Triều Tiên tiếp tục trì hoãn điều tra vụ người Nhật bị bắt cóc
Triều Tiên lại một lần nữa chọc tức Nhật Bản trong vụ người Nhật mất tích khi tiếp tục “xin” thêm thời gian để điều tra, khiến Tokyo phải tính đến chuyện áp dụng thêm lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Gia đình của nạn nhân trong vụ người Nhật mất tích – Ảnh: Reuters
Japan Times cho biết, ngày 3.7, Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh thông báo với phía Nhật rằng Bình Nhưỡng chưa thể cung cấp kết luận điều tra về vụ những người Nhật bị mất tích hồi những năm 1970-80 của thế kỷ trước. Những người này bị phía Nhật nghi ngờ là nạn nhân của những vụ bắt cóc.
Những người này bị bí mật đưa sang Triều Tiên, nhiều người trong số họ được cho là bị bắt để đào tạo, huấn luyện cho các chuyên gia của nước này trong những lĩnh vực Bình Nhưỡng cần và bị giữ lại đây.
Năm 2011, khi Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo, Triều Tiên và Nhật đặt vấn đề điều tra vụ này khi Bình Nhưỡng muốn thiết lập quan hệ với Tokyo trong nỗ lực thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo báo chí Nhật Bản, đến nay Bình Nhưỡng vẫn chưa hề đưa ra thông tin nào về vụ việc. Năm ngoái, Triều Tiên quyết định thành lập ủy ban điều tra đặc biệt nhằm thúc đẩy công tác điều tra, chủ yếu để làm yên lòng Nhật, và hứa sẽ có kết quả trong vòng một năm tính từ 4.7.2014.
Video đang HOT
“Tiếc rằng cho đến nay chưa có một nạn nhân bị bắt cóc nào được về nhà”, Japan Times trích phát biểu của ông Yoshihide Suga, Trưởng Văn phòng nội các Nhật trong cuộc họp báo hôm qua 3.7.
Đầu năm 2015, Bình Nhưỡng có đưa ra một bản báo cáo về vụ này nhưng chỉ đề cập đến những người Nhật sinh sống ở Triều Tiên một cách chung chung, trong khi Nhật muốn có kết quả điều tra về những người Nhật bị mất tích.
Japan News trích dẫn nguồn tin từ tờ báo tiếng Nhật Yomiuri Shimbun cho biết, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe rất tức giận và chỉ trích việc trì hoãn của Triều Tiên vốn đã tái đi tái lại nhiều lần trong vòng 4 năm qua.
Ngày 3.7, Thủ tướng Abe đã báo cáo việc này trước Quốc hội Nhật và cho biết đã chỉ đạo Ngoại trưởng Fumio Kishida và ông Eriko Yamatani, Bộ trưởng phụ trách vấn đề người Nhật bị bắt cóc, tìm giải pháp để thúc giục Bình Nhưỡng sớm kết thúc vụ việc, theo Japan News.
Cũng theo Yomiuri Shimbun, chính phủ Abe đang xem xét chương trình cấm vận mới và sẽ áp dụng nếu cuối tháng này Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra được kết quả cụ thể.
Hồi tháng 5.2014, Bình Nhưỡng đã thuyết phục được Tokyo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đơn phương trong lĩnh vực du lịch, và để đổi lại họ sẽ tiến hành điều tra vụ người Nhật mất tích. Đây là vấn đề được người dân Nhật rất quan tâm và từng là &’lá phiếu’ đưa Thủ tướng Abe bước chân vào nội các hồi năm 2006.
Đảng Dân chủ Tự do và gia đình của các nạn nhân trong vụ này càng thêm lo lắng mỗi khi Triều Tiên trì hoãn điều tra. Họ đang mất dần sự kiên nhẫn vì cho rằng không còn hy vọng những người mất tích còn sống sót. Chưa rõ có bao nhiêu người Nhật bị bắt cóc sang Triều Tiên, nhưng theo Japan Times thì có khoảng 17 người, 5 trong số đó đã được đưa về nước hồi năm 2002.
Bà Sakie Yokota, 79 tuổi, mẹ của Megumi Yokota, người được tin là bị gián điệp Triều Tiên bắt đi khi mới 13 tuổi, thúc giục chính phủ gây áp lực hơn nữa với Bình Nhưỡng. “Mỗi khi chúng tôi nghe nói việc đàm phán (về vụ bắt cóc) đang được tiến hành thì nó lại bị trì hoãn. Điều này đã từng xảy ra”, bà Yokota nói với Japan Times.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Người Nhật ồ ạt mang kim cương đi bán
Sức hấp dẫn của kim cương với người Nhật đã suy giảm cùng với sự lão hóa dân số và nền kinh tế đi xuống...Không còn hứng thú với những món trang sức gắn kim cương mua từ thời kinh tế đất nước hoàng kim, người Nhật đang mang những món đồ này đi bán với tốc độ kỷ lục.
