Trung Quốc ở đâu trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine Covid-19?
Các loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng sau khi các loại vaccine của phương Tây bào chế cho kết quả hứa hẹn.
Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 . (Nguồn: SCMP)
Các công ty dược phẩm Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chứng minh rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 mà họ đang thử nghiệm là có tác dụng, sau khi dữ liệu sơ bộ về 3 loại vaccine do phương Tây bào chế cho thấy kết quả hứa hẹn.
AstraZeneca và Đại học Oxford mới đây cho biết, vaccine Covid-19 tiềm năng của họ có hiệu quả từ 62-90%, gia nhập hàng ngũ cùng 2 loại vaccine khác của phương Tây cũng đã cho kết quả khả quan. Kết quả này có thể cho phép Mỹ và các quốc gia khác cấp phép quản lý và lên kế hoạch phân phối tiêm chủng rộng rãi.
Từng dẫn đầu và bị vượt mặt
Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 và đã khởi động các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 7/2020, gần như cùng lúc với các hãng bào chế vaccine của phương Tây là Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, dường như nỗ lực này của Bắc Kinh đang gặp phải trở ngại khi những câu hỏi về tính hiệu nghiệm và an toàn được đặt ra.
Theo Nikkei Asia , 11 vaccine tiềm năng trên toàn thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, 4 trong số đó là của Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu ráo riết phát triển vaccine vào tháng 1/2020, chủ yếu thông qua Sinovac và tập đoàn Sinopharm khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước.
Ngày 17/11, chuyên san y khoa The Lancet của Anh đăng một nghiên cứu về tính hiệu nghiệm của vaccine tiềm năng thuộc sở hữu của Sinovac dựa trên các thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Nghiên cứu nhận thấy, vaccine của công ty này tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn so với lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục. Tính hiệu quả được xác định là vừa phải.
Ngược lại, các vaccine tiềm năng từ các công ty Pfizer và Moderna đặt trụ sở tại Mỹ được xác định có hiệu quả hơn 90%, trong khi vaccine của công ty AstraZeneca ở Anh có mức độ hiệu quả tổng thể là 70%.
Giám đốc cao cấp Meng Weining của Sinovac phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 20/11 rằng, các thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac đang diễn ra suôn sẻ. Ông Meng Weining tuyên bố: “Có thể tháng sau chúng tôi sẽ có sẵn dữ liệu”.
Nhật báo Phố Wall dẫn lời các chuyên gia y tế công cho biết lý do khiến Trung Quốc phải chờ đợi kết quả lâu hơn là vì các quốc gia nơi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm kiếm tình nguyện viên như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Brazil, không chứng kiến Covid-19 lây lan nhanh như ở Mỹ, nơi thử nghiệm chủ chốt của các nhà sản xuất vaccine hàng đầu của phương Tây.
Các hãng phát triển vaccine của Trung Quốc phải ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vì Covid-19 hầu như đã được kiểm soát ở Trung Quốc từ hàng tháng qua. Các đối thủ phương Tây cũng đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, dù họ đã tuyển mộ hàng chục nghìn tình nguyện viên ở Mỹ và Vương quốc Anh, nơi Covid-19 vẫn đang tác động nặng nề. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không được tiếp cận những nơi như vậy trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Ông Pierre A. Morgon, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của CanSino Biologics, công ty đang hợp tác với quân đội Trung Quốc phát triển vaccine, cho biết, các công ty như AstraZeneca và Pfizer có lợi thế hơn các công ty phát triển vaccine Trung Quốc trong việc thiết lập các thử nghiệm lâm sàng quốc tế, bởi vì họ có nhiều nhân viên giỏi chuyên môn hơn để tiến hành thử nghiệm cũng như các mối quan hệ với các cơ quan quản lý nước ngoài. Ông Morgon nói với Nhật báo Phố Wall rằng CanSino dự kiến sẽ cho kết quả tạm thời vào đầu năm sau và từ chối bình luận thêm.
Tăng tốc thử nghiệm lâm sàng
Ba công ty của Trung Quốc là Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở ít nhất 13 quốc gia. Những quốc gia đó sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu vaccine thành công.
