Từ vụ Hứa Quốc Anh, nhìn lại loạt TikToker Việt bất chấp để câu view
Thông tin về TikToker Hứa Quốc Anh sản xuất video có nội dung phản cảm gây tranh cãi dữ dội những ngày qua.
Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên gây sốc trên MXH. Trước đó, nhiều TikToker vì muốn câu view đã liên tục khiến dư luận bức xúc về việc làm nội dung xấu và độc hại.
Xem xét xử lý TikToker Hứa Quốc Anh câu view phản cảm hình ảnh ở Angkor Wat
Những ngày gần đây, mạng xã hội Việt Nam và Campuchia đã vô cùng phẫn nộ do TikToker Hứa Quốc Anh đăng một clip quay bằng điện thoại di động tại Angkor Wat (Campuchia) nhưng lại ghép cờ hình cờ và vua Thái Lan.
TikToker Hứa Quốc Anh bị tẩy chay vì làm clip gây tranh cãi. Ảnh: CMH.
Theo đó, tài khoản TikTok Hứa Quốc Anh đã đăng clip một cô gái mặc bộ đồ màu hồng không phải trang phục truyền thống của Campuchia đi quanh ngôi đền Angkor Wat – Di sản được coi là linh thiêng và mang tính biểu tượng của Campuchia.
Đáng chú ý trong clip, Hứa Quốc Anh còn lồng ghép hình ảnh quốc kỳ và vua Thái Lan cũng như câu nói “Hello Thailand”.
Clip của Hứa Quốc Anh khiến nhiều người Campuchia bức xúc, chỉ trích hành động thiếu suy nghĩ của TikToker này, cho rằng người này đã xúc phạm đến đất nước họ.
Không chỉ cư dân mạng Campuchia, cộng đồng mạng Việt Nam cũng lên án hành động của nam TikToker. Nhiều người cho rằng Hứa Quốc Anh cố tình câu view, thu hút sự chú ý dư luận thông qua xây dựng nội dung “bẩn”.
Liên quan đến hình ảnh gây tranh cãi của TikToker Hứa Quốc Anh, chiều 16/11, trong buổi họp báo định kỳ của TP HCM, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin liên quan và sẽ xác minh, làm rõ.
Phát biểu tại họp báo, ông Hoàng Anh – Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM nói: “Hiện tại, Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM đã nắm thông tin. Khi có kết luận chính thức, Sở sẽ phối hợp và có ý kiến phù hợp đối với các vấn đề liên quan”.
Cũng liên quan đến vụ việc của TikToker Hứa Quốc Anh, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, vụ việc này ở địa bàn nước ngoài, cần xác minh từ nhiều phía. Sau khi xác minh, sẽ triển khai các bước theo quy định.
Hiện tại, tài khoản của TikToker Hứa Quốc Anh đã bị khóa, clip gây tranh cãi cũng đã bị xóa. Ngày 14/11, Hứa Quốc Anh đã đăng clip xin lỗi trên Facebook cá nhân. Anh này cho biết hành động của mình là sai. Trước đây, TikToker Hứa Quốc Anh từng bị chỉ trích nhiều lần vì đưa hình ảnh, phát ngôn sai về tôn giáo, văn hóa các dân tộc… khiến công chúng bức xúc.
Nhiều TikToker Việt bất chấp làm nội dung phản cảm để câu view
Trước vụ việc của TikToker Hứa Quốc Anh, không ít TikToker khác cũng từng bất chấp câu view, trục lợi, tạo ra một trào lưu xấu, độc hại với công chúng.
Theo đó, phải kể đến vụ việc Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm bay có thời hạn bằng đường hàng không đối với hành khách L.M.X.Y vì tạo dáng quay clip TikTok trên đường băng.
Cụ thể, vào ngày 18/5/2022, nữ hành khách L.M.X.Y đã cố ý không chấp hành quy định về an toàn, an ninh hàng không, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay. Khi chiếc xe bus chở khách từ nhà ga hàng không Phú Quốc ra máy bay vừa mở cửa, hành khách này đã rời khỏi xe bus để chạy ra tạo dáng quay clip.