Hãng tin Bloomberg cho biết, hoa tai và nhẫn kim cương là một phần không thể thiếu của thời trang cao cấp ở Nhật trong thập niên 1980 và 1990. Tuy vậy, sức hấp dẫn của kim cương đối với người Nhật đã suy giảm cùng với sự lão hóa của dân số và sự đi xuống của nền kinh tế.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật, nước này tuy không có mỏ kim cương nào và từng là quốc gia mua kim cương nhiều thứ nhì thế giới cách đây 1 thập niên, nhưng lượng kim cương xuất khẩu của Nhật từ đầu năm đến nay đã tăng 77%.
"Tôi muốn có tiền để đi du lịch và ăn uống hơn là cất nhẫn kim cương trong tủ", bà nội trợ Mitsuko, 64 tuổi, nói sau khi bán chiếc nhẫn kim cương 2 carat tại cửa hiệu Komehyo ở Tokyo. Không tiết lộ bán được chiếc nhẫn với giá bao nhiêu, Mitsuko chỉ nói số tiền bà nhận được là ít hơn số tiền đã bỏ ra cách đây 30 năm để mua chiếc nhẫn.
Với dân số giảm và số người hưu trí gia tăng, thị trường hàng đã qua sử dụng (second-hand) của Nhật được dự báo sẽ phát triển mạnh khi người dân đem bán những món hàng xa xỉ đã mua trong những năm kinh tế phát triển mạnh. Xu hướng này phù hợp với chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe về khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn, tiết kiệm ít đi nhằm vực dậy tăng trưởng.
Vào năm 2013, khoảng 25% dân số Nhật là những người trên 65 tuổi, tăng từ mức 12% vào năm 1990, theo Cơ quan Thống kê Nhật Bản. Đối với nhiều người như bà Mitsuko, bán đồ xa xỉ lấy tiền đồng nghĩa với việc loại bỏ những thứ không còn cần thiết để sống đơn giản hơn theo phương châm được gọi là "danshari". Một số người khác bán nữ trang để thực hiện phương châm "shukatsu", tức chuẩn bị cho cái chết của chính mình.
Từ năm 2009 tới nay, thị trường hàng cao cấp đã qua sử dụng ở Nhật Bản tăng trưởng đều đặn mỗi năm khoảng 10%, đạt doanh thu khoảng 12,1 tỷ USD. Cùng với đó, số cửa hiệu được phép giao dịch hàng đã qua sử dụng gồm kim loại quý, trang sức, quần áo... tăng 23% trong 10 năm trở lại đây, lên 741.045 hiệu.
Chuỗi cửa hiệu chuyên mua đồ cũ Komehyo thành lập ở Nagoya vào năm 1947 ban đầu có 5 cửa hiệu, đến nay đã có 24 cửa hiệu.
Đồng Yên suy yếu cũng khiến kim cương và nữ trang ở Nhật hấp dẫn hơn đối với du khách nước ngoài. Trong 12 tháng qua, đồng Yên đã giảm giá 18% so với USD.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu kim cương của Nhật đạt 38.032 carat, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu kim cương của nước này trong 4 tháng đạt 3,01 tỷ Yên, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ và Hồng Kông hiện là hai thị trường xuất khẩu kim cương lớn nhất của Nhật, mỗi thị trường chiếm khoảng 1/3 tổng lượng kim cương mà Nhật xuất khẩu.
Theo số liệu của công ty kim cương lớn nhất thế giới về doanh số De Beers, Trung Quốc là thị trường kim cương tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2014, sau Mỹ. Nhật Bản - nước mua nhiều kim cương thứ nhì thế giới trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - hiện tụt xuống vị trí thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo VnEconomy
Gần 60% người Nhật phản đối dự luật về quyền phòng thủ tập thể Số người phản đối dự luật an ninh liên quan đến quyền phòng thủ tập thể của Nhật Bản tiếp tục tăng. Người dân Nhật Bản hôm 14/6 biểu tình phản đối dự luật về quyền phòng thủ tập thể ở Tokyo. Ảnh: AP Tỷ lệ người Nhật Bản phản đối gói dự luật an ninh do chính phủ nước này đề xuất...