Trắng đêm ở viện chăm con ốm
Nửa đêm các phòng Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng trưng, 2-3 bệnh nhi chung một giường, chân tay cột cố định vào thanh giường để phòng tránh kích thích.
Hơn một tháng nay, dãy hành lang trước phòng khám của Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đông đúc phụ huynh đưa con em tới khám bệnh sởi và tay chân miệng.
Tất tả đưa cháu ngoại 2 tuổi từ Tây Ninh lên thành phố tối 10/10, ông Lương Sơn Thanh kể: “Cháu tôi bị tay chân miệng đã 4 ngày nay. Các bác sĩ ở Bệnh viện Trảng Bàng khuyên phải đưa cháu xuống Sài Gòn điều trị nên cả gia đình mang theo đồ sinh hoạt cá nhân, cùng vào viện chăm sóc cháu”.
Trong phòng cấp cứu, các bệnh nhi tay chân miệng được bố trí nằm ghép và cố định vào giường để tránh kích thích. Khoa Nhiễm đang điều trị 155 trẻ tay chân miệng, 20 bé bệnh sởi.
Bác sĩ Hạnh Đan dùng máy đo nhiệt độ cho một bệnh nhi sởi. Theo bác sĩ Đan, những ngày này bệnh nhân tăng cao nên y bác sĩ và ca trực cũng tăng cường luân phiên. Trung bình một ca trực có 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng và một hộ lý.
Trên giường bệnh dài hơn 1,5 m, bé Như Ý (2 tuổi, phải) được bố trí nằm ghép với bé trai cùng tuổi. “Giường ít, bệnh nhân đông nên mình cũng phải thông cảm cho bệnh viện chút đỉnh”, bà ngoại bé chia sẻ.
Bé Nguyễn Lê Hoàng Khang (6 tháng tuổi) được điều trị tại phòng cấp cứu đặc biệt. “Bé nhập viện trong tình trạng bị sốt, ho và nổi phát ban. Tôi lo lắm vì thấy bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, dù đã 4 ngày rồi. Các bác sĩ nói phải tiếp tục theo dõi, điều trị”, chị Thùy Linh (huyện Bình Chánh), mẹ bé kể.
Video đang HOT
Trên giường bệnh, một phụ huynh vệ sinh mũi cho con gái để truyền thức ăn qua ống thở.
Những ông bố bà mẹ thức suốt đêm theo dõi bệnh tình của con.
23h, khu vực phòng cấp cứu vẫn sáng đèn, các điều dưỡng Kim Huệ, Mỹ Phương và Hoài Thương tất bật chuẩn bị dụng cụ y tế cho kíp trực đêm.
“Mỗi ca trực kéo dài 10-16 giờ, khá mệt mỏi và căng thẳng, nhất là vào mùa cao điểm dịch bệnh như hiện nay”, chị Kim Huệ gắn bó với nghề điều dưỡng hơn 20 năm, chia sẻ.
Cũng theo chị Huệ, vào những lúc cao điểm dịch bệnh, chỉ có đam mê, tình thương con trẻ là niềm an ủi với công việc, bởi tiền công cho mỗi ca trực chỉ 83.000 đồng.
0h, tranh thủ vãn bệnh nhân tới khám, các y bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhiễm ăn uống, nghỉ ngơi để lấy sức tại khu vực phòng chờ.
Hành lang bệnh viện được các gia đình bệnh nhi tận dụng làm nơi ăn ngủ về đêm.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ cuối tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện ở thành phố gia tăng nhanh, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước. 9 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 3.568 trường hợp tay chân miệng, 111 ca mắc sởi.
Để phòng bệnh sởi, ngành y tế TP HCM khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ bằng nước và xà phòng. Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên để không lây bệnh cho trẻ. Che miệng che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn vào thùng rác. Trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hay phát ban.
Thành Nguyễn – Cẩm Anh
Theo Vnexpress
Đêm cấp cứu trong tâm dịch sởi và tay chân miệng
Gần 23h ngày 9/10, một phụ nữ bồng bé gái đang sốt cao, người nổi nhiều mẩn đỏ, hớt hải chạy vào phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bé gái Thảo My 13 tháng tuổi, con của chị Nguyễn Thị Chi. Đây là lần thứ 3 chị ôm con vào bệnh viện, chỉ trong vài ngày. "Con mắc đủ thứ bệnh, phổi, sốt siêu vi, phát ban...", người mẹ vừa dỗ đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt vừa kể gấp gáp. Đứng bên cạnh chị là con gái lớn Kiều Tiên, 4 tuổi. Bé gái ánh mắt lo lắng luôn hướng về mẹ và em gái.
Chị Chi kể bố tụi nhỏ bỏ nhà đi, để lại chị và hai đứa con bơ vơ. Ba mẹ con dắt díu nhau từ Phú Yên vào TP HCM sống bằng nghề bán vé số đã gần 3 tháng nay.
Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sởi, phải nhập viện để theo dõi và tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.
