- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Tranh cãi cách con dâu mời cơm trong ngày đầu, sai ở đâu mà mẹ chồng “giận tím mặt”?
On 16/03/2022 @ 6:00 PM In Netizen
Các quy tắc ứng xử trên bàn ăn của người Việt quả là không đơn giản.
Mới đây trên một trang mạng xã hội, xuất hiện bài viết khiến dân tình bàn tán xôn xao xung quanh việc "Mời cơm như thế nào cho đúng" của cô gái trẻ trong ngày đầu về nhà chồng.
Cụ thể, trong bữa cơm đầu tiên cùng gia đình chồng, cô gái mời mọi người dùng bữa bình thường như bao bữa cơm khác. Hành động này tưởng chừng như một hành động thể hiện sự lễ phép rất đơn giản và không có gì lạ, tuy nhiên điều đáng bàn ở đây là cách cô gái mời.
Câu chuyện dở khóc dở cười về việc mời cơm của con dâu mới ngày đầu về nhà chồng. (Ảnh Blog Tâm sự)
Vậy, cách cô gái mời cơm có vấn đề gì mà khiến mẹ chồng phản ứng gay gắt đến vậy? Cách mời như thế này sai ở đâu? Bên dưới phần bình luận của bài viết, rất nhiều người đã đưa ra quan điểm.
"Người Bắc là phải mời từng người trong gia đình, nếu nhà có cỗ mới được mời chung là: Các bác xong đến các cô, các chú, các dì."
"Mời thế là sai rồi, làm sao người trong nhà đều như nhau, bằng vai phải lứa hết được. Còn có ông bà, bố mẹ, anh chị... Nhà có 2 vợ chồng với con như thế thì được chứ đây phải mời lần lượt từ trên xuống dưới."
"Mời cả nhà ăn cơm thường là câu mời của bề trên. Còn phận con cháu thì phải mời rõ ràng, không được gộp như vậy."
Bên cạnh các ý kiến lý giải, nhiều người cũng cho rằng người mẹ chồng quá gay gắt. Việc cô gái mời như thế này cũng không có gì là quá sai trái, có lẽ chỉ là chưa biết với nếp sống gia đình nhà chồng, chỉ cần nhẹ nhàng nhắc nhở để sửa là được.
"Theo tôi mẹ chồng nói vậy không nên, vì dâu mới nhập gia nhưng chưa nhập tục. Để lúc nào đó nói cho con hiểu lễ phép gia phong thì hay hơn."
" Thật ra thì cũng không sai, nhưng tuỳ gia đình mỗi người quan niệm khác nhau, mẹ chồng nên từ từ chỉ bảo con dâu mới."
Mời cơm là một trong những quy tắc ứng xử của văn hóa Việt thể hiện phép lịch sử với những thành viên trong gia đình trên bàn ăn. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, việc mời trước khi ăn cơm là tục lệ, một trong những quy tắc ứng xử đã có từ xa xưa của người Việt. Nó thể hiện phép lịch sự, sự tôn trọng những người lớn tuổi cũng như những thành viên khác trong gia đình có mặt trên bàn ăn.
Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, nhiều nét văn hóa đã có sự thay đổi, biến hóa cho phù hợp với thời đại nhưng những "nếp ăn" của người Việt vẫn được nhiều gia đình gìn giữ.
Cách dùng đũa
Đầu tiên, khi ngồi vào mâm cơm, trẻ con sẽ làm việc so đũa cho người lớn, chú ý đầu đũa có đúng hướng hay không. Sau bữa ăn, mọi người đặt đũa xuống ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch.
Đây là một nét tinh tế trong văn hóa dùng cơm của người Việt, nhưng sâu xa hơn đó thể hiện thái độ trân trọng với đôi đũa - vật dụng dân dã gắn bó với biết bao thế hệ.
Việc dùng đũa tưởng chừa đơn giản nhưng cũng có rất nhiều "nguyên tắc ngầm". (Ảnh minh họa).
Trong bữa ăn, mỗi người sẽ có một đôi đũa riêng, nhưng thức ăn trên bàn, trên mâm thì là của chung. Vì vậy, cần giữ ý tứ khi ăn chung mâm với mọi người.
- Không dùng đũa gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng, mà đặt vào bát riêng trước.
- Không dùng đũa khuấy vào bát canh chung, xới lộn đĩa thức ăn chung hay mút đầu đũa rồi nhúng vào bát nước chấm chung. Việc này để giữ vệ sinh và lịch sự với mọi người trong gia đình.
- Không cắm đầu đũa dựng đứng vào bát. Việc làm này giống như việc chúng ta đang thắp nhang cho người đã khuất hoặc dùng khi đặt cơm cúng. Vì vậy tuyệt đối bị kiêng kị.
Cách xới, gắp thức ăn cho người khác
Trong bữa cơm gia đình, chắc chắn sẽ có những lúc ta xới cơm hay gắp thức ăn cho ông bà, bố mẹ. Việc làm này thể hiện sự quan tâm và yêu thương mọi người.
Về cách xới cơm, tưởng là dễ nhưng lại có những quy tắc mà không phải ai cũng biết.
Khi xới, không được xới 1 lần vì đây là cách dùng cho cơm cúng. Cơm phải vừa 2/3 bát, không được quá đầy hay quá ít. Nếu xới quá đầy sẽ có phần bất lịch sự, vì người được xới cho sẽ bị hiểu nhầm là tham ăn và cũng gây khó cho việc gắp các thức ăn khác.
Xới cơm không được xới 1 muỗng, không được xới quá đầy hay quá vơi. (Ảnh minh họa)
Nếu bạn muốn gắp thức ăn cho người khác, hãy sử dụng một đôi đũa khác hoặc đảo đầu đũa để đảm bảo vệ sinh và lịch sự hơn nhé.
Cách dùng bữa
Trong lúc dùng bữa cùng nhiều người, người Việt cũng có những quy tắc ứng xử để đảm bảo sao cho lịch sự nhất, đặc biệt là khi gia đình có khách.
Như đã nói ở trên, bát và đũa có thể là vật dụng riêng nhưng những đĩa thức ăn trên bàn thì là của chung. Vì vậy, mỗi khi định chọn một món ăn gì, hãy xem thật kỹ và đưa đũa xuống gắp ngay lập tức, tránh việc xới lộn hay lật qua lật lại đĩa thức ăn. Việc là này vừa mất vệ sinh vừa gây mất thiện cảm với người khác.
Chú ý những nguyên tắc ứng xử khi dùng bữa giúp cả nhà dùng bữa ngon miệng hơn. (Ảnh minh họa)
Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói, cũng không được thổi đồ ăn nóng mà phải múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa. Khi nhai, tối kỵ chép miệng hay tạo ra tiếng ồn khi ăn.
Dù là người trong gia đình hay khách đến chơi nhà, cũng nên tránh chê bai món ăn, bởi bất cứ câu chê nào cũng khiến người đã bỏ công sức nấu nướng cảm thấy thất vọng.
Tổng hợp
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/tranh-cai-cach-con-dau-moi-com-trong-ngay-dau-sai-o-dau-ma-me-chong-gian-tim-mat-20220316i6357577/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.