Truy tố nhóm đối tượng dùng hình ảnh dàn dựng “tống tiền” Cảnh sát giao thông
Cố tình để những tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng tại khu vực làm việc của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Hà và đồng bọn sau đó sử dụng những hình ảnh dàn dựng này để “ tống tiền” lực lượng bảo đảm an toàn giao thông.
Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra cáo trạng truy tố bị can Bùi Văn Hà (SN 1982, trú ở xã Tam Đồng, Mê Linh, Hà Nội) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo khoản 1, Điều 170- BLHS với khung hình phạt tù lên đến 5 năm.
Bị truy tố cùng tội danh trên còn có Trịnh Xuân Tiến (SN 1990), ở xã Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội; Nguyễn Văn Nam (SN 1991), trú xã Minh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc và Nguyễn Khắc Được (SN 1990), ở xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên.
Theo cáo trạng, Bùi Văn Hà quen các bị can còn lại thông qua nhóm Facebook “Giao thông Vĩnh Phúc” và “Luật giao thông”. Anh ta giới thiệu biết nhiều CSGT ở Vĩnh Phúc nên Tiến, Nam đã gửi hình ảnh CSGT cho Hà “nhận mặt” rồi tống tiền.
Lực lượng CSGT luôn phải căng mình để bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông
Vụ thứ nhất, ngày 18-6-2022, Nguyễn Khắc Được chuyển qua Zalo cho Hà hình ảnh anh H (SN 1989) – CSGT Công an TP Phúc Yên đang làm việc và trên bàn có 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Bị can Được nhờ Hà yêu cầu anh H phải chuyển 100 triệu đồng để “xử lý”.
Lo sợ, anh H đồng ý chi tiền nhưng cho rằng 100 triệu là quá nhiều nên sau nhiều lần thương lượng, con số được giảm xuống 80 triệu đồng. Tuy nhiên, Hà báo lại với bị can Được là CSGT chỉ đồng ý chi 60 triệu đồng.
Tối 27-6-2022, anh H đến nhà hàng Sông Quê ở TP Phúc Yên đưa cho Hà 80 triệu đồng rồi ngồi uống bia. Lát sau, cơ quan công an ập vào, bắt quả tang. Bị can Nguyễn Khắc Được ban đầu bỏ trốn nhưng ra đầu thú sau đó 2 tuần.
Cơ quan điều tra xác định, hình ảnh anh H với 4 tờ 500.000 đồng trên bàn do anh Nguyễn Đức Chuyền (ở Hưng Yên) chụp lại ngày 15-6-2022. Anh Chuyền đi ngược chiều, bị giữ lại nhưng “tự ý đặt 4 tờ tiền” lên trên bàn làm việc và chụp ảnh lại.
Cán bộ CSGT tên H sau đó “yêu cầu cất tiền” rồi chỉ nhắc nhở, cho anh Chuyền đi mà không lập biên bản. Anh Chuyền sau đó chuyển hình ảnh cho bị can Được nhưng không tham gia cưỡng đoạt nên không bị xử lý hình sự. CSGT tên H cũng được xác định không có hành vi “Nhận hối lộ”.
Video đang HOT
Với nhóm bị can Tiến và Nam, cáo trạng thể hiện ngày 21-6-2022, Nam gắn camera bí mật như cúc áo rồi phóng xe máy ra đường, cố tình không mang giấy phép lái xe, bảo hiểm dân sự và đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai.
Nam sau đó bị tổ CSGT TP Phúc Yên do cán bộ tên K làm tổ trưởng dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ. Bị can không nói gì, lục ví rút 4 tờ tiền 500.000 đồng để lên bàn làm việc của anh K, rồi đứng dậy lấy xe máy phóng đi.
Nam kể chuyện trên cho Tiến rồi thống nhất cùng đe dọa, buộc nhóm CSGT vừa “bắt mình” phải đưa tiền. Tiến sau đó gửi hình ảnh có được cho bị can Hà và hứa hẹn nếu thành công sẽ chia cho 2 triệu đồng.