Đáng chú ý, theo nội dung video, nữ du khách này cố tình thực hiện hành động tạo dáng quay clip trên đường băng để đưa lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem.
TikToker Nờ Ô Nô làm clip xúc phạm người nghèo gây bức xúc.
Hay như vụ việc TikToker Nờ Ô Nô khi làm từ thiện lại dùng những lời lẽ không đúng mực. Những câu nói sỗ sàng của thanh niên này khiến dư luận phẫn nộ thời gian dài như: ” Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Số khổ thì nó khổ vậy đó”…
Sau vụ việc này, TikToker Nờ Ô Nô cũng bị TikTok khóa kênh vì vi phạm quy chuẩn cộng đồng khi anh này có những ngôn từ miệt thị người nghèo. Sau đó, anh này cũng bị Sở Thông tin Truyền thông TP HCM xử phạt 7,5 triệu đồng.
Giữa tháng 5/2022, video với nội dung “chê con trai đi xe số” gây xôn xao trên nền tảng TikTok tại Việt Nam, Phương Nhung (22 tuổi) bỗng trở thành tâm điểm chỉ trích vì sự xuất hiện mở đầu trong video gây tranh cãi đó.
Video mà TikToker Hoàng Minh đăng tải có hình ảnh Phương Nhung đeo khẩu trang trả lời phỏng vấn về người đi xe số với những câu nói miệt thị người khác. Tuy nhiên, Phương Nhung nói âm thanh gốc của cô đã bị cắt và chèn vào một giọng nói lạ khác gây hiểu lầm.
Đầu năm 2023, ngay sau khi nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời, hàng trăm YouTuber, TikToker đổ xô tới nhà riêng, khu vực diễn ra tang lễ để tranh giành chỗ đứng, tất bật “sản xuất nội dung”. Nhiều người còn túc trực sẵn ở khu mộ của ông hoàng cải lương để ghi lại khoảnh khắc các nghệ sĩ tới thăm viếng…
Có thể thấy, bên cạnh những nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc, nhiều người vì bất chấp lợi nhuận, tăng lượt theo dõi đã sử dụng nhiều chiêu trò. Nguồn thu hấp dẫn khiến một bộ phận TikToker nhận quảng cáo bất chấp và sử dụng những nội dung bẩn để kiếm tiền, tăng tương tác và mức độ phủ sóng của bản thân.
TikToker Hứa Quốc Anh gây phẫn nộ trên mạng xã hội
TikToker Hứa Quốc Anh đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội khi quay clip ở đền Angkor Wat nhưng ghép cờ Thái Lan
Những ngày qua, mạng xã hội Việt Nam và Campuchia đã phẫn nộ do TikToker Hứa Quốc Anh đăng một clip quay bằng điện thoại di động tại AngKor Wat (Campuchia).
Theo đó, tài khoản TikTok của Hứa Quốc Anh đã đăng một clip mặc trang phục không phải của người Campuchia được quay tại AngKor Wat. Đáng chú ý, mạng xã hội Campuchia và Việt Nam phẫn nộ vì trong clip này, Hứa Quốc Anh lồng bài hát Thái kèm theo hình ảnh quốc kỳ và ảnh quốc vương Thái Lan.
Trong clip này, Hứa Quốc Anh cho biết khi anh này và một phụ nữ mua vé vào tham quan Angkor Wat thì bảo vệ tạm thu một số vật dụng và nói rằng không được mặc trang phục Thái chụp hình ở Ăngkor Wat. Mặc dù vậy, Hứa Quốc Anh và nhân vật nữ vẫn được vào đền sau đó clip xuất hiện trên mạng xã hội.
Kênh TikTok hơn 700.000 người theo dõi của Hứa Quốc Anh đã "bay màu"
Sau khi clip gây bão mạng, gây tranh cãi trên mạng xã hội thì tài khoản của Hứa Quốc Anh với hơn 707.000 người theo dõi và 19,8 triệu lượt thích đã bị TikTok khóa vĩnh viễn.
Sau đó, Hứa Quốc Anh đã lập tài khoản khác để giãi bày, xin lỗi. Tuy nhiên, cộng đồng mạng vẫn chưa dịu cơn thịnh nộ trước lời xin lỗi của nam TikToker này.