Tháng 9/2020, UAE đã tiến hành tiêm vaccine Trung Quốc cho các nhân viên y tế. Nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ kết quả lâm sàng ở giai đoạn cuối để bắt đầu tiêm chủng ngoài các cuộc thử nghiệm. Vaccine Covid-19 của Sinopharm đã được tiêm cho gần một triệu người Trung Quốc mà không có bằng chứng vững chắc về tính hiệu nghiệm của vaccine này.
Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sinovac cũng đang được tiến hành ở Brazil. Các nhà nghiên cứu giúp tiến hành các thử nghiệm đó cho biết, họ hiện có 74 trường hợp Covid-19 được xác nhận trong số những người tham gia, đủ để thực hiện một phân tích tạm thời và kết quả sẽ được công bố vào tháng 12 tới.
Một phát ngôn viên của Sinovac cho biết, thời gian để công bố thông tin phụ thuộc vào đội ngũ ở Brazil và “quy trình khoa học” chứ không phải “sự tự nguyện của con người”. Tuy nhiên, một số nước đang hoãn việc phê chuẩn vaccine của Trung Quốc vì thiếu bằng chứng lâm sàng.
Bà Penny Lukito, người đứng đầu cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia, nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp tuần trước rằng cơ quan của bà sẽ trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine của Sinovac cho đến cuối tháng 1/2021, thời điểm họ hy vọng sẽ có kết quả tạm thời từ các thử nghiệm đang diễn ra.
Bà Lukito cho biết, cơ quan của bà đã không thể lấy được dữ liệu lâm sàng từ Brazil. Các thử nghiệm lâm sàng của Sinovac ở Indonesia đã bắt đầu hồi tháng 8/2020, muộn hơn so với các thử nghiệm ở Brazil và kết quả tạm thời từ thử nghiệm ở Indonesia dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 1/2021.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đặt mua trước hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của 6 hãng dược phẩm , nhưng trong số này không có vaccine nào của Trung Quốc và Nga. Theo giải thích của Ủy ban châu Âu (EC), Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra là phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu.
Ông Stephan De Keersmaecker, phát ngôn viên về y tế công cộng, an toàn thực phẩm và giao thông của EC, nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông Stephan De Keersmaecker, “nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ châu Âu, việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn”.
Vaccine Covid-19 của Sinopharm được tiêm cho gần một triệu người Trung Quốc. (Nguồn: ABC News)
Sputnik-V của Nga cũng đang chạy nước rút
Sputnik-V do hãng dược Gamaleya của Nga bào chế sẽ có đợt giao hàng đầu tiên ngay từ tháng 1/2021 cho các nước Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Vaccine của Nga có ưu điểm là có thể được sản xuất tại 4 nước khác và cất trữ ở nhiệt độ 2 và 8°C. Cùng với các đối tác, Nga có thể cung cấp cho thế giới trong giai đoạn đầu lên đến 500 triệu liều.
Tuy nhiên, theo báo Le Monde (Pháp), mặc dù đã có những tuyên bố trấn an của lãnh đạo các hãng dược Nga, giới nghiên cứu châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi về các bước bào chế, quy trình thử nghiệm, kể cả khâu tuyển người tình nguyện… cho vaccine Sputnik-V.
Bên cạnh đó, cũng giống như Trung Quốc, việc Nga chọn nuôi cấy virus Ad5 (Adeno 5) để gia tăng khả năng miễn dịch khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Phương pháp này đã từng gặp thất bại trong việc nghiên cứu vaccine ngừa SIDA năm 2007, thay vì ngăn chặn HIV, vaccine được bào chế từ Ad5 còn tạo thuận lợi cho virus HIV xâm nhập cơ thể.
Ông John Moore, nhà nghiên cứu thuộc Weill Cornell Medical College, đã nói với tạp chí Science rằng, “tất cả những điều đó cho thấy có một sự hấp tấp, nhưng không có nghĩa là vaccine sẽ không có hiệu quả”.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Trung Quốc đã tiêm ngừa cho một triệu người dân và sẽ bán hàng trăm triệu liều khác cho các nước như Morocco, Algeri hay Brazil trong khi châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi làn sóng dịch bệnh đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tàn phá nền kinh tế.
Mặt khác, Nga thông báo đã tiêm ngừa cho hơn 400.000 binh sĩ và loan báo Sputnik-V “dễ dàng sử dụng và đáng tin cậy như khẩu kalachnikov”.
