Trang phục đậm chất Mỹ của tân Đệ nhất phu nhân Biden
Chiếc váy màu trắng ngà của tân Đệ nhất phu nhân Jill Biden được ca ngợi vì thêu những bông hoa của tất cả các bang và vùng lãnh thổ Mỹ.
Bà Jill đã khéo léo thể hiện hy vọng về một nước Mỹ đoàn kết khi diện trang phục của nhà thiết kế Gabriela Hearst trong sự kiện khép lại ngày nhậm chức 20/1. Trong chương trình đặc biệt “Chúc mừng nước Mỹ” tối hôm đó do tài tử Tom Hanks dẫn dắt, phu nhân tân tổng thống Joe Biden mặc chiếc áo khoác màu trắng ngà làm từ chất liệu len cashmere và váy lụa cùng tông, đều được thêu những bông hoa nhiều màu sắc, theo thông cáo báo chí từ nhà thiết kế.
Bà Jill còn đeo thêm găng tay da cũng do Hearst chuẩn bị riêng. Hearst, sinh ra ở Uruguay, cũng là người thiết kế chiếc áo khoác của Ashley, con gái bà Jill, trong lễ nhậm chức sáng đó tại Đồi Capitol.
Tân tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tại Nhà Trắng tối 20/1. Ảnh: AFP.
Trong một bài đăng trên Instagram, nhà thiết kế chia sẻ chi tiết về ý nghĩa của trang phục đặc biệt này.
“Bông hoa bang Delaware được đặt ở vị trí trái tim của Đệ nhất phu nhân nhằm vinh danh quê hương của gia đình Biden. Từ đó, tất cả những bông khác tỏa ra, mỗi bông hoa mất khoảng 2-4 giờ để thêu”, Hearst cho biết, thêm rằng bộ trang phục được làm hoàn toàn tại thành phố New York .
Chiếc áo khoác còn có một thông điệp truyền cảm hứng được thêu tay trên lớp lót, đó là câu nói của nhà lập quốc Benjamin Franklin: “Bảo thì sẽ quên, nhưng dạy thì sẽ nhớ. Hãy nhận tôi và tôi sẽ học hỏi’. Hearst cho hay dòng chữ này là biểu tượng cho “nghề nghiệp và sự cống hiến suốt đời của Tiến sĩ Biden trên tư cách là một nhà giáo dục”.
Gia đình tân tổng thống Mỹ Joe Biden tối 20/1. Ảnh: AFP .
Bà Jill từng mặc nhiều thiết kế của Hearst trước đây, đáng chú ý nhất là một chiếc váy lụa màu xanh vào 3 dịp khác nhau, trong đó có cuộc tranh luận tổng thống năm 2020. Thương hiệu thời trang ở New York này cũng được nhiều người nổi tiếng tin tưởng lựa chọn, như công nương Anh Kate Middleton và Meghan Markle.
Trong buổi lễ nhậm chức Đồi Capitol, tân đệ nhất phu nhân mặc váy và áo khoác dáng dài màu xanh nước biển của thương hiệu Markarian, thể hiện niềm tin và sự ổn định.
Vào lần xuất hiện đầu tiên ở Washington tối 19/1, bà diện chiếc áo khoác và váy màu tím kèm đai nhung trong bộ sưu tập thu đông 2021 nhà thiết kế Jonathan Cohen nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của đại dịch Covid-19.
Tân tổng thống và đệ nhất phu nhân Mỹ đến Nhà Trắng ngày 20/1. Ảnh: AFP .
Việc lựa chọn những bộ cánh thanh lịch và mang nhiều thông điệp ý nghĩa cho thấy bà Jill có thể sẽ tin tưởng các nhà thiết kế thời trang Mỹ trong 4 năm tới, giống người tiền nhiệm Michelle Obama.
Châu Âu chờ đợi 'bình minh mới' với Tổng thống Biden
Liên minh châu Âu chờ đợi một "bình minh mới" với đối tác truyền thống là Mỹ. Trong khi đó, đối thủ của Mỹ như Iran không giấu được sự vui mừng khi ông Trump mãn nhiệm.
Sau lễ nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden ngày 20/1, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng ca ngợi "bình minh mới" trong quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng sau bốn năm ông Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ, tình hình thế giới đã thay đổi.
Tổng thống Joe Biden cùng Đệ nhất Phu nhân Jill Biden xem pháo hoa sau lễ nhậm chức từ ban công Nhà Trắng ngày 20/1. Ảnh: Reuters .
Các đối thủ nghĩ gì?
Chính phủ Trung Quốc không đưa ra bình luận nào về lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, tháng 11/2020, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng ông Biden thắng cử.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng chúc mừng ông Biden và cho biết Trung Quốc mong muốn thúc đẩy "sự phát triển ổn định và vững chắc trong quan hệ hai nước, cùng giải quyết các thách thức toàn cầu về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và tăng trưởng".
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc mạnh dạn hơn trong việc nói lời tạm biệt với ông Donald Trump. "Đi luôn nhé, ông Trump", Tân Hoa xã viết trên Twitter.
Tờ China Daily cho biết mối quan hệ song phương có thể sẽ "ổn định hơn và mang tính xây dựng" dưới thời ông Biden. Tờ báo này cũng nói ông Biden là người "mềm dẻo hơn".
Trước buổi lễ ngày 20/1, chính phủ Trung Quốc tuyên bố muốn hợp tác với chính quyền mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng công bố các biện pháp trừng phạt với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và 27 quan chức khác của chính quyền ông Trump.
