Trong 10 tháng, Hà Nội phát hiện 1.263 trường hợp nhiễm HIV
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, trong 10 tháng năm 2020, Hà Nội ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV.
Tính đến 31/10/2020, Hà Nội đã phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước. Hà Nội là địa phương có số người nhiễm lớn thứ 2, sau TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân là 294 người/100.000 dân, đứng thứ 12 so với cả nước.
Trong 10 tháng, Hà Nội phát hiện 1.263 trường hợp nhiễm HIV (ảnh minh họa)
Theo bà Lã Thị Lan, trong 10 tháng năm 2020, Hà Nội ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV (giảm so với cùng kỳ năm 2019). Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020 chủ yếu là nam giới 78,7%; độ tuổi từ 15 – 25 chiếm 26,3% (tăng 8,1% so với năm 2010). Đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 22,5% (năm 2010) lên 74,5% (năm 2019) và 72,6% (10/2020).
Tỷ lệ lây qua đường máu giảm từ 70,5% (năm 2010) xuống 16,9% (năm 2020). Hai nhóm phát hiện nhiều nhất 10 tháng năm 2020 là vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV (35,2%) và quan hệ tình dục đồng giới (MSM) 33,1%. Nhóm tiêm chích ma túy chỉ còn 13,1%.
Theo baotintuc, về chương trình điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân, Hà Nội bắt đầu triển khai điều trị ARV từ năm 2004 tại Bệnh viện Đống Đa , với 50 bệnh nhân được điều trị từ 1 dự án do chính phủ Pháp tài trợ. Từ năm 2004 – 2018, nguồn thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm cho bệnh nhân điều trị ARV được hỗ trợ miễn phí chủ yếu từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét…
Bắt đầu từ năm 2019, thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm được chuyển giao dần từ miễn phí sang thực hiện thanh toán qua nguồn BHYT. Hà Nội đã mở rộng độ bao phủ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV trên địa bàn.
Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV được tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT cũng tăng dần năm 2019 là 1.929 người tại 5 cơ sở, đến 31/10/2020 là 2.259 bệnh nhân tại 13 cơ sở, chiếm 22% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
Theo bà Lan, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2021 (90% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV, 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Theo kinhtedothi, tính đến ngày 31/10/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống tại Việt Nam 211.981 người và bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong 103.462 người. Còn 10 tháng năm 2019, cả nước đã phát hiện được 8.479 người nhiễm HIV và 1.496 người nhiễm HIV tử vong. Số mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 (40,1%) và 30 – 39 (33,8%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (67,2%), qua đường máu (16,6%), mẹ sang con (1,8%) và còn lại không có thông tin đường lây truyền.
Bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng
Đặc biệt, đang trong mùa dịch Covid-19, một số người mắc sốt xuất huyết lo ngại đến bệnh viện, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong vì bệnh này. Tuy số ca bệnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thời gian gần đây, số người mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, đang trong mùa dịch Covid-19, một số người mắc sốt xuất huyết lo ngại đến bệnh viện, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Cách đây gần 1 tuần, chị Lê Thị Nhàn, ở Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội bị sốt 39 độ nhưng cứ nghĩ rằng bị sốt virus nên chỉ uống hạ sốt và bù dịch bằng orezon. Tuy nhiên, những ngày sau chị Nhàn vẫn bị sốt trở lại và 2 con của chị cũng có những triệu chứng tương tự. Sáng ngày 25/8, cả 3 mẹ con đến Bệnh viện Đống Đa khám, làm xét nghiệm và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Lúc đó tiểu cầu của chị Nhàn và con gái 14 tuổi bắt đầu hạ, tức là có dấu hiệu cảnh báo xuất huyết nguy hiểm.
Chị Lê Thị Nhàn cho biết, cách đây 2 năm, chồng chị cũng bị sốt xuất huyết: "Thấy nhà không có muỗi, nên gia đình tôi cũng không có thói quen ngủ màn nên tôi cũng không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Nhưng sau đó, tôi thấy người mệt, nằm lê lết cả ngày, người bứt rứt như kiến cắn, đi ngoài phân đen tôi cũng nghĩ có khả năng mình bị sốt xuất huyết".
Từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) điều trị nội trú 91 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc chỉ riêng trong tháng 8 là 39 trường hợp (chiếm hơn 42%).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, thời gian qua, thời tiết Hà Nội mưa nhiều, sau đó lại nắng gắt, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển nên số ca bệnh có dấu hiệu tăng lên. Thời điểm này đã bắt đầu mùa dịch sốt xuất huyết huyết và cao điểm sẽ từ tháng 9 đến tháng 11, vì thế người dân không được chủ quan.
"Bắt đầu từ ngày thứ 4 bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.
Tuy nhiên từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Người dân không tự ý truyền dịch, điều này rất nguy hiểm.
Lý do vì ở từng thời điểm, từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ phải điều chỉnh tốc độ truyền dịch nhanh hay chậm để tránh sốc. Chẳng hạn, từ ngày thứ 4, bệnh nhân có thể có rối loạn tăng tính thấm thành mạch, dễ xuất huyết nặng lên, rối loạn đông máu, nếu truyền dịch không cẩn thận có thể dẫn đến sốc, nhất là những người có cơ địa bệnh nền mạn tính. Đến giai đoạn hồi phục, cơ thể lại tái hấp thu dịch trở lại, lúc này bệnh nhân không nên truyền dịch mà nằm theo dõi tình trạng xuất huyết. Hay có những bệnh nhân máu cô đặc vì phải truyền ở tốc độ rất nhanh. Bệnh nhân có bệnh nền, mãn tính thì càng nguy hiểm", bác sỹ Nguyễn Thái Minh cho biết./.
3 mẹ con cùng nằm viện vì sốt xuất huyết Mới đầu thấy sốt cao, chị Nhàn (Đống Đa, Hà Nội) chỉ nghĩ bị sốt virus. Sau đó hai con cũng bị sốt, chị bị đi ngoài phân đen, thấy vậy cả nhà vội vàng đi khám và được chỉ định nhập viện. Đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội), 3 mẹ con chị Nhàn được bố...