Triệt phá các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thời gian qua, ở Hà Nội nổi lên tình trạng người sử dụng điện thoại thông minh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại bằng thủ đoạn lừa cài ứng dụng có chức năng tự động nhắn tin ngầm tới các dịch vụ đầu số. Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) CATP.Hà Nội đã triệt phá các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo với thủ đoạn tinh vi, bắt giữ nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng phạm tội là người nước ngoài.
Chiếm tiền tỉ từ nhắn tin ngầm
Theo PC50, hiện ở Việt Nam có 131 triệu thuê bao điện thoại di động, 15,7 triệu thuê bao 3G. Số người dùng internet ở Việt Nam khoảng 31 triệu (chiếm 34% so với tỉ lệ người dân). Có 8,5 triệu người dùng mạng xã hội facebook… Cả nước có 14.400 máy ATM, 116.700 điểm thanh toán tự động (POS), trên 62,4 triệu thẻ với 410 thương hiệu, 40 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet Banking, 9 tổ chức cung cấp hơn 1,3 triệu tài khoản ví điện tử, có 136 DN đã được cấp phép trong lĩnh vực thương mại điện tử. Những số liệu trên cho thấy, Việt Nam đang được coi là “mảnh đất màu mỡ” để tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động.
Nhóm tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã phát hiện được một số trang web như soundfest.com.vn và clickdi.com phát tán các ứng dụng di động không có nguồn gốc rõ ràng. Khi người dùng cài đặt thì các ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn ngầm với mức phí 15.000 đồng mà không thông báo cho chủ sở hữu thiết bị biết. Tính từ đầu năm 2014 cho đến thời điểm kiểm tra (cuối tháng 4.2014), những người điều hành trang web adrocket.vn đã thu lợi 850 triệu đồng của hơn 900 thành viên tham gia.
Tội phạm nước ngoài cũng tham gia lừa
Mới đây, hệ thống trang web adrocket.vn đã bị PC50 đánh sập. 4 đối tượng: Hà Xuân Tiến (SN 1991, quê ở Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam), Nguyễn Đức Lực (SN 1990, ở Thạch Thất, Hà Nội), Nguyễn Văn Tú (SN 1989 quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) và Trần Ngọc Hải (SN 1985 ở Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chủ sở hữu trang web adrocket.vn) có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 226b – Bộ luật hình sự đã bị bắt giữ. Qua điều tra, cơ quan CA xác định từ cuối năm 2013 đến nay, ổ nhóm các đối tượng nêu trên hoạt động có tổ chức, chiếm khoảng 2,1 tỉ đồng từ hơn 100.000 thuê bao điện thoại của trên cả nước.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, PC50 Hà Nội xác định trên địa bàn huyện Thanh Trì xuất hiện một nhóm người Trung Quốc thường la cà, gạ gẫm một số lái xe taxi các hãng có đặt máy máy chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng của ngân hàng gắn trên xe (POS) để được họ cho phép sử dụng thẻ tín dụng thanh toán khống cước taxi, sau khi rút được tiền sẽ “ăn chia”. Các trinh sát đã bắt quả tang Phương Quảng Thuận (SN 1983), Dư Chí Hùng (SN 1989), Lâm Bằng (SN 1975) và Trần Sách Kiến (SN 1978) – đều mang quốc tịch Trung Quốc – đang thực hiện hành vi phạm tội trên.
Hành tung của nhóm người Trung Quốc này được làm rõ: Vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) từ đầu năm 2014 với mục đích sử dụng thẻ tín dụng giả (thẻ Visa, Master có chứa thông tin tài khoản trộm cắp của người nước ngoài – “CC chùa”), thanh toán qua máy POS để rút tiền mặt. Chỉ tính từ giữa tháng 4 đến khi bị bắt, nhóm tội phạm người Trung Quốc này đã thực hiện 95 giao dịch quẹt thẻ, trong đó có 56 giao dịch thành công, chiếm trên 54 triệu đồng. Khám xét nơi ở của 4 đối tượng tại 2 khách sạn ở Tân Ấp, Phúc Xá (quận Ba Đình), cơ quan công an thu giữ nhiều thiết bị dùng để sản xuất thẻ tín dụng giả gồm: 1 máy tính xách tay có chứa các thông tin “CC chùa”, 1 máy ghi dữ liệu lên dải từ phôi thẻ tín dụng, 1 máy dập nổi thông tin trên thẻ tín dụng, 109 thẻ tín dụng các loại.
Thông qua các vụ việc vừa qua được dư luận quan tâm, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trong việc sử dụng các thẻ thanh toán điện tử, cảnh giác với các hoạt động lừa đảo trúng thưởng, khuyến mại qua các trang mạng xã hội .
Theo Lao Động
Có nên công bố 14.000 điện thoại bị nghe lén?
