Trung Quốc cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng vì những rủi ro y tế và vấn đề đạo đức.
Quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân . Họ cho rằng lệnh cấm là phân biệt đối xử và có thể tước đoạt quyền sinh con của phụ nữ.
Ở Trung Quốc , các công nghệ hỗ trợ thụ thai phần lớn được sử dụng để giúp những phụ nữ kết hôn có vấn đề sinh sản. Những quy định từ năm 2015 cấm phụ nữ độc thân tiếp cận với các phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đông lạnh trứng tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, đàn ông độc thân được quyền đông lạnh tinh trùng hợp pháp để sử dụng về sau.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, việc lấy trứng là thao tác xâm lấn có thể gây rủi ro về mặt y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Họ cũng trích dẫn các vấn đề đạo đức, các hoạt động lợi dụng buôn bán trứng của phụ nữ. Mang thai hộ là hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Ủy ban cho biết đang xem xét đưa ra quy định cấm phụ nữ độc thân có quyền đông lạnh trứng và điều trị IVF vào luật. Theo cơ quan này, phụ nữ độc thân muốn đông lạnh trứng chỉ đơn giản là để trì hoãn việc sinh con, vấn đề gây tranh luận mạnh mẽ trên thế giới và trong giới học thuật.
“Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra tỷ lệ thành công của công nghệ sinh sản giảm xuống khi tuổi của phụ nữ tăng lên. Ở Mỹ và châu Âu, các chuyên gia cũng khẳng định công nghệ đông lạnh trứng được thương mại hóa mang lại hy vọng lầm tưởng cho phụ nữ – những người nghĩ rằng có thể trì hoãn việc sinh con ở độ tuổi già hơn”, báo cáo của ủy ban cho hay.
Ngày càng nhiều phụ nữ độc thân muốn trữ đông lạnh trứng để chờ sinh nở khi gặp người chồng hoàn hảo. Ảnh: G uardian
Tuyên bố củng cố quan điểm cấm đoán của Ủy ban Y tế Quốc gia được đưa ra sau đề xuất cho phép phụ nữ chưa kết hôn tiếp cận công nghệ để “đảm bảo quyền bình đẳng” của nhà cố vấn chính sách, luật sư Peng Jing tại một hội nghị chính trị.
Tuyên bố đã gây tranh luận sôi nổi. Nhiều người dùng mạng xã hội lo ngại các quy định này là nỗ lực thúc đẩy phụ nữ trẻ kết hôn và sinh con sớm. “Rõ ràng là họ chỉ muốn phụ nữ có con sớm”, một người bình luận.
Khả năng sinh sản của phụ nữ vốn là chủ đề gây tranh cãi ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Tỷ lệ sinh ở nước này giảm xuống thấp nhất vào năm 2019 sau 60 năm kể từ năm 1990.
Những năm gần đây, giới chức khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con nhưng nhiều phụ nữ từ chối điều này vì nhiều lý do. Họ gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời phù hợp, chi phí nuôi con cao và độc lập hơn về tài chính. Xu hướng này đã thúc đẩy ngày càng nhiều nữ giới tìm cách đông lạnh trứng của họ.
Một bác sĩ sản phụ khoa ở Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, bênh vực quan điểm của Ủy ban Y tế. Ông cho rằng chính sách này được áp dụng phần lớn để ngăn chặn nạn mang thai hộ và bán trứng.
Tuy nhiên, luật sư Dong Xiaoying ở Quảng Châu, nhận định phụ nữ nên được toàn quyền đánh giá rủi ro của việc này, thay vì ủy ban đưa ra quyết định cho họ.
Theo ông Dong, hiện nhiều phụ nữ Trung Quốc giàu có, vẫn có thể đi du lịch nước ngoài để đông lạnh trứng. “Đối với những cô gái độc thân có tiềm lực tài chính, họ có thể làm điều này ở Mỹ hoặc châu Âu. Dù quy định có hạn chế hay không thì nhu cầu vẫn tồn tại”, Dong nói.
Theresa Xu (áo xanh) bên ngoài Tòa án quận Triều Dương ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP
Năm 2019, Theresa Xu, 30 tuổi, là người đầu tiên gửi đơn kiện Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh vì đã từ chối đông lạnh trứng cho cô, để cô có thể sinh con khi tìm được người bạn đời phù hợp.
Xu mong muốn chính phủ thảo luận cởi mở thêm về vấn đề này. “Ngày nay, các công nghệ hỗ trợ sinh sản được áp dụng trên toàn thế giới . Các nước cũng đưa ra luật để quản lý vấn đề này, chứ không cấm đoán hoàn toàn”, cô nói.
Xu cho biết thêm, quyết định của chính phủ ngăn phụ nữ độc thân đông lạnh trứng vì lo ngại thương mại hóa là không hợp lý, vì hiện tại, nhiều người vẫn bán trứng và mang thai hộ bất hợp pháp, bất chấp nỗ lực cấm đoán.
Vụ kiện của Theresa Xu vẫn đang được xét xử.
Phụ nữ Trung Quốc bị cấm theo học nhiều nghề
Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào giới tính khiến các nữ sinh Trung Quốc gặp thiệt thòi khi nhiều chuyên ngành chỉ nhận một số ít nữ giới hoặc chỉ cho phép nam giới vào học.
Ở Trung Quốc, từ lâu đã tồn tại lệnh cấm phụ nữ theo học một số chuyên ngành ở trường đại học hay theo đuổi những ngành nghề nhất định, theo Sixth Tone.
Cho đến cuối tháng 1, Bộ Giáo dục Trung Quốc mới ra quy định mới, hạn chế vấn đề này.
"Ngoại trừ một số trường hợp đặc biêt liên quan đến các trường thuộc khối quân đội, quốc phòng và công an, những đại học khác sẽ không được quy định tỷ lệ giới tính khi tuyển sinh sinh viên", thông báo mới cho hay.
Nhiều trường đại học Trung Quốc chỉ áp dụng tuyển sinh viên nam đối với một số chuyên ngành. Ảnh: Sixth Tone.
Mặc dù quy định mới được hoan nghênh, nhiều người vẫn bày tỏ sự thất vọng, nói rằng một số chương trình học vẫn tiếp tục là lĩnh vực dành riêng cho đàn ông, thay vì cả hai giới được phép tham gia. Họ chỉ trích sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại.
Giữa luồng tranh cãi, một nhóm vận động bình đẳng giới phát động chiến dịch trên mạng xã hội và gửi thư ngỏ đến 1.000 đại biểu của Ủy ban Nhân dân Quốc gia (NPC), yêu cầu đưa ra đề xuất thay thế trong kỳ họp tới.
Trong lá thư của mình, nhóm vận động nói rằng 18 trường trong 116 trường thành viên của Dự án 211 - nhóm các trường đại học ưu tú của Trung Quốc - có những chuyên ngành giới hạn số lượng hoặc hoàn toàn không tuyển sinh viên nữ.
Các chuyên ngành này chủ yếu liên quan đến an ninh công cộng, hàng không, hàng hải và quân đội.
Zhang, người đứng đầu chiến dịch, bày tỏ hy vọng rằng các cơ quan quản lý sẽ hủy bỏ tất cả quy định mang tính phân biệt giới trong giáo dục.
"Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều chuyên ngành chỉ tuyển sinh viên nam, dù ngành học không yêu cầu đến sức mạnh thể chất. Thể chất cũng không nên là cái cớ để loại bỏ nữ giới", Zhang bày tỏ.
Nhóm vận động bình đẳng giới gửi thư đến 1.000 đại biểu, đề nghị cắt bỏ mọi chỉ tiêu dựa trên giới tính trong quá trình thi tuyển đại học. Ảnh: AP.
Từ năm 2009, số lượng sinh viên nữ tốt nghiệp nhiều hơn sinh viên nam ở các trường đại học của Trung Quốc. Nhưng các chương trình học trong nước vẫn còn nặng tính phân biệt giới tính.
Ví dụ, kỹ thuật và khoa học vẫn là hai ngành do nam giới thống trị, còn các chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật hay giảng dạy lại quá chú trọng đến nữ giới một cách không cân đối.
Sự mất cân bằng giới tính không chỉ ở môi trường giáo dục mà còn cả ở việc làm. Dữ liệu gần đây cho thấy rằng rất ít công việc an ninh công cộng dành cho phụ nữ, với những lý do phổ biến là môi trường làm việc không phù hợp, thường xuyên phải đi lại và khối lượng nặng.
Ma, một nữ sinh cấp 3 đến từ tỉnh Cam Túc, nói ước mơ của cô là theo học ngành Tội phạm học tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh) nhưng bày tỏ sự thất vọng khi biết chỉ tiêu cho nữ giới ở mức ít ỏi.
"Điểm chuẩn đối với các ứng viên nam thấp hơn 10-100 điểm so với các ứng viên nữ. Một số khoa chỉ tuyển sinh viên nam. Nhiều nữ sinh có trình độ tốt hơn nam giới, nhưng họ thậm chí không có cơ hội học tập", Ma nói.
Ngay các cơ quan quản lý giáo dục ở Trung Quốc cũng mang nặng tư tưởng phân biệt giới. Tháng trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc gây ra phản ứng dữ dội bằng cách tán thành ý kiến rằng đất nước đang phải trải qua một "cuộc khủng hoảng nam tính" và vấn đề có thể được giải quyết bằng việc bắt nam thanh niên tăng cường luyện tập nhiều hơn.
Bà nội trợ truyền cảm hứng vì 'dứt áo' đi phượt khắp Trung Quốc Mệt mỏi sau nhiều năm sống "vì người khác", Tô Mẫn dứt khoát bỏ đi, khởi động hành trình truyền cảm hứng cho hàng triệu bà nội trợ Trung Quốc. Tô Mẫn, 56 tuổi, chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ cảm nhận được tự do như thế này. Bà cuối cùng cũng lấy lại được chiếc ô tô màu trắng Volkswagen Polo...