Đến lượt mình, Hà gửi hình ảnh cho cán bộ K, yêu cầu đưa 80 triệu đồng nếu không sẽ đăng video có được lên mạng xã hội. Số tiền sau đó được giảm xuống 40 triệu, anh K đã chuyển khoản cho bị can.
Hà gọi cho Tiến nhưng nói chỉ lấy được 35 triệu đồng, trừ phần của mình rồi chuyển lại 33 triệu. Tiến thông báo số tiền này cho Nam và cũng tự trừ 2 triệu phần mình, nói sẽ đưa 31 triệu đồng còn lại.
Khi biết Hà bị bắt ngày 27-2-2022 trong vụ án liên quan tới bị can Được, Tiến và Nam ra đầu thú sau đó khoảng 1 tuần.
Liên quan, cán bộ CSGT tên K khai, sau khi để 2 triệu đồng lên bàn, bị can Nam “lợi dụng thời điểm tổ công tác bận xử lý nhiều người” và không có ai trông xe để “tự ý rời đi”. Khi biết có tiền trên bàn, anh K đã báo cáo lãnh đạo rồi cùng đại diện UBND TP Phúc Yên lập biên bản. Do vậy, vị CSGT này không bị xử lý hình sự.
Cựu Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình tiếp tục bị truy tố trong vụ gây thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Phương Bình (SN 1959, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" gây thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.
Cùng bị truy tố về tội danh trên là các bị can: Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C); Nguyễn Đức Tài (SN 1968, cựu Giám đốc DAB Sở Giao dịch); Nguyễn Thị Ngọc Vân (cựu Phó Tổng Giám đốc DAB); Nguyễn Văn Thuận (SN 1959, cựu Phó Giám đốc DAB Sở Giao dịch); Vũ Thị Thanh Hoa (SN 1981, cựu Trưởng phòng Tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB); Nguyễn Chí Công (SN 1979, cựu Phó trưởng Phòng Tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB) và Trần Hoài Ân (SN 1985, cựu cán bộ Phòng Tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB).
Quá trình điều hành DAB, từ năm 2007 đến 2013, Trần Phương Bình thực hiện nhiều hành vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng. Cơ quan tố tụng giải quyết vụ án qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, bị can Trần Phương Bình và đồng phạm đang phải chấp hành án phạt tù.
Giai đoạn 2, liên quan trực tiếp đến 7 khoản vay của nhóm Công ty M&C khiến DAB thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, nhóm Công ty M&C gồm 5 pháp nhân là: Công ty Ngôi Sao, Công ty Liên Phát, Công ty Phát Vạn Hưng, Công ty Biển Bạc và Công ty Minh Quân.
Khi các khoản vay đã đến hạn và nguồn tài chính cạn kiệt, Phùng Ngọc Khánh đã trao đổi với Trần Phương Bình sử dụng nhóm doanh nghiệp trên đứng tên vay tiền tại DAB để trả nợ.
Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình.
Trần Phương Bình đồng ý và yêu cầu Phùng Ngọc Khánh thế chấp quyền sử dụng đất diện tích 62.044,82m 2, thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú (quận 2, TP Hồ Chí Minh) và thống nhất giá trị của tài sản này là 2.100 tỷ đồng.
Để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay và hợp tác tài sản bảo đảm chung cho 5 khoản vay, Phùng Ngọc Khánh lập khống hợp đồng chuyển giao khu đất trên cho Công ty Liên Phát, chỉ đạo các giám đốc đứng danh lập khống hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các công ty trong nhóm M&C.
Trần Phương Bình chỉ đạo các cán bộ DAB tiếp nhận hồ sơ và tài sản đảm bảo mà không phải thẩm định tài sản và phương án kinh doanh.
DAB sau đó đã giải ngân 1.680 tỷ đồng đối với 5 hợp đồng vay vốn cho nhóm M&C. Sau khi được giải ngân, các pháp nhân này đã dùng để trả nợ cho các khoản vay của Công ty cổ phần M&C...