Tại Nga, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kêu gọi Moscow và Washington cải thiện quan hệ.
"Tình trạng hiện tại của mối quan hệ này là rất đáng lo ngại", ông Gorbachev cho biết. "Nhưng điều này cũng có nghĩa là phải làm gì đó để bình thường hóa quan hệ. Chúng ta không thể tự thu mình lại".
Trong số những quốc gia đối đầu trực tiếp với Mỹ, Iran không bỏ lỡ cơ hội ăn mừng sự ra đi của ông Trump, Guardian đưa tin. Nước này đã nhiều lần kêu gọi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
"Hôm nay là ngày cuối cùng trong triều đại đáng lo ngại của ông ta", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani mong muốn chính phủ Mỹ quay lại với các cam kết quốc tế. Ảnh: AP .
"Chúng tôi mong đợi chính quyền Biden quay lại tuân thủ luật pháp và các cam kết của mình", tổng thống Iran nói.
Chính quyền của ông Biden cho biết họ muốn đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran mà ông Trump đã rút khỏi vào năm 2018. Để làm điều đó, Mỹ yêu cầu Iran tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận này.
Châu Âu ca ngợi "bình minh mới"
Ngày 20/1, đại diện của chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan tại Mỹ Hsiao Bi-khim đã tham dự lễ nhậm chức tổng thống. Đây là nhà ngoại giao Đài Loan đầu tiên làm điều này từ năm 1979. Bà Hsiao nói rất "tự hào" khi được tham dự buổi lễ.
"Tôi mong muốn được hợp tác với chính quyền mới trong việc thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung của chúng ta", bà Hsiao cho biết.
Châu Âu cũng thể hiện sự vui mừng.
"Bình minh mới ở Mỹ là khoảnh khắc mà chúng tai đã chờ đợi từ rất lâu. Một lần nữa, sau 4 năm dài, châu Âu lại có một người bạn trong Nhà Trắng", Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói với các thành viên của Nghị viện Châu Âu.
Tuy nhiên, bà Von der Leyen nói châu Âu không nên nhẹ nhõm trong sự ảo tưởng vì dù "Trump chỉ còn là lịch sử, những người ủng hộ ông vẫn ở đó".
Bà Ursula von der Leyen nói châu Âu đã chờ đợi "bình minh mới" ở Mỹ từ lâu. Ảnh: AFP .
Liên minh châu Âu (EU) đã mời ông Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp cấp cao nhất của NATO khi ông sẵn sàng.
Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, kêu gọi Mỹ ký kết "một hiệp ước mới" để thúc đẩy hợp tác đa phương, chống Covid-19, giải quyết biến đổi khí hậu và viện trợ cho việc phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người có quan hệ thân thiết với ông Trump, cho biết ông mong được hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Biden.
"Trong cuộc chiến chống Covid-19, chống biến đổi khí hậu, lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nền dân chủ, các mục tiêu của hai nước đều giống nhau. Hai nước sẽ hợp tác để đạt được mục tiêu", ông Johnson phát biểu.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông "rất nhẹ nhõm" với lễ nhậm chức của ông Biden. Ông Steinmeier cũng ca ngợi đây là "một ngày tốt lành cho nền dân chủ".
Ông Steinmeier cũng nói việc chuyển giao quyền lực cho ông Biden mang đến "hy vọng rằng cộng đồng quốc tế có thể hợp tác chặt chẽ hơn". Ông cho biết Đức rất mong "một lần nữa được biết rằng chúng tôi có Mỹ bên cạnh với vai trò là đối tác không thể thiếu".
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết đất nước của ông đang "trông chờ nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden và sẽ bắt đầu làm việc ngay lập tức với chính quyền này".
Ông Conte cũng nói Mỹ và Italy có nhiều điểm chung trong chương trình nghị sự, bao gồm "hợp tác đa phương hiệu quả, biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số, thân thiện môi trường và hòa nhập xã hội".
Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết chiến thắng của ông Biden đại diện cho "chiến thắng của nền dân chủ trước phe cực hữu và 3 phương pháp của chủ nghĩa này - lừa dối quy mô lớn, chia rẽ quốc gia và lạm dụng, đôi khi là dùng bạo lực lên các thể chế dân chủ".
Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa, nước vừa nhận nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU, cho biết đã sẵn sàng làm việc với ông Biden "ngay từ ngày đầu tiên để tăng cường quan hệ EU - Mỹ".
Ông Costa cũng muốn tái khẳng định vai trò của NATO và củng cố các nỗ lực đa phương đối với biến đổi khí hậu, bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này hy vọng có thể tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời tổng thống mới của Mỹ.
Đồng thời, ông Stoltenberg nói thêm rằng thế giới phải đối mặt với "những thách thức toàn cầu mà không ai trong chúng ta có thể giải quyết một mình".
Mexico hoan nghênh Biden dừng xây tường biên giới Mexico hoan nghênh Biden dừng xây tường biên giới mà Trump tiến hành giữa hai nước, cũng như ca ngợi các cải cách nhập cư của ông. "Mexico hoan nghênh việc chấm dứt việc xây dựng bức tường, sáng kiến nhập cư ủng hộ DACA và lộ trình đưa đến hai quốc tịch", Ngoại trưởng Marcelo Ebrard đăng trên Twitter hôm 20/1. DACA...