Trung Quốc cấp phép ba loại thuốc Đông y điều trị COVID-19
Cục Quản lý Sản phẩm Y tế quốc gia Trung Quốc (NMPA) ngày 4/3 thông báo đã phê duyệt 3 sản phẩm y học cổ truyền của Trung Quốc được phép bán để điều trị bệnh COVID-19 .
Các loại thuốc y học cổ truyền đã được Trung Quốc sử dụng kết hợp từ rất sớm trong thời kỳ đầu dịch COVID-19 ở Vũ Hán. Ảnh: BBC
Theo CNN, cơ quan trên đã sử dụng một thủ tục phê duyệt đặc biệt đề “bật đèn xanh” cho ba sản phẩm y học cổ truyền (TCM), nhằm “cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho việc điều trị COVID-19″.
Các sản phẩm trên đều là thảo dược dạng hạt và có nguồn gốc từ “các bài thuốc cổ của Trung Hoa” – tuyên bố của NMPA cho biết. Chúng được phát triển từ các phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền vốn đã được sử dụng từ sớm trong trận dịch ở Hồ Bắc, Trung Quốc, và đã được “sàng lọc bởi nhiều học giả và chuyên gia trên tuyến đầu”.
Cũng theo thông báo trên, ba sản phẩm vừa được cấp phép là “hạt làm sạch và giải độc phổi”, “hạt giải độc và khử ẩm” và “hạt khuếch tán và giải độc phổi”.
Tính an toàn và hiệu quả của y học cổ truyền trong điều trị COVID-19 đến nay vẫn còn đang được tranh luận tại Trung Quốc, nơi có cả những người đã áp dụng và những người hoài nghi.
Mặc dù nhiều phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã được sử dụng trong hàng trăm năm qua, các nhà phê bình cho rằng không có bằng chứng khoa học có thể kiểm chứng cho thấy những lợi ích được cho là của TCM.
Những năm gần đây, nhiều bài thuốc cổ xưa đã nhiều lần được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi là niềm tự hào dân tộc. Ông Tập vốn là một người nổi tiếng ủng hộ chữa trị bằng y học cổ truyền.
“Y học cổ truyền là kho báu của nền văn minh Trung Quốc, thể hiện trí tuệ của quốc gia và dân tộc”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị quốc gia về y học cổ truyền vào tháng 10/2019. Trong suốt trận dịch thời kỳ đầu ở Hồ Bắc, ông Tập đã nhiều lần khuyến cáo các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bằng kết hợp giữa Đông y và các loại thuốc Tây y.
Các nhà chức trách Trung Quốc ca ngợi liệu pháp y học cổ truyền đã giúp ngăn chặn các triệu chứng của COVID và hạn chế bùng phát dịch. Ảnh: CNN
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hàng chục nghìn bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị bằng thảo dược cùng với thuốc kháng virus chính thống vào năm ngoái.
Bà Yu Yanhong, Phó Cục trưởng Cục Y học Cổ truyền Trung Quốc, cho biết vào tháng 3/2020: “Bằng cách điều chỉnh sức khỏe toàn bộ cơ thể và cải thiện khả năng miễn dịch, các sản phẩm y học cổ truyền có thể giúp kích thích khả năng đề kháng và phục hồi của bệnh nhân, đây là một cách trị liệu hiệu quả”.
Theo bà Yu, trong một thử nghiệm lâm sàng trên 102 bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ ở Vũ Hán, được điều trị kết hợp so với nhóm đối chứng gồm những bệnh nhân chỉ dùng thuốc Tây, tỷ lệ hồi phục của “nhóm Đông Tây y kết hợp” cao hơn 33%.
Vào cuối tháng 3/2020, Trung Quốc đã phần lớn kiểm soát được đợt dịch nghiêm trọng ở Vũ Hán. Và mặc dù họ tiếp tục trải qua các đợt bùng phát thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau, con số ca bệnh và tử vong vẫn ở mức thấp và cuộc sống hàng ngày đã trở lại. Các hạn chế được dỡ bỏ, cho phép mọi người đi du lịch khắp đất nước.
Các nhà chức trách ca ngợi các liệu pháp y học cổ truyền đã giúp ngăn chặn các triệu chứng của COVID và hạn chế bùng phát dịch.
Vào tháng 1 năm nay, có tới 60.000 liều thuốc y học cổ truyền đã được gửi đến lực lượng cảnh sát tuyến đầu để bảo vệ họ khỏi COVID-19.
Một số tỉnh, bao gồm Cát Lâm và Hà Bắc, còn thực hiện “Kế hoạch Phòng chống với y học cổ truyền”, cho phép kê đơn thuốc Đông y cho bệnh nhân COVID.
Giờ đây, các nhà chức trách đang tìm cách mở rộng ngành công nghiệp này, ước tính đạt hơn 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (430 tỷ USD) vào năm 2020.
Trung Quốc đặt mục tiêu đào tạo 100.000 chuyên gia về y học cổ truyền trong vòng 10 năm tới và thực hiện các biện pháp như chương trình giảng dạy y học cổ truyền trong trường học. Nhiều trung tâm phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền sẽ được xây dựng, một số có trung tâm nghiên cứu lâm sàng.