"Việc nghe lén bắt nguồn từ IMEI chứ không phải từ sim nên để không còn bị nghe lén, 14 nghìn trường hợp này chỉ còn cách thay máy".
Có nên công bố 14.000 điện thoại bị nghe lén?
Chiều 1/7 Công an Hà Nội và Sở TT&TT đã thông tin với báo chí về vụ Công ty Việt Hồng tổ chức nghe lén 14 nghìn điện thoại.
Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội cho biết, linh kiện để thực hiện hành vi này được rao bán công khai trên mạng và ở ngoài chợ. 3 tháng trước, Công an thành phố Hà Nội đã bắt một cơ sở kinh doanh điện thoại ở quận Đống Đa, thu trên 700 thiết bị về camera, nghe trộm, ghi hình, cài đặt. "Giám đốc Công an Hà Nội đang chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt với lực lượng hải quan, quản lý thị trường, cửa khẩu để ngăn chặn thiết bị này. Hiện vẫn chưa có chế tài xử lý vì người ta nói đó là đồ chơi, phục vụ cho việc giám sát con cái trong việc học hành mà không có ý đồ xấu".
Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, thời gian tới Công an thành phố Hà Nội sẽ làm quyết liệt xử lý người kinh doanh mua bán thiết bị này. Sáng cùng ngày, giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tất cả các lực lượng phải rà soát lại toàn bộ các đơn vị kinh doan trên địa phương, rà soát lập hồ sơ báo cáo ngay, nếu có vi phạm sẽ triệt phá ngay trong thời gian tới.
Theo quy định không một cơ quan đơn vị nào được phép nghe lén về những vấn đề liên quan đến đời tư cá nhân cả, trừ những trường hợp đặc biệt được cho phép. Đặc biệt không chỉ người tổ chức nghe lén mà ngay cả người đi thuê để nghe lén cũng đều vi phạm và đều phải xử lý, còn xử thế nào cần phải xem xét.
Qua kiểm tra 40 điện thoại đầu tiên bị nghe lén, ông Dương Văn Giáp cho biết, phần lớn các trường hợp này để liên quan đến đời tư, chứ chưa liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là lời cảnh tỉnh cho những công ty viết bán phần mềm. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên đi thuê người khác cài phần mềm nghe lén điện thoại của người khác vì điều này cũng là vi phạm pháp luật.
Đối với trách nhiệm của nhà mạng hiện giờ chưa có căn cứ xử lý. Việc xử lý thế nào phải điều tra xem trách nhiệm đến đâu. Bên cạnh đó đến giờ vẫn chưa có căn cứ nào chứng minh giám đốc Công ty Việt Hồng có liên quan đến vi phạm trong vụ án này.
"Việc xử lý từng trường hợp cụ thể thế nào còn tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan điều tra còn phải trích máy chủ xem nội dung các cuộc nghe lén đó thế nào. Tòa sẽ xác định khung hình phạt của từng đối tượng".
Trả lời câu hỏi của phóng viên có nên công bố công khai 14 nghìn điện thoại bị nghe lén, ông Giáp cho biết đây là vấn đề tế nhị. "Nếu vợ hoặc chồng biết mình bị nghe trộm sẽ bỏ nhau luôn. Có công bố hay không phải xin ý kiến của lãnh đạo".
Theo trưởng đoàn thanh tra Công ty Việt Hồng, bà Trần Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc tổ chức nghe lén điện thoại được thực hiện qua IMEI chứ không phải sim điện thoại nên trường hợp thay sim vẫn bị theo dõi. Do vậy muốn không bị theo dõi chỉ còn cách thay máy điện thoại.
Việc cài đặt nghe lén thường được thực hiện theo 3 cách: Phần mềm này đã tồn tại từ trước khi đến tay chủ sở hữu máy điện thoại; chủ sở hữu bị chiếm dụng trong thời gian rất ngắn; trong quá trình sử dụng có thể do bất cẩn, tải phần mềm không rõ nguồn gốc. Bộ Thông tin và Truyền thông đang có dự thảo Luật an toàn thông tin sẽ khắc phục được tình trạng này.
Để bảo quản thiết bị của mình, bà Huệ khuyến cáo chủ thuê bao điện thoại nên quét phần mềm gây hại, không tải phần mềm không rõ nguồn gốc trên các kho dữ liệu trên mạng.
Theo Xahoi
Tin bạn chat mới quen, hai mẹ con mất cả tình lẫn tiền Quen qua mạng, cô gái bị gã trai lừa về nhà, rồi cả hai vào nhà nghỉ ăn ở với nhau. Hết tiền tiêu, gã trai nghĩ ra cách gửi tin nhắn tống tiền mẹ cô gái qua điện thoại. Tin nhắn mà gia đình bà K nhận được của kẻ lừa đảo Cuộc điện thoại cầu cứu Chiều 14/6, cơ quan điều...