 là ông Đoàn Nguyên Đức (HAG), một doanh nhân đang có gần 6.200 tỷ đồng.
Ngoài ông Vượng và ông Đức, TTCK còn biết đến 8 người đang sở hữu cổ phiếu có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên là: ông Trần Đình Long (cổ phiếu HPG), bà Phạm Thu Hương (VIC), bà Phạm Thúy Hằng (VIC), bà Nguyễn Hoàng Yến (MSN), ông Lê Phước Vũ (HSG), ông Hồ Hùng Anh (MSN), ông Hà Văn Thắm (OGC), bà Vũ Thị Hiền (HPG).
Những người có tài sản quy từ cổ phiếu trị giá từ 630 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 triệu USD) trở lên tới dưới 1.000 tỷ đồng bao gồm: ông Trần Phát Minh (STB), Trầm Trọng Ngân (STB), Nguyễn Văn Đạt (PDR), Đặng Thành Tâm (ITA, KBC, SGT, NVB), Trần Kim Thành (KDC), Dương Ngọc Minh (HVG), Trương Gia Bình (FPT), Trần Lệ Nguyên (KDC), Trần Thị Thu Diệp (HPG).
Nhưng nếu chỉ tính số tài sản thông qua cổ phiếu trên sàn thì lượng người siêu giàu vẫn còn ít. Mới bằng khoảng 10% so với con số đưa ra. Vậy phần lớn số lượng những người siêu giàu còn lại là những ai?
Phần chìm của tảng băng
Nền kinh tế Việt Nam trong vài năm gần đây gặp khá nhiều khó khăn nhưng sự tăng trưởng gần 15% về số người siêu giàu khiến nhiều người bất ngờ.
Tuy nhiên, TTCK đang ngày càng phát triển, số DN lên sàn đông hơn, các thông tin về những ông chủ lớn cũng công khai hơn. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã không còn quá e dè về việc phải công bố mức độ giàu có của mình... Đây có lẽ là một phần nguyên nhân khiến số lượng những đại gia giàu có lộ diện ngày càng nhiều hơn. Hàng loạt các danh sách thống kê người giàu như: người giàu... liên tục được công bố với số người ngày càng nhiều hơn.
Nếu vậy, thì số người giàu và số lượng người siêu giàu ở mức gần 200 người theo báo cáo nói trên có lẽ không còn quá ngạc nhiên. Và trên thực tế, trong vài năm gần đây, người dân cũng đã quá quen thuộc với rất nhiều đại gia, thiếu gia, tiểu thư... không thuộc bảng xếp hạng giàu có nào nhưng cũng sở hữu những chiếc siêu xe, nhà cửa... lên tới vài triệu USD.
Mức độ giàu có và số lượng người siêu giàu gấp 10 lần so với số lượng người mà tài sản của họ được cân đo đóng đếm, quy đổi thành tiền rõ ràng, mình bạch có lẽ cũng không khiến người dân nghi ngờ nhiều lắm về độ chính xác.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm gần đây, một bộ phận doanh nhân cho dù chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán nhưng được đánh giá rất giàu, thậm chí giàu hơn những người có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.
Bà Nguyên Thị Nga - lãnh đạo cao nhất của tập đoàn BRG, chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeABank; ông Vũ Văn Tiền - chủ tịch Tập đoàn Geleximco có dự án BĐS trải khắp khu vực miền Bắc và hàng loạt các dự án khủng khác như xi măng, bột giấy, nhiệt điện, khách sạn, trung tâm thương mại, ngân hàng... Hay như "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển, chủ dự án Tuần Châu với cả trăm công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới... được đồn đại có tài sản lên tới 2 tỷ USD.
Bên cạnh những gương mặt có lượng tài sản được đánh giá là rất khủng nói trên, giới đầu tư còn biết tới rất nhiều doanh nhân có thể lọt vào danh sách những người siêu giàu khác.
Có thể kể đến hàng loạt tên tuổi doanh nhân lớn như: ông Võ Quốc Thắng (ông chủ Đồng Tâm - DTG); ông Mai Hữu Tín (sở hữu vài chục DN và là phó chủ tịch ngân hàng Kiên Long); đại gia đất Thái Bình, ông chủ Bitexco, Vũ Quang Hội; ông Đặng Khắc Vỹ (cùng vợ đang nắm giữ 18,6% cổ phần của VIB Bank); Đỗ Minh Phú (DOJI); Đỗ Văn Bình (Sudico, chủ tịch CTCP Đại Dương)...
Bên cạnh đó là hoàng loạt cái tên rất nổi trên truyền thông như: Huỳnh Uy Dũng (KCN Sóng Thần 1,2,3); Lê Ân (đại gia khoe tài sản trên 2.000 tỷ đồng); Lê Thanh Thản (đại gia BĐS, chủ hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam); Lê Văn Kiểm (chủ sân golf Long Thành và gia đình ông là một trong những nhà đầu tư tư nhân Việt Nam lớn nhất tại Lào); Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy); vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Thanh (REE); bà Thái Hương (NH Bắc Á, TH True Milk); Trần Quý Thanh (ông chủ Dr Thanh, Tân Hiệp Phát)...
Điểm qua cũng thấy, dường như hầu hết người siêu giàu đều chưa xuất hiện chính thức qua sàn chứng khoán. Với 195 người Việt siêu giàu có tài sản lên tới 20 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức khoảng 2,2 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) của 19 người giàu nhất trên TTCK. Điều đó có nghĩa là còn gần 18 tỷ USD (hoặc hơn) của các doanh nhân giàu có khác, chưa kể những người chưa thống kê được. Đó chính là phần chìm của tảng băng trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo Mạnh Hà
Hoa Kỳ là một bạn hàng lớn của Việt Nam Chiều 10-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Kenneth Juster, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ và hiện là Giám đốc điều hành cấp cao toàn cầu của Quỹ Đầu tư Warburg Pincus. Hoan nghênh ông Kenneth Juster sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Hoa Kỳ...