Y học cổ truyền là một thế mạnh của Trung Quốc, với nhiều bài thuốc cổ được lưu truyền trong dân gian từ hàng nghìn năm. Ảnh: Chinadaily
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã quảng bá rộng rãi về y học cổ truyền. Hãng tin Tân Hoa đưa tin rằng y học cổ truyền đã mang đến nguồn “hy vọng” cho người Mỹ gốc Hoa ở New York khi hệ thống y tế công cộng của thành phố này gần sụp đổ, và các biện pháp tương được Kuwait áp dụng để điều trị cho COVID.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu đã khuyến cáo không nên sử dụng các biện pháp thảo dược truyền thống để điều trị COVID-19 trên trang web của mình, nhưng sau đó nội dung này bị xoá do “quá chung chung”.
Một số người trong cộng đồng y sinh nói rằng WHO đã bỏ qua độc tính của một số loại thuốc thảo dược và thiếu bằng chứng cho thấy nó có tác dụng, trong khi những người ủng hộ quyền động vật cho rằng trị liệu bằng y học cổ truyền sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho các loài động vật như hổ, tê tê, gấu và tê giác, những loài có nội tạng hoặc bộ phận cơ thể được sử dụng trong điều trị bệnh.
Trung Quốc gây bức xúc vì xét nghiệm nCoV qua hậu môn
Người nước ngoài tới Trung Quốc bày tỏ khó chịu với cách xét nghiệm nCoV qua hậu môn mà họ cho là "bất tiện" và "gây tổn thương tâm lý".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết một số thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thanh Đảo đã yêu cầu xét nghiệm nCoV qua hậu môn đối với nhiều người đến từ nước ngoài, bên cạnh phương pháp xét nghiệm lấy dịch hầu họng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, du khách tới Thượng Hải phải thực hiện đầy đủ các xét nghiệm nCoV, bao gồm cả phương pháp lấy mẫu từ hậu môn, nếu chuyến bay của họ có trên 5 người dương tính virus. Những người tới từ các vùng ghi nhận nhiều ca nhiễm cũng phải thực hiện phương pháp xét nghiệm này.
Toàn bộ khách nước ngoài tới Trung Quốc không bắt buộc làm xét nghiệm nCoV qua hậu môn, song một nhân viên của cơ quan kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Kinh cho biết khách quốc tế đến thủ đô đã phải dùng phương pháp này.
"Nếu mọi người không quen với quy trình lấy mẫy xét nghiệm nCoV từ hậu môn, nhân viên của chúng tôi sẽ giúp giải thích cách thực hiện", nhân viên y tế nói.
Du khách tại sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 28/1. Ảnh: Reuters.
Giới chức Trung Quốc hồi tháng một tuyên bố phương pháp lấy mẫu xét nghiệm nCoV từ hậu môn có thể hiệu quả hơn phương pháp lấy dịch hầu họng thông thường, do virus có thể tồn tại lâu hơn trong hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, phương pháp này đã khiến các du khách nước ngoài tới Trung Quốc khó chịu vì sự "bất tiện" hay hệ quả tâm lý, dẫn tới tranh cãi liệu có nhất thiết phải lấy mẫu xét nghiệm nCoV qua hậu môn hay không.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato hồi đầu tháng đã kêu gọi Trung Quốc ngừng lấy mẫu xét nghiệm nCoV qua hậu môn sau khi nhiều công dân Nhật phải chịu "nỗi đau tâm lý nặng nề".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-Sam trong khi đó cho biết công dân của họ có thể tự nộp mẫu để xét nghiệm nCoV từ hậu môn thay vì để "giới chức Trung Quốc trực tiếp lấy".
Truyền thông Mỹ tháng trước cũng dẫn lời các quan chức ngoại giao nước này, cho biết đã phải làm xét nghiệm nCoV qua hậu môn tại Trung Quốc, dù họ thuộc diện được miễn trừ. Bắc Kinh ngay lập tức bác thông tin này.
Trung Quốc không phải nơi duy nhất thực hiện xét nghiệm nCoV qua hậu môn. Vùng Galicia, tây bắc Tây Ban Nha, cũng áp dụng phương pháp này với bệnh nhân nhập viện, trẻ sơ sinh hay những người không thể lấy dịch hầu họng do vấn đề sức khỏe.
Nhật muốn Trung Quốc ngừng xét nghiệm nCoV qua hậu môn 12 Mỹ phản đối Trung Quốc xét nghiệm nCoV qua hậu môn Trung Quốc bác tin buộc quan chức Mỹ xét nghiệm nCoV qua hậu môn
Trung Quốc, Nam Phi tịch thu hàng nghìn liều vaccine Covid-19 giả Cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi thực hiện nhiều vụ triệt phá cơ sở làm giả vaccine Covid-19, tịch thu hơn 5.000 liều. Tại Trung Quốc, cảnh sát bắt 80 người tại một công xưởng bị cáo buộc làm giả vaccine, phát hiện ít nhất 3.000 liều. Tại Nam Phi, cảnh sát bắt ba công dân Trung Quốc và một công dân...