- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Trung Quốc làm gì khi các láng giềng đang ‘liên kết lại’?
On 26/05/2013 @ 12:21 AM In Thế giới
Các nước láng giềng của Trung Quốc đang cùng giúp đỡ nhau để chống lại sự bành trướng của "nước lớn mới nổi" này. Trung Quốc sẽ làm gì trước tình thế này?
Tờ ANTĐ dẫn theo Chinanews đưa tin, ngày 22/5 vừa qua, trong cuộc hội đàm với ngoại trưởng Philippines Del Rosario, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã khẳng định, Nhật sẽ đẩy nhanh tiến độ bàn giao 10 tàu tuần tiễu cho Philippines nâng cao khả năng tác chiến biển Đông.
Theo các nguồn tin cho biết, 10 tàu tuần tiễu (loại 40m) này được Nhật Bản cung cấp cho Philippines theo phương thức viện trợ phát triển của Chính phủ (ODA). Tháng 4/2012, tại Hội nghị hiệp thương quốc phòng và ngoại giao tổ chức tại Washington, Mỹ và Nhật đã xác định sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của chính phủ Nhật Bản để cũng cấp tàu tuần tiễu cho các quốc gia châu Á và Philippines chính là nước đầu tiên được nhận quy chế này. Dự tính, chi phí đóng 1 chiếc tàu loại này vào khoảng hơn 1 tỷ yên Nhật.
Biên đội tàu tuần tiễu của Nhật Bản.
Trong cuộc hội đàm ngày 22/5, ngoại trưởng Nhật và Philippines đã xác nhận 2 bên sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch để ngay trong năm nay có thể bàn giao tàu. Ngoại trưởng Fumio Kishida hy vọng có thể nhanh chóng nâng cao thực lực tác chiến của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Nhật sẽ giúp Philippines huấn luyện thủy thủ và bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật.
Nếu như được gia cố vỏ thép, tàu tuần tiễu sẽ trở thành một chiến hạm thực thụ. Chính vì vậy, Bắc Kinh đã cho rằng, Tokyo cung cấp loại tàu này cho Philippines là vi phạm "3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí" do chính tay họ soạn thảo tháng 4/1967, đặc biệt là nguyên tắc Nhật sẽ không xuất khẩu vũ khí sát thương cho bất cứ quốc gia nào.
Hồi tháng 6/2006, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Koizumi quyết định nới lỏng việc thực hiện 3 nguyên tắc này, sử dụng nguồn vốn ODA cung cấp cho Indonesia 3 tàu tuần tiễu có vũ trang. Đây là lần đầu tiên Tokyo sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ để cung cấp vũ khí cho một nước khác.
Thời điểm đó, Nhật nói rằng, nước này cung cấp vũ khí để Indonesia chống hải tặc, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển. Hành động này là hợp pháp, không vi phạm "3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí".
Tiếp theo đó, tháng 12/2012, Chính phủ Nhật lại một lần nữa "lách" qua khe hở của 3 nguyên tắc này để cung cấp tàu tuần tiễu cho Philippines, với lí do cung cấp tàu tuần tra để nước này sử dụng cho các "hoạt động chung quốc tế".
Giới quan sát nhận định,dường như các nước láng giếng của Trung Quốc đang liên kết lại để cùng "chống chọi" lại sức mạnh Trung Quốc, khi thời gian qua Trung Quốc gây hấn với hầu hết các nước láng giềng.
Đi đầu trong phong trào "liên kết" này là Nhật Bản, khi Nhật có các bước đi thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực. Ngoài quan hệ đồng minh truyền thống với Hàn Quốc, hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du tới Nga sau 10 năm lãnh đạo cấp cao hai nước không "qua lại". Chuyến đi có nội dung chính là giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, nhưng một mục tiêu khác cũng được nhắc tới là Nhật muốn Nga tham gia nhiều hơn vào những tranh chấp trong khu vực.
Mới nhất, cách nay hai tuần, trong một động thái đầy bất ngờ với tất cả các nước, một cố vấn cao cấp của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tới thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên, mục đích chuyến đi được nói tới là giải quyết vấn đề con tin Nhật Bản bị bắt cóc. Ngay sau đó chính Thủ tướng Abe lên tiếng muốn được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Còn ở biên giới phía Nam của Trung Quốc, Ấn Độ cũng có các bước đi để hạn chế sức mạnh Trung Quốc. Mới nhất, ngày 20/5, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thẳng thừng từ chối ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp hầu hết các đảo trên biển Đông.
Các nguồn tin cho biết, Bắc Kinh toan tính tranh thủ đưa vào Tuyên bố chung Ấn - Trung nội dung: Những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương thuộc vấn đề nội bộ giữa các bên và nên do các bên tranh chấp tự giải quyết, các nước khác như Mỹ không nên tham dự.
Tuy nhiên Thủ tướng Ấn Độ đã kiên quyết bác bỏ điều này, ông khẳng định "khu vực Thái Bình Dương" mà Bắc Kinh muốn đưa vào Tuyên bố chung là một vùng biển quốc tế.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Myanmar Thein Sein cũng có chuyến công du Mỹ và hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, lâu nay Myanmar vẫn được xem là "sân sau" của Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác, cuộc đối đầu Trung Quốc - Philippines ở Bãi Cỏ Mây - Trường Sa tiếp tục căng thẳng. Động thái căng thẳng mới nhất liên quan đến tranh chấp chủ quyền với các đảo, bãi ngầm trên Biển Đông, Philippines tuần này lên án "sự hiện diện khiêu khích và bất hợp pháp" của tàu chiến và đội tàu cá Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Philippines chiếm đóng bất hợp pháp và Trung Quốc cũng lên tiếng đòi chủ quyền trên bãi cạn này).
Sau khi phía Trung Quốc bác bỏ sự phản đối này và ngang nhiên khẳng định chủ quyền với Bãi Cỏ Mây, nơi có nhiều rạn san hô và ngư trường phong phú, Manila hôm qua, 23/5, đã có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối sự Bắc Kinh.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu vì những gì thuộc về chúng tôi cho tới người lính cuối cùng", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói với các phóng viên khi được hỏi liệu Philippines có cúi đầu trước đe dọa của Trung Quốc và rút quân ra khỏi bãi ngầm này hay không.
Tuy nhiên, ông Gazmin cho biết, Philippines chưa có ý định gửi thêm quân tiếp viện tới đây và hiện chưa xảy ra cuộc đối đầu nào giữa hai bên tại Bãi Cỏ Mây kể từ khi các tàu Trung Quốc tới khu vực vào đầu tháng này.
Theo vietbao
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/trung-quoc-lam-gi-khi-cac-lang-gieng-dang-lien-ket-lai-20130526i792363/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.