Kết quả xác minh về tài sản đảm bảo cho thấy, chủ đầu tư khu đất 7,6 ha là Công ty TNHH Đại Tín. Năm 2008, Công ty Đại Tín ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần M&C để thực hiện dự án trên. Năm 2010, dự án đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận về nguyên tắc thực hiện.
Tuy nhiên, do quá thời hạn thực hiện dự án, năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn thu hồi dự án trên và giao cho Công ty Phát Tiến thuê đất. Vì vậy, Công ty cổ phần M&C không có quyền đầu tư dự án này.
Kết quả điều tra còn xác định, Công ty Đại Tín không đồng ý cho Công ty cổ phần M&C thế chấp dự án và không biết việc Công ty cổ phần M&C ký hợp đồng với các công ty khác.
Theo kết luận định giá tài sản thì chỉ có 41.961m2 đất là đáp ứng điều kiện về thế chấp, bảo lãnh, tương ứng với giá trị gần 80 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản vay trên không có tài sản đảm bảo nào khác, khách hàng vay không có hoạt động kinh doanh và cũng không có khả năng tài chính.
Tính đến nay, dư nợ của 5 khoản vay trên khiến ngân hàng thiệt hại hơn 5.055 tỷ đồng, gồm nợ gốc và lãi.
Ngoài hành vi trên, cơ quan tố tụng còn làm rõ việc Trần Phương Bình cho Công ty cổ phần M&C vay hơn 146 tỷ đồng trái quy định, khiến DAB thiệt hại hơn 462 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2009, để xoay vốn cho Công ty cổ phần M&C, Phùng Ngọc Khánh phải tìm nguồn vốn vay tại Ngân hàng TMCP An Bình với hình thức phát hành trái phiếu. Khánh đã nhờ Bình chỉ đạo DAB phát hành thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu để gửi Ngân hàng TMCP An Bình.
Trị giá bảo lãnh tối đa là 120 tỷ đồng, thời hạn 3 năm, tài sản đảm bảo là hơn 2,6 triệu cổ phần Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, thuộc sở hữu Công ty cổ phần M&C. Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, Công ty cổ phần M&C không có tiền trả nên DAB phải cho vay bắt buộc.
Trong khi đó, Công ty cổ phần M&C không đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu và đề nghị DAB bảo lãnh thực tế chỉ là phương thức để vay vốn ngân hàng. Công ty cổ phần M&C không sử dụng tiền thu được để đầu tư dự án mà để trả nợ và dùng vào mục đích khác.
Cơ quan tố tụng xác định, việc bị can Trần Phương Bình và các cán bộ DAB phê duyệt, phát hành thư bảo lãnh thanh toán là vi phạm Điều 4 Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính Phủ về điều kiện phát hành trái phiếu.
Trong vụ án này, bà Châu Thị An Bình (Phó Giám đốc Phòng Sản phẩm dịch vụ - Khối Khách hàng doanh nghiệp DAB) lập tờ trình bảo lãnh thanh toán trái phiếu cho Công ty cổ phần M&C để trình Trần Phương Bình ký.
Quá trình điều tra, bà Châu Thị An Bình đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố vụ án giai đoạn 1. Kết quả điều tra chưa làm rõ hành vi, trách nhiệm của bà Châu Thị An Bình nên cơ quan điều tra tách hành vi liên quan của bà Châu Thị An Bình để xem xét, xử lý sau.
Trước vụ án này, bị can Trần Phương Bình đã bị xử lý ở nhiều vụ án khác nhau cũng liên quan đến hoạt động ngân hàng với tổng mức án phải chấp hành chung là tù chung thân.
Truy tố 2 anh em xâm hại tình dục bé gái quen qua Facebook Hai anh em thông qua Facebook quen một bé gái và cả hai nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục với bé gái này. VKSND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Văn Phương (38 tuổi) về các tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi...