- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Trung – Ấn nối lại tình xưa
On 11/09/2012 @ 10:31 AM In Thế giới
Chuyến công du của tướng Lương Quang Liệt đến New Delhi được khu vực và thế giới đặc biệt chú ý, bởi đây lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua, một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đến thăm Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt bắt tay người đồng cấp chủ nhà A.K. Antony trước một cuộc hội đàm tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, hôm 4/9. Ảnh: AFP
Chuyến thăm này đánh dấu sự tan băng trong mối quan hệ lạnh giá về quốc phòng giữa hai nước láng giềng, là bước đi để xây dựng lòng tin giữa hai quân đội. Người ta không trông đợi các bước đột phá trong chuyến công du 5 ngày của ông Lương, bởi hai bên còn khác biệt lớn trong nhiều vấn đề, từ căng thẳng gia tăng ở biên giới, tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi bên, cũng như các bất đồng trên Biển Đông.
"Họ giống như hai con nhím", C. Uday Bhaskar, học giả thuộc Viện Hàng hải quốc gia Ấn Độ, nhận xét trên tờ Los Angeles Times. "Họ muốn làm bạn với nhau, nhưng chỉ có thể nhích về phía nhau từng tí một".
Quả thật, trong 90 phút hội đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng Lương và A.K. Anthony, hai bên đồng ý tăng cường tiếp xúc cấp cao, ổn định an ninh biên giới và "duy trì hoà bình ổn định" trong khu vực.
Hai bên đã đồng ý là họ bất đồng trong hầu hết các vấn đề, ông Srikanth Kondapalli, giáo sư Trung Hoa học tại Đai học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, bình luận. Hai bên đồng ý tái lập các cuộc tập trận chung chống khủng bố, và trình diễn máy bay. Tất cả những điều này đều chỉ là trao đổi cấp thấp, không hề có sự chia sẻ về chiến thuật, kịch bản hay chiến lược như trước kia.
"Có một chuyện đùa hồi năm 2007 rằng rong cuộc tập trận chung ở Côn Minh, quân đội Ấn Độ dạy yoga cho đồng ngũ Trung Quốc, còn các bạn chủ nhà thì dạy võ cho khách", ông kể. "Một số người đặt câu hỏi vì sao phải đưa quân đến tận Côn Minh để làm việc đó".
Vì sao không tin
Mối quan hệ quân sự Trung - Ấn trong những năm từ 2004 đến 2008 đã được cải thiện nhưng sau đó bị xấu đi do nghi ngờ của Ấn Độ đối với các hành động và chính sách của Trung Quốc trong khu vực Jammu & Kashmir (J&K) thuộc quyền kiểm soát của Pakistan.
Trên Eurasia Review, ông B. Raman, giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, trung tâm nghiên cứu đối ngoại Ấn Độ, liệt kê những điều khiến New Delhi bất bình. Thứ nhất, Trung Quốc không muốn cấp thị thực bình thường cho một sĩ quan cao cấp của lục quân Ấn Độ đóng tại Jammu & Kashmir khi ông này dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự thăm Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ cử một sĩ quan đóng ở J&K làm trưởng đoàn trong một chuyến thăm trao đổi giữa quân đội hai nước. Việc làm này của Trung Quốc đã trực tiếp dẫn đến việc đóng băng quan hệ giữa quân đội hai nước trong một thời gian.
Thứ hai là mối lo ngại của Ấn Độ đối với việc Trung Quốc tuyên bố và trên thực tế công nhận chủ quyền của Pakistan đối với khu vực Gilgit-Baltistan (GB) hiện đang là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thứ ba, giới quân sự Ấn Độ lo ngại việc biên chế một số nhân sự trong những sư đoàn công binh của Giải phóng quân (PLA) vào hai khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và GB để nâng cấp đường cao tốc Karakoram cũng như bổ sung thêm lực lượng cho các sư đoàn bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị công binh của Trung Quốc ở những nơi đó.
Giới phân tích Ấn Độ cho rằng Bộ Quốc phòng và quân đội Trung Quốc đóng một vài trò quan trọng trong việc định hướng chính sách của Trung Quốc đối với những vấn đề liên quan đến J&K. Họ cho rằng những hành động của Trung Quốc đã không đếm xỉa đến tính nhạy cảm và lo lắng của phía Ấn Độ chứng tỏ có một số nhân tố ủng hộ Pakistan trong bộ máy hoạch định chiến lược của Trung Quốc.
Phía Ấn Độ hiện còn nghi ngờ đối với những ý đồ và khả năng của Trung Quốc tại Khu tự trị Tây Tạng (TAR) và các khu vực Tân Cương tiếp giáp với J&K. Phía Ấn Độ cho rằng ngoài việc tăng cường mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ việc triển khai quân tại TAR, phía Trung Quốc còn nâng cấp, đa dạng hóa và tăng độ phức tạp và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực TAR từ tháng 10 năm 2010 đến nay. Những cuộc tập trận này vừa mang ý nghĩa nội địa vừa có ý nhằm vào Ấn Độ.
Ấn Độ đặc biệt chú ý đến thành phần không quân Trung Quốc tham dự vào các cuộc tập trận ở khu vực TAR này. Một câu hỏi luôn đặt ra đối với phía Ấn Độ là tại sao lực lượng không quân của Trung Quốc ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn ở Tây Tạng? Chắc chắn là để đối phó với khả năng nổ ra một cuộc xung đột với Ấn Độ. Với các nhà hoạch định chiến lược quân sự Ấn Độ thì cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 giữa hai nước vẫn còn là một chuyên đề nóng bỏng. Cho đến nay quân đội hai nước vẫn có những vụ chạm mặt nhau trên tuyến biên giới dài hơn 2.400 km.
Bộ trưởng Lương duyệt đội danh dự sau cuộc gặp với người đồng cấp chủ nhà hôm 4/9. Ảnh: AFP
Thăm dò
Trong cuộc gặp giữa hai bộ trưởng, họ còn trao đổi tình hình khu vực và quan hệ Trung Mỹ và Ấn-Mỹ. Một chủ đề được các nhà phân tích chú ý nhất là mối quan tâm và hoạt động của hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Các chuyên gia Ấn cho rằng mối quan tâm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương thể hiện trên hai phương diện: Thứ nhất là tăng cường quan hệ cung ứng quốc phòng nhằm tạo ra một sự lệ thuộc về thiết bị quốc phòng của Trung Quốc cho các nước ở khu vực Thứ hai là đẩy mạnh vai trò của Trung Quốc trong xây dựng cảng nước sâu ở khu vực, nằm trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc.
Trong khi đó phía Trung Quốc cũng băn khoăn lo lắng về sự phát triển quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ trong thời gian gần đây, nhất là về khả năng liên minh giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra cho các chiến lược gia Trung Quốc là liệu mối quan hệ này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về hàng hải liên quan đến việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương hay nó còn có hàm ý về Biển Đông? Và hợp tác chiến lược giữa lục quân và không quân của hai nước Mỹ và Ấn Độ sẽ đến mức độ nào?
"Trung Quốc nghi ngờ quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ, cho rằng đó là một phần trong chính sách nhằm bao vây Trung Quốc", B. Raman, nhận xét. "Họ cũng muốn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh".
Tầm quan trọng của chuyến thăm cấp cao này không chỉ ở hình thức đón tiếp và thảo luận hay những chủ đề được hai bên đưa ra mà còn ở chỗ tạo điều kiện đánh giá ý đồ của đối phương tại các cuộc tiếp xúc không chính thức mà chuyến thăm tạo ra.
Các nhà phân tích cho rằng thời điểm của chuyến thăm phản ánh một phần nào mong muốn của Trung Quốc có quan hệ êm ả hơn với các nước láng giềng, trước thềm Đại hội đảng 18 của họ, bởi đó là lúc Trung Quốc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Sự kiện này, cùng với thực tế là chính phủ Ấn Độ đang trong lúc bận rộn đối phó vớí nhiều vấn đề về lập chính sách và chống tham nhũng, cho thấy khả năng cả hai bên sẽ chưa tập trung ý chí chính trị vào việc giải quyết ngay vấn đề hóc búa như tranh chấp biên giới.
"Có rất nhiều thứ mà cả hai bên cũng phải đề cập, cả về những vấn đề chiến lược lẫn thông thường", học giả Bhaskar của Viện Hàng hải Ấn Độ, nói. "Nhưng tôi nghĩ họ sẽ gác lại để giải quyết sau".
Theo VNE
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/trung-an-noi-lai-tinh-xua-20120911i510322/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.