Điều dưỡng khám và đo nhiệt độ cho bé Thảo My, chẩn đoán mắc bệnh sởi phải nhập viện. Ảnh: Nguyễn Thành
Cuối dãy phòng bệnh điều trị các bé bị tay chân miệng, chị Trần Thị Mơ 30 tuổi ở Tiền Giang đang ngồi quạt cho đứa con trai 2 tuổi. Bé tên Lê Trần Mạnh Hoan mới chuyển vào phòng bệnh sáng 9/10 sau một tuần nằm ở khoa Hồi sức.
Tay không ngừng xoa bóp cho con, chị Mơ kể về những ngày hai mẹ con căng thẳng ở viện: "Tối hôm đó bé sốt 40 độ, co giật, khóc suốt, người nổi đầy mẩn đỏ. Khám tại bệnh viện ở Tiền Giang, huyết áp bé cao tới hơn 160, lại còn bị bệnh tim nữa nên phải chuyển gấp vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu".
Tình trạng nguy kịch nên bé phải nằm điều trị cách ly ở phòng hồi sức tích cực, chị Mơ được thăm con 3 lần một ngày và mỗi lần chỉ 30 phút. Đều đặn sáng 5h, trưa 11h và chiều 17h, chị tranh thủ vào phòng hồi sức lau người vệ sinh cho con.
"Nửa tiếng thăm con ngắn ngủi, tôi lại đứng ở ngoài chờ tới lần thăm tiếp theo. Nhìn con qua cửa kính với dây truyền dịch cùng máy móc xung quanh người mà lòng nóng như lửa", người mẹ nghẹn ngào nhớ lại.
Sau một tuần điều trị, tình trạng bé có tiến triển nên được chuyển vào phòng bệnh. Bé cũng đã tỉnh, nhận ra bố mẹ và đòi về nhà.
Bé Mạnh Hoan đã dần tỉnh táo và nhận ra bố mẹ sau một tuần điều trị ở khoa Hồi sức. Ảnh: Nguyễn Thành
Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan cho biết bé Mạnh Hoan mắc tay chân miệng độ III, huyết áp cao, suy hô hấp. Bệnh nhi phải thở máy và đặt ống nội khí quản. Bé được điều trị hồi sức tích cực, tiêm thuốc an thần, lọc máu, đến sáng 9/10 tình trạng tạm ổn, tự thở lại nên được chuyển vào phòng bệnh để tiếp tục theo dõi.
Nằm cùng phòng bé Mạnh Hoan có nhiều bệnh nhi khác. 2-3 bé chung nhau một giường bệnh, tay chân được cột cố định vào thành giường để phòng tránh kích thích. Có bé nằm thiêm thiếp. Nhiều bé khóc suốt. Một bé có 2-3 người nhà chăm sóc, nét mặt ai cũng hằn lên vẻ lo âu mệt mỏi. "Con mệt bao nhiêu thì mình càng mất ăn mất ngủ bấy nhiêu. Cha mẹ chăm con ở đây gần như nhiều đêm mất ngủ, liên tục đo nhiệt, lau mình cho con", một người mẹ chia sẻ.
Ở cuối phòng cấp cứu khoa Nhiễm là một gian phòng nhỏ cách ly khoảng 4-5 bệnh nhi bị sởi đang phải thở máy và theo dõi nhịp tim tích cực. Trong số này có bé Đặng Gia Vỹ 17 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Hạnh Đan, bé Vỹ có bệnh lý nền là suyễn và động kinh nên diễn tiến bệnh nghiêm trọng hơn các trường hợp khác. Bé đã nằm ở khu cách ly gần 2 tuần, thở máy. Nhìn con trai mê man, người phát ban đỏ tấy, chị Lan Anh thở dài. Gần một tháng trước, bé bị co giật nên gia đình đưa vào nhập viện và điều trị ở khoa Thần kinh. Được hơn hai tuần, bác sĩ chẩn đoán bé bị sởi nên lập tức chuyển vào khu cách ly.
Mắc các bệnh lý nền bao gồm suyễn, động kinh nên tình trạng bé Gia Vỹ khá nghiêm trọng, được bác sĩ theo dõi tích cực. Ảnh: Nguyễn Thành
Quá nửa đêm, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn là không khí khẩn trương ngột ngạt với tiếng trẻ quấy khóc bởi cơn sốt hành hạ, tiếng dỗ con, tiếng quạt tay của những ông bố, bà mẹ... Đêm nay và nhiều đêm nữa, chị Chi, chị Mơ, chị Lan Anh và cùng hàng trăm cha mẹ khác tiếp tục cùng con chiến đấu với dịch bệnh sởi và tay chân miệng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số ca bệnh tay chân miệng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tăng đột biến từ hai tuần cuối tháng 9. Khoa Nhiễm đang điều trị 155 trẻ tay chân miệng, 20 bé bệnh sởi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8-9 hàng năm là mùa dịch tay chân miệng. Năm nay bệnh có sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71. Đây là chủng đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước năm 2011. Việt Nam hiện chưa có văcxin phòng bệnh tay chân miệng.
Cẩm Anh
Theo Vnexpress
10 điều cần biết để không mất mạng vì bệnh tay chân miệng Tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách chăm sóc để con không gặp biến chứng vì căn bệnh này. Cha mẹ biết gì về bệnh chân tay miệng? Bệnh chân tay miệng đang vào mùa cao điểm, 6 trường hợp đã tử vong. Dịch đang diễn biến phức...