- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Tư duy tích cực trong học tập

On 22/04/2014 @ 1:30 PM In Học hành

Khi được hỏi về phương pháp học tập, nhiều bạn học sinh cho rằng: vào lớp chú ý nghe giảng là đủ rồi, cần gì phải suy nghĩ, hoài nghi, tranh luận cho thêm "phiền phức". Quan niệm học tập như thế thật sai lầm, làm sao có thể tiến bộ được? Muốn tiến bộ trong học tập các bạn cần học với tinh thần tích cực cao. Cụ thể là: tích cực xử lý tài liệu, tích cực hoài nghi chất vấn, tích cực trả lời câu hỏi - làm bài tập...

Tư duy tích cực trong học tập - Hình 1

Tư duy tich cưc trong hoc tâp

Tích cực xử lý tài liệu học tập

Trong quá trình học tập, việc xử lý những thách thức từ bài học mới (tài liệu học tập) là rất quan trọng. Chuẩn bị kỹ bài mới là cách tốt nhất để vượt qua những chướng ngại trong việc chiếm lĩnh tri thức mới.

Khi chuẩn bị bài mới cần: sơ bộ nắm được nội dung cơ bản của bài học (nên tập trung vào việc trả lời các câu hỏi sau bài học); ôn lại những kiến thức cũ có liên quan, tìm mối liên hệ giữa kiến thức cũ và mới; nhận biết đâu là trọng điểm của bài học và đâu là điều mình chưa hiểu, cần phải nghe giảng; ghi tóm tắt suy nghĩ, cảm nhận, thắc mắc của mình về bài học đó,...

Tích cực hoài nghi, chất vấn

Học là nhằm đạt được mục đích mình đã chọn. Cho nên muốn có một kết quả học tập cao, người học phải luôn biết động não, tích cực suy nghĩ, hoài nghi, chất vấn, cần kết hợp chặt chẽ giữa tri thức cũ và tri thức mới, để có những nhận xét, đánh giá, kết luận sáng tạo; chứ không nên bằng lòng, quanh quẩn với những kết luận khuôn mẫu có sẵn trong sách.

Vì thế, tích cực tra cứu từ điển, tra cứu trên internet, hỏi ở thầy cô, ở bạn bè... cũng là một cách học rất thông minh. Ông bà ta từng khuyên rằng: "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học", cũng nhằm dụng ý đó.

Ngoài ra, khi đọc sách, chúng ta có thể dùng các kí hiệu để đánh dấu lên tài liệu như: cảm thấy mơ hồ dùng dấu chấm than (!), còn trong diện nghi vấn dùng dấu chấm hỏi (?), đánh dấu sao (*) cho những vấn đề quan trọng, cần đặc biệt lưu ý... Cách làm này sẽ giúp chúng ta tránh lan man khi đọc và tiết kiệm thời gian hơn khi cần tra cứu lại một vấn nào đó.

Tích cực trả lời câu hỏi, làm bài tập

Hệ thống các câu hỏi hay bài tập ở sau mỗi bài học trong sách giáo khoa là rất quan trọng. Vì vậy không thể bỏ qua nội dung này trong quá trình ôn bài cũ và chuẩn bị bài mới. Hệ thống các câu hỏi và bài tập này đều nhằm vào trọng điểm của bài học. Nó dẫn dắt người học từng bước chiếm lĩnh tri thức một cách có hệ thống.

Giải quyết được phần này trong mỗi bài học là cách tốt nhất để ta kiểm tra xem mình đã thật sự hiểu bài chưa? Việc tích cực trả lời các câu hỏi, giải các bài tập như thế sẽ giúp ta tiếp thu bài trên lớp thuận lợi hơn.

Tóm lại, học tập chính là hành trình gian khổ tìm tòi khám phá tri thức, tiếp cận chân lý. Đỉnh cao của sự học là tự học, tự nghiên cứu. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, các bạn cần học với tinh thần tự nguyện cao, cố truy tìm tận gốc, hỏi đến cùng, nắm thật chắc kiến thức. Đó chính là phẩm chất đáng quý nhất ở người đi học!

"Hỏi một câu chỉ dốt chốc lát. Nhưng không hỏi sẽ dốt nát cả đời" - Ngạn ngữ phương Tây.

Theo Vietnamnet


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/tu-duy-tich-cuc-trong-hoc-tap-20140422i1334938/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.