Vaccine Covid-19 Trung Quốc tạo kháng thể thấp
Vaccine CoronaVac của Sinovac cho thấy tính an toàn, tuy nhiên lượng kháng thể ở người nhận vaccine thấp hơn so với bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục.
Dữ liệu được công bố hôm 17/11 trên tạp chí khoa học hàng đầu Lancet, cho thấy kết quả vaccine sinh kháng thể thấp ở cả hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Sinovac vẫn tin rằng vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả và đủ khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, hai hãng Moderna và Pfizer cho biết kháng thể ở người tiêm vaccine Covid-19 của mình trong các cuộc thử nghiệm cao hơn so với bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Kết quả bước đầu của hai đơn vị này đã khiến Sinovac "yếu" hơn trong cuộc đua hiệu quả của vaccine trong giai đoạn ba.
Thomas Campbell, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Colorado, cho rằng mức độ kháng thể thấp trong thử nghiệm giai đoạn hai của Sinovac là một điều đáng lưu tâm. Kết quả này cũng đặc biệt khi so sánh với mức độ tạo kháng thể với vaccine Moderna và Pfizer trong cùng giai đoạn thử nghiệm.
Thử nghiệm giai đoạn một của Sinovac khởi động hồi tháng 4, với hơn 140 người tham gia. Giai đoạn hai bắt đầu vào tháng 5 với 600 tình nguyện viên. Đối tượng tham gia nghiên cứu có độ tuổi 18-59, tại một quận của Giang Tô, miền Nam Trung Quốc. Tất cả đều không có tiền sử mắc Covid-19, chưa đi đến các khu vực có nguy cơ nhiễm cao và không có dấu hiệu sốt tại thời điểm tham gia.
Chuyên viên làm việc tại phòng thí nghiệm của hãng dược Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, tháng 9/2020. Ảnh: Reuters
Trong giai đoạn một, 23 người trong số 96 người tiêm vaccine gặp tác dụng phụ nhẹ, như đau tại vị trí tiêm. Một người bị phát ban nghiêm trọng và hồi phục sau ba ngày sau điều trị. Ở giai đoạn hai, cơ thể tạo kháng thể nhanh chóng, đáp ứng tiêm ngừa vaccine Covid-19, tuy nhiên lượng kháng thể thấp hơn so với bệnh nhân đã hồi phục.
Thử nghiệm giai đoạn ba của Sinovac đang được thực hiện tại Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 24.000 tình nguyện viên. Người phát ngôn của Sinovac cho biết công ty không thể đưa ra tỷ lệ hiệu quả sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn ba ngay lập tức, vì chưa đủ ca mắc Covid-19 trong quần thể nghiên cứu. "Chúng tôi cần thêm một số trường hợp nhiễm để phân tích dữ liệu", ông cho hay.
Campbell cho rằng Moderna và Pfizer có thể sớm cung cấp kết quả sơ bộ của giai đoạn ba một phần bởi sự leo thang dịch tại Mỹ, khiến số trường hợp mắc Covid-19 trong quần thể nghiên cứu đủ để phân tích.
CoronaVac do công ty Sinovac nghiên cứu là một trong 11 ứng viên dẫn đầu trên toàn cầu, đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn ba. Hồi tháng 9, công ty Sinovac cho biết sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 vào đầu năm 2021 trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành của Sinovac, Yin Weidong, người đã tiêm vaccine thử nghiệm, cho biết rằng ông tin tưởng CoronaVac đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Mỹ và Liên minh châu Âu. Ông nói: "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp vaccine cho thế giới".
Vaccine Pfizer là sản phẩm đầu tiên thế giới hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba với hiệu quả 95%. Vaccine Moderna vẫn trong thử nghiệm giai đoạn ba song hiệu quả sơ bộ ghi nhận là 94,5%. Vaccine Sputnik của Nga cũng được tuyên bố hiệu quả 92%, tuy nhiên các dữ liệu nghiên cứu không được công bố chi tiết.
Trung Quốc chính thức gia nhập sáng kiến vaccine COVID-19 Trung Quốc cho biết nước này chính thức tham gia sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu. Hôm 9/10, Trung Quốc cho biết nước này đã tham gia sáng kiến vaccine COVID-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, trở thành nền kinh tế lớn nhất cho đến nay...