Tài khoản TikTok tên Jivit bức xúc: "Mình xem clip thấy rất bức xúc. Mình từng sống ở Campuchia nên mình biết, bất kể ai khi vào đền đều phải tuân thủ những quy định ở đền dù bạn là người Campuchia hay bất kỳ quốc gia nào. Khi vào đền, bảo vệ sẽ kiểm tra nếu phù hợp quy định thì mới cho vào đền. Kể cả các cặp đôi người Campuchia muốn vào đền chụp hình cưới cũng phải làm nhiều thủ tục, đầy đủ mới được phép và rất chuẩn mực".
Clip gây bão mạng và lời xin lỗi của nam Tiktoker
Theo Jivit, trang phục mà đội ngũ của Hứa Quốc Anh mặc cũng không giống ai, cũng không ra trang phục Thái mà cũng không giống bất kỳ quốc gia nào".
Trong khi đó, một tài khoản TikTok người Campuchia với hơn 400.000 người theo dõi đã lên tiếng: "Hai người này không phải lần đầu đến Angkor Wat. Lần trước cũng trang phục lòe loẹt không được cho vào nhưng lần hai vẫn cố vào quay cho bằng được rồi cắt ghép hình ảnh lá cờ nước khác. Tôi là công dân Campuchia, điều tôi lo lắng là thế giới sẽ hiểu rằng Angkor Wat là của một dân tộc".
TikToker người Campuchia mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xử lý việc này.
Sau khi cư dân mạng phản ứng mạnh mẽ, TikToker Hứa Quốc Anh nói rằng anh ta thật sự xin lỗi các bạn Campuchia và đất nước Campuchia.
"Tôi đã biết sai, tôi thật sự chân thành xin lỗi các bạn Campuchia và đất nước Campuchia, không bao giờ có chuyện này tái diễn một lần nữa. Kênh chính thống đã mất, clip cũng đã xóa trên tất cả các nền tảng. Quốc Anh xin chấm dứt hoàn toàn câu chuyện ở đây, không lập lại thêm một lần nào nữa. Tôi sẽ lấy hình ảnh đền Angkor khắc cốt ghi tâm rằng đền Angkor là của Campuchia và mãi mãi là của Campuchia..."
Angkor Wat lên tiếng
Cơ quan bảo vệ và quản lý quần thể di tích Angkor Wat (Apsara) của Campuchia tuyên bố rằng một đoạn clip ngắn quay ở Angkor Wat, hoàn chỉnh với âm nhạc và các bức ảnh cắt ghép đã được chỉnh sửa, gần đây được chia sẻ trên mạng xã hội. Apsara nhấn mạnh đoạn clip đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa, di sản phong phú của Campuchia.
"Apsara ngày 23-10 đã cấm một số khách du lịch nước ngoài có ý định chụp ảnh, quay clip với quần áo và một vài phụ kiện không phù hợp tại Angkor Wat" - Tờ Khmer Times ngày 14-11 dẫn thông báo của Apsara.
Cơ quan bảo vệ và quản lý quần thể di tích Angkor Wat cho biết sau đó họ đã kiểm tra và yêu cầu nhóm khách xóa một số hình ảnh. Cuối cùng, các thành viên trong nhóm đã sử dụng điện thoại di động để quay dựng hình ảnh trong và ngoài đền cho mục đích bất chính.
Apsara cũng đã yêu cầu mạng xã hội TikTok chặn việc phát tán các clip này, cũng như yêu cầu cộng đồng mạng không chia sẻ vì điều đó ủng hộ các việc làm tiêu cực. B.Hưng
Nam TikToker kinh doanh dầu gội
Ngoài công việc chụp ảnh, TikToker còn bán hàng trên mạng xã hội, anh này kinh doanh sản phẩm dầu gội. Khi mạng xã hội phẫn nộ, Hứa Quốc Anh làm clip cho rằng các nhãn hàng dầu gội đang "mượn gió bẻ măng" để dìm sản phẩm của anh ta. Hiện có một tài khoản Hứa Quốc Anh hơn 33.000 người theo dõi liên tục đăng clip đáp trả cư